Trao đổi - Phản biện » Pháp lý
Kiểm điểm Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan
(09:13:24 AM 21/03/2015)Sáng 20-3, người dân tuần hành bên bờ hồ Gươm để bày tỏ thái độ không đồng tình với việc chặt cây xanh tại Hà Nội - Ảnh: Kỳ Phong
Đó là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội. Tuy nhiên, tạm dừng hay dừng hẳn, thực hiện xã hội hóa như thế nào, có hay không sự đồng thuận của người dân... vẫn chưa được thông tin đầy đủ.
Trưa 20-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chính thức chỉ đạo việc dừng chặt hạ cây xanh tại Hà Nội. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị liên quan dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định. Những cây đã hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế theo quy hoạch và tiến hành chăm sóc, quản lý. Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gãy, cây cong nghiêng và những cây không đúng chủng loại cây đô thị. “Việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện” - ông Thảo nêu rõ.
Trong văn bản, ông Nguyễn Thế Thảo còn yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.
Chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) - Ảnh: V.Dũng
Hàng loạt thông tin chưa được làm rõ
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - chủ trì cuộc họp báo thông tin về vụ chặt hàng ngàn cây xanh, với sự tham dự của hàng trăm đại diện cơ quan báo chí. Hơn 20 câu hỏi được đặt ra, tập trung chất vấn xung quanh việc TP đã có các đánh giá tác động về môi trường, cảnh quan đô thị khi quyết định chặt cây xanh hay chưa. Các vấn đề khác như thời gian, số lượng cây bị chặt, kinh phí tổ chức thực hiện, thẩm định chất lượng cây, việc xử lý số gỗ đã chặt và mua trồng cây mới... cũng được đặt ra.
Đại diện các cơ quan báo chí còn đề nghị TP công khai về thông tin doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong đề án chặt, thay thế cây... Thậm chí có câu hỏi dành cho đích danh vị phó chủ tịch TP đề cập trách nhiệm cá nhân của ông trong việc hàng loạt cây xanh bị chặt hạ... Đáng tiếc là các câu hỏi nói trên đều không được người chủ trì họp báo phản hồi.
Đề cập tới các nhà tài trợ, ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ nói: “Đây là chủ trương đúng đắn của TP, thực hiện là đúng quy trình, quy định, tuy nhiên do sự nôn nóng của một số nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện nên gây bức xúc cho dư luận”. Theo ông Nguyễn Thịnh Thành - chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, đến nay đã có một số đơn vị hưởng ứng tham gia cải tạo, thay thế cây xanh trên 17 tuyến phố như: Tập đoàn Vincom, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty CP thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công an TP và một số tổ chức, cá nhân khác...
Trước khi tuyên bố kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng nói ngắn gọn: “Hoàn toàn không có tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, không có gì mờ ám, khuất tất, đồng thời sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Về việc trả lời những câu hỏi của báo chí, ông Hùng cho biết: “Tôi giao các cơ quan chức năng TP trả lời đầy đủ, cơ quan nào không chấp hành phải chịu trách nhiệm”.
Chiều 20-3, khi đặt vấn đề muốn được thông tin về vụ chặt hạ cây xanh, ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị trực tiếp liên quan tới lĩnh vực - cho rằng trong văn bản của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo công bố sáng cùng ngày đã đầy đủ thông tin. “Hiện tôi đang họp, có gì tuần sau sở sẽ có văn bản trả lời báo chí” - ông Dục nói.
Trao đổi riêng với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết chưa khẳng định được sẽ dừng tạm thời hay dừng luôn đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh. “Trước mắt là dừng ngay, không chặt tiếp nữa như chỉ đạo của chủ tịch TP” - ông Hùng nhấn mạnh. Liên quan tới các câu hỏi được đại diện các cơ quan báo chí nêu tại cuộc họp báo, ông Hùng cho hay vừa ký văn bản yêu cầu Sở Xây dựng trả lời lần lượt từng câu và sẽ thông tin tới báo chí sớm nhất.
Đánh giá lại cách cải tạo, thay thế cây xanh
Trong ngày 20-3, thường trực Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP khẩn trương chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị.
Theo Thành ủy Hà Nội, việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn TP vừa qua có nhiều báo phản ánh ý kiến của nhân dân bày tỏ sự không đồng tình. Với tinh thần cầu thị, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời để việc cải tạo, thay thế cũng như trồng mới cây xanh đáp ứng đúng mục tiêu xây dựng thủ đô “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo tạm dừng việc triển khai thực hiện thay thế cây xanh để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của nhân dân.
Thường trực Thành ủy còn yêu cầu kiểm tra, rà soát và điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo việc cải tạo, thay thế cây xanh theo đúng quy trình, hạn chế đến mức thấp nhất việc loại bỏ, thay thế những cây đã trồng.
Những câu hỏi chưa được trả lời tại cuộc họp báo
- Có đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động cảnh quan đô thị trước khi quyết định chặt hạ?
- Có nghiên cứu về ảnh hưởng của việc chặt cây đối với dư luận?
- Số lượng cây đã chặt là bao nhiêu? Kinh phí chi cho việc này?
- Có ai chịu trách nhiệm về việc các cây đã bị chặt hạ? Có ai bị kiểm điểm sau vụ này hay không?
- Đơn vị nào đứng ra thẩm định cây hư hỏng, sâu mọt, mục ruỗng?
- Việc rà soát cây để thay thế được tiến hành lúc nào, trong bao lâu, có mời nhà khoa học, chuyên gia tham gia hay không?
- Phố Nguyễn Chí Thanh được đánh giá là con đường đẹp nhất Việt Nam nhưng tại sao ồ ạt chặt cây, có phải có doanh nghiệp lớn xây dựng công trình trên phố này tham gia xã hội hóa vào đề án, nên họ chủ động chặt đồng loạt theo ý họ?
- Đề nghị cho biết đề án chặt cây hoàn toàn do đơn vị thuộc TP thực hiện hay đằng sau có doanh nghiệp tham gia?
- Những doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đóng góp như thế nào cho TP, được TP ưu ái những gì?
- Những cây chặt xong được tập kết tại đâu, bán hay chưa, việc bán đấu giá hay sử dụng gỗ thành phẩm như thế nào?
- Những cây được lựa chọn trồng mới được mua từ đâu, giá tiền bao nhiêu, mua của doanh nghiệp nào?
- Số lượng gỗ xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi chặt cách đây sáu tháng được sử dụng như thế nào?
- Có ý kiến cho rằng cây vàng tâm được chọn trồng thay thế không có tán rộng, không mang lại bóng râm, liệu có nên chọn loại cây này?
- Có ý kiến chuyên gia nói cây tần bì TP định chọn thay thế trên một số tuyến phố là cây độc. TP nói gì về chuyện này?
- Đề nghị cá nhân Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết ông cảm nhận ra sao khi ông đi qua khu vực những cây đã bị chặt giữa trời nắng nóng?
- Ông Nguyễn Quốc Hùng là người ký quyết định cho phép chặt cây, ông có nhận khuyết điểm hay không khi ký quyết định đó?
- Trong văn bản TP nói “hầu hết người dân khu vực có cây bị chặt đồng thuận”. Cơ sở nào để nhận định như trên, có nghiên cứu hay điều tra xã hội học gì không? Nếu có, đề nghị công khai con số.
LÂM HOÀI
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
- Vụ án làm giả báo cáo ĐTM: Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt?
- Đắk Lắk chưa báo cáo về các gói thầu liên quan đến Công ty Công Minh
- Sau gần 8 tháng, Sở Xây dựng vẫn chưa báo cáo kết quả kiểm tra Đồi Cù Đà Lạt
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lên tiếng vụ san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long
- Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước
- Thái Bình giảm diện tích khu bảo tồn không đúng luật
- Vì sao Bình Thuận chưa nộp báo cáo tác động môi trường dự án hồ Ka Pét?
- Bí thư TP.HCM nói về vụ đấu giá đất Thủ Thiêm
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?