(Tin Môi Trường) - Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường thay cho quy định đánh giá tác động môi trường như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án như luật hiện hành.
Sáng 26-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật.
"Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Theo tờ trình, dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian
thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định:
Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường
Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Luật BVMT 2014 quy định đánh giá tác động môi trường như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, do chỉ là công cụ có tính dự báo nên quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập bởi thực tế khi triển khai dự án có nhiều thay đổi. Tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để khắc phục vướng mắc, bất cập nêu trên, dự thảo Luật đã xác lập đúng vai trò của công cụ đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn
thực hiện dự án. Việc quản lý dự án, cơ sở khi đi vào vận hành được thay thế bằng công cụ giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã quy định rõ dự án đầu tư chỉ phải
thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường theo một trong bốn trường hợp sau: Chỉ phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường và không phải có giấy phép môi trường; phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường và phải có giấy phép môi trường; không phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường; không phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường.
Vì vậy dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
Thu hẹp đối tượng phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giao Chính phủ quy định những trường hợp được miễn đánh giá tác động môi trường để ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.
Bổ sung quy định về lộ trình phù hợp yêu cầu các tổ chức
thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề nhằm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường của các Bộ, cơ quan ngang bộ, theo đó dự thảo Luật quy định giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự thảo luật cũng không quy định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thay vào đó, quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thực hiện việc ban hành văn bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép môi trường, cấp giấy phép nhận chìm ở biển…
Chủ dự án phải có trách nhiệm tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc dự án đầu tư theo đúng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc thay đổi này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ dự án trong việc
thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo luật cũng bãi bỏ thủ tục về xác nhận kế hoạch BVMT, thay vào đó là quản lý bằng công cụ giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường.