Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia tầm nhìn đến năm 2030
(22:47:28 PM 20/07/2015)Việc xây dựng và đưa vào vận hành mạng lưới quan trắc hợp lý, hoạt động tương đối ổn định, lâu dài nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường cho các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế; phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước luôn là một nhiệm vụ rất cấp bách và quan trọng. Đây là nội dung Hội thảo Xây dựng dự thảo “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 20/7, tại Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo
* Những bất cập cần khắc phục
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: Ngày 29/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 16/2007 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020” (gọi tắt là Quy hoạch 16).
Theo đó, lần đầu tiên hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường đã được hệ thống hóa, lồng ghép, đảm bảo tận dựng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng qua 7 năm thực hiện, do cả yếu tố chủ quan và khách quan, cho đến nay Quy hoạch 16 đã bộc lộ một số bất cập, nếu không khắc phục kịp thời sẽ làm giảm khả năng phục vụ của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường.
Cụ thể là: Quy hoạch 16 chưa lường trước được tốc độ đô thị hóa quá nhanh, làm ảnh hưởng đến các trạm quan trắc. Từ năm 2007-2015, riêng lĩnh vực khí tượng thủy văn đã có tới 5 trạm khí tượng phải di chuyển vị trí, 1 trạm giải thể; 6 trạm thủy văn phải di chuyển, 3 trạm phải giải thể. Nhiều yếu tố, đối tượng quan trắc rất cần được quan trắc nhưng chưa có trong quy hoạch, nên khó khăn khi triển khai thực hiện trong thực tế. Một số mạng quan trắc chưa được xem xét và đưa vào quy hoạch như: Mạng lưới quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường biển; mạng lưới ra đa biển, trạm phao biển; Mạng lưới quan trắc tai biến địa chất và trược lở đất đá; Mạng lưới quan trắc tài nguyên đất; các trạm định vị vệ tinh và động lực.
Đặc biệt, mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn vừa qua xây dựng trên nền tảng là các mạng riêng rẽ, được hình thành vào nhiều thời kỳ khác nhau chủ yếu phục vụ nhu cầu của từng lĩnh vực. Nội dung quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước còn chồng chéo, trùng lặp. Cùng một nội dung quan trắc nhưng quy trình quan trắc và xử lý thông tin chưa thống nhất.
Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn phân tán do thiếu sự thống nhất trong quản lý và điều hành lực lượng quan trắc tài nguyên và môi trường. Một số yếu tố, đối tượng cần quan trắc chưa được đưa vào quy hoạch, như việc quan trắc phục vụ cho các mục đích ước lượng mưa, điều tiết hồ chứa, kiểm soát tài nguyên nước, nguồn nước xuyên biên giới.
So với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay và đến năm 2020, mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường hiện chưa đáp ứng được nhu cầu công tác quản lý nhà nước, còn thưa và chưa hợp lý. Đặc biệt là quan trắc khí tượng thủy văn ở những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; quan trắc ở các vùng kinh tế trọng điểm; vùng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như khu đô thị, làng nghề; quan trắc nước dưới đất ở vùng khai thác nước tập trung hoặc có nguy cơ thiếu nước. Đó là chưa kể tác động của biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn quốc.
* Quy hoạch lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực
Trên cơ sở Nghị quyết 24 ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; đồng thời căn cứ vào Nghị định 21/2013 ngày 4/3/2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành xây dựng “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trình bày dự thảo Quy hoạch, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Trung Lượng cho rằng: Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được giới hạn trong khuôn khổ mạng lưới quan trắc hoạt động tương đối ổn định, lâu dài và có thể kết hợp được giữa các lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, môi trường, biển, hải đảo và mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh, quan trắc địa động đất. Các trạm quan trắc mang tính đặc thù như quan trắc tài nguyên đất, quan trắc sạt lở đất đá sẽ được bổ sung theo từng đề án riêng.
Quan điểm xây dựng Quy hoạch là mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được quy hoạch, phải lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng được cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, trong đó mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn làm nòng cốt. Mạng lưới quy hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện. Đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ và thiết bị quan trắc, phân tích, truyền tin và xử lý thông tin theo hướng số hóa, tự động hóa trên cơ sở phát huy công nghệ trong nước và tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Từng bước đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2016-2020 nâng cấp và hiện đại hóa các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường hiện có. Xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 1/2 số trạm/điểm dự kiến xây mới. Trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2021-2025 hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm, điểm và yếu tố quan trắc mới trong Quy hoạch. Đưa mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia của Việt Nam đạt ngang trình độ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2030 hệ thống quan trắc này sẽ đạt ngang trình độ các nước trong khu vực.
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an, Tư pháp, Liên đoàn Lao động, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật…đã đóng góp những ý kiến xác đáng vào dự thảo “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tiêu biểu như dự thảo Quy hoạch đặt ra là không bao gồm các trạm quan trắc mang tính đặc thù, phục vụ riêng theo nhu cầu của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp là đã phù hợp hay không; vấn đề đào tạo, đạo tạo lại nguồn nhân lực; có cần thiết phải nâng cấp hoặc xây dựng thêm các phòng thí nghiệm quan trắc; tổng kinh phí đầu tư phát triển cho cả 3 giai đoạn lên tới 11.000 tỷ đồng có khả thi hay không…
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, cùng Ban soạn thảo bổ sung, hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2015.
Gửi ý kiến bạn đọc về: Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia tầm nhìn đến năm 2030
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.