Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Chủ đầu tư nhắm mắt làm càn
(06:50:50 AM 23/12/2014)Chiều 22-12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp đánh giá và rút kinh nghiệm về công tác cứu hộ, cứu nạn trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Có dấu hiệu hình sự
Vụ cứu nạn được cho là rất thành công. Theo bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, nếu việc cứu nạn kéo dài thêm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của 2/12 nạn nhân. Khi đưa 2 người này ra thì huyết áp của họ tụt xuống rất thấp.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhìn nhận đây là một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. “Qua vụ việc này cần phải xem xét lại toàn bộ các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công xem có tuân thủ đúng quy trình hay không. Không thể để một tai nạn tương tự xảy ra” - ông Tiến yêu cầu.
Vụ sập hầm thủy điện đã phải huy động đến 700 người để cứu nạn
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện này. Ông khẳng định trong vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Có khởi tố vụ án hay không còn chờ kết luận điều tra. Trong vụ việc này, thiệt hại là rất lớn. Không chỉ ảnh hưởng đến 12 nạn nhân mà còn gây bức xúc trong dư luận, làm mất niềm tin của người dân. Chính vì vậy mà chúng tôi sẽ làm hết mình, khẩn trương, nhanh chóng để rõ vụ việc” - Thiếu tướng Sơn nhấn mạnh.
Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng việc phát hiện ra địa chất không bảo đảm mà nhà đầu tư vẫn để các đơn vị thi công là đã có vi phạm. “Chúng tôi điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc, mức độ thiệt hại cùng với việc giám định chất lượng từ khâu thiết kế, khâu khảo sát đến khâu thi công..., trên cơ sở đó sẽ khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật. Nếu vi phạm pháp luật phải xử lý, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó nhưng tinh thần là phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, từng tổ chức để xử lý theo pháp luật” - Thiếu tướng Sơn khẳng định.
Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đã lấy mẫu đất đá trong hầm đưa đi giám định nhưng chưa có kết quả. Vụ việc cũng đang được Công an tỉnh Lâm Đồng báo cáo lên Bộ Công an.
Cố đấm ăn xôi
Lần đầu tiên sau khi xảy ra sự cố sập hầm thủy điện, ông Nguyễn Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng), xuất hiện. “Thay mặt tổng công ty, tôi xin lỗi cán bộ, nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã gây ra một việc phức tạp” - ông Thăng nói.
Ông Thăng cho rằng đây là tai nạn bất khả kháng vì địa chất ở đây rất yếu. Trước sự cố sập hầm đã từng có lần sạt lở. Nhiều nhà thầu bỏ cuộc. “Nhà thầu thứ nhất là Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô vốn đầy kinh nghiệm đào hầm nhưng đã chào thua. Nhà thầu thứ hai là Vinaconex cũng rất giàu năng lực nhưng cũng vấp phải nhiều khó khăn. Tìm các phương án để đào nhưng không làm được... Địa chất ở đây chưa bao giờ đơn giản” - ông Thăng cho hay.
Thế nhưng bất chấp nguy hiểm, chủ đầu tư tiếp tục mời gọi các nhà thầu và Công ty CP Sông Đà 10 nhảy vào thi công đào hầm, còn Công ty CP Sông Đà 505 làm nhiệm vụ gia cố bê-tông. Ông Thăng nói về nguyên nhân vụ tai nạn: “Mưa chảy thẳng xuống các cốp-pha bằng gỗ được dựng trước đây hơn 10 tháng đã bị mục. Khi rung chuyển nên nó gãy, tụt xuống rất mạnh”. Ông cũng thừa nhận theo thiết kế ban đầu của phía Trung Quốc là đào hầm dài 2,2 km nhưng vì địa chất yếu, liên tục gặp sự cố nên chỉ đào 700 m nhưng vẫn bị sập. Ông cho biết thêm ngày 23-12, công ty sẽ tổ chức họp báo tại Hà Nội để nói rõ.
Thấy mất an toàn, sao không yêu cầu dừng?
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã chỉ trích chủ đầu tư không thể hiện vai trò của mình trong công tác cứu hộ cứu nạn khi sự cố xảy ra. Ông Việt cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra công trình của các cơ quan như Sở Công Thương, Sở Xây dựng và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng. “Nếu kiểm tra thấy địa chất yếu thì chúng ta dừng công trình, thấy mất an toàn cho người lao động chúng ta yêu cầu dừng thi công thì đâu có xảy ra sự cố này” - ông Việt phê bình. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các cơ quan này phải kiểm tra toàn bộ các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Sáng 22-12, 11 nạn nhân nam trong vụ sập hầm thủy điện đã được xuất viện về quê. Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cho biết riêng nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc vẫn phải được tiếp tục theo dõi, chỉ khi nào bình phục hoàn toàn mới được xuất viện.
Bộ Xây dựng muốn chủ trì giám định nguyên nhân
Ngày 22-12, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng đây là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân. Tuy nhiên, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tham gia hoạt động xây dựng công trình này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ai chi trả tiền cứu hộ, cứu nạn?
Mặc dù khi bước vào quá trình cứu hộ 12 nạn nhân, Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng yêu cầu rõ “chủ đầu tư - Công ty Long Hội - chịu trách nhiệm về tài chính và hậu cần cho cứu hộ” nhưng trên thực tế tại hiện trường, các đơn vị cứu hộ và UBND tỉnh Lâm Đồng đều phải tự chi kinh phí để thuê phương tiện và lo hậu cần.
Ông Nguyễn Tiên Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội, cho rằng đây là sự cố ngoài ý muốn nên ngoài chủ đầu tư thì đơn vị thi công phải chịu một phần kinh phí cho công tác cứu hộ.
Trong khi đó, ông Đặng Quang Đạt, Giám đốc Công ty CP Sông Đà 505, lại cho rằng công ty này chỉ chịu kinh phí cho những lực lượng tham gia cứu hộ mà đơn vị này mời vào. “Đó là các đơn vị tư nhân, cổ phần. Còn các lực lượng của nhà nước như công an, quân đội thì tôi nghĩ họ có kinh phí nhà nước về phòng chống thiên tai rồi, họ chi thôi. Mình chỉ cảm ơn là được!” - ông Đạt nói.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.