Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Chiến tranh nguồn nước trong tương lai
(09:12:59 AM 24/09/2014)
Cách đây không lâu, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng trữ lượng nước trên trái đất không thiếu và các quốc gia cạnh tranh với nhau (thậm chí xung đột) chủ yếu là vì nguồn tài nguyên năng lượng.
Thực tế không hoàn toàn như vậy. Khi dân số thế giới vượt ngưỡng 7 tỷ người, tình trạng khan hiếm nước đã bắt đầu hiển hiện. Đến thời điểm hiện tại, 1 tỷ 200 nghìn người, tức 1/5 dân số thế giới đang sống tại các khu vực thiếu nước, hơn nửa tỷ người buộc phải sử dụng nước một cách hạn chế vì không có cơ sở hạ tầng đảm bảo tương ứng.
Theo các chuyên gia phân tích CIA (số liệu đưa ra 2 năm trước đây), đến năm 2040, 47% dân số thế giới sẽ sống tại các khu vực thiếu nước, còn theo Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển LHQ thì thời điểm trên sẽ là năm 2030. Còn có dự báo bi quan hơn- sau 10 năm nữa.
Tình hình còn trở nên trầm trọng hơn bởi trên lưu vực hơn 260 con sông trên thế giới có các đường biên giới quốc gia đi qua (hay nói một cách khác là hai hoặc nhiều quốc gia cùng “chung một dòng sông”) và vì thế mà nguồn nước của các con sông ấy thường được sử dụng một cách không có kiểm soát.
Trong nửa thế kỷ trở lại đây, các cơ quan chức năng Liên Hợp Quốc đã thống kê: đã có hơn 500 cuộc xung đột vì nguồn nước (có số liệu là 1.500), trong đó 27 cuộc đã trở thành xung đột vũ trang.
Những điểm “nóng” nhất trong tranh chấp nguồn nước là tại Châu Phi và Châu Á.
Tại Châu Âu, đến thời điểm này các cuộc tranh chấp nguồn nước cơ bản đã được giải quyết và các bên đã thống nhất được với nhau các cơ chế đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan.
Tại Châu Mỹ (cả Bắc và Nam Mỹ) cũng đã có các cuộc xung đột vì nước xảy ra nhưng không nhiều.
Căng thẳng nhất là tại hai lục địa đông dân nhất hành tinh, chính xác hơn là tại những khu vực khô hạn của 2 châu lục là châu Phi và châu Á – căng thẳng đã đến mức xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Di sản nặng nề của các Pha-ra-ông
Ngay từ thời Cổ đại, sông Nile đã là tuyến đường thủy huyết mạch của nền văn minh Ai cập. Những đợt lũ hàng năm đã để lại trên các cánh đồng lớp phù sa dày và màu mỡ rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tất nhiên, nguồn nước sông Nile còn được sử dụng cho sinh hoạt.
Kể từ đó đến nay đã có nhiều sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi, nước sông Nile đã bị ô nhiễm đến mức cư dân vùng hạ lưu không dám sử dụng cho sinh hoạt. Những hệ thống thoát nước và chất thải của các nhà máy nằm ở thượng nguồn đang đầu độc con sông quan trọng này.
Vấn đề gay cấn nhất là việc xây dựng hệ thống công trình thủy lợi. Quốc gia phát triển năng động nhất của lưu vực sông Nile - Ai Cập, nằm ở vùng hạ lưu của con sông.
85 triệu dân của nước này sinh sống tập trung trên phần lãnh thổ chỉ chiếm 4% diện tích Ai cập, phần lãnh thổ còn lại là sa mạc. Dân số Ai cập đang tăng với tốc độ bùng nổ, kéo theo đó là nhu cầu về nước của nước này cũng ngày càng tăng.
Người ta lấy nước từ sông Nile để phục vụ cho nông nghiệp, cho các nhà máy thủy điện. Cụ thể: nhà máy thủy điện Aswan đảm nhận việc cung cấp điện cho toàn bộ ngành công nghiệp nặng Ai cập.
Ngoài ra, Ai Cập đang có một dự án đầy tham vọng nhằm phát triển khu thung lũng phía Nam, trong đó có nội dung đảm bảo cung cấp nước tưới cho các vùng rộng lớn của sa mạc phía Tây. Ai cập dự kiến lấy nước từ hồ chứa Aswan, tức chính là nước sông Nile, để phục vụ cho dự án.
Trước khi chảy vào Ai cập, sông Nile chảy qua một loạt các quốc gia khác, trong đó có Ethiopia và Sudan. Dĩ nhiên, chính quyền Cairô đặc biệt quan tâm đến những gì đang xảy ra trên các nước vùng thượng nguồn sông Nile: dân số của cả hai nước trên cũng đang tăng với tốc độ chóng mặt và các nước đó cũng ngày cần nhiều nước sông Nile hơn để phục vụ cho thủy lợi, thủy điện và nhu cầu sinh hoạt.
Hiện tại, chế độ sử dụng nước sông Nile được điều chỉnh Hiệp định ký riêng giữa Ai Cập và Sudan năm 1959 và không có sự tham gia của các quốc gia khác nằm ở khu vực thượng nguồn.
Tất nhiên, các quốc gia thượng nguồn không cam chịu thực tế này. Nước đi đầu trong việc đòi xem xét lại Hiệp ước năm 1959 chính là Ethiopia- không những thế, thời gian gần đây nước này còn lên kế hoạch xây dựng một nhà máy thủy điện trên sông Nile Xanh – đồng nghĩa với việc có thể dẫn đến giảm lưu lượng của con sông.
Khi Nasser còn nắm quyền tại Cairô, Ai Cập đã ép các nước láng giềng ở thượng nguồn phải ký kết một loạt các thỏa thuận, trong đó có điều khoản có các kỹ sư Ai Cập mới được phép xây dựng các công trình thủy điện tại Ethiopia và Sudan. Nhưng bối cảnh hiện nay đã khác, và át chủ bài bây giờ tuyệt nhiên không còn nằm trong tay Cairô.
Đối với Cairô, nguồn nước sông Nile được xác định là có tầm quan trọng chiến lược. Theo Mohammed al-Amir Osman, giám đốc đập nước Aswan thì: "vi phạm Hiệp định năm 1959 cũng đồng nghĩa với việc xâm phạm biên giới của chúng tôi”.
Các chính phủ Ai Cập đã không ít lần tuyên bố: “nếu các quốc gia thượng nguồn làm giảm lưu lượng nước chảy vào Ai cập, quân đội Ai cập sẽ khôi phục lại nguyên trạng (dĩ nhiên, bằng vũ khí).
Còn hiện nay, Ai Cập cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề bằng các biện pháp ngoại giao như gây sức ép lên các nước láng giềng, hứa hẹn sẽ cung cấp điện cho Ethiopia và thậm chí hỗ trợ về kinh tế và kỹ thuật để đổi lấy việc họ từ bỏ các yêu sách đối với nguồn nước sông Nile.
Giới cầm quyền Ai Cập cũng rất cảnh giác trước các ý đồ của Tel Aviv đối với nguồn nước sông Nile: Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia của Quốc hội Ai cập yêu cầu chính phủ phải có những biện pháp tích cực để ngăn chặn mưu đồ của Israel “tiếp cận các nguồn tài nguyên của sông Nile thông qua việc xây dựng một chuỗi đập ở Ethiopia và Uganda với sự hỗ trợ đầu tư của Mỹ và Ngân hàng Thế giới".
Tạm thời, Hiệp định năm 1959 đang lâm vào thế bế tắc. Ai Cập và Sudan không có ý định xem xét lại Hiệp định, còn Ethiopia thì không có đồng minh đủ sức mạnh để buộc hai nước trên phải làm điều đó.
Tuy Ethiopia và các nước khác hiện vẫn chỉ tiêu thụ một lượng nước ít ỏi, nhưng tình hình này chắc chắn sẽ không thể kéo dài mãi. Trong các nước tại lưu vực sông Nile có hơn 160 triệu người sinh sống, con số này đang tăng lên hai triệu rưỡi người mỗi năm, và sớm muộn gì thì nguồn nước của dòng sông này cũng phải phân chia lại theo cách mới.
Khử trùng nước sông Nile ở Nam Sudan. Ảnh: Charles Lomodong
Trung Đông -vùng đất thiêng khô cằn
Đối với Ixrael, do nằm kẹt giữa các quốc gia Ả Rập, nên việc tiếp cận với nguồn nước ngọt luôn là vấn đề sống còn. Đối với các nước láng giềng A rập thì nguồn nước cũng là vấn đề cực kỳ nan giải.
Các nguồn cung cấp nước ngọt cho Ixrael đều nằm trên những vùng lãnh thổ bị quốc gia này chiếm đóng trong cuộc Chiến tranh sáu ngày năm 1967. Ở Bờ Tây sông Jordan có mỏ nước ngầm, và sau khi chiếm được Cao nguyên Golan, Ixrael đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ biển hồ nước ngọt Galilee (hiện cung cấp 1/3 lượng nước ngọt cho Ixrael- diện tích 165 km2).
Chính cao nguyên Golan là nơi bắt nguồn của hầu hết các con sông chảy qua Ixrael, Syria, Lebanon, Jordan và Palestine.
Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tất cả các cuộc đàm phán đòi Ixrael trả lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cho các nước A rập đều kết thúc thất bại. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, dân số Israel đã tăng gấp ba, và Tel Aviv hoàn toàn không có ý định trao cho kẻ thù tiềm năng nguồn nước ngọt quý giá mà bảy triệu người Ixrael đang sử dụng.
Chính Ixrael cũng phải đang tích cực phát triển các công nghệ tiết kiệm nước, trong đó có công nghệ tưới phun sương. Dù vậy thì tình trạng khan hiếm nước cũng chưa thế giải quyết triệt để.
Trong khi đó thì tại Palestine, việc tiêu thụ nước hoàn toàn không được kiểm soát, nước ngầm bị khai thác vô tội vạ vì ai muốn khoan giếng nước ở đâu thì khoan. Kết quả là, các tầng nước ngầm đang cạn kiệt, thậm chí đôi khi bơm lên chỉ có nước biển. Nên nhớ rằng Ixrael và Palestine có chung các tầng nước ngầm. Khó có thể tìm ra được một giải pháp nào đấy giữa Ixrael và Palestin trong trường hợp này.
Cũng tại khu vực Trung Đông, hiện đang có một dự án chung sử dụng tài nguyên nước theo phương thức cân bằng giữa Jordan và chính quyền tự trị Palestine, nhưng do các bên luôn nghi ngờ “thiện chí” của nhau nên dự án đó vẫn còn nằm trên giấy. Cũng cho tới nay, chưa có bất cứ một thỏa thuận quan trọng nào khác liên quan đến nước ở khu vực này được thực hiện, kể cả ý tưởng đào một kênh dẫn nước từ Biển Đỏ đến Biển Chết.
Những xung đột, xích mích liên miên đã không thể thúc đẩy được quá trình hiểu biết lẫn nhau giữa các bên. Năm 2002, Li-băng đã xây dựng một trạm lấy nước trên con sông biên giới Wazzani, vụ việc đã suýt dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang với Ixrael, nhưng cuối cùng hai bên cũng đã dàn xếp được với nhau, mặc dù rất khó khăn.
Nam Á- dùng nguồn nước làm vũ khí
Tại Nam Á, vấn đề nước đã làm cho mâu thuẫn truyền kiếp qua nhiều thế hệ giữa Ấn Độ và Pakistan càng trở nên trầm trọng. Trên thực tế, nguồn sinh thủy của hầu hết các con sông chảy qua lãnh thổ Pakistan, bao gồm cả tuyến đường thủy chính Indus đều nằm trên vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Và Delhi đã nhiều lần sử dụng "vũ khí nước". Chỉ chưa đầy một năm sau khi Ấn Độ và Pakistan tuyên bố độc lập, mùa xuân năm 1948, Ấn Độ đã cho chặn các kênh tưới cho vùng Punjab.
Mãi đến năm 1960 các bên mới đạt được một thỏa hiệp: Pakistan có quyền sử dụng nguồn nước của các nhánh phía tây sông Indus, còn Ấn Độ sử dụng các nhánh phía đông và cam kết không chặn các nhánh sông của Pakistan chảy qua lãnh thổ của mình, nhưng Ấn Độ cũng có quyền sử dụng nước ở các nhánh sông đó. Trong những năm 1960-1970, mặc dù luôn trong tình trạng chiến tranh, nhưng hai bên vẫn tiếp tục thực hiện các dự án chung trong việc xây dựng các con đập.
Hiệp định trên phần nào có hiệu lực cho đến năm 2005, khi Delhi công bố kế hoạch xây dựng công trình thủy lợi trên sông Chenab, còn Pakistan coi đây là sự vi phạm Hiệp ước năm 1960.
Xung đột cuối cùng đã được giải quyết, nhưng có lẽ sẽ không kéo dài được lâu - dân số của cả hai nước đang tăng nhanh, nền kinh tế Ấn Độ cần ngày càng nhiều nguồn nước hơn. Giới cầm quyền Pakistan đã không úp mở khi tuyên bố thẳng: nếu Ấn Độ cố tình o ép Pakistan bằng việc phong tỏa nguồn nước, Islamabad có thể sẽ sử dụng tới vũ khí hạt nhân.
Về phần mình, Ấn Độ cũng rất dễ bị tổn thương - nguồn của đa số các con sông của Ấn Độ, ngoại trừ sông Hằng, đều xuất phát từ Tây Tạng của Trung Quốc. Và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang thực hiện một loạt dự án trên cao nguyên Tây Tạng, lên kế hoạch xây dựng một hệ thống các con đê, đập nước, kênh mương thủy lợi trên khu vực này.
Ấn Độ liên tục yêu cầu Trung Quốc phải cam kết không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của các con sông, không làm giảm lưu lượng nước, nhưng cho đến nay Bắc Kinh vẫn phớt lờ những yêu cầu của Delhi. Không những thế, các chuyên gia Trung Quốc từ giữa những năm 90 đã thường xuyên đề cập đến khả năng nắn dòng sông Brahmaputra ở phía bắc.
Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực thì toàn bộ vùng đông bắc Ấn Độ và vùng đông của Bangladesh sẽ biến thành sa mạc. Đã từng có trường hợp như vậy đối với Kazakhstan mà người viết đã có dịp đề cập. Theo dự báo của chuyên gia L.Iurev (“BáoNga”- ngày 25/8/2013) thì đến năm 2030 – mỗi năm Trung Quốc cần 818 tỷ m3 nước trong khi chỉ có thể đảm bảo được 619 tỷ m3.
Trung Á - thủy điện và khí đốt
Sông Syr Darya ở Kazakhstan, 1996 .Ảnh: Igor Nosov / Hãng thông tấn ITAR-TASS
Tại khu vực Trung Á, những vấn đề liên quan tới nguồn nước đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng bây giờ nó đã mang tính chất đe dọa. Dưới thời Xô Viết, hệ thống nước tại khu vực hoạt động như một thực thể duy nhất, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, các công trình kỹ thuật liên quan tới nguồn nước đã thuộc về các quốc gia khác nhau.
Có quốc gia được hưởng nhiều nguồn nước hơn, có quốc gia được ít hơn. Kết quả là, các nước hậu Xô Viết ở khu vực này được chia thành hai nhóm: nhóm những nước có nguồn nước dồi dào, và nhóm những nước thiếu nước. Nhóm thứ nhất có Tajikistan và Kyrgyzstan, trong nhóm thứ hai có Uzbekistan và Kazakhstan.
Mối quan hệ căng thẳng và dễ bùng nổ nhất chính là mối quan hệ giữa tam giác Tashkent - Bishkek - Dushanbe. Uzbekistan có nền công nghiệp phát triển và lực lượng quân đội hùng hậu nhất trong khu vực, nhưng công nghiệp và nông nghiệp của Uzbekistan hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước sông Amu Darya và Syr Darya.
Trong khi đó, đầu nguồn các con sông của họ đều nằm trên vùng đất của những quốc gia láng giềng là Tajikistan và Kyrgystan. Khi Emomali Rahmon (Tổng thống Tajiksitan) thông báo rằng nước này đang lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên các con sông Vakhsh và Panj, các nhánh của sông Amu Darya, và trên sông Zarafshan - một nhánh chính của con sông nói trên, Tashkent đã thực sự quan ngại.
Mối đe dọa thiếu nước càng trở nên trầm trọng hơn khi Kyrgyzstan cũng cho biết đang chuẩn bị xây dựng nhà máy thủy điện Kambarata. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là lượng nước vào Uzbekistan sẽ bị giảm đi đáng kể.
Lôgic của các nhà lãnh đạo Tajikistan và Kyrgyzstan cũng không có gì khó hiểu: cả hai nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên, không có tiền để mua điện theo giá thị trường, và cách duy nhất thoát khỏi đói nghèo là tự xây dựng hệ thống đảm bảo năng lượng.
Bishkek và Dushanbe cũng cam đoan rằng các công trình thủy điện của họ sẽ chỉ có lợi cho nền kinh tế của Uzbekistan - có thể xả nước từ hồ chứa (cho Uzbekistan) khi cần thiết, đồng thời cũng bóng gió đề cập đến khả năng là Uzbekistan có thể trả cho các nước trên một khoản tiền nào đó để đổi lấy nguồn nước từ các hồ chứa.
Tajikistan và Kyrgyzstan không phải không có lý khi lập luận như vậy: họ phải mua gaz của Uzbekistan bằng tiền thì tại sao lại phải cung cấp nguồn nước miễn phí cho nước này.
Theo quan điểm của Uzbekistan, an ninh quốc gia của nước này đang bị đe dọa. Quan ngại đó không phải là không có căn cứ. Đối với Tajikistan, khả năng điều khiển lưu lượng nguồn nước là một viễn cảnh hấp dẫn và là một thứ vũ khí cực lợi hại - chỉ cần một vài ngày không có nước, những cánh đồng bông của Uzbekistan sẽ chết khô.
Tashkent sử dụng "vũ khí gaz" và cả Tajikistan lẫn Kyrgyzstan đang ngập trong khoản nợ khổng lồ mua khí đốt của Uzbekistan. Đây là vấn đề rất khó giải quyết: nếu Uzbekistan khóa van đường ống dẫn khí cho Tajikistan và Kyrgyzstan, hai nước này buộc phải xây dựng các nhà máy thủy điện để không phụ thuộc vào khí đốt của Uzbekistan, và để bán điện cho hai nước đang rất cần điện là Afghanistan và Pakistan.
Các cuộc tranh cãi đã kéo dài nhiều năm, nhưng việc xây dựng nhà máy thủy điện như đã nói ở trên chắc chắn sẽ được thực hiện. Và như vậy, tình hình ở vùng hạ lưu của sông Amu Darya và Syr Darya sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, biển Aral ngày càng khô cạn. Nếu như quá trình sa mạc hóa tiếp tục với tốc độ như thế này thì hàng triệu người dân Kazakhstan, Turkmenistan và người Uzbekistan ở vùng hạ lưu sẽ buộc phải di cư.
Kazakhstan, quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực, trong bối cảnh như vậy đã quyết định đứng ngoài các cuộc tranh chấp. Nguồn của tất cả các con sông lớn chảy qua Kazakhstan đều nằm trên lãnh thổ các nước khác như Trung Quốc (sông Irtysh), Kyrgyzstan (sông Syr Darya) và Nga (sông Ural).
Và để giải quyết vấn đề nước của mình, Astana đang nuôi tham vọng khôi phục lại lại dự án lấy một phần nước từ các con sông ở Siberia có từ thời Xô Viết: đó là đào kênh từ sông Obi đến sông Syr Darya và Amu Darya. Hậu quả môi trường của quyết định này là không thể tính toán hết; không loại trừ trường hợp nếu dự án được hiện thực hóa thì diện tích đất ngập mặn sẽ gia tăng và nguồn nước ngầm sẽ bị cạn kiệt.
Còn đối với Việt Nam?
Có lẽ nguồn của các con sông lớn chảy vào Việt Nam bắt nguồn từ đâu, ai cũng rõ.
Theo số liệu của một số chuyên gia quốc tế thì đến năm 2015, trên sông Mê Kông và các nhánh của nó có thể có tới 41 đập lớn, còn đến năm 2030, con số trên sẽ là 71. Tác động của các đập này đối với vùng hạ lưu, đặc biệt là với đồng bằng sông Cửu Long như thế nào, đã có nhiều bài báo phân tích. Như báo chí đã đưa tin, Lào đang xây dựng thủy điện Don Sahong trên sông Mê Kong. Trước đó, đã khởi công xây dựng Xayaburi.
Cũng không nên quên số liệu về nhu cầu và khả năng đảm bảo nguồn nước của Trung Quốc như đã dẫn ở phần trên cũng như “truyền thống” phớt lờ lợi ích các nước láng giềng của Trung Quốc.
Công trình xây dựng thủy điện Xayaburi đang được triển khai
Phần cuối
Vấn đề nước thường xuyên được thảo luận trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc. Trong Tuyên ngôn Thiên niên kỷ, được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2000, cộng đồng quốc tế cam kết đến năm 2015 sẽ giảm một nửa số người không được tiếp cận nguồn nước sạch, và chấm dứt việc sử dụng bất hợp lý tài nguyên nước. Còn một năm nữa là đến hạn thực hiện, song những cam kết trên vẫn chỉ là các cam kết và không thấy bất kỳ một cơ sở nào để tin rằng chúng sẽ được thực hiện đúng hạn.
Nguồn nước trên thế giới hiện nay có thể ví như “một tấm chăn hẹp”, hay nói một cách khác là một cuộc đấu mà tổng kết quả luôn bằng không: nếu như có ai đó thắng cuộc, thì dứt khoát phải có kẻ khác thua cuộc. Nước không thể đủ cho tất cả mọi người.
Nhiều chuyên gia đã dự đoán về các cuộc chiến giành nguồn nước từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng đến nay vẫn chưa có một cuộc chiến tranh nào như vậy xảy ra. “Nhưng dù sớm hay muộn thì có lúc các quốc gia sẽ phải dùng đến vũ khí để phân chia lại nguồn nước – đánh giá của chuyên gia Nga Alexey Kupriyanov).
Các chuyên gia đánh giá khác nhau về những khu vực sẽ xảy ra xung đột về nguồn nước. Nhưng con số các khu vực có nguy cơ cao là không ít hơn 10. Có lẽ chỉ có Nga (đúng hơn là vùng lãnh thổ Châu Á của Nga), Brazil và Canada là không nằm trong danh sách này.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 10/10/2024, tại Trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Hội thảo về “Kinh nghiệm đọc sách khoa học”. Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó chủ tịch thay mặt Hội đã đến dự và trình bày bài tham luận: KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG NHỮNG “VIÊN NGỌC” QUÝ THU ĐƯỢC KHI ĐỌC SÁCH KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ TRONG THỜI ĐẠI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.