»

Thứ bảy, 23/11/2024, 11:18:05 AM (GMT+7)

Trăm dâu đổ đầu… biến đổi khí hậu

(18:09:32 PM 19/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Cách đây hơn một thập niên, cụm từ “biến đổi khí hậu” còn khá xa lạ với nhiều người. Theo tốc độ lan truyền của thông tin đại chúng, đi cùng nhiều dấu hiệu bất thường của thời tiết ngày càng xuất hiện với tần số và cường độ cao hơn, vấn đề “biến đổi khí hậu và nước biển dâng” dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, hiện tượng này đã bị lợi dụng như một tấm chắn để bao biện cho những thất bại trong quy hoạch, xây dựng và quản lý của chính con người.

 

 

 
Do con người hay do biến đổi khí hậu? Ảnh: Trung Dũng 

 

 

Lo quá hoá hại

 

Rất nhiều văn bản, chính sách của chính phủ, các hội nghị, diễn đàn, tập huấn, chiến dịch truyền thông, dự án lớn nhỏ… liên tục nhắc đến cụm từ "biến đổi khí hậu" đã có những tác dụng nhất định đến sự chuyển biến nhận thức cho các nhà lãnh đạo chính quyền, cán bộ quản lý, giới khoa học, doanh nhân, các tổ chức xã hội dân sự và đến người dân. Hiện nay, khá nhiều kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là sự thay đổi tích cực giúp các địa phương và cộng đồng có những hoạt động ứng phó hữu hiệu nhằm hạn chế phần nào những đe doạ và thử thách tiềm ẩn trong tương lai và ở một mức độ nào đó, có thể tận dụng những lợi ích mà biến đổi khí hậu mang lại cho cuộc sống và sinh kế người dân. Song vừa qua, đã có một số báo cáo từ hội thảo, nội dung truyền thông hay bài báo vô tình lấy các thông tin cực đoan nhất từ các kịch bản phỏng đoán xấu nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tạo nên những hoang mang không cần thiết cho người dân hoặc tạo điều kiện cho những lời đồn thổi thiếu căn cứ về “ngày tận thế”. Những cảnh báo quá mức về nguy cơ từ biến đổi khí hậu còn dẫn đến ý tưởng hình thành những công trình vĩ đại, tốn kém kinh phí, nguồn lực và thời gian mà tính khả thi rất đáng ngờ.

 

 

 
Nhiều dòng sông bị bức tử vì nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chứ không vì hiện tượng biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Dũng 

 

 

Để che sai lầm

 

Biến đổi khí hậu đã được một số người dùng như là nguyên cớ để đổ vấy cho những sai lầm trong dự án của mình, đặc biệt khi xảy ra những hư hỏng công trình hoặc xuất hiện những sự cố làm mục tiêu quy hoạch bị phá hỏng. Nhiều công trình cầu đường do thi công ẩu tả, sử dụng vật liệu không đúng cách nên bị biến dạng và hư hỏng nhanh chóng cũng bị đổ do “biến đổi khí hậu”. Chuyện nhiều nơi san lấp vùng trũng, vùng ngập nước, xâm lấn kênh rạch, làm thu hẹp dòng chảy tự nhiên, hay bêtông hoá các khu đất trống, bãi cỏ để xây dựng nhà cửa, cao ốc, đường sá khiến nước mưa, nước thải không thoát đi được làm ngập úng đô thị nặng nề và kéo dài hơn cũng được biện bạch do "biến đổi khí hậu". Nhiều dòng sông bị bức tử từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt bị chặn lại bởi các con đập cao hay những hồ chứa khổng lồ khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn nghiêm trọng, nước mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền… cũng được cho là hậu quả của “biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. Nhiều khu rừng bị tàn phá, khai thác tận kiệt cho mục đích lấy gỗ, làm thuỷ điện, khai khoáng, mở rộng diện tích cư trú, canh tác… khiến lũ lụt hung hãn hơn và khô hạn khắc nghiệt hơn cũng được đổ vấy cho “biến đổi khí hậu”.

 

 

 
Nhiều con đập cao hay những hồ chứa khổng lồ đã khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn nghiệm trọng, nước mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền… Ảnh: Trung Dũng 

 

 

Cần bình tâm nhìn lại

 

Thực ra, hiện tượng biến đổi khí hậu rất phức tạp, nó không chỉ đơn thuần minh chứng từ những số liệu thống kê trung bình nhiều năm đang có sự thay đổi hay từ những kết quả kịch bản phát thải khí nhà kính. Biến đổi khí hậu là hiện tượng thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu do các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người ngoài sự thay đổi khí hậu tự nhiên. Nó là hệ quả tổng hợp một chuỗi tương quan đa tác nhân, cả về lý do tự nhiên và lý do nhân tạo: sự thay đổi tự nhiên theo chu kỳ của vị trí trái đất, sự bùng nổ dân số, chính sách phát triển nhanh kinh tế, thúc đẩy sự phát triển “nóng” công nghiệp, cơ sở hạ tầng làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhu cầu ngày một tăng về tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Diễn biến các thông số biến đổi khí hậu như nhiệt độ, ẩm độ, gió, mưa… thường xảy ra chậm và kéo dài nhiều năm, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan hay thiên tai bất thường như bão tố, lũ lụt, hạn hán sóng thần… liên quan đến sự nóng lên toàn cầu sẽ xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất xuất hiện lớn hơn như là một tác động kiểu cộng hưởng. Việc đánh giá các tác động của biến động khí hậu lên cơ sở hạ tầng, điều kiện thi công xây dựng, tình trạng ngập úng, ô nhiễm không thể võ đoán theo suy nghĩ chủ quan mà cần dựa vào các đo đạc chuẩn xác, các phân tích khoa học.

 

 

Chuyện không chỉ ở Việt Nam

 

Ngày 10.1.2013, chiếc đồng hồ Ngày tận thế (Doomsday clock) của nhóm các nhà khoa học nguyên tử của Mỹ thuộc trường đại học Chicago đã được vặn thêm một phút về hướng nửa đêm. Một số người cho rằng lý do điều chỉnh là sự đe doạ của biến đổi khí hậu. Thật ra, chiếc đồng hồ này được một số nhà khoa học lập ra từ năm 1947, hai năm sau thảm hoạ bom nguyên tử ở Nhật Bản, chỉ là một biểu tượng nhằm cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân chứ không liên quan gì đến biến đổi khí hậu.

 

 

TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – đại học Cần Thơ) / SGTT
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Trăm dâu đổ đầu… biến đổi khí hậu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI