Trao đổi - Phản biện » Kinh tế
4 dự án ngầm dưới bãi biển Nha Trang
(09:00:39 AM 17/01/2013)Mỗi dự án đang xây dựng hoặc chuẩn bị triển khai này đều được phép đào bãi biển Nha Trang xây các công trình ngầm: vũ trường, nhà hàng, quầy bar, bãi giữ xe...rộng hàng ngàn mét vuông nhằm phục vụ hàng chục ngàn lượt khách mỗi ngày đêm.
Ông Trương Kỉnh, trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang bao gồm cả phía đông các đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng và đại lộ Nguyễn Tất Thành. Còn theo quy định pháp luật, khi xây dựng dự án trên khu vực thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang thì phải có sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL.
Các vũ trường, trung tâm thương mại ngầm
Vùng bờ biển và mặt nước ở phía bắc cầu Trần Phú, đối diện với khu đồi Trường đại học Nha Trang, vừa thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang vừa thuộc danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòn Đỏ. Tháng 8-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Nha Trang Sao thực hiện dự án công viên vui chơi giải trí Nha Trang Sao tại khu vực này. Ông Ngô Văn Dũng, giám đốc Công ty cổ phần Nha Trang Sao, cho biết dự án đã được cấp giấy phép đầu tư (gồm 4,41ha đất bãi biển và 5,94ha mặt nước vịnh Nha Trang) và được sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL.
Cũng theo ông Dũng, dự án công viên vui chơi giải trí Nha Trang Sao có tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong quý 1-2013 và thi công trong vòng ba năm. Về thiết kế, toàn bộ phần đất bãi biển có chiều dài khoảng 700m sẽ được đào sâu làm tầng hầm kinh doanh siêu thị, nhà hàng, quầy bar, vũ trường, rạp chiếu phim, khu trò chơi điện tử...
Mặt trên tầng hầm bố trí làm công viên công cộng, trồng cây xanh, người dân và du khách có thể tự do ra vào công viên. Còn phía mặt biển vịnh Nha Trang sẽ được cải tạo bằng cách chở cát trắng từ Cam Ranh về đổ làm bãi tắm công cộng. “Chúng tôi còn có ý tưởng làm một chiếc cầu vồng nối từ đất liền ra danh thắng quốc gia Hòn Đỏ tương tự như cầu Thê Húc ngoài Hà Nội và đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý, nhưng Bộ VH-TT&DL đã bác phần này” - ông Dũng tiết lộ.
Cách dự án kể trên không xa, toàn bộ khu vực bãi biển thuộc ba nhà hàng Bốn Mùa tới đoạn đối diện khách sạn Nha Trang Plaza (đang xây) cũng đã được giao cho hai dự án khác.
Trong đó, dự án của Công ty cổ phần Hải Vân Nam chi nhánh Nha Trang làm chủ đầu tư hiện đã xây dựng xong phần thô một đường hầm, từ khách sạn Nha Trang Plaza băng qua đường Trần Phú để nối với một nhà hàng ngầm dưới công viên bãi biển Trần Phú. Nhà hàng ngầm (rộng hơn 1.500m2) cũng đang được gấp rút hoàn thành và sẽ được bố trí kinh doanh bar cà phê, sân khấu nhạc sống, nhà tắm nước ngọt...
Nằm liền kề với dự án trên là dự án nhà hàng Bốn Mùa. Ông Trần Hữu Liệu, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bốn Mùa Nha Trang, cho biết khu nhà hàng cà phê Bốn Mùa cũ sẽ được tháo bỏ để xây dựng một nhà hàng ngầm rộng 2.000m2 và cũng được bố trí làm vũ trường, quán bar và karaoke.
Bên cạnh đó là một khu vui chơi, mua sắm, ẩm thực rộng khoảng 3.800m2. Phía trên nhà hàng ngầm sẽ làm công viên công cộng kết hợp bể bơi và bán cà phê. Dự kiến dự án sẽ đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào tháng 6-2013 và hoàn thiện toàn bộ công trình vào năm 2014.
Các dự án trên đều nằm ở độ sâu 6-6,5m.
Bãi xe ngầm dưới lòng công viên Phù Đổng
Dự án ngầm thứ tư trên bãi biển Nha Trang là dự án công viên Phù Đổng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang quy hoạch kiến trúc công trình. Theo đó, khu phía bắc của công viên (hơn 10.000m2) được cho đào lên để xây dựng tầng hầm làm các khu trung tâm thương mại, bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng và năm đường xuống tầng ngầm này. Mặt trên của tầng ngầm bố trí đường đi dạo, cây xanh. Khu nam phía công viên rộng gần 14.000m2 thì bố trí các công trình: sân khấu biểu diễn, hồ bơi, nhà hàng, khu chợ đêm...
Ngày 15-1, ông Mai Văn Thắng, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa, cho biết hai dự án nhà hàng Bốn Mùa và Nha Trang Plaza đã được tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn dự án Nha Trang Sao thì phải chờ Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt. Thế nhưng, ông Thắng từ chối cung cấp thông tin về tác động và xử lý môi trường của các dự án ngầm vì: “Từ trước tới nay không cung cấp cho báo chí báo cáo đánh giá tác động môi trường, mà chỉ cung cấp khi công an yêu cầu để phối hợp điều tra, thanh tra”.
-------------------------------
Ý kiến
* PGS.TSKH Nguyễn Tác An (phó chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học tại Nha Trang):
Danh thắng quốc gia bị tổn thương
Muốn phát triển thì phải khai thác thiên nhiên, nhưng kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy khi làm việc đó phải tính toán cái được và cái mất sao cho hợp lý, chứ không thể bất chấp tất cả. Về dự án đào bờ biển vịnh Nha Trang để làm nhà hàng ngầm thì phải làm được ba việc: tổ chức không gian phát triển, đánh giá môi trường chiến lược, công bố để chuyên gia phản biện và người dân góp ý kiến. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Khánh Hòa chưa làm được việc đó. Khi làn da bị tổn thương mạnh mẽ thì cơ thể chúng ta không thể khỏe mạnh. Việc đào bờ biển của danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang để làm nhà hàng ngầm cũng tương tự như vậy.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc (nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa):
Phá vỡ không gian kiến trúc vịnh Nha Trang
Tôi phản đối việc đào bờ biển xây dựng nhà hàng ngầm. Trước đây từ Tỉnh ủy đến HĐND tỉnh Khánh Hòa đều khẳng định phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng sẽ không xây dựng những công trình kiên cố, mà để một không gian tự nhiên chỉ có cây xanh và vườn hoa phục vụ lợi ích công cộng. Những công trình kiên cố có trước đó như khách sạn Ana Mandara cũng đều có chủ trương thu hồi, tháo dỡ sau khi hết hạn cho thuê. Bờ biển đẹp như vậy mà đào bới lên rồi làm sao trả lại được hiện trạng ban đầu, làm sao có thể trồng cây xanh tốt ở trên một nền bêtông của nhà hàng ngầm? Nha Trang thiếu gì chỗ làm nhà hàng ngầm, tại sao lại ra bờ biển để làm? Đào sâu dưới lòng bờ biển như vậy là phá vỡ không gian kiến trúc vịnh Nha Trang, và trước sau gì cũng ảnh hưởng đến môi trường.
V.K. ghi
Bộ Tài nguyên - Môi trường: Phải xem xét thận trọng
Trước thông tin tỉnh Khánh Hòa cho phép triển khai một số dự án sử dụng đất bãi biển và mặt nước vịnh Nha Trang, đặc biệt là việc làm hầm tại khu vực bãi biển, ông Nguyễn Đăng Đạo - phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết tổng cục chưa có thông tin gì về những dự án này. “Hiện nay phía tỉnh Khánh Hòa cũng chưa có văn bản hay ý kiến tham vấn tổng cục về những dự án này. Nếu có thì tôi đã giao cho bộ phận chuyên môn xem xét” - ông Đạo nói.
Ông Đạo lưu ý: “Việc sử dụng bãi biển, đặc biệt là đào hầm ngầm ở khu vực bãi biển, cần phải hết sức thận trọng xem xét đầy đủ các yếu tố tác động, kể cả nguy cơ xói lở bờ biển. Hiện nay Vụ Kế hoạch của tổng cục đang nắm thông tin về các dự án. Khi có thông tin cụ thể, tổng cục sẽ giao Cục Quản lý khai thác của tổng cục căn cứ theo các quy định để có ý kiến cụ thể. Tuy nhiên, quan điểm chung là việc đào hầm ngầm ở bãi biển cần phải tính toán thận trọng”.
Liên quan đến dự án công viên vui chơi giải trí Nha Trang Sao, chiều 16-1 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định bộ chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. “Lãnh đạo bộ đã yêu cầu bộ phận chuyên môn kiểm tra nhưng chưa thấy có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này, vì vậy chưa thể nói về chuyện thẩm định” - ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, sơ bộ thì chưa có dự án nào ở Việt Nam thực hiện theo cách đào hầm ngầm ở khu vực bãi biển. Tuy nhiên, nếu có dự án ở Nha Trang triển khai theo hướng này, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đương nhiên sẽ phải xem xét thận trọng. “Phải có thông tin cụ thể của dự án thì bộ mới thành lập hội đồng thẩm định” - thứ trưởng cho biết. (XUÂN LONG)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
- Tín chỉ carbon trở thành ”tiền tươi thóc thật”
- Việt Nam đã nhận 1.200 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng
- World Bank hủy tài trợ ở Nha Trang, nhiều hệ lụy
- Chuyên gia lên tiếng về việc "xén" đất Vườn quốc gia Tam Đảo làm dự án
- Công trình hơn 200 phòng khách sạn trong Vườn quốc gia Tam Đảo là rất lớn
- Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
- World Bank cảnh báo gì khi hủy tài trợ 10 triệu USD tại dự án ở Khánh Hòa?
- World Bank hủy tài trợ 10 triệu USD dự án môi trường bền vững tại Nha Trang
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.