Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Thứ bảy, 18/01/2025, 07:37:46 AM (GMT+7)
Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn: Xử lý bụi đỏ Sân bay Long Thành, đừng chờ mưa!
(18:00:32 PM 14/04/2023)(Tin Môi Trường) - Những ngày qua hiện tượng bụi đỏ tấn công trường học, nhà cửa, người dân dọc theo quốc lộ 51 - cách sân bay Long thành 10km khiến nhiều người lo lắng. Xử lý cách nào để bụi đỏ không gây ra tác hại lớn, ông PHẠM VĂN SƠN, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm SOS Môi trường) - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - nơi có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hoạt động ứng phó sự cố môi trường đã chia sẻ về sự cố này.
>> Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam >> Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải >> Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam >> Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long >> Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam tháng 12-2020
Bài học lớn về công tác đánh giá tác động môi trường
* Trải qua nhiều năm làm công tác ứng phó sự cố và xử lý ô nhiễm, Trung tâm SOS Môi trường đã từng xử lý nhiều sự cố môi trường lớn phức tạp, ông nhận xét thế nào về sự việc lần này?
- Tính đến tháng 3-2023, Trung tâm SOS Môi trường đã tham gia ứng phó hơn 170 sự cố môi trường do dầu và hóa chất tại nhiều địa phương với quy mô, điều kiện, tính chất phức tạp, đa dạng khác nhau.
Sự cố bụi đất phát tán xa tới mấy chục km do hoạt động xây dựng sân bay Long Thành gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe người dân trên diện rộng đang thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông và làm người dân lo lắng. Sự lo âu cũng chính bởi vì tâm lý lo ngại thời gian thi công hoàn thiện công trình vẫn còn kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân địa phương và cả người tham gia lưu thông qua quốc lộ 51. Nếu như bụi phát tán chỉ là bụi đất không liên quan đến hóa chất thì chúng ta giảm bớt một nỗi lo.
* Khi dự án Sân bay Long Thành đẩy nhanh tiến độ thi công thì cũng là lúc bụi đỏ “tấn công” hàng ngàn hộ dân xung quanh, phải chăng công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án chưa đầy đủ, ông đánh giá như thế nào?
- Tôi chưa tiếp cận được bản tài liệu ĐTM đầy đủ của dự án Sân bay Long Thành được cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt nên không đưa ra ý kiến. Nhưng chắc chắn trong ĐTM đã đưa ra các yêu cầu đối với chủ dự án phải thực hiện các biện pháp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, công việc hàng ngày của người dân tại khu vực.
Về kỹ thuật, việc ngăn ngừa và xử lý bụi đất phát tán vào không khí đơn giản hơn nhiều so với xử lý khói, khí độc khi xảy ra cháy hay sự cố hóa chất. Chỉ cần sử dụng thiết bị phun sương dập bụi, tưới nước thường xuyên, thùng xe vận chuyển đất cát đảm bảo kín…
* Có ý kiến cho rằng do ĐTM làm không đủ, đơn vị bỏ qua công tác đánh giá khí tượng thủy văn tại khu vực nên đã xảy ra hiện tượng bụi đỏ vượt chuẩn gần 20 lần (theo số liệu quan trắc của Sở TN-MT Đồng Nai). Thực trạng này trước mắt gây ô nhiễm xung quanh và về lâu dài sẽ gây nên nhiều mối lo lớn?
- Việc ảnh hưởng từ bụi đỏ vượt chuẩn gần 20 lần là vấn đề có thể thấy được ngay, nó ảnh hưởng trực tiếp trước hết tới sức khỏe nhiều người làm việc tại công trình, sau đó là đến sức khỏe của rất nhiều người dân sống tại khu vực này. Bán kính ảnh hưởng vài chục km hiện tại chỉ là khu vực chúng ta quan sát bằng mắt thấy rõ lớp bụi kích thước lớn phủ bám lên mọi thứ, các hạt bụi lớn và nặng thì không bay được xa. Còn bán kính vùng bị ảnh hưởng thực tế đến sức khỏe của người dân còn lớn hơn nhiều.
Ứng cứu sự cố xe bồn bị tai nạn giao thông làm dầu tràn ngấm vào đất, cát, lan rộng trên ruộng lúa. Phục hồi môi trường bị nhiễm dầu trên diện rộng (Ninh Bình, tháng 8-2022). Ảnh tư liệu
Khi lập, thẩm định và phê duyệt ĐTM tôi tin chắc các bên đã đề ra hàng loạt biện pháp giảm bụi khi triển khai dự án như: xây rào chắn khu vực thi công, làm ẩm địa điểm chứa vật liệu, phủ bạt kín thùng xe, chở nguyên vật liệu vào ban đêm, rửa sạch xe khi ra khỏi công trường… Tuy nhiên tôi tin các bên chưa tính toán kỹ lưỡng khi huy động rất nhiều trang thiết bị phương tiện đào, xúc, san lấp, vận chuyển đất cát hoạt động đồng loạt trên một khu vực công trường rộng lớn như vậy, vào mùa khô thì cần bao nhiêu phương tiện phun nước thường xuyên, nguồn nước tưới phải đảm bảo giảm bụi một cách khả thi và hiệu quả.
Đừng để hạt bụi nhỏ gây tác động lớn
* Các ý kiến cho rằng do vùng bao quanh sân bay Long Thành có nhiều ngày trong năm là nơi 2 đường đẳng áp giao nhau vuông góc tạo gió xoắn nên khiến bụi đỏ lan rộng?
- Chắc chắn khi thực hiện đánh giá ĐTM thì hiện tượng khí tượng thủy văn này đã được xem xét và rà soát kỹ, vì đây là vấn đề hệ trọng sẽ ảnh hưởng đến việc cất và hạ cánh các chuyến bay sau này.
Giải pháp của chủ đầu tư hiện nay là điều một số xe cứu hỏa của đơn vị từ miền Tây lên tưới nước trên công trường, hạn chế thi công ban đêm, giảm tần suất xe chạy ban ngày và mong người dân thông cảm chờ đến khi có mưa. Các giải pháp này liệu có khả thi?
- Giải pháp dập bụi không khó, sử dụng xe cứu hỏa (hoặc thiết bị phun sương dập bụi chuyên dụng) phun cao dập bụi bay, hay sử dụng xe phun nước rửa đường dập bụi bề mặt là khả thi. Vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo đủ số lượng thiết bị phun nước, đủ lượng nước tưới để giữ cho lớp mặt của đất san nền đang phơi trần luôn đủ ướt để không phát sinh bụi. Có lẽ khi xây dựng phương án thi công đồng loạt trên diện rộng hàng ngàn ha, đơn vị tư vấn chưa lường được hết yếu tố này. Việc chủ đầu tư đang dùng vài xe chở nước dùng trong cứu hỏa tưới nước mặt bằng là không đủ.
Xe tưới nước nhằm hạn chế bụi tại dự án Sân bay Long Thành
Trong khi đó, thời tiết khu vực đang là mùa khô, trời không có mưa, gió thổi mạnh dễ phát tán bụi ra xa. Tình trạng bụi chỉ hạn chế khi khối lượng san nền đạt được nhiều, thời tiết chuyển sang mùa mưa, cỏ mọc che phủ những phần nền đã san nhưng không xây dựng công trình. Việc xử lý bụi đỏ cần phải tiến hành song song ngay với việc thi công, chứ không thể chờ đợi trời mưa.
* Thực trạng bụi đỏ đã ảnh hưởng đến người dân từ cả năm nay, việc này khiến mọi người lo âu khi công trình còn kéo dài, Trung tâm SOS Môi trường có giải pháp gì để giúp ngăn bụi đỏ? Và như ông có nói “Nếu như bụi phát tán chỉ là bụi đất không liên quan đến hóa chất thì chúng ta giảm bớt một nỗi lo”. Ông có thể nói rõ hơn điều này?
- Việc xử lý bụi đất thì đơn giản như tôi đã nói ở trên. Đơn vị thi công hoàn toàn có thể tự làm được, không cần huy động Trung tâm SOS Môi trường, miễn là đảm bảo đủ số lượng thiết bị phun nước, đủ lượng nước tưới giữ cho lớp mặt của đất san nền đang phơi trần luôn đủ ướt để không phát sinh bụi. Ngoài ra còn phải đảm bảo các thùng xe chở đất cát được che kín.
Tôi không rõ khi xây dựng thẩm định phê duyệt ĐTM cho dự án sân bay Long Thành, các bên đã xem xét thận trọng nội dung điều tra đánh giá về hàm lượng dioxin tồn dư trong đất ở các độ sâu khác nhau trên toàn khu vực của dự án hay chưa. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng không thể bỏ qua, và cần triển khai thực hiện với sự thận trọng nhất có thể.
"Công trường sân bay Long Thành hiện có hơn 1.860 máy, phương tiện và 2.630 nhân sự thực hiện các mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ san lấp nền khi thời tiết đang khô ráo. Những ngày cao điểm khối lượng thi công đạt 450.000-500.000m3. Tổng khối lượng đào đắp san nền đã đạt hơn 60 triệu m3."
* Xin cảm ơn ông!
Lê Việt Nhân (thực hiện)
(Nguồn:http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/giam-doc-trung-tam-ung-pho-su-co-moi-truong-viet-nam-pham-van-son-xu-ly-bui-do-san-bay-long-thanh-dung-cho-mua-3162848/ )
Gửi ý kiến bạn đọc về: Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn: Xử lý bụi đỏ Sân bay Long Thành, đừng chờ mưa!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.