Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Toàn văn báo cáo giải trình của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
(17:49:31 PM 15/06/2013)Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa đồng bào cử tri cả nước,
Được sự phân công của đồng chí Thủ tướng và thay mặt Chính phủ, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Tại Kỳ họp này, đã có 74 đại biểu Quốc hội gửi 160 phiếu chất vấn với 241 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Chính phủ trân trọng và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến trí tuệ, tâm huyết và có trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước nêu trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các câu hỏi chất vấn đã và đang được các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Trong hai ngày qua, đã có 3 Bộ trưởng trực tiếp trả lời và 7 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Sau đây, tôi xin báo cáo và giải trình thêm một số vấn đề mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
I. CẬP NHẬT TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 5 THÁNG ĐẦU NĂM
Trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; 5 tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm [1]; dư nợ tín dụng chuyển dịch theo hướng tốt hơn, tăng 2,98%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên [2]. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu tăng 15,1%, nhập khẩu tăng 16,8%. Vốn FDI đăng ký đạt 8,52 tỷ USD, tăng 8,9%; giải ngân đạt 4,58 tỷ USD, tăng 1,6%; giải ngân vốn ODA đạt 1,5 tỷ USD, bằng 31,3% kế hoạch cả năm, cao hơn so với cùng kỳ (25%). An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; công tác dạy nghề, tạo việc làm được đẩy mạnh. Kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu việc xâm nhập, lây truyền dịch bệnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được quan tâm, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; tiếp tục khẳng định và kiên định lập trường bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn, thách thức như báo cáo của Chính phủ và ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách, nhất là về tài khóa - tiền tệ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã đề ra.
II. TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH
Nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tôi xin báo cáo, giải trình bổ sung một số nội dung sau:
1. Về tín dụng, xử lý nợ xấu
Triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, thực thi các chương trình hỗ trợ nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, cá tra, tôm...). Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng đã vay. Tháo gỡ khó khăn, hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thị trường, cho vay tiêu dùng cá nhân, kích thích sức mua, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có thêm khoảng 40 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án đã được phê duyệt. Khẩn trương đưa Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động để tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao (trên 3%). Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thành lập công ty quản lý tài sản của mình để xử lý nợ xấu. Phấn đấu đến cuối năm, sẽ xử lý được khoảng 105 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.
Tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho thị trường bất động sản và tạo điều kiện nhà ở cho nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện hỗ trợ cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP với tổng số tiền dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này, phấn đấu đến hết năm 2013 giải ngân được khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội.
2. Về chính sách thuế và đầu tư phát triển
Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tổng số tiền thuế được giãn, hoãn, miễn, giảm trong năm 2013 ước khoảng 37,7 nghìn tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 1792/CT-TTg khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công; tập trung đầu tư, bổ sung kịp thời vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng. Phê duyệt các dự án và bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn [3]. Ưu tiên bố trí nguồn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ để góp phần tăng tổng cầu. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng phương án ứng trước vốn trong kế hoạch ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2014 để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2013. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA và vốn giải phóng mặt bằng của một số dự án hạ tầng quan trọng. Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 phương án phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ để đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên và một số công trình thủy lợi, y tế cấp bách. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng; tăng cường thu hút và đẩy mạnh giải ngân vốn ODA [4], phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 33 - 35% GDP vào năm 2015 [5].
3. Về thị trường và giải quyết hàng tồn kho
Thống nhất với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, thị trường là yếu tố quan trọng, quyết định sự sống còn đối với doanh nghiệp. Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp: xử lý nợ xấu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, đẩy mạnh cho vay kích thích sức mua, mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho [6]. Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện mạng lưới phân phối, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, xi-măng... Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển hệ thống chợ trên phạm vi toàn quốc, nhất là địa bàn nông thôn [7]; phát triển cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tại đô thị. Triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng hàng hóa [8]. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm kích cầu thị trường nội địa, góp phần giảm hàng tồn kho, tăng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Tăng cường xúc tiến thương mại theo từng thị trường, sản phẩm; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; tiếp tục thu mua tạm trữ nông sản xuất khẩu [9]; từng bước mở rộng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường quốc tế, hỗ trợ trong xử lý tranh chấp quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu. Thực hiện nghiêm việc kiểm định chất lượng, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan [10], cấp phép... nhằm tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng cạnh tranh, tìm đầu ra cho sản phẩm, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng nhập lậu; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại và sử dụng hàng rào kỹ thuật phù hợp để hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng không khuyến khích.
III. TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ
Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi xin báo cáo, giải trình thêm như sau:
Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là một quá trình lâu dài, phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc triển khai thực hiện cần có thời gian, hiện nay đang trong giai đoạn đầu. Thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực trọng tâm; tập trung tạo lập khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện thể chế phục vụ tái cơ cấu.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu đã đề ra; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả thực hiện. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015; nâng cao năng lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng.
IV. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THU - CHI NGÂN SÁCH
Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn có ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách nhà nước. Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát các lĩnh vực để tăng thêm nguồn thu, nhất là trong khai thác dầu khí, tài nguyên, khoáng sản, lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, buôn lậu; xử lý nghiêm các vi phạm. Đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý thu chi ngân sách. Phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch thu ngân sách năm 2013.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong sử dụng ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể phần chi trả lương) trong các tháng còn lại của năm 2013 [11]. Tiếp tục rà soát, kịp thời điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp; không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới mà chưa xác định được nguồn bảo đảm; hạn chế tối đa việc bổ sung kinh phí ngoài dự toán. Tăng cường kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ [12].
Về trung hạn và dài hạn, Chính phủ chỉ đạo bảo đảm cân đối ngân sách chủ động, tích cực trên cơ sở cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa gắn với cải cách hành chính, đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách đối với khu vực sự nghiệp công lập, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Nhiều bộ trưởng đã trả lời chất vấn tại hội trường về các vấn đề xã hội. Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung.
Thời gian qua, mặc dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng Chính phủ đã rất quan tâm thực hiện các chính sách xã hội.
Về giảm nghèo, luôn ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số [13], các địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư còn lớn. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; lồng ghép mục tiêu giảm nghèo vào các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan, các chính sách hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu, nhiều xã đã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, lúng túng, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm của từng vùng; quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, tạo chuyển biến về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, không chạy theo số lượng. Phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Về giải quyết việc làm, trong điều kiện kinh tế khó khăn, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, một bộ phận người lao động còn thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định; nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm; thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, kết nối cung - cầu còn hạn chế; xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý lao động xuất khẩu còn những bất cập. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhất là đào tạo đại học.
VI. VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM
1. Về an toàn giao thông
Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông gần đây vẫn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn còn cao, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, số người chết do tai nạn tăng hơn so với cùng kỳ [14].
Thực hiện nghiêm Nghị quyết 37 của Quốc hội, Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp đã đề ra. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm tốc độ, lấn đường, uống rượu bia, kiểm định phương tiện, đặc biệt là đối với xe khách trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Triển khai hệ thống thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vận tải, nhất là các cơ sở để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả thu hồi giấy phép. Khẩn trương triển khai, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Rà soát, xử lý các điểm đen thường xảy ra tai nạn. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Đổi mới công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với vùng nông thôn. Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng toàn dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
2. Về phòng chống tội phạm
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đã rất quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Chỉ đạo lực lượng công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; điều tra, xử lý nghiêm các băng nhóm nguy hiểm, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Qua đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm lộng hành trong thời gian dài tại một số địa phương cho thấy có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tội phạm. Tình trạng cướp giật tại một số địa bàn chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp về phòng, chống tội phạm. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phát huy và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm có hiệu quả; đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an; tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm. Kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để các đối tượng, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” lộng hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội.
Thưa Quốc hội,
Thay mặt Chính phủ và đồng chí Thủ tướng, tôi đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Chính phủ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giám sát thường xuyên của Quốc hội và nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2013.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Sau đây, tôi xin lắng nghe và trả lời câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.
*****
[1] Lãi suất huy động bình quân 6 - 7%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, 8 - 10%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên là 8-10%/năm, các lĩnh vực khác là 9 - 11%/năm đối với khối NHTM Nhà nước (11 - 12%/năm đối với khối NHTMCP).
[2] Trong 4 tháng, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng 4%, sản xuất hàng xuất khẩu tăng 5,74%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1%, công nghiệp hỗ trợ tăng 0,02%.
[3] Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013 - 2015; đã báo cáo Quốc hội về dự kiến Phương án phân bổ vốn đầu tư từ NSNN giai đoạn 2013 - 2015, dự kiến trong tháng 6/2013 sẽ thông báo mức vốn đầu tư 2 năm còn lại 2014 - 2015 để các bộ, ngành, địa phương chủ động dự kiến phương án phân bổ cụ thể.
[4] Dự kiến tháng 6/2013 ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường thu hút, chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực quản lý FDI. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2013/NĐ-CP theo hướng mở rộng thu hút nguồn vốn ODA, hài hòa thủ tục với các nhà tài trợ, tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng vốn ODA.
[5] Năm 2012 là 28,5%GDP.
[6] Hàng tồn kho tại thời điểm 01/5/2013 của ngành công nghiệp chế biến tăng 14,8% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn mức 16,5% tại thời điểm 01/3/2013.
[7] Hiện nay, trên địa bàn nông thôn có 6.721 chợ (chiếm trên 78% số chợ trong cả nước).
[8] Đến nay có 43/65 địa phương đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả.
[9] Đã hỗ trợ tín dụng thu mua 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông Xuân 2013 và tiếp tục hỗ trợ tín dụng thu mua tạm trữ 1 triệu tấn vụ Hè Thu 2013; đồng thời chỉ đạo rà soát lại và xây dựng Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo.
[10] Khẩn trương triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013) theo hướng giảm tần suất, thủ tục kê khai, nộp thuế, đẩy mạnh kê khai thuế, hải quan điện tử, nộp thuế qua ngân hàng, tự động hóa quy trình tiếp nhận thủ tục hành chính thuế, hải quan, phấn đấu giảm 10 -15% chi phí về thủ tục hành chính thuế cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
[11] Dự kiến tiết kiệm được khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
[12] Trong 5 tháng, KBNN đã thực hiện kiểm soát hơn 259 nghìn tỷ đồng chi NSNN. Thông qua công tác kiểm soát chi, đã phát hiện trên 23.850 khoản chi của 11.200 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng quy định và đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết; tạm dừng chưa thanh toán trên 318 tỷ đồng chi không đúng quy định.
[13] Giai đoạn 2006 - 2012, chi hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm bình quân tăng khoảng 20%, cao hơn mức tăng chi ngân sách bình quân cả nước.
[14] Trong 5 tháng, cả nước xảy ra 12.052 vụ, làm chết 4.163 người, bị thương 12.171 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ giảm 2.089 vụ (14,77%), số người bị thương giảm 3.047 người (20,02%), số người chết tăng 28 người (0,68%).
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.