- Xin ông cho biết ý kiến về phương án di dân nếu xảy ra vỡ đập thuỷ điện Sông Tranh 2 mà UBND tỉnh Quảng Nam vừa đưa ra?
Ông Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu. |
- Vai trò của Viện Vật lý địa cầu trong vấn đề thuỷ điện Sông Tranh 2 như thế nào? UBND tỉnh Quảng Nam có tham khảo ý kiến của Viện Vật lý địa cầu trước khi đưa ra phương án di dân?
Viện Vật lý Địa cầu vẫn tiếp tục đóng góp những kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học vào việc giám sát mức độ an toàn địa chấn tại khu vực Bắc Trà My và thủy điện Sông Tranh 2.
Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần vẫn làm việc 24/24 để quan trắc, phát hiện và ra thông báo về các trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My. Hệ thống trạm quan trắc động đất địa phương vừa được thiết lập tại Bắc Trà My đang cung cấp các số liệu cho phép đánh giá xu thế biến động của động đất tại đây và đánh giá mức độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh.
Theo tôi được biết, tỉnh Quảng Nam không tham khảo ý kiến của Viện Vật lý Địa cầu khi đưa ra phương án di dân, chúng tôi cũng không hề biết nội dung của kịch bản di dân.
- Ông đánh giá thế nào về công tác dự báo, cảnh báo trước khi xảy ra sự cố vỡ đập (nếu có) ở thuỷ điện Sông Tranh 2? Có những cơ quan nào tham gia vào quá trình dự báo sự cố (động đất dẫn đến vỡ đập…). Sự phối hợp giữa các bên đến đâu?
Trước tiên cần nhấn mạnh một hiện thực, động đất là hiện tượng thiên nhiên xảy ra bất thình lình và không thể dự báo trước được. Cho đến nay, tất cả các quốc gia phát triển nhất trong lĩnh vực nghiên cứu động đất cũng phải thừa nhận điều này. Có thể thấy rõ qua những ví dụ điển hình về các trận động đất mạnh xảy ra gần đây tại Nhật Bản, New Zealand, v.v… Vì vậy, vấn đề dự báo động đất gây vỡ đập ở thủy điện Sông tranh 2 có thể coi là một nhiệm vụ bất khả thi.
Còn vấn đề cảnh báo, những nước tiên tiến nhất trong lĩnh vực cảnh báo sớm cũng chỉ có thể xác định được các tham số của một trận động đất (như tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu, độ mạnh tại nguồn và ảnh hưởng trên bề mặt, v.v…) sau khi động đất xảy ra khoảng từ 3 - 5 phút.
Theo tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba cơ quan hữu quan là Viện Vật lý địa cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND huyện Bắc Trà My trong việc sẵn sàng ứng phó với sự cố vỡ đập thủy điện nếu có động đất mạnh. Viện Vật lý địa cầu là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện và cảnh báo nhanh nếu có động đất mạnh xảy ra trên địa bàn, EVN chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát thường xuyên độ an toàn của đập trước những tác động bên ngoài bao gồm không chỉ động đất, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc huy động người dân đi sơ tán.
Hiện nay, giữa Viện Vật lý Địa cầu và Ban quản lý Dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 vẫn có sự hợp tác trong việc chia sẻ các dữ liệu động đất quan trắc được tại địa phương và dữ liệu của các máy đo gia tốc đặt tại đập thủy điện nhằm đánh giá mức độ an toàn của đập trước tác động của các rung chấn do động đất gây ra.
Các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu được phân công tới “trực chiến” ngay trên địa bàn huyện Bắc Trà My để theo dõi diễn biến của động đất tại địa phương và thu thập các dữ liệu liên quan tới an toàn đập.
Chúng tôi cũng đã có những khuyến cáo với chính quyền địa phương về việc lập kế hoạch ứng phó với động đất tại địa phương, bao gồm cả kế hoạch di dân ra khỏi vùng cực động.
- Với các thiết bị hiện có tại ở thuỷ điện Sông Tranh 2, có thể cảnh báo đập thuỷ điện vỡ trước thời gian bao lâu? Thời gian đó có đủ để 6 vạn người dân địa phương sơ tán (theo như kịch bản). Vai trò của các máy đo gia tốc nền sắp được lắp đặt?
Như trên đã phân tích, thời gian cảnh báo vỡ đập có thể chỉ tính được bằng hàng chục phút. Do đó chúng ta không thể chờ đến khi vỡ đập rồi mới có phương án giải quyết.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là phải có một phương án rất cụ thể, rất chi tiết về việc sơ tán dân nếu có sự cố xảy ra. Việc sơ tán 6 vạn dân trong những thời điểm khẩn cấp quả thực không phải là một công việc đơn giản, vì thế kế hoạch ứng phó, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, là phải rất cụ thể và chi tiết: Đi đâu, bao nhiêu phút, phương tiện nào là thích hợp, điều phối, thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn, sơ cứu – trợ giúp y tế, v.v… Các vấn đề cần phải được đặt ra trước và có lời giải sẵn. Tóm lại là phải luôn luôn sẵn sàng để ứng phó với sự cố có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai.
Từ trước đến nay, chỉ có 4 máy đo gia tốc được lắp đặt tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2, trong đó có 1 máy đặt trên đỉnh đập, 2 máy đặt trong thân đập và 1 máy đặt sát đập ở phía bên ngoài đập (vai đập). Bốn máy đo gia tốc này là của EVN quản lý và có chức năng chính là ghi nhận những rung chấn từ bên ngoài tác động lên bản thân đập thủy điện, từ đó giám sát thường xuyên mức độ an toàn của đập thủy điện dưới tác động của động đất.
Sau khi các trận động đất xảy ra dồn dập tại Bắc Trà My, Viện Vật lý địa cầu đã triển khai thêm một mạng lưới bao gồm 5 trạm địa chấn ngay tại địa phương huyện Bắc Trà My. Trong năm 2013, Viện sẽ lắp đặt thêm 2 máy ghi gia tốc nền tại đây.
Vai trò của các máy địa chấn và máy ghi gia tốc của Viện Vật lý địa cầu khác hẳn so với vai trò các máy ghi gia tốc của EVN, có chức năng ghi nhận các trận động đất địa phương và các rung động trên bề mặt do động đất gây ra trên một vùng rộng lớn. Từ đó có được tập số liệu quan trắc phục vụ cho việc đánh giá xu thế biến động của hoạt động động đất địa phương, dự báo động đất cực đại cho khu vực Bắc Trà My trong tương lai.
- Đánh giá của ông về vấn đề an toàn của thuỷ điện Sông Tranh 2?
Theo các kết quả kiểm định mức độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 do Bộ Công Thương và Hội đồng nghiệm thu Nhà Nước, Bộ Xây dựng công bố, cho đến nay đập thủy điện Sông Tranh vẫn an toàn.
Xin cảm ơn ông !