(Tin Môi Trường) - GS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, vừa lên tiếng xót thương về việc hàng loạt cây phượng đang ra hoa rất đẹp bị nhiều trường chặt bỏ, sau tai nạn thương tâm tại Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM.
Trụ đỡ lắp đặt để chống cây ngã tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)- ẢNH PHẠM HỮU
Trồng cây phượng trong sân trường là… “hợp pháp”
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, GS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, đã bày tỏ sự bất bình của mình trước việc hàng loạt cây
phượng đang ra hoa rất đẹp bị nhiều trường chặt bỏ sau tai nạn thương tâm, làm một học sinh thiệt mạng
tại Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM.
Bình luận về một bức ảnh cây
phượng bị cưa cụt, GS Chứ viết: “Nỗi buồn - đau cây
phượng nơi nao! Chả lẽ chúng ta để tuổi học trò gắn với bê tông?”.
GS Chứ cho biết, trong những ngày qua, ông nhận được điện thoại của nhiều người từ khắp mọi miền đất nước để hỏi nên hay không nên trồng cây
phượng trong trường học.
Theo GS Chứ, cây
phượng nên được trồng trong trường học. Bởi vì
phượng là loại cây có hoa rất đẹp, gắn bó với kỷ niệm hè về của bao thế hệ học trò, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn về cây xanh trong các khu vực đô thị, trường học.
Trong các tiêu chuẩn về cây xanh trong đô thị và nơi công cộng, trong đó có sân trường, đều nêu ra các tính chất cây cần được đáp ứng là cây cao to, tán rộng, cho bóng râm, gây ấn tượng mạnh; đồng thời khuyến nghị trồng các cây bàng, phượng, muồng ngủ, muồng hoa đào, riềng riềng, hồng...
Ngoài ra, các tiêu chuẩn này cũng khuyến nghị trồng các cây cảnh, cây bản địa như quyết, hồng, hải đường, ổ quạ, phong lan, địa lan… trong các vườn trường.
Loại cây hiệu quả trong việc tạo bóng râm
Theo GS Chứ,
phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, do có thể cao vừa phải (khoảng 10 - 15 m, đôi khi có thể tới 20 m) nhưng tán lá tỏa rộng và dày đặc, tạo ra bóng mát.
Cánh hoa của
phượng vĩ lớn, với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ hơi cam, dài tới 8 cm, còn cánh hoa thứ 5 mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu trắng/vàng hoặc cam/vàng (cũng có khi trắng/đỏ). Nguồn gốc tự nhiên có hoa màu vàng (kim phượng).
Phượng vĩ cần khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới để phát triển tốt, nhưng nó có thể chịu được các điều kiện khô hạn và đất mặn.
Cây
phượng vĩ tái sinh hạt và chồi đều mạnh, có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình như ven biển, đồi núi, trung du và đồng bằng. Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cây
phượng là tuổi thọ không cao. Cây trồng trên đường phố chỉ 30 tuổi là đã già cỗi, thân có dấu hiệu mục rỗng, sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công. Cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 40 - 50 năm tuổi.
GS Chứ cho rằng, việc cây đổ, không chỉ
tại Trường THCS Bạch Đằng TP.HCM mà
tại các đô thị, lỗi không phải do cây xanh, mà là lỗi do con người chăm sóc và “ép cây phải theo cái đẹp của con người nghĩ ra”.
Và GS Chứ chỉ ra 2 nguyên nhân tác động từ phía con người khiến cây (không chỉ là cây phượng) dễ đổ:
Với các khu đô thị, trường học mới xây dựng, muốn cho đẹp mắt ngay nên người ta thường trồng cây lớn. Tại những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ xây xước trong quá trình vận chuyển đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng. Sau này, khi thấy cây sống, mọi người tưởng rằng đã an toàn nhưng khi gặp gió bão, những cây này dễ đổ, gãy.
Khi làm sân trường, người ta thường đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây. Trong khi đó, đặc điểm của cây
phượng là rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất, nên khi đổ những lớp bê tông dày từ 15 - 20 cm thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và chết dần, cũng là nguyên nhân khiến cây dễ đổ.
Ngoài ra, nguyên nhân gây đổ cũng có thể đến từ việc xây bồn xung quanh gốc. Đa số trong trường học, thường xây bồn kết hợp với ghế ngồi nghỉ cho học sinh, giáo viên. Bồn cao khoảng 40 - 45 cm so với mặt đất cũ, rồi đổ một lớp đất mới vào sau khi xây bồn xong khiến thông khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây.
Cây không chết ngay, nhưng yếu dần do các rễ nhỏ bị hỏng. Ở những phần cổ rễ cũ chết đi sẽ mọc ra những rễ tơ mới để lấy chất dinh dưỡng nuôi cây. Mắt thường nhìn thấy cây sống tươi tốt nhưng thực ra ở phía bên dưới đã bị mục rỗng rồi.
Vì vậy, nhiều nơi, nhiều làng, các cây được vinh danh cây cổ thụ, di sản năm nay thì 2 - 3 năm sau cây chết. Nguyên nhân cũng do hiện tượng trên.
Yêu cây như con, cây sẽ không phụ chúng ta
GS Chứ kiến nghị, để đảm bảo an toàn, với những trường học muốn trồng cây để làm đẹp cảnh quan, nên chọn những cây giống có kích thước vừa phải. Cây phải có ngọn, cành và chưa đến giai đoạn trưởng thành. Đường kính khoảng 6 - 8 cm, cao khoảng 4 - 5 m là phù hợp. Lúc này thì hệ rễ của cây sẽ phát triển rất khỏe mạnh, sống được lâu. Đặc biệt, không nên trồng cây lớn mà bị cắt hết cành to, bởi sẽ rất nguy hiểm do dễ mục ruỗng.
Cần phải có biện pháp chống, cắt tỉa những cành mọc vống vươn lên; khống chế chiều cao của cây. Định kỳ khoảng 3 năm cắt 1 lần thì sẽ tạo ra những lớp cành tán đều nhau. Đối với những cây lớn tuổi trong sân trường, có thể phải đưa vào đối tượng diện theo dõi sát sao, thường xuyên, để có phương án đảm bảo an toàn.
Trước mùa giông bão phải cắt tỉa cành, hạ chiều cao của cây. Đồng thời, liên hệ các công ty, chuyên gia cây xanh xem xét định kỳ mức độ sâu bệnh của cây ra
sao từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.
GS Chứ khẳng định: “Dù trồng cây gì, theo năm tháng, theo tuổi cây, cây cũng sẽ chết! Nhưng nếu chúng ta nâng niu, yêu cây như con, chăm sóc cây khoa học từ lúc trồng, chăm sóc... cây sẽ không phụ chúng ta”.