(Tin Môi Trường) - "Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất; mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Ngày 4/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bắt đầu họp Hội nghị lần thứ năm. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý một số vấn đề liên quan đến nội dung của các báo cáo, đề án, có tính chất gợi mở, mong được các đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.
Tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về
đất đai, Tổng Bí thư nhấn mạnh,
đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của
đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Theo Tổng Bí thư, nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất (Ảnh: Quốc Chính).
"Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: "Lao động là cha,
đất đai là mẹ của của cải vật chất"; nhiều
người giàu lên nhờ đất,
nhưng cũng có không ít
người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất; mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực
đất đai", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về
đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo Tổng Bí thư, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững
đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau.
Tổng Bí thư yêu cầu các đại biểu tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực
đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng
đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến
đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực
đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?
Tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều
Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới - đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ năm (Ảnh: Quốc Chính).
Tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết là: Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển.
Theo Tổng Bí thư, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển.
Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu. Thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển còn chậm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu.
Lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho
người dân; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; mức đạt tiêu chí nông thôn mới ở những vùng khó khăn còn thấp; nhiều vấn đề xã hội phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng ở nhiều địa phương. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn yếu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bắt đầu họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung:
1. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
2. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
3. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
4. Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
5. Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
6. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.
(Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-nhieu-nguoi-giau-len-nho-dat-nhung-di-tu-cung-vi-dat-20220504101950787.htm)