»

Chủ nhật, 19/01/2025, 09:04:52 AM (GMT+7)

Quốc hội yêu cầu đánh giá tất cả các đập, hồ chứa

(15:10:42 PM 27/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Sáng nay, 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Chiều 7-11, hồ thủy điện Hương Điền xả lũ với lưu lượng 1.000-1500 m3/s nhằm đảm bảo an toàn sau trận mưa lớn. Ảnh: Văn Thắng

 

Đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn

 

Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện; đánh giá cao sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc tại các địa phương có dự án thủy điện đã khắc phục khó khăn thực hiện di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình thủy điện đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu rõ, việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

 

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhất là các công trình vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng chưa cao. Tại một số công trình thủy điện việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực. Đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn. Rừng, đất rừng được chuyển đổi mục đích phục vụ công trình thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ, có nơi còn hiện tượng lợi dụng khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Diện tích rừng trồng thay thế tại các công trình thủy điện rất thấp; nghĩa vụ nộp phí dịch vụ môi trường rừng chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.

 

Quốc hội cho rằng, các hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ. Một số bộ, ngành, UBND tỉnh, thành đơn vị có liên quan chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong tham mưu, tổ chức thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch; cấp phép đầu tư xây dựng; bảo đảm chất lượng, an toàn; vận hành khai thác; phối hợp, kiểm tra, giám sát đối với các dự án, công trình thủy điện. Năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, sau tái định cư, bảo đảm sinh kế bền vững cho các hộ tái định cư công trình thủy điện chưa được ban hành đầy đủ và thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa được ban hành kịp thời, chưa rõ ràng trong phối hợp, phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm cụ thể. Thông tin, dữ liệu về điều kiện tự nhiên, xã hội khu vực dự án, công trình thủy điện còn thiếu.

 

Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa

 

Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đúng quy định của pháp luật, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch. Tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch thủy điện trong tổng thể quy hoạch phân ngành năng lượng. 

 

Trong năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; phấn đấu hoàn thành việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du. Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa. Hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình đập, hồ chứa, đặc biệt là về kháng chấn động đất; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn đối với một số công nghệ mới, tiên tiến để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

 

Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu bảo đảm bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông của các công trình thủy điện. Phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015 đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.

 

Cùng với đó, tập trung hoàn thành trong năm 2014 việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thuỷ điện và việc ban hành chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các dự án thủy điện.  

 

Tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa bậc thang, bảo đảm không để xảy ra tình trạng vận hành hồ chứa gây lũ kép; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể quy định dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy điện.

 

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; mô hình tính toán, dự báo lưu lượng nước đến hồ trong mùa lũ và mùa cạn; hệ thống viễn thông, quan trắc, giám sát, cảnh báo dự báo tài nguyên nước trên các hệ thống sông lớn. Xây dựng đầy đủ phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du và cơ chế giám sát của cộng đồng đối với việc xả lũ của các hồ chứa.

 

Đặc biệt, Quốc hội  yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện.

 


Đề nghị có quy hoạch tổng thể về các lưu vực sông, cửa biển để quản lý

 

Cũng sáng 27-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy (GTĐT) nội địa.

 

Theo quy định của Luật GTĐT nội địa năm 2004, giao thông đường thủy nội địa là luồng trên sông, kênh rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh được tổ chức, quản lý. Thực tế hiện nay, cả nước có hơn 80.577 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km (chiếm tỷ lệ 45% số km có hoạt động giao thông đường thuỷ) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông đường thủy nội địa của nhân dân vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của Luật. Về điều này, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng, hiện nay cả nước có hơn 80.000 km sông, kênh rạch nhưng cơ quan quản lý chỉ mới quản lý được khoảng 45%. Đây là con số rất đáng báo động, Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân tại sao không quản lý được 55% còn lại. Vì đó là một phần nguyên nhân khiến tai nạn GTĐT nội địa phức tạp trong thời gian qua.

 

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) kiến nghị xem xét đầu tư vận tải đường thủy ở ĐBSCL vì hiện nay vấn đề nạo vét, tránh luồng chưa được quan tâm. ĐB Minh Kha cũng đề nghị có quy định chặt chẽ về điều kiện của phương tiện tham gia GTĐT nội địa vì hiện nay nhiều phương tiện không đủ điều kiện lưu thông vẫn lưu thông, gây nên những tai nạn nghiêm trọng.

 

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề xuất cần nghiên cứu tập quán của người tham gia GTĐT nội địa để có những quy định sát thực tế hơn. Về vấn đề cứu nạn, đề nghị bổ sung quy định về cơ chế để khuyến khích người tham gia cứu nạn, ví dụ họ bị tổn thất, hy sinh thì được vinh danh, bù đắp như thế nào. Vì nếu không có cơ chế thì sẽ không khuyến khích được người tham gia cứu nạn, làm gia tăng sự vô cảm trong cứu nạn. “Ngoài kêu gọi nghĩa hiệp, lòng cứu người phải có sự vinh danh”, ĐB Hoàng nói.

 

Sau 8 năm thực hiện luật này, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp. Trong đó có thể có nguyên nhân do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, đặc biệt là đối với dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện đường thủy là phổ biến. Về điều này, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, số phương tiện tham gia GTĐT nội địa thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa đăng ký, đăng kiểm chủ yếu là phương tiện nhỏ, do người dân tự chế để đi lại nhưng thủ tục lại rườm rà nên dân không làm. Vì vậy nên miễn đăng ký đăng kiểm với loại phương tiện này, trừ phương tiện có tham gia chở khách, chở người. ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý nhưng vẫn tạo điều kiện cho bà con, thì cần nâng cao điều kiện kinh doanh vận tải GTĐT nội địa, trong đó bắt buộc phải trang bị áo phao, mua bảo hiểm.

 

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) phân tích, qua 8 năm thực hiện luật, bên cạnh sự tích cực, thì vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý còn chồng chéo, ví dụ tại TPHCM, Cục đường thủy, Sở Giao thông công chính, Cục hàng hải.. đều tham gia quản lý GTĐT. Trong đó vẫn còn nhiều bến hoạt động không phép. “Trên cùng địa bàn nhưng quản lý vừa manh mún, vừa chồng chéo. Đề nghị phải làm rõ công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn đối với GTĐT nội địa”, ĐB Thiện đề xuất. Ngoài ra, cần phân loại các phương tiện GTĐT, trong đó làm rõ các phương tiện chở khách để có các quy định về điều kiện tham gia vận tải một cách phù hợp, bảo đảm an toàn. Đặc biệt, dự thảo luật bổ sung quy định về “Cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa”, “Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa”, và “Nguyên tắc cứu hộ” để có cơ sở thực hiện, giải quyết vụ việc vì các hoạt động này đang diễn ra trong thực tế, tương tự như quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

 

Về quy định cứu nạn, ĐB Huỳnh Minh Thiện cho rằng, dự thảo chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Cần bổ sung nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cơ quan thường trực về cứu nạn cứu hộ, thông tin về cứu nạn cứu hộ cần phải chính xác, có số điện thoại cứu hộ cứu nạn thống nhất trong cả nước. Vì có như vậy mới khuyến khích và bảo đảm hiệu quả đối với cứu nạn cứu hộ của người dân. ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng cho rằng, bổ sung về cứu nạn cứu hộ là cần thiết nhưng dự thảo chưa hợp lý. “Cần quy định nhiệm vụ chính về cứu nạn, cứu hộ cho một lực lượng trên một địa bàn cụ thể. Việc xử lý thông tin cứu nạn cứu hộ cũng phải được quy định rõ ràng, vì từ vụ tai nạn ở Cần Giờ, TPHCM  vừa qua cho thấy, do xử lý thông tin cứu nạn không tốt nên hiệu quả cứu nạn không cao”, ĐB Thường nêu ý kiến.

 

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)đề nghị cho quy hoạch tổng thể về các lưu vực sông, cửa biển từ đó phân lại trách nhiệm quản lý cho các bộ ngành để rõ ràng về mặt quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý, khai thác tốt GTĐT nội địa, tăng đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là ở vùng ĐBSCL. Đồng tình, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đề xuất cần có quy hoạch đồng bộ các sông, bến cảng để có quản lý thống nhất.

(Theo SGGP)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Quốc hội yêu cầu đánh giá tất cả các đập, hồ chứa

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:

Tin Môi Trường
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

VACNE 30 năm
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI