(Tin Môi Trường) - Một số ý kiến cho rằng kết luận do Bộ TN-MT công bố còn chung chung, chưa rõ ràng trong khi đó đại diện Bộ Y tế cho rằng cần phải chắc chắn mới có thể công bố cá ở vùng biển miền Trung đã ăn được hay chưa.
Sáng 22-8, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị
Nằm trong giới hạn cho phép
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT, sau thời gian thực hiện nhiệm vụ, đến nay việc điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển các tỉnh
miền Trung đã được hoàn thành.
Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cho biết sự cố môi trường do Công ty Formosa gây ra ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, tình hình an ninh trật tự ở các tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, mong muốn sau khi công bố các yếu tố môi trường biển miền Trung, du khách sẽ quay trở lại Quảng Trị. Sau sự kiện này, biển
miền Trung sẽ quay trở lại như những ngày chưa xảy ra sự cố.
GS-TS Mai Trọng Nhuận (ĐH Quốc gia Hà Nội) đại diện cho nhóm chuyên gia nghiên cứu cho biết, kết quả quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển và các hệ sinh thái biển và ven biển
4 tỉnh miền Trung bằng quy trình, phương pháp khoa học, hợp lý cho thấy:
Các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với các vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Tuy nhiên, một số khu vực có dòng chảy cục bộ như Sơn Dương, phía đông biển Nhật Lệ, hòn Sơn Chà, khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn nên cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn chất thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường biển, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.
Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung
Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố ô nhiễm môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô nay đã bắt đầu có sự hồi phục tích cực.
Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ ngày 22-4 đến 8-8, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy từ
4 tỉnh miền Trung cho thấy hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ TNMT công bố.
Để tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường và các hệ sinh thái ven bờ khu vực
miền Trung và giám sát nguồn tác động từ các dự án, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…, Bộ TNMT sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc, giám sát trên biển, trên đất liền, đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn thải từ nhà máy Formosa, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sỡ dữ liệu, và các công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển…
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (xã Sơn Dương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vào đầu tháng 4 vừa qua khiến đời sống người dân
4 tỉnh lao đao. Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Sau hơn 2 tháng, ngày 28-6, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Cá đã ăn được hay chưa cần phải chờ
Sau khi đại diện Bộ TN-MT công bố hiện trạng biển miền Trung, một số ý kiến còn băn khoăn với các nội dung của kết luận. Ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, băn khoăn theo như kết luận cho biết tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên, như vậy, cá biển người dân đánh bắt ở trong khu vực này đã ăn được chưa.
Ông Ngân cho rằng câu hỏi này “chúng tôi đã đặt ra rất nhiều lần và đến thời điểm này vẫn chưa trả lời được”. Ông Ngân cũng đề nghị các bộ ngành cần có giải pháp về mặt lâu dài bởi vì chỉ tiêu độc tố môi trường biển còn cao. Ông Ngân cũng đề nghị Bộ TNMT và UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp kiên quyết quản lý Formosa trong quá trình hoạt động sắp tới, không để xảy ra sự cố tương tự.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, thắc mắc trong kết luận có nêu rằng môi trường có cơ chế tự phục hồi, vậy việc phục hồi sau ô nhiễm là do bay hơi, hòa tan hay phát tán? Ông Phương còn băn khoăn với kết luận ngưỡng giá trị các độc tố như phenol, cyanua theo tiêu chuẩn Việt Nam thì chưa có mà nằm trong giới hạn cho phép vậy giới hạn này là giới hạn nào?
PGS-TS Nguyễn Văn Hợp (ĐH Khoa học Huế) thì cho rằng trong kết luận cho biết độc tố trong thủy hải sản giảm dần theo thời gian, giảm nhưng đến mức nào rồi? Các độc tố so với các vùng không bị ô nhiễm ra sao cần phải làm rõ chứ không thể giảm chung chung. “Kết luận chung chung quá, có vẻ như Bộ Y tế quá thận trọng. Hàm lượng các chất trong thủy hải sản đang giảm theo thời gian là khó hiểu quá, chất gì thì phải nêu cho rõ...” – ông Hợp nói và nhìn nhận báo cáo còn thiếu sự so sánh.
PGS-TS Nguyễn Văn Hợp cho rằng kết luận còn chung chung
Trước câu hỏi cá đã an toàn chưa, đại diện Bộ Y tế cho hay sau khi có sự cố xảy ra bộ đã phối hợp với Bộ NN-PTNT lấy mẫu phân tích. Kết quả bước đầu cho thấy rằng các mẫu lấy từ tháng 6 lại đây các chất ô nhiễm giảm dần. Tuy nhiên, khi nào có kết luận cuối cùng thì bộ sẽ thống nhất với Bộ NN-PTNT để có thông báo cụ thể. “Sau khi Bộ TNMT công bố vùng biển an toàn, chúng tôi sẽ cùng với Bộ NN-PTNT giám sát, khi nào có kết quả chắc chắn thì sẽ phối hợp để công bố” – đại diện Bộ Y tế nêu.