»

Chủ nhật, 19/01/2025, 19:35:55 PM (GMT+7)

Nghệ An chưa xử lý dứt điểm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

(21:48:16 PM 10/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Thiếu vốn, khó về công nghệ xử lý, bên cạnh đó các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật lại nằm rải rác khắp nơi với mức độ ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng khiến cho việc xử lý dứt điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An vốn đã khó nay lại càng khó hơn.

Ảnh minh họa


Điểm ô nhiễm Hòn Trơ, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là một ví dụ. Khu vực nằm cách quốc lộ 1A khoảng 2km bao gồm một kho bỏ hoang trước kia là kho chứa các hóa chất nông nghiệp của huyện. Địa điểm này gồm một nhà kho cũ và một vùng ô nhiễm xung quanh. Người dân, vật nuôi cũng như gia súc có thể bị phơi nhiễm do không có rào chắn và có con đường đi thẳng qua trước cửa kho. Kho thuốc này bắt đầu hoạt động từ năm 1967, trong một nhà nhỏ diện tích khoảng trên 40m2. Do diện tích quá nhỏ nên đã xảy ra rò rỉ. Sau đó, kho đã bị phá vào những năm 1970. Đã có khoảng 200kg thuốc diệt cỏ 2,4D chôn lấp ở phía nam của khu này ngay bên cạnh kho mới sau khi kho phía nam bị phá. Kho mới được xây dựng rộng rãi hơn khoảng trên 150m2, tám gian với diện tích sân khoảng 40x30m2 đã trở thành nơi phân phối hóa chất nông nghiệp bao gồm hóa chất bảo vệ thực vật POP từ năm 1977 tới năm 1994, cung cấp cho các địa phương dọc quốc lộ 48 và miền Tây Nghệ An. Kho này đã từng lưu chứa thuốc ĐT, 666, phuy 2001 chứa Wofatox và 2,4D. Trong thời gian này, kho đã phân phối khoảng 198 tấn thuốc trừ sâu mỗi năm. Thuốc trừ sâu thậm chí còn được để ngoài trời và chỉ che bằng bạt. 

Hàng chục năm đã trôi qua, khu vực sân bị nhiễm thuốc sâu đến mức nước đổi màu vàng, mỗi khi trời nắng nóng, đặc biệt là những đợt nắng to sau cơn mưa, mùi hóa chất bảo vệ thực vật bốc lên làm ô nhiễm môi trường không khí cục bộ khu vực xung quanh điểm tồn lưu. Ông Hồ Văn Truyền, xóm 15 xã Diễn Yên bức xúc nói: “Trong thời gian xây dựng kho mới, các loại thuốc bảo vệ thực vật được để lộ thiên ngoài trời. Trời mưa, thuốc cũng theo đó mà chảy xuống ao hồ, đồng ruộng. Trước kia, bà con lại chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vẫn ăn uống, sinh hoạt, trồng trọt bằng nước và đất nơi đây. Nhưng khoảng mấy năm trở lại đây, người dân trong vùng thấy sức khỏe sa sút hẳn, có người bị ung thư, viêm loét chân tay, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thần kinh, phụ nữ mang thai khi sinh ra những đứa con bị dị tật thì người dân mới ý thức được mức độ nguy hiểm của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”.

Mới đây, điểm Hòn Trơ được Tổng Cục Môi trường đưa vào xử lý thu gom, đóng gói, cô lập hóa chất bảo vệ thực vật và thi công các công trình giảm thiểu rủi ro hóa chất bảo vệ thực vật POP nhằm xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống cho người dân khu vực bị ô nhiễm. Bước đầu tiên, hơn 3.000m3 đất bị ô nhiễm trong vùng đã được bốc đi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Yên, việc xử lý này vẫn chưa triệt để bởi số đất được múc đi chỉ chiếm 50% vùng đất bị ảnh hưởng, về lâu dài bà con trong vùng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề cả sức khỏe lẫn tinh thần.

Trước kia, Nghệ An là hậu phương của đường Trường Sơn. Nơi đây là kho vũ khí cũng như kho lương thực phục vụ cho chiến trường, đơn vị quân đội, hợp tác xã nông nghiệp và nông trường. Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 913 điểm tàn dư thuốc bảo vệ thực vật; trong đó, có 288 điểm đã được điều tra rà soát và phân tích mức độ ô nhiễm. Kết quả cho thấy có 265 điểm (chiếm 96%) vượt quá tiêu chuẩn cho phép; trong đó, có 189 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để từ 2010-2015, 79 điểm gây ô nhiễm môi trường phải xử lý triệt để giai đoạn 2016-2025. Trong danh mục 100 khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, thì trên địa tỉnh Nghệ An có tới 55 điểm, chiếm 55% số điểm trên cả nước. Nhiều điểm mức vượt cao gấp hàng nghìn lần như điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại xóm 8 Đồng Ga, xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn có hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các mẫu đất cao so với quy chuẩn 13.400 lần; điểm tồn lưu ở xóm 3 xã Quang Trung, huyện Hưng Nguyên có hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các mẫu đất cao gấp quy chuẩn 2.014 lần; điểm tồn lưu tại xóm Hòa Đồng, thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương hàm lượng vượt từ 1,4 đến 13.824 lần; điểm tồn lưu tại xóm 13 xã Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu cao hơn 890 lần…

Để xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tỉnh Nghệ An đã tiến hành xử lý 3/55 điểm theo chương trình mục tiêu quốc gia và 12/179 điểm theo Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo kế hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường từ nay đến hết 2014, sẽ có ít nhất 52 điểm ô nhiễm được lập xong dự án, đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn và xin nguồn đối ứng từ trung ương.

“Thực tế cho thấy, các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật được tiến hành xử lý song tất cả đều dở dang, chưa triệt để cụ thể một điểm nào” - Ông Hồ Sỹ Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Nghệ An thừa nhận. Theo ông Dũng, việc xử lý dứt điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn rất khó khăn. Thứ nhất là vấn đề thiếu kinh phí. Theo quy định, mỗi một điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ngân sách trung ương chỉ cấp 50%, còn lại là vốn đối ứng từ tỉnh. Để khắc phục và cải thiện môi trường giai đoạn 2013-2015, theo tính toán Nghệ An cần có 700-1.000 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí quá lớn đối với một tỉnh đang còn gặp khó khăn như ở Nghệ An. Bên cạnh đó, công việc di dời cũng chưa được thuận lợi bởi đang vướng 423 nhà dân và 43 trụ sở đang nằm trên khu vực bị ảnh hưởng.

Thứ hai là vấn đề tìm công nghệ xử lý cũng khá nan giải. Hiện ở mỗi điểm tồn dư có một loại hóa chất khác nhau, mỗi vùng lại có điều kiện thổ nhưỡng khác biệt thế nên không thể áp dụng một phương pháp xử lý chung. Ngay như trên thế giới cũng không có một quy trình xử lý nào cụ thể. Hơn thế nữa, tại một số điểm, mức độ lây lan đã quá rộng nên tìm ra công nghệ xử lý rất khó khăn. Khắc phục tình trạng trên, theo đề nghị của ngành tài nguyên môi trường, trước mắt, ngành phối hợp với chính quyền địa phương nơi có điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cần tăng cường việc tuyên truyền cảnh báo cho người dân, nên hạn chế việc trồng trọt sản xuất trên những vùng đất đã xác định đang còn thuốc tồn dư bảo vệ thực vật. Khi thực hiện xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì xử lý triệt để từng điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên những điểm lộ thiên, mức độ ô nhiễm nặng để xử lý trước. Ngoài ra, cần có những giải pháp cụ thể, nhằm hạn chế ô nhiễm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các chương trình sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào công tác phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.

(TTXVN)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Nghệ An chưa xử lý dứt điểm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI