Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Vụ "9 lần vỡ đường ống nước sông Đà": 1.500 tỷ tiền “vỏ hến” được lời xin lỗi
(08:38:44 AM 18/07/2014)
Công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Cho đến hôm nay, đổi lại sự cố vỡ đường ống nước trị giá 1.500 tỷ lần thứ 9, dân Hà Nội chỉ nhận được hai chữ “đau xót” của ông Tổng giám đốc Vinaconex và ba chữ “hết kiên nhẫn” của lãnh đạo TP Hà Nội.
Như một cuốn phim truyền hình dài tập mà hơn 1 triệu dân Hà Nội phải xem suốt 6 năm nay, điệp khúc “vỡ đường ống, mất nước, sơ tán, chạy loạn, đảo lộn cuộc sống” đã lặp lại đến 9 lần. Nhưng phải đến tập thứ 9 thì mới có một cảnh “ép phê” nhẹ, đó là ông Lê Quý Hà- Tổng Giám đốc Vinaconex- đơn vị thi công đưa ra lời xin lỗi dân và cho biết ông thấy “đau xót”. Bên cạnh đó, cũng phải đến lần vỡ ống nước ở tập 9, lãnh đạo Hà Nội mới quyết định thổ lộ tâm trạng “hết kiên nhẫn” với đường ống nước sông Đà.
Xin thưa với các quý ông, dân chúng tôi đã hết kiên nhẫn với đường ống nước sông Đà từ lâu rồi, đã đau xót với chuyện phải bỏ tiền mua một thứ dịch vụ độc quyền chất lượng “lởm” nhưng coi khách hàng như cỏ rác từ lâu rồi. May sao đến lần vỡ ống nước thứ 9 này, dân chúng tôi mới nhận được sự đồng cảm, đau xót từ phía các đơn vị có trách nhiệm. Cảm xúc của các vị mới thật là muộn màng làm sao.
Một đường ống nước trị giá 1.500 tỷ đồng, mới đưa vào có 6 năm mà phải sửa chữa tới 9 lần, mỗi lần tốn kém cả tỷ đồng, chưa thấy bao giờ mà đồng tiền bị xem như vỏ hến đến vậy. Ai là người đã đứng ra nghiệm thu công trình này, ai là người đã trao giải thưởng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” vào năm 2010? Trách nhiệm cá nhân sẽ thuộc về ai?
Trong buổi giao bao báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Lê Quý Hà cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm đối với từng đơn vị, từng cá nhân cụ thể. Chỉ có điều, dự án triển khai từ năm 2003, những con người ấy để ngồi viết báo cáo giải trình, tự soi lại mình thì cũng cần phải có thời gian. Hơn nữa, khi kỷ luật một con người thì cũng phải thấu tình, đạt lý”.
Chao ơi, dân chúng tôi thì cần gì những bản báo cáo báo mèo giải trình, kiểm điểm rút kinh nghiệm của các vị, những thứ ấy vài thập kỷ qua đã thừa mứa chứa chan rồi. Sợi dây kinh nghiệm là loại sợi dài nhất, bao nhiêu ngành, bao nhiêu cấp cùng xúm vào rút mãi mà chưa thấy điểm cuối đâu.
Cái dân cần hiện nay là một chuyên án cần được điều tra nghiêm túc, để xem có hay không dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 165 về tội danh "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và Điều 285 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" như quan điểm của rất nhiều luật sư.
Nếu có hành vi vi phạm pháp luật, phải khởi tố, phải đưa ra tòa những ai đã gây nên cái họa này. Còn nếu chỉ là những vụ kiểm điểm rút kinh nghiệm sơ sơ để xoa xít dư luận, thì sẽ còn nhiều những hậu quả nghiêm trọng tiếp theo.
Bao nhiêu công trình chất lượng hư hại ngay khi mới đưa vào sử dụng do áp dụng công nghệ rẻ tiền của Trung Quốc đã làm nát đất nước, từ cầu cống, đường sá, dây chuyền sản xuất, máy biến áp điện cho đến đường ống dẫn nước. Mỗi ngày lại có thêm một bài học mới, mà chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm cá nhân, không thấy ai phải trả giá cho những quyết định sai lầm.
Tiền dân không phải là vỏ hến, nhưng rất nhiều dự án đã được thỏa sức tiêu tiền dân như vỏ hến. Người dân luôn nộp thuế đúng và đủ để duy trì bộ máy hành chính công, nhưng những dịch vụ công thì nhiêu khê trịch thượng. Để được sử dụng các món hàng độc quyền như xăng, điện, nước, với giá nào dân cũng phải mua, nhưng đổi lại là chất lượng của điện, nước trên thực tế chẳng ra gì.
Lời xin lỗi của ông Tổng Giám đốc khi đường ống vỡ tới lần thứ 9 là quá muộn màng, nhưng đó là tất cả những gì người dân có được cho đến lúc này, khi đang phập phồng chờ đợi xem cái đường ống bệ rạc đã mủn như áo rách đó còn vỡ đến lần thứ “n” nào nữa.
Khi không một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai hỏng, lãng phí, tốn kém trong các công trình, dự án, khi trách nhiệm không thể quy riêng cho ai mà chỉ chung chung là “cả hệ thống” như hiện nay, thì dân cứ yên tâm mà chờ xem phim truyền hình dài tập.
Gửi ý kiến bạn đọc về: Vụ "9 lần vỡ đường ống nước sông Đà": 1.500 tỷ tiền “vỏ hến” được lời xin lỗi
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.