Từ những cái sai...
“Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) là chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn, là nhịp cầu để bao đứa trẻ vì nhiều lý do bị thất lạc, tìm lại được cha mẹ, cội nguồn, như lời anh Nguyễn Hữu Thành (quê ở Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp) chia sẻ, sau khi dư luận biết được một sự thật. Chương trình đã tìm được mẹ cho anh, nhưng ba năm sau, khi anh thử ADN thì cả hai không cùng huyết thống.
Anh Thành vào cô nhi viện khi tròn 2 tháng 10 ngày tuổi. Anh tìm đến chương trình đăng ký tìm mẹ, với khát khao là con cái tìm được cội nguồn. Với thông tin mong manh từ cô nhi viện, đó là tờ ủy thác, ghi tên người mẹ là Lê Thị Út, sinh năm 1949, ngụ tại An Hữu, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường, Lê Văn Được là người làm chứng.
Theo “giải trình” của ông Đỗ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Cty Truyền thông Sài Gòn buổi sáng (TTSGBS) - đội trưởng đội tìm kiếm - đối tác sản xuất chương trình NCHCCCL: Có 4 đội tìm kiếm suốt 4 tháng trời vẫn không tìm ra. Cuối cùng, đội viên tìm kiếm Lý Trung Dũng nhận được thông tin từ công an xã Thiện Trung (Cái Bè, Tiền Giang), cho biết trong ấp có một gia đình phải cho con đi (vì bí mật công tác, không thể công khai được, người mẹ nhờ chị gái gửi con vào cô nhi viện), mượn tên người hàng xóm là Lê Thị Út, người mẹ lúc đó là du kích”.
Theo Cty TTSGBS nhận định thì thông tin khai trên tờ ủy thác là giả vì gia đình bà Lê Thị Út (người cho bà Nguyễn Thị Nguyệt mượn tên) khẳng định thời điểm, địa điểm cho con đi trùng khớp với hồ sơ tìm kiếm. Chính vì “bác” thông tin duy nhất mà anh Thành có được đó là tờ uỷ thác, chương trình NCHCCCL đã tổ chức đoàn tụ cho anh Thành và bà Nguyễn Thị Nguyệt - người mẹ du kích - trong sự xúc động của ê kíp thực hiện, người trong cuộc và khán giả truyền hình. Chương trình cho rằng đây là “sự trùng hợp hiếm có”.
Mặc dù đã nhận được mẹ, nhưng anh Thành vẫn có cảm giác xa lạ suốt gần ba năm, anh bí mật lấy tóc, móng tay của bà Nguyệt, nhờ giám định gene. Kết quả giám định, anh Thành và bà Nguyệt không phải là mẹ con. Ông Đỗ Minh Hoàng cho hay, đầu năm 2010, Trung tâm ADN mới nhận hỗ trợ chương trình giám định, từ đó mới có việc giám định gene để xác định chính xác quan hệ huyết thống của những người tìm kiếm thân nhân.
Trường hợp “nhầm” thứ hai của chương trình NCHCCCL là câu chuyện đầy xúc động của đại tá Đinh Hữu Tấn, cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 320A. Ông Minh Nguyễn (trú tại quận Gò Vấp, TPHCM) - người thân của đại tá Đinh Hữu Tấn (hiện ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa) kể lại rằng: Đã gần 40 năm có lẻ, anh Tấn vẫn bứt rứt nhớ thương đứa con nuôi chừng 7 tuổi - tên Võ Văn Phước - là con của một người lính bên đối phương. Phước lạc mẹ trong dòng người di tản ở đường 7 (Phú Bổn, Gia Lai).
Đại tá Tấn đem theo Phước cùng đơn vị, khi về đến Củ Chi (TPHCM), vì yêu cầu công tác, anh đã giao Phước cho du kích Củ Chi. Anh xem chương trình NCHCCCL, thấy rất xúc động nên đã nhờ chương trình NCHCCCL, tìm cậu con nuôi Võ Văn Phước.
Ông Minh Nguyễn kể tiếp: Tối 4.10.2008, chương trình NCHCCCL truyền hình trực tiếp số 11, có lẽ chưa bao giờ, gia đình đại tá, bạn bè, các cựu chiến binh xúc động đến như thế, khi tất cả được chứng kiến khoảnh khắc người lính già đang bị bệnh parkinson, chân tay run lẩy bẩy, chồm bật dậy ôm chầm lấy cậu con nuôi Võ Văn Phước từ trong sân khấu mếu máo bước ra trường quay. Hai cha con nghẹn ngào không nói lên lời, nước mắt chảy tràn, khiến tất cả bỗng chốc lặng đi.
Khi hay tin chương trình NCHCCCL báo tin đã tìm được Võ Văn Phước, đại tá Tấn điện cho bạn bè, đồng đội về những dự định về tương lai khi có thêm một thành viên mới trong gia đình. Ông nói với ông Minh Nguyễn: “Mình có ít tiền tiết kiệm đã thủ sẵn vào túi rồi nhé”. Khi được hỏi có định đưa Phước về Bắc sống không. Vị đại tá cười hóm hỉnh: “Cũng có thể lắm chứ” và nhớ da diết rằng “thằng bé nó hay lắm, tình cảm lắm, đêm ngủ nó thủ thỉ với mình đủ điều, không biết có còn có nhận ra mình nữa không đây?”.
Gặp con nuôi, vị đại tá hài lòng vì cuộc sống của vợ chồng Phạm Văn Long (tên mới của Võ Văn Phước theo lời giải thích của chương trình là Phước đã đổi tên thành Long) khá ổn, số tiền dành dụm ông đưa cho vợ chồng Long. Khi gặp gia đình thông gia, ông nghẹn ngào nói: “Tôi không biết cảm ơn ông bà như thế nào nữa, gia đình đã giúp đỡ con chúng tôi nên người, lo cho nó có vợ con đề huề thế này, cảm động lắm”. Vị đại tá già cứ day dứt, nếu như Phước ở với ông bà từ bé thì đâu có lận đận. Tình cảm cha con tưởng như không ai có thể “cầm cưa” xẻ ngang được.
Thế nhưng, khi Phạm Văn Long xuất hiện trên truyền hình thì có người đã đến nhận Long là con đẻ. Chuyện gì đã xảy ra trong ba năm “cha con nuôi” đoàn tụ? Ông Minh Nguyễn cho biết: Vào năm 2011, tôi nhận được tập tài liệu do anh Đinh Hữu Tấn gửi, trong đó có một bức thư viết tay, nét chữ rời rạc, hình như anh Tấn viết trong một trạng thái tinh thần không ổn, có vẻ day dứt...cuối thư có dòng chữ khiến tôi rất lưu tâm: “Em xem tài liệu này và khuyên anh nên như thế nào” kèm địa chỉ và điện thoại của người gửi tập tài liệu.
Tìm người cung cấp tài liệu, ông Minh Nguyễn mới hay, Phạm Văn Long không phải là Võ Văn Phước. Sự việc “nhầm” này, theo ông Đỗ Minh Hoàng - Tổng GĐ Cty TTSGBS cho biết sẽ thông tin sau lời giải trình về trường hợp “nhầm” của anh Nguyễn Hữu Thành trên trang web “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Sự tình là, Phan Hiếu là người được TTSGBS giao đi tìm Võ Văn Phước. Hiếu báo cho biết đã tìm thấy, bây giờ Phước mang tên Phạm Văn Long ngụ tại ấp Phú Bưng (Phú Chanh, Tân Uyên, Bình Dương), nhưng trong Cty có người khẳng định Long không phải là Phước, Cty TTSGBS đã xác minh và đuổi việc Phan Hiếu, nhưng việc tổ chức cho Phạm Văn Long gặp đại tá Đinh Hữu Tấn vẫn diễn ra.
Một nhân viên trong Cty TTSGBS thấy tình cảm của vị đại tá già dành cho con nuôi nên day dứt, không can tâm đã bỏ tiền túi đi tìm Phước. Mẹ đẻ của Phước là bà Võ Thị Dơi đang ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) xem chương trình NCHCCCL đã đến tìm Long, lúc này Long thú nhận không phải là Phước, dẫn bà Dơi đi gặp Phước.
Hay chuyện “thật, giả”, đại tá Đinh Hữu Tấn cười lớn: “Lúc thì không có đứa con nào, bây giờ thì có tới hai đứa. Thôi thì mình nhận cả hai, càng đông con càng vui”. Vị đại tá đầy vị tha nói rằng: Dù sao tôi thấy những người làm chương trình rất tận tình. Họ cho tôi tiền đi lại, vào Sài Gòn được tiếp đón chu đáo, còn mong gì hơn thế. Trước đây mình đi kiếm, phải chi phí tốn kém mà không tìm ra. Còn Phạm Văn Long không phải là Võ Văn Phước là điều rất đáng tiếc...”. Cũng như anh Nguyễn Hữu Thành - dù biết mẹ Nguyệt không phải là mẹ đẻ, nhưng anh vẫn coi là mẹ.
“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”
Câu chuyện nhầm Võ Văn Phước chưa có phản hồi từ TTSGBS, thì trên facebook của luật sư (LS) Trần Đình Triển đã có bài về chuyện “nhầm” của Nguyễn Hữu Thành. Lời lẽ trong bài của LS đã “thêm dầu vào lửa”, buộc ông Đỗ Minh Hoàng lên tiếng giải trình. Cuộc săn tìm “nhân vật” được cả hai bên vào cuộc, anh Thành cũng được LS Triển tìm đến, ông Minh Nguyễn cũng được những người của chương trình và LS Triển tìm. Chương trình NCHCCCL thì tố LS Triển vu khống. LS Triển cũng tố Thu Uyên - người thực hiện chương trình - thì “càng nói càng lộ dối trá”.
Cuộc “bút chiến” ngày càng căng thẳng, LS Triển cũng “tung” cuộc điện thoại đã nói chuyện với anh Thành, chương trình NCHCCCL cũng “trưng” clip về phát biểu của anh Thành. Nghe nói, hai bên đã đang đưa nhau ra phân xử bằng kiện tụng. Cuộc “bút chiến” xem chừng chưa có điểm dừng. Ông Đỗ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Cty TTSGBS - vẫn quả quyết rằng: “NCHCCCL” không bao giờ lừa dối khán giả và những người bị chia ly. LS Trần Đình Triển thì vẫn quả quyết là có bằng chứng chương trình chưa nói lời xin lỗi với “nạn nhân”.
Vì sao LS Trần Đình Triển lại “nhảy” vào cuộc vụ này? Dư luận cũng đã có nhiều chiều ý kiến. Phải chăng nguyên do là hơn một tháng trước , chương trình “Trở về từ ký ức” đã có clip về một số nhà ngoại cảm, tìm hài cốt liệt sĩ, nhưng khi giám định thì không phải là xương người, trong đó có một nhà ngoại cảm - người đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng LS Vì Dân do ông Trần Đình Triển làm trưởng văn phòng. Hai bên cũng đã “bút chiến”, cũng “dọa” nhau làm đến cùng. Chuyện “ngoại cảm” vừa lắng xuống, nay lại bùng lên chuyện “nhầm’ của chương trình NCHCCCL.
Sáng 29.11, ông Minh Nguyễn nói với tôi rằng, ông cũng định khép lại như lời đại tá Đinh Hữu Tấn, nhưng khi đọc những câu trả lời của những người thực hiện NCHCCCL, ông không hài lòng - kể cả những cuộc điện thoại gọi trực tiếp cho ông. Đó là sự vòng vo, không nhìn thẳng vào cái sai. Tục ngữ có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Ông đã trải lòng qua bài viết “Nói thêm về lời xin lỗi của ngôi sao truyền hình” nói rõ vì sao ông phải nói lên sự thật. Được biết, chị Thu Uyên - người thực hiện chương trình NCHCCCL hứa sẽ có buổi gặp ông Minh Nguyễn.
Biết rằng còn mấy ngày nữa là chương trình NCHCCCL tròn 6 năm hoạt động. 397 cuộc đoàn tụ, trên 600 cuộc tìm ra, trên 70.000 thông tin đăng ký tìm người thân. Đây là một chương trình được dư luận đánh giá cao, những cuộc đoàn tụ những tưởng sẽ không bao giờ đến với những người bị thất lạc gia đình. Nước mắt, niềm vui của ngày gặp mặt đọng lại trong tâm trí hàng triệu khán giả của chương trình. Sai là không thể tránh khỏi, nói như lời đại tá Đinh Hữu Tấn: “Trong xã hội chúng ta đang sống, có biết bao chuyện đáng tiếc như thế đang xảy ra hằng ngày, hằng giờ, không ai đếm xuể. Còn những chuyện tày đình hơn thế rất nhiều...”.
Sai thì đã rõ. Nhưng, ôi chao, một lời xin lỗi sao mà khó thế. Xin đừng đi lại vết xe đổ của “cô Lượm” ở Huế ngày nào. Một khi, cứ “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” sẽ đẩy niềm tin của dư luận đến bờ vực, khi mà “thật, giả” vẫn cứ dùng dằng.