Trao đổi - Phản biện » Xã hội
“Đảm bảo tài nguyên nước được khai thác, sử dụng bền vững”
(14:30:11 PM 18/03/2015)Ảnh minh hoạ
PV: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về chủ đề ngày Nước thế giới năm nay?
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Vào năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 22/3 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Trong vòng 22 năm qua, Ngày Nước thế giới được tổ chức trên toàn thế giới với những chủ đề khác nhau cho từng năm. Năm 2015 này, Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc (UN – Water) tổ chức các sự kiện ngày nước thế giới tại New Delhi , Ấn Độ.
Năm 2015, chủ đề của Ngày Nước thế giới là “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững” là cơ hội quan trọng để làm nổi bật vai trò của nước trong các chương trình nghị sự phát triển bền vững của thế giới. Theo dự đoán đến năm 2025, có khoảng 2/3 dân số trên toàn cầu sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Chính vì thế, yêu cầu phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, hơn bao giờ hết yêu cầu này phải mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu. Trong đó, tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2015 trong hai ngày 19-20/3/2015 tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Chương trình gồm các hoạt động chính: Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Hội thảo khoa học “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”, Triển lãm ảnh “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”, Chương trình giao lưu nghệ thuật chào mừng Ngày Nước thế giới 2015 và một số hoạt động tuyên truyền khác được tổ chức song song.
PV: Không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nơi trên thế giới Tài nguyên nước đang ngày càng suy thoái và cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Vậy để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta phải làm gì để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực và bảo vệ tài nguyên quý giá này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Phát triển bền vững không phải là một khái niệm mới mẻ mà thực ra đã được sử dụng trong quản lý các tài nguyên có khả năng tái tạo. Con người hoàn toàn có khả năng làm cho phát triển được bền vững, đảm bảo tài nguyên đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của mình mà không gây phương hại đến việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, đồng thời giảm thiểu tổn hại tới hệ thống kinh tế - xã hội và môi trường.
Việt Nam luôn khẳng định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và khu vực để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của thế giới và khu vực.
Ở Việt Nam, tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước năm 2006 “quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước”.
Đặc biệt, gần đây quan điểm quản lý tổng hợp, toàn diện tài nguyên nước đã được luật hóa và được quy định trong Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 - văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực tài nguyên nước. Theo đó, một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước đã được quy định trong Luật là: "Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính.” và “Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”. Cùng với nguyên tắc này, Luật cũng đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong các hoạt động quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra...
PV: Hiện nay, dư luận đang quan tâm tới việc vùng hạ lưu sông Mê Kông, nguồn nước ngọt lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang có nguy cơ bị tác động nghiêm trọng bằng việc xây dựng những con đập thủy điện lớn ở thượng nguồn khiến sinh kế của người dân nơi đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thứ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Sông Mê Kông có chiều dài hơn 4.800km, chảy qua lãnh thổ 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, lưu vực sông Mê Kông hiện nay và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ven sông mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực.
Do có tiềm năng rất lớn về thủy điện, những quốc gia ở phía thượng nguồn con sông này đã, đang và sẽ xây dựng nhiều dự án trên dòng chính. Việc xây dựng các con đập này trên dòng sông Mê Kông theo cảnh báo của các tổ chức và chuyên gia quốc tế đã và đang gây ra một loạt tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới người dân của nhiều quốc gia, đặc biệt là những người dân sinh sống tại vùng hạ lưu con sông như Đồng bằng sông Cửu Long.
Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng các đập ảnh hưởng đến các hệ thống sinh thái, chế độ dòng chảy, vận chuyển phù sa, giao thông thủy…. Các con đập như một hàng rào chắn đối với sự di chuyển của loài cá. Các loài cá đánh bắt trên sông Mê Kông phần lớn là loài di trú. Ảnh hưởng của các con đập đến tuyến đường di trú khác nhau tùy từng khu vực, nhưng việc ảnh hưởng của đập đối với sự di trú của loài cá là không thể phủ nhận được. Việc xây dựng các con đập còn làm gián đoạn chu kỳ lũ tự nhiên mà các loài cá đã thích nghi hàng ngàn năm; làm cứng lòng sông do tầng đá nền ở dưới đập lộ ra và mất giá trị làm nơi sinh sống cho loài cá. Đập cũng giữ lượng trầm tích ở lại, làm mất một nguồn dinh dưỡng cho cá, làm thay đổi nhiệt độ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và sinh sống của loài cá.
Vẫn biết thủy điện lâu nay được coi là một nguồn “năng lượng xanh”, vì có thể tái tạo và không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Thêm nữa, các đập nước trên lý thuyết còn giúp kiểm soát dòng chảy, điều chỉnh lưu lượng nước, phòng chống lũ lụt hay hạn hán tại hạ nguồn; giúp phát triển nông nghiệp. Nhưng việc phát triển thủy điện trên các dòng sông lớn như Mê Kông sẽ là "lợi bất cập hại nếu không có sự tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng của tất cả các quốc gia từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu tác động to lớn, chưa thể lường trước từ các chương trình, dự án khai thác không bền vững nguồn nước sông Mê Kông…
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những hướng đi tiếp theo của ngành nhằm phát huy lợi thế tối đa nguồn tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta?
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hoạt động khai thác sử dụng nước ngày càng gia tăng ở trong nước cũng như ở các quốc gia thượng nguồn các sông liên quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam, công tác quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới sẽ tập trung vào 9 nội dung chủ yếu trong đó chú trọng đến những vấn đề như: Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, phấn đấu trong năm 2015 hoàn thành việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên 8 lưu vực sông còn lại, gồm: Hồng, Đồng Nai, Vu Gia - Thu Bồn, Hương, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh và Trà Khúc; thành lập Ủy ban lưu vực sông để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải, bảo vệ số lượng nước, chất lượng nước; kiểm soát chặt các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước ngay từ khi triển khai đầu tư các dự án phát triển; tập trung triển khai các biện pháp, công cụ kinh tế theo quy định của Luật để từng bước ngăn chặn, tiến tới hạn chế dần tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, triển khai thực hiện các đề án kiểm kê tài nguyên nước, kiểm kê hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước theo Kế hoạch quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiện toàn, củng cố và tăng cường bộ máy quản lý tài nguyên nước ở các cấp, nhất là cấp Sở và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện; hình thành tổ chức lưu vực sông và xây dựng cơ chế điều phối, giám sát trong hoạt động quản lý tài nguyên nước ở các lưu vực sông; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của việc sử dụng nước phía thượng lưu các nguồn nước liên quốc gia; nâng cao nhận thức của cộng đồng và có chính sách phù hợp để thu hút cộng đồng, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ tài nguyên nước…
Dù có nhiều thách thức, ngành nước Việt Nam cũng hội tụ nhiều cơ hội để phát triển. Điều then chốt là chúng ta cần định hướng quản lý cho phù hợp, xác định các chính sách bảo vệ và phát triển nguồn nước và hơn hết, cần nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của toàn cộng đồng về giá trị của tài nguyên nước, về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước để các chính sách quản lý, bảo vệ nguồn nước thực sự đi vào đời sống.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.