Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Bài học từ cơn bão Haiyan: Châu Á thất bại trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu
(09:31:56 AM 06/11/2014)
Philippines tan hoang sau cơn bão dữ -Ảnh: TL
Theo Chiến lược quốc tế giảm nhẹ thảm họa của Liên hợp quốc (UNISDR), châu Á là khu vực hứng chịu nhiều thảm họa nhất thế giới. Năm 2013, 78% số người chết do thảm họa trên toàn thế giới đến từ châu Á, so với 60% các thiên tai, thảm họa xảy ra ở đây. Theo ước tính thì trong 20 năm qua, châu lục này đã phải gánh chịu gần một nửa thiệt hại gây ra do các thảm họa trên tòan thế giới, tương đương 53 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Mức thiệt hại trực tiếp này còn vượt xa mức tăng GDP của cả khu vực. Tại Đông Nam Á, riêng thiệt hại do mất mùa, mất canh tác gây ra cũng đã lên đến 1 tỷ đô la Mỹ.
Nếu không hành động, bốn quốc gia – Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – đến năm 2100 có thể sẽ bị mất đến 6.7% GDP hàng năm, gần gấp đôi thiệt hại trung bình của toàn thế giới, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Điều này sẽ đẩy lùi bước tiến của nhiều nền kinh tế châu Á hiện tại đang có mức tăng trưởng GDP bình quân 6% mỗi năm kể từ năm 2012.
Nếu không được giải quyết thỏa đáng, biến đổi khí hậu có thể làm chậm quá trình phát triển cũng như những nỗ lực xóa đói giảm nghèo của cả khu vực. Bên cạnh đó, theo các phân tích của Oxfam về các chính sách Giảm nhẹ rủi ro thảm họa và Ứng phó với biến đổi khí hậu của 10 quốc gia thành viên ASEAN và bốn quốc gia khu vực Nam Á, nhiều chính phủ châu Á đang đầu tư quá ít vào các kế hoạch phát triển nông nghiệp để tăng khả năng ứng phó của người dân trước biến đổi khí hậu.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hầu hết các quốc gia châu Á đã ban hành những chính sách liên quan đến việc chuẩn bị cho thảm họa và biến đổi khí hậu, tuy nhiên, chúng lại được thực thi với mức độ thành công khác nhau. Các chương trình giảm thiểu rủi ro thảm họa thường đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trung ương và chính quyền địa phương. Kết quả đánh giá của Oxfam cho thấy chính quyền địa phương thường không thể cung cấp cho người dân những công cụ cần thiết để chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai. Chính phủ các nước Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Việt Nam và Philippines cần vượt qua nhiều khó khăn trong công tác quản lý và phối hợp. Tại châu Á, quy mô thiệt hại về mặt con người do các thảm họa là quá lớn, gấp nhiều lần mọi nỗ lực ứng phó, chứ chưa nói đến viễn cảnh có thể vượt qua các hậu quả gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, bà Babeth Lefur cho biết: “Năm 2013, chính phủ Việt Nam đã chủ động ứng phó với siêu bão Haiyan thông qua việc đặt mức chuẩn bị phòng chống bão ở cấp cao nhất cho các tỉnh ven biển. Gần 800.000 người đã được sơ tán trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Tuy vậy, chính phủ vẫn cần quan tâm hơn đến việc sửa đổi, cập nhật hệ thống văn bản pháp luật liên quan và công tác triển khai thực hiện. Cụ thể, điều luật mới nhất về Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai (2013) cũng chỉ đề cập rất ít đến việc ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như cách xử lý trong các tình huống xấu.
Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt những văn bản pháp luật về phòng chống và ứng phó với thảm họa, biến đổi khí hậu và các sự kiện cực đoan, nhằm mục đích tăng cường năng lực của cả người dân địa phương và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, những văn bản này chỉ mang lại hiệu quả nếu nguồn lực được phân bổ hợp lý cho việc triển khai, với sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan có trách nhiệm ở tất cả các cấp”.
Theo đánh giá của Oxfam về việc phục hồi sau siêu bão Haiyan, Philippines mặc dù đã thể hiện rõ sự chủ động trong quá trình dịch chuyển từ hoạt động hỗ trợ nhân đạo sang giai đoạn phục hồi và thích nghi sau thảm họa, các nỗ lực này có thể bị lung lay nếu chính phủ không được củng cố thêm nguồn lực. Những biện pháp giảm thiểu rủi ro thảm họa như kế hoạch sử dụng đất, xây dựng các văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thảm họa với đầy đủ nhân lực không phải lúc nào cũng có hiệu quả tại địa phương. Do đó, kế hoạch Phục hồi và Đổi mới Toàn diện trị giá 3,9 tỷ đô la Mỹ của chính phủ là một cơ hội lớn để đảm bảo các địa phương được nâng cao năng lực, các cán bộ nhân viên trong lĩnh vực Giảm nhẹ rủi ro thảm họa được củng cố kỹ năng, còn các cộng đồng dân cư – bao gồm các cộng đồng rất khó khăn – được cung cấp một nguồn lực đủ lớn để thực hiện thành công các kế hoạch quản lý và khôi phục sau thảm họa.
Một năm kể từ ngày cơn bão Haiyan đổ bộ, bất chấp những nỗ lực cứu trợ nhân đạo khổng lồ mà chính phủ và người dân Philippines đã nhận được, các gia đình nơi đây vẫn đang chật vật trong việc khôi phục sinh kế và thậm chí còn thường trực đứng trước nguy cơ bị rơi xuống đáy sự cùng cực tại một khu vực đã vô cùng nghèo khó.
Hơn một triệu hộ gia đình nông dân nghèo trồng dừa và 200.000 hộ ngư dân đã bị ảnh hưởng, đây đều là những kế sinh nhai đặc trưng của các cộng đồng nghèo khó. Từ tháng 11/2013 đến nay, Oxfam đã triển khai hoạt động cứu trợ tại hơn 32 địa bàn chịu ảnh hưởng, đầu tư hỗ trợ 42 triệu đô la Mỹ (trong một kế hoạch ba năm trị giá 65 triệu); cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh công cộng, máy bơm nước và phiếu đổi hàng cho hơn 868.960 người dân; trợ giúp họ sửa chữa nhà cửa, thay thế và đóng lại tàu đánh cá, dọn sạch các cây dừa bị gãy đổ, và xây dựng các xưởng mộc để chế biến những mảnh gỗ dừa thành nguyên liệu xây lại nhà cửa.
Cơn bão Haiyan và những thiệt hại mà nó để lại là minh chứng rõ ràng nhất cho sự dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, nếu chúng ta tiếp tục phớt lờ thực tế này hay không làm gì để bù đắp, thì người dân tại những nơi mà cơn bão này đi qua sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong đời sống và trở nên dễ tổn thương hơn nữa trước những thảm họa và nguy cơ đói nghèo trong tương lai.
Hai phần ba số dân toàn thế giới không được đảm bảo an ninh lương thực sống tại Châu Á. Đây lại là khu vực tập trung đông các hộ sản xuất lương thực quy mô nhỏ - nông dân và ngư dân. Nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và lũ lụt là những mối đe dọa thường trực đối với những người dân sinh sống dọc theo hàng nghìn dặm đường bờ biển, chiếm từ 3,5 tới 5 triệu người nơi đây. Các hậu quả tiêu cực tác động lên việc sản xuất lương thực sẽ thay đổi một loạt các mặt hàng trên thị trường, cũng như chồng thêm trách nhiệm lên chính phủ.
Hợp tác khu vực trên toàn châu Á là tối quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt khi mà các quốc gia thường bị tác động cùng một lúc. Phân tích của Oxfam chỉ ra rằng những tổ chức khu vực như Hiệp hội các nước Nam Á và Đông Nam Á cần làm nhiều hơn để thúc đẩy tăng nguồn lực quốc gia nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Các quốc gia trong khu vực cũng cần nắm bắt cơ hội, cùng nhau thương lượng trong hội nghị quốc tế về khí hậu UNFCCC vào tháng 12 sắp tới, tại Lima, Peru, để đảm bảo sự hỗ trợ tài chính mà họ thực sự cần từ các quốc gia phát triển,
“Các quốc gia phát triển cần hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ở châu Á để họ có thể bảo vệ những người dân của mình trước các tác động của biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội duy nhất để chúng ta mãi ghi nhớ sự thảm khốc của cơn bão Haiyan, và kêu gọi của Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Mười lăm tỷ đô la Mỹ nếu được cam kết trong hội nghị tại Peru, với mức cân đối 50% - 50% giữa thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu sẽ là cách thỏa đáng nhất để tưởng niệm những nạn nhân của Haiyan” bà Babeth kết luận.
Đối mặt với những dự đoán về tình trạng khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt, các quốc gia tại châu Á và các nhà tài trợ quốc tế cần có trách nhiệm bảo vệ người dân bằng việc thực hiện các cam kết và mở rộng quy mô các chương trình hiện tại nhằm đảm bảo người dân có thể phục hồi trước những rủi ro liên quan đến khí hậu.
Báo cáo khẳng định: Chính phủ tại nhiều quốc gia châu Á như Banglades, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Philippines cần đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cao năng lực bảo vệ người dân, trong bối cảnh đây là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Gửi ý kiến bạn đọc về: Bài học từ cơn bão Haiyan: Châu Á thất bại trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.