(Tin Môi Trường) - “Người thích hợp nhất để kết hôn, theo đạo Phật là người mà chúng ta cảm thấy hài lòng. Khi đã chọn nhau rồi phải biết sau này nếu có gặp người nổi trội hơn cũng phải biết dừng lại, sống với những gì mình đã chọn”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ vừa ra mắt bộ ba quyển sách về tình yêu-hôn nhân gia đình và cả yếu tố tiền trong đó với các tên gọi rất “đời”: Gia đình: Tranh đấu hay buông xuôi; Hôn nhân: Chuyện thêm và bớt; Tháo dây oan trái. Đông đảo Phật tử, độc giả đã có mặt ở buổi ra mắt sách này.
Trải nghiệm tình yêu-hôn nhân theo cách riêng
. Phóng viên: Thưa Thượng tọa, tình yêu, hôn nhân là những vấn đề mà các nhà chùa và nhà sư theo đạo Phật thường né tránh, vì sao Thượng tọa viết sách về đề tài này?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Trong đạo Phật đề cập rất nhiều đến đề tài tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình, tháo bỏ oan trái. Rất tiếc là các loại kinh đó ít khi được giới thiệu đến cộng đồng Phật tử. Người ta nói đến đạo Phật thường chỉ nói đến giác ngộ, giải thoát mà thôi. Còn các vấn đề mà đức Phật quan tâm như cách giải quyết những khúc mắc để có gia đình hạnh phúc, làm thế nào để có tình yêu đúng đắn, giải quyết các vấn nạn trong gia đình đúng cách, qua đó thì vấn đề tình yêu sẽ được rộng mở lại ít được đề cập.
Tôi nhận thấy mình có trách nhiệm rọi ánh sáng vào để giúp giới trẻ quan tâm nhiều hơn, hiểu cách thương yêu, tháo mở, vun bồi, phát triển hạnh phúc gia đình. Một người con trong gia đình, ai cũng xứng đáng được trải nghiệm hạnh phúc có từ những điều đó. Cho nên tôi đã không ngần ngại nói trong gần 4.000 bài pháp thoại của mình ở khoảng 20 quốc gia trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Bà Dương Ngọc Hân - Tổng Biên tập SaigonBooks, Thượng tọa Thích Nhật Từ (giữa) - trụ trì chùa Giác Ngộ, TP.HCM và TS xã hội học Phạm Thị Thúy tại buổi ra mắt bộ sách.
Nguyên lý 5T để có hôn nhân hạnh phúc
. Thưa Thượng tọa, mình có thể sống hòa thuận suốt đời với người khác tôn giáo với mình hay không?
Việc tôn giáo khác biệt nhau là một vấn đề tự chọn, tự do được luật pháp bảo hộ. Đạo Phật không cấm hôn nhân khác tôn giáo, chỉ yêu cầu những người Phật tử đừng vì tình yêu mà đánh mất tôn giáo gốc của mình. Trong hôn nhân, trước khi người Phật tử thành vợ thành chồng với người kia, người Phật tử phải nói rõ quan điểm của mình, thuyết phục người vợ, người chồng tương lai tôn trọng sự lựa chọn giáo pháp. Xu hướng trong chuyện khác biệt tôn giáo này là đạo ai nấy giữ.
. Thưa Thượng tọa, làm thế nào tìm được người bạn đời thích hợp?
Để chọn được người hợp để tiến đến hôn nhân bền vững, tôi khuyên bạn trẻ những điều sau. Thứ nhất, các bạn cần tìm hiểu nhau thật kỹ, nếu chỉ quen nhau sơ sài một thời gian ngắn, nhất là quen nhau ở thế giới ảo, các bạn sẽ không biết được cá tính thật, thói quen thật của nhau, nhất là những thói quen tiêu cực. Vậy nên khi các bạn về sống chung với nhau sẽ dẫn đến con đường ly thân, ly dị. Mà không phải “chuyện tình đôi ta” chỉ có thế thôi đâu, nó kéo theo hệ lụy cho rất nhiều người khác. Thứ hai, Phật giáo khuyên người Phật tử nên kiếm người bạn đời cùng thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan để ít xảy ra mâu thuẫn, xung đột, thách đố. Thứ ba, nên tìm người cùng phẩm chất đạo đức, đừng có một người quá gia giáo chuẩn mực, một người quá buông thả thì khó bền vững. Thứ tư, phải có cùng sự hiểu biết, những sự yêu thương, buồn bực phải trên nền tảng sự hiểu biết quy luật cuộc sống, đời sống xã hội, hôn nhân… Lúc đó hai người sẽ dễ nương tựa nhau, hòa giải với nhau, tìm ra được mẫu số chung. Người thích hợp nhất để mình kết hôn, theo đạo Phật là người mà chúng ta cảm thấy hài lòng. Khi đã chọn nhau rồi phải biết sau này nếu có gặp người nổi trội hơn thì cũng phải biết dừng lại, sống với những gì mình đã chọn. Nếu làm được như vậy các bạn sẽ trải nghiệm được hạnh phúc gia đình.
. Có mẫu số chung nào cho những cuộc hôn nhân hạnh phúc như thế không, thưa Thượng tọa?
Tôi có một nguyên tắc 5T để tiến đến hôn nhân cho bạn trẻ. Thứ nhất là Tình, tức phải có tình yêu. Thứ hai là Tâm, phải có tâm, có tấm lòng thì chúng ta mới vượt lên những giới hạn khoảng cách. Thứ ba là Thuận, đó là sự hài hòa, hòa hợp, đoàn kết, gắn bó, tháo gỡ những oan trái. Thứ tư là Thương, phải tư duy cái thương trên nền tảng hiểu biết của Phật giáo. Thứ năm là Tiền, bởi nó mang tính thực tiễn, chuyện một túp lều tranh hai quả tim vàng theo tôi chỉ tồn tại trong tiểu thuyết, trong thực tiễn nếu tồn tại chỉ kéo dài được vài ba tháng thôi. Khi thêm yếu tố tiền vào nguyên tắc 5T trong tình yêu-hôn nhân gia đình, tôi muốn kêu gọi giới trẻ trước khi lập gia đình, các bạn nên có nghề nghiệp ổn định cả vợ lẫn chồng, đừng để lệ thuộc nhau về tài chính, các bạn sẽ thấy được việc vun đắp cho tổ ấm, gia đình là trách nhiệm chung, quyền lợi chung chứ không của riêng ai cả. Nếu đạt được 5T thì các bạn hãy tiến đến hôn nhân, nếu không thì cũng 4T chứ chỉ có 2T rưỡi mà các bạn đã tiến tới hôn nhân rồi thì sẽ không bền vững, chi bằng chúng ta chậm mà chắc.
. Xin cám ơn Thượng tọa.
Thượng tọa là người giàu kinh nghiệm thực tiễn
Nếu hỏi nhà sư làm sao có kinh nghiệm thực tế hôn nhân và gia đình thì thầy là người ngồi lắng nghe với nỗi thấu cảm của một người nghiên cứu sâu vào Phật học. Cái lòng từ bi giúp cho cách của thầy khi mà nghe tâm sự của Phật tử đi kiếm thầy với những giọt nước mắt, với những nỗi đau khổ được hóa giải. Và hôn nhân thì phải có sự an lạc từ bên trong để cởi bỏ sân hận. Đó là điều chúng tôi muốn trao gửi đến mọi người qua bộ sách của Thượng tọa Thích Nhật Từ.”
Bà Dương Ngọc Hân, Trưởng bộ phận biên tập SaigonBooks