»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:40:45 PM (GMT+7)

TP.HCM: Cắt khu dự trữ sinh quyển để nuôi tôm

(19:54:47 PM 11/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Dù chưa có bất cứ phê duyệt nào của cơ quan có thẩm quyền, nhưng dự án “Sản xuất ứng dụng công nghệ cao kết hợp quy trình siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Cần Giờ, TP.HCM” vẫn được triển khai ngay tại tiểu khu 5A rừng phòng hộ Cần Giờ.

 

 

Công trình xây dựng ao nuôi tôm trong phạm vi tiểu khu 5A rừng ngập mặn Cần Giờ đã bị đình chỉ - Ảnh: Đ.Tuyên

 

 

Đây cũng là một phần thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận từ năm 2000. Nơi bắt đầu của cánh rừng ngập mặn độc đáo chính là tiểu khu 5A thuộc địa phận ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) với diện tích hơn 300ha.

 

Tại địa phận này, hiện không khó nhận ra những cây cột bêtông thẳng đứng, khung nhôm, sắt thép... đang được dựng lên cho dự án “Sản xuất ứng dụng công nghệ cao kết hợp quy trình siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Cần Giờ TP.HCM” (viết tắt là dự án siêu thâm canh) với công nghệ của Singapore, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Chợ Lớn (CHAID CORP) thực hiện.

 

Xây không phép trên đất rừng phòng hộ

 

 

Ông Trương Trung Việt (chủ tịch hội đồng thành viên Cholimex) cho biết: “Những nội dung này thuộc phạm vi điều hành của ban tổng giám đốc Cholimex, đến nay hội đồng thành viên chưa được ban tổng giám đốc báo cáo. Chúng tôi xin ghi nhận nội dung trên. Sau khi kiểm tra và có thông tin báo cáo từ ban tổng giám đốc, chúng tôi sẽ trả lời cụ thể các nội dung trên”.

 

Vì dự án nằm ngay trên khu đất rừng phòng hộ Cần Giờ, nên đầu tháng 5 UBND TP yêu cầu các cơ quan chức năng có ý kiến về mặt pháp lý của dự án.

 

Cụ thể, dự án phải thỏa mãn các câu hỏi: Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - cơ quan được giao trực tiếp quản lý rừng - có đồng ý cho nuôi tôm thẻ chân trắng tại tiểu khu 5A rừng phòng hộ hay không? Dự án có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái rừng khi triển khai hay không? Và UBND TP nói rõ là nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất từ rừng phòng hộ sang loại đất khác.

 

Sáng 9-6, ông Trương Trung Thu - trưởng phòng thủy sản Sở NN&PTNT TP - cho biết đến nay các sở ngành TP vẫn chưa có văn bản trả lời về vấn đề trên để sở tổng hợp ý kiến trình UBND TP như chỉ đạo. Thế nhưng thực tế dự án siêu thâm canh đã được triển khai xây dựng các công trình với nhiều hạng mục khác nhau. Bước vào khu dự án, nhiều người không khỏi giật mình khi hàng cột bêtông đã được đóng kiên cố trên các ao tôm. Khung mái che gần như hoàn tất tại ao thứ nhất, trong khi các ao liền kề vẫn còn đó những vết cạp, nạo vét mới nguyên...

 

Khi nghe thông tin việc dự án siêu thâm canh đã và đang xây dựng các công trình nuôi tôm, ông Lê Văn Thơm - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - tỏ ra rất bất ngờ. Ngay trong chiều tối 7-6, ông Thơm đã đến hiện trường kiểm tra và tận mắt chứng kiến các công nhân đang hì hụi thi công nhiều hạng mục dưới lòng ao, nhiều tấn vật liệu xây dựng tiếp tục được đổ xuống bãi tập kết của công trình.

 

Ông Thơm cho biết UBND huyện Cần Giờ đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ kiểm tra việc xây dựng các ao nuôi tôm tại tiểu khu 5A đang tác động đến rừng phòng hộ. Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã lập biên bản các sai phạm và đình chỉ mọi hoạt động thi công của dự án này. Theo ông Thơm, khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, các thủ tục xây dựng cũng chưa có mà đã xây dựng các công trình như thế là “trái với quy định, sai hoàn toàn”.

 

Ông Lê Văn Sinh - trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - cho biết thêm: “Mọi hoạt động tác động đến khu đất này đều phải nghiêm ngặt tuân theo quy chế quản lý rừng phòng hộ. Ngay cả khi được phép thi công cũng không được đưa máy móc cơ giới vào, mọi biện pháp thi công phải thực hiện thủ công và đều phải có phương án chi tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt.

 

Ngoài ra, đất đai ở đây cũng không được chuyển giao hoặc đem hợp tác, cho thuê, liên doanh... dưới mọi hình thức khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền. Trong khi đó, đến nay dự án siêu thâm canh chưa có phương án hay bất kỳ phê duyệt nào của cấp thẩm quyền mà đã triển khai xây dựng là sai”.

 

“Thân phận”... không rõ ràng

 

Tiểu khu 5A rừng phòng hộ Cần Giờ trước đây vốn là Nông trường Q.5. Đến năm 1995, nông trường này được chuyển giao cho Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (nay là Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn - Cholimex) trực tiếp quản lý rừng.

 

Đến đầu năm 2010, UBND TP ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng tiểu khu này, giao Ban quản lý rừng phòng hộ (UBND huyện Cần Giờ) quản lý toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được thu hồi. Đồng thời quyết định cũng nêu rõ Xí nghiệp dịch vụ kinh doanh nuôi trồng thủy hải sản thuộc Cholimex được tiếp tục quản lý toàn bộ tài sản đã đầu tư trên đất, ký hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ để giữ rừng, nhận tiền công như nhiều hộ dân khác.

 

Theo giải thích của ông Sinh, quyết định trên được hiểu Cholimex hay xí nghiệp trực thuộc chỉ được sản xuất trên phần diện tích đã tiếp nhận nguyên canh, nguyên cư của nông trường trước đây. Đơn vị này không được thay đổi hiện trạng vì toàn bộ diện tích đã được xác định thuộc phạm vi rừng phòng hộ, phải tuân theo nguyên tắc quản lý của loại rừng này và không được phép chuyển đổi dưới bất cứ hình thức nào khi chưa được phê duyệt, cho phép của cấp thẩm quyền.

 

Theo các cơ quan chức năng TP, đến nay cũng chỉ biết Cholimex là đơn vị đề xuất dự án siêu thâm canh nói trên, chứ không biết có bất kỳ một pháp nhân nào khác đề xuất thực hiện dự án này. Dự án cũng đang được “nâng lên hạ xuống”, chưa có bất kỳ một quyết định chính thức nào.

 

Vậy mà pháp nhân đứng ra thực hiện dự án siêu thâm canh này lại không phải Cholimex, mà do một công ty cổ phần mới được thành lập tiến hành là CHAID CORP. Thông tin tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP cho thấy công ty này được đăng ký hoạt động vào đầu tháng 1-2012 (địa chỉ tại Q.1) với sáu cổ đông sáng lập, gồm bốn cổ đông cá nhân và hai cổ đông pháp nhân. Điều đặc biệt, Cholimex chỉ chiếm 20% trên tổng vốn điều lệ với giá trị cổ phần là 2,6 tỉ đồng. Như vậy không thể gọi đây là công ty cổ phần mà Cholimex nắm quyền chi phối, càng không thể gọi đây là “con” của Cholimex.

 

( ĐỨC TUYÊN - GIÁNG HƯƠNG/TTO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: TP.HCM: Cắt khu dự trữ sinh quyển để nuôi tôm

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:

Tin Môi Trường
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

VACNE 30 năm
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI