»

Thứ bảy, 23/11/2024, 04:21:02 AM (GMT+7)

Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton phát biểu chống buôn lậu động vật hoang dã Tin video

(20:32:28 PM 03/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Nhân ngày Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife Conservation Day) 4/12, Tin Môi Trường giới thiệu bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton phát biểu tại Hội nghị về hợp tác chống buôn lậu động vật hoang dã (ĐVHD) tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington D.C vào ngày 08 tháng 11, 2012. Trong đó chính phủ Mỹ khẳng định quyết tâm của họ trong việc theo đuổi việc chống buôn lậu ĐVHD vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh và sự phồn thịnh của các quốc gia. Việt Nam nằm trong nhóm các nước Châu Á bị cho là nước tiêu thụ và trung chuyển lớn của ĐVHD.

Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton

 

Rất cảm ơn mọi người. Tôi rất vui khi được thấy mọi người tới đây hôm nay. Tôi nhìn thấy rất nhiều gương mặt quen thuộc của cộng đồng ngoại giao, và tôi muốn cảm ơn đặc biệt tới từng người ngồi đây lắng nghe vấn đề quan trọng này.

 

Nghị sỹ quốc hội Moran, cảm ơn vì đã tham dự. Xin hoan nghênh Phó ban quản trị Steinberg, từ USAID, Naoko Ishii từ Global Environmental Facility. Cảm ơn tới ngài Thứ trưởng Bob Hormats về sự theo đuổi vấn đề này, cùng với thứ trưởng Maria Otero và thứ trưởng Tara Sonenshine, trợ lý ngoại trưởng Kerri-Ann Jones, và nhiều nhân viên khác của Bộ Ngoại giao. Đặc biệt, cảm ơn tất cả những người đang làm về lĩnh vực bảo tồn và động vật hoang dã (ĐVHD), hay khối tư nhân là những người đã làm về vấn đề này rất tốt trong nhiều năm qua. Nhưng không may, những nỗ lực bắt đầu từ 30, 40 năm trước đang bị ảnh hưởng bởi nhiều sự thay đổi mà chúng ta phải xét đến ở mọi cấp độ trong cộng đồng toàn cầu.

 

Bây giờ, các bạn có thể đang băn khoăn tại sao một Bộ trưởng bộ Ngoại giao lại  phát biểu ở sự kiện về buôn lậu ĐVHD và bảo tồn, hay tại sao chúng ta lại tổ chức sự kiện này ngay tại Bộ Ngoại giao. Tôi nghĩ, như ông Bob Hormats đã chỉ ra, và để nhấn mạnh thêm các thông điệp trước đây, đó là vì những năm gần đây, việc buôn lậu ĐVHD đã ngày càng có tổ chức hơn, đem lại nhiều lợi nhuận hơn, lan rộng hơn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

 

Khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, một điều chúng ta rất lấy làm vui mừng và ủng hộ, thì ở tại nhiều quốc gia, những vật như ngà voi hay sừng tê giác lại trở thành thứ để khoe của cải và địa vị xã hội. Chính vì thế, nhu cầu về những món hàng này tăng lên. Theo ước tính, quy mô thị trường chợ đen về ĐVHD chỉ kém mỗi buôn bán vũ khí và ma tuý. Ngày nay, ngà voi được bán với giá gần 1000$ Mỹ một pound, giá sừng tê giác bằng giá vàng cùng khối lượng, 30.000$ một pound (1 pound = 0.45kg)

 

Hơn nữa, chúng ta ngày càng thấy rằng buôn bán ĐVHD có những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn và thịnh vượng của dân cư toàn thế giới. Những cộng đồng địa phương phụ thuộc vào ĐVHD để làm du lịch hoặc là nguồn dinh dưỡng, ngày càng khó khăn trong việc duy trì cuộc sống của mình. Dịch bệnh tràn lan tới nhiều nơi trên thế giới qua việc thiếu kiểm soát chặt chẽ buôn bán ĐVHD tại biên giới. Kiểm lâm thì bị giết. Và chúng ta có lý do để tin rằng các phiến quân chính là những kẻ đóng vai trò quan trọng trong thị trường buôn bán ngà voi trị giá hàng triệu đô la mỗi năm.

 

Vâng, tôi cho rằng nhiều người trong chúng ta có mặt tại đây để bảo vệ ĐVHD chính là để bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên của hành tinh này. Chúng ta nhận thấy rằng đây là trách nhiệm quản lý của chúng ta và nhiều thế hệ sau này. Nhưng nó cũng chính là vấn đề an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, bền vững kinh tế, là những vấn đề thiết yếu với từng quốc gia có mặt tại đây.

 

Thật không may, chúng ta đều đang góp phần làm tăng nhu cầu những sản phẩm từ động vật trái phép. ĐVHD có thể bị săn bắn ở nhiều nơi tại châu Á và châu Phi, nhưng lông, ngà, xương, và sừng được bán rộng khắp trên toàn thế giới. Hàng hóa buôn lậu từ những con vật bị giết tìm đường đến châu Âu, Úc, Trung Quốc, và Hoa Kỳ. Tôi rất lấy làm tiếc khi phải nói rằng Hoa Kỳ là điểm đến lớn thứ 2 trên thế giới cho những sản phẩm trái phép từ ĐVHD. Và đó chính là điều chúng tôi sẽ xử lý.

 

Nhiều tổ chức bảo tồn có mặt cùng chúng ta hôm nay, và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của họ. Nhưng sự thật là họ không thể giải quyết vấn đề này một mình. Không ai trong chúng ta có thể. Đây là một thử thách toàn cầu, trải dài qua các lục địa và đại dương, và chúng ta cần giải quyết nó bằng sự hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng như của mạng lưới tội phạm mà chúng ta đang muốn phá vỡ.

 

Chính vì thế, chúng ta cần những nhà lãnh đạo các quốc gia, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và những nhà hoạt động hợp tác cùng nhau để tuyên truyền cho mọi người về sự nguy hiểm của buôn bán ĐVHD trái phép. Chúng ta cần những người hành luật bảo vệ động vật khỏi nạn săn bắt. Chúng ta cần các chuyên gia thương mại lần theo món hàng để giúp thực hiện nghiêm ngặt luật thương mại. Chúng ta cần những chuyên gia tài chính tìm hiểu và giúp là suy yếu thị trường chợ đen liên quan đến những mặt hàng này. Và quan trọng nhất, có lẽ là chúng ta phải vươn đến từng cá nhân , để thuyết phục họ có lựa chọn đúng về mặt hàng họ mua.

 

Sẽ không có cách giải quyết nhanh gọn, nhưng nếu cùng hợp tác quốc tế với tất cả các đối tác, chúng ta có thể tiến từng bước tới việc bảo vệ ĐVHD và giảm thiểu nhu cầu với những mặt hàng từ chúng. Với những mục đích này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra chiến lược gồm 4 mảng.

 

Thứ nhất, trên phương diện ngoại giao, chúng tôi đang làm việc với những nhà lãnh đạo trên toàn thế giới để đồng thuận về vấn đề bảo vệ ĐVHD. Tôi đã có buổi nói chuyện với Tổng thống Putin, khi chúng tôi cùng dự hội nghị APEC ở Vladivostok. Ông ấy đã và đang là một người tận tâm và có tiếng nói mạnh mẽ về ĐVHD của Nga. Và tôi cho rằng hoàn toàn có thể nói rằng những nỗ lực của ông đã đem lại cuộc sống an toàn hơn cho loài hổ ở Nga. Vẫn còn những vụ săn bắt, nhưng đã có một cam kết từ cấp cao nhất trong bộ máy nhà nước Nga về việc bảo vệ ĐVHD. Sự thực là khi tôi ở Vladivostok, có rất nhiều poster và hình ảnh về loài hổ ở mọi nơi để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của vấn đề này với nước Nga và chính quyền. Và tôi cũng đã có vinh dự được làm việc với tổng thống Putin và những nhà lãnh đạo khác để đảm bảo rằng tuyên bố chung của chúng tôi, lần đầu tiên có phê phán mạnh mẽ về việc buôn bán ĐVHD.

 

Thứ trưởng Bob Hormats và Maria Otero đã gặp mặt những nhà lãnh đạo từ châu Phi và châu Á, để bàn bạc về những phương án tức thời để loại bỏ nạn săn bắt trái phép. Tuần sau, tổng thống Obama và tôi sẽ mang thông điệp này tới những đối tác ở hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á tại Phnom Penh.

 

Chúng tôi cũng đang nỗ lực bảo vệ sinh vật biển. Tuần trước, chúng tôi đã cùng với New Zealand đưa ra đề án thành lập khu vực bảo vệ biển lớn nhất thế giới, vùng biển Ross của Nam cực. Chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để đề án này tiếp tục được triển khai.

 

Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận vấn đề trên phương thức ngoại giao và cả khoa học. Xây dựng những mối quan hệ khoa học là cách quan trọng để giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu. Chính vì thế, tôi rất vinh dự được giới thiệu ba vị đặc phái viên khoa học mới, Tiến sĩ Bernard Amadei từ đại học Colorado, người sáng lập Engineers without Borders; Tiến sĩ Susan Hockfield, cựu chủ tịch và hiện là giảng viên của MIT; và Tiến sĩ, nhà sinh vật học tiến hóa nổi tiếng Barbara Schaal từ đại học Washington ở St. Louis. Ba vị tiến sĩ có mặt cùng chúng ta hôm nay không? Tuyệt vời. Nhưng tôi nghĩ bước tiến quan trọng mà chúng tôi mong các đối tác cùng hướng tới là đi đến sự đồng thuận về khoa học và những nhà khoa học ưu tú trên toàn thế giới đều lên tiếng.

 

Điều thứ hai, chúng tôi đang mong muốn tiến xa hơn mức nhà nước để kêu gọi sự ủng hộ. Để đạt được mong muốn này, thứ trưởng Tara Sonenshine đang dẫn đầu một chiến dịch kêu gọi toàn cầu, sẽ triển khai vào ngày 4/12 – ngày bảo tồn ĐVHD. Các đại sứ quán của chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thu hút công chúng, từ việc ủng hộ những nhà hoạt động địa phương, cho tới loan tin trên Facebook hay Twitter. Chúng tôi muốn việc mua bán các sản phẩm từ ĐVHD, những loài có nguy cơ tuyệt chủng là điều không thế chấp nhận được, với toàn xã hội. Chúng tôi muốn các bạn hãy nói với bạn bè mình rằng chúng tôi không muốn có bạn là người sử dụng, trưng bày các sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp.

 

Điều thứ ba, chúng tôi đang đưa ra những phương án mới để củng cố và mở rộng lĩnh vực thực thi luật. USAID đã được cung cấp hơn 24 triệu đô la trong vòng năm năm qua cho các dự án chống lại tội phạm hoang dã. Năm ngoái, họ đã triển khai chương trình ARREST, qua đó thành lập những trung tâm tinh nhuệ cấp khu vực và mở rộng những chương trình tập huấn về thực thi luật. Chúng tôi muốn hợp tác với tất cả các bạn, từ cả các quốc gia là nạn nhân của buôn bán trái phép, và cả các quốc gia nơi mà các sản phẩm này được tiêu thụ.

 

Cuối cùng, đây là một vấn nạn toàn cầu, và nó đòi hỏi một phản ứng mang tính toàn cầu. Vì thế tôi mong rằng tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia và các tổ chức có mặt hôm nay đều tham gia vào Liên minh chống buôn lậu ĐVHD. Đây chính là sự hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin về nạn săn bắt và buôn bán bất hợp pháp. Chúng tôi cũng sẽ gặp mặt với đối tác truyền thống như các tổ chức phi chính phủ, các nhà lãnh đạo quốc gia, và cả các đối tác mới như các công ty hàng không hay đường thủy để bàn về khả năng hợp tác.

 

Một trong những giải pháp chúng tôi nhận thấy hiệu quả cho tới nay đó là mạng lưới thực thi pháp luật về ĐVHD cấp khu vực. Những mạng lưới này góp phần bảo vệ và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. Để củng cố những nỗ lực này, hôm nay tôi kêu gọi thành lập mạng lưới toàn cầu về bảo vệ ĐVHD, để tận dụng những mạng lưới đang hoạt động và những bài học kinh nghiệm. Việc thành lập mạng lưới này càng sớm càng tốt, và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ góp 100.000$ để giúp đưa hệ thống này đi vào hoạt động.

 

Tôi muốn đề cập đến một bước cuối cùng mà chúng tôi đang thực hiện. Buôn bán trái phép chỉ có thể tồn tại khi biên giới lỏng lẻo, cán bộ tham nhũng, và mạng lưới tội phạm có tổ chức thì mạnh, tất cả những điều trên làm suy yếu hệ thống an ninh chung. Tôi đang yêu cầu cộng đồng tình báo thực hiện một bản đánh giá về sự tác động của buôn bán trái phép ĐVHD quy mô lớn lên vấn đề an ninh để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thứ chúng ta đang phải đối mặt. Khi tôi có mặt ở châu Phi mùa hè năm ngoái, tôi nhận thức được rõ sự lo lắng từ những nhà lãnh đạo. Khi những kẻ săn bắt đến, giết và đem đi một vài con thú, vài chiếc răng và sừng thì đáng lo là một nhẽ. Nhưng mối lo trở nên khác hẳn khi chúng có trực thăng, kính nhìn ban đêm, vũ khí tự động, những thứ đe doạ cả con người lẫn ĐVHD. Cư dân địa phương trở nên sợ hãi, và những nhà lãnh đạo địa phương thông báo với chính quyền rằng họ có thể mất kiểm soát của cả một vùng vào tay những băng nhóm tội phạm. Một khi những băng nhóm này có thể tới và đi tùy ý, điều đó đồng nghĩa với việc có thể nảy sinh những mối đe dọa khác cho người dân và chính quyền.

 

Vì thế, tôi cho rằng chúng ta phải nhìn vấn đề một cách toàn diện hơn. Và ai cũng có thể góp phần được. Nếu bạn yêu quý động vật, nếu bạn muốn thấy một thế giới an toàn hơn, nếu bạn không muốn nền kinh tế toàn cầu bị nhơ bẩn bởi những hành vi trái phép này, thì có nhiều điều chúng ta có thể cùng nhau thực hiện. Xét cho cùng, ĐVHD, cả trên bờ và dưới nước, là những nguồn tài nguyên đáng quý, nhưng có hạn. Không thể sản xuất ra chúng. Một khi đã biến mất, chúng không thể tái tạo lại được. Những kẻ kiếm lời từ thiên nhiên một cách bất hợp pháp, không chỉ lũng đoạn nền kinh tế và phá hoại an ninh quốc gia. Chúng đang ăn cắp  của những thế hệ sau này. Chúng ta phải hành động cùng nhau để ngăn chặn và đảm bảo một tương lai bền vững cho ĐVHD, cho những người dân chung sống cùng, và những người quan tâm đến ĐVHD.

 

Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn tới tất cả mọi người. Tôi rất biết ơn sự có mặt của mọi người, và biết ơn việc nhiều đại sứ đại diện cho đất nước họ đã tham gia. Tôi muốn cảm ơn riêng tới đồng nghiệp của chúng tôi, đại sứ Kenya và đại sứ Indonesia, đã đi dầu trong nỗ lực này. Chúng tôi muốn nghe ý kiến đóng góp từ các bạn. Trên đây là những sáng kiến từ phía chúng tôi, nhưng chúng tôi thực sự muốn kêu gọi ý tưởng của các bạn, điều gì thực hiện được, điều gì có thể làm tốt hơn, và làm sao chúng ta có thể thay đổi. Hãy đẩy lùi nạn săn bắt trái phép, xây dựng một thế giới an toàn và thịnh vượng hơn cho tất cả chúng ta, và đặc biệt là cho những thế hệ trẻ em sau này.

 

Xin cảm ơn! 

Xem video về:Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton phát biểu chống buôn lậu động vật hoang dã
TMT - (Bản dịch tiếng Việt: WCS Việt Nam)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton phát biểu chống buôn lậu động vật hoang dã

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI