Trao đổi - Phản biện » Pháp lý
Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa
(21:43:57 PM 23/05/2014)Chủ trì cuộc họp báo có ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, hàm Vụ trưởng, Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Đông đảo phóng viên trong và ngoài nước tham gia buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Đây là buổi họp báo quốc tế lần thứ 3 trong hơn nửa tháng qua. Trước đó, vào ngày 7.5 Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển nước ta. Tiếp đến, ngày 17.5, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo về việc đảm bảo trật tự trị an tại một số địa phương trên cả nước, đảm bảo an toàn cho người dân và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, kể từ sau buổi họp báo quốc tế ngày 7.5, Việt Nam luôn thiện chí giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục có những hành động gia tăng căng thẳng, vu cáo Việt Nam.
Việt Nam luôn có đủ bằng chứng để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam luôn mong muốn hòa bình và đang cố gắng mọi nỗ lực để gìn giữ hòa bình trên biển Đông.
Buổi họp báo hôm nay, Việt Nam muốn công bố những bằng chứng chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn
16 giờ 15 phút: Ông Đỗ Văn Hậu khái lược một số hoạt động của dầu khí Việt Nam:
Cuối những năm 60 đầu năm 70, Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam nay gọi là Nam Côn Sơn. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) đã ký với nhiều công ty của Hoa kỳ về thăm dò dầu khí tại vùng biển bao gồm cả khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.
Từ 1996, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn về luật Biển, thì PVN chỉ tiến hành thăm dò khai thác dầu khí trong giới hạn 200 hải lý. Đến nay đã ký 99 hợp đồng dầu khí với nước ngoài. Việt Nam đã khảo sát, khoan trên 900 giếng dầu khí, có trên 30 mỏ đang hoạt động khai thác. Đến nay, tất cả hoạt động dầu khí của Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp.
PVN không có bất kỳ lô dầu khí nào nằm ngoài 200 hải lý, việc này được quốc tế công nhận, nhiều đối tác đã hợp tác. Tất cả các hoạt động dầu khí của Việt Nam đều nằm trên thềm lục địa, suốt từ Vịnh Bắc Bộ đến hết thềm lục địa phía Nam.
Tại khu vực Hoàng Sa, thời chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng đã khảo sát địa chấn. Có một số hoạt động PVN tiến hành khai thác ngoài đường 200 hải lý nhưng đấy là lúc Việt Nam chưa công nhận đường 200 hải lý.
Sau này, khi Việt Nam đã công nhận đường 200 hải lý thì PVN hoàn toàn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Toàn bộ hoạt động dầu khí tại khu vực 144, 145 (giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đặt trái phép), phía PVN đã có hợp tác với nước ngoài, dự kiến sắp khai thác. Đến nay, không có một công ty dầu khí nào của quốc tế ký hợp đồng với CNOOC, tức là không ai công nhận đây là vùng của Trung Quốc.
Mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa vẫn hoạt động công khai, không vấp phải phản ứng nào của ai. Tại nhiều cuộc hội thảo dầu khí quốc tế, PVN đều giới thiệu vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam.
Mọi hành động, luận điệu của Trung Quốc cho rằng đây là vùng biển của Trung Quốc là sai trái. Xin khẳng định lại là vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam, mọi hoạt động của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí là hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Ông Trần Duy Hải khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ thời phong kiến tới thời kỳ Pháp thuộc rồi tới hội nghị Giơnevơ năm 1954 đều khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, không gặp phản ứng của bất cứ ai.
Đặc biệt, vào ngày 24.9.1975, Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thừa nhận 2 nước Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp về hòn đảo và cùng thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp. Thông tin này được đăng trên Nhân Dân nhật báo. Ông Hải yêu cầu, phía Trung Quốc không nên nói và làm ngược theo quan điểm cán bộ cấp cao của họ.
Tại buổi họp báo, ông Hải đưa ra bộ phim khẳng định bằng chứng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
16 giờ 26 phút, buổi họp báo bước sang phần hỏi đáp.
Phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Báo ViệtnamNet: Ông Hải có nói đến công thư cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc, trong đó công nhận chủ quyền Trung Quốc với Tây Sa, Hoàng Sa có đúng hay không? Có phải tuyên bố có giá trị pháp lý không? Nếu không thì nó có ý nghĩa gì?
Ông Trần Duy Hải: Xin khẳng định công thư của cố thủ tướng là văn bản ngoại giao. Giá trị pháp lý nằm trong nội dung công thư. Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa. Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi Trung Quốc lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quản lý Việt Nam cộng hòa, Trung Quốc chỉ là một bên tham gia. Không thể cho người khác cái gì mà bạn chưa có được. Vì thế công thư không có giá trị chủ quyền với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Trần Duy Hải - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Phóng viên báo Dân Việt: Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khả năng mọi hành động để giữ chủ quyền, Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng giúp đỡ, Việt Nam có nhận?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Việt Nam có quyền sử dụng tất cả cơ chế giải quyết tranh chấp. Sử dụng các biện pháp hòa bình có cả sử dụng đồng thuận của quốc tế. Việc sử dụng các biện pháp hòa bình bao gồm có cả các cơ quan tài phán quốc tế, việc này phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi luôn chủ trương sử dụng pháp lý tốt hơn là vũ lực. Chúng tôi không loại trừ biện pháp hòa bình nào để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi có sẽ chuẩn bị tất cả các biện pháp hòa bình cần thiết để tham mưu cho Chính phủ.
Báo Dân Trí: Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, có đến 20 cuộc giao thiệp với Trung Quốc nhưng họ vẫn gia tăng căng thẳng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines đã khẳng định sẽ dùng mọi biện pháp để gìn giữ chủ quyền. Liệu đây đã phải là ngưỡng chịu đựng của Việt Nam?
Ông Trần Duy Hải: Xin khẳng định chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng, không gì có thể đánh đổi. Vàng rất quý nhưng chủ quyền dân tộc còn quý hơn.
Báo Thanh Niên: Một hãng thông tấn của Nga có đưa thông tin rằng vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 cách bờ biển Trung Quốc 27 km còn cách bờ biển Việt Nam 241 km. Vậy xin hỏi phía Việt Nam có những cơ sở bằng chứng gì để bác bỏ luận điệu trên? Có bằng chứng nào chứng tỏ vùng biển quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam từ xa xưa?
Ông Trần Duy Hải: Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì mỗi quốc gia có thềm lục địa, vùng biển chủ quyền là 200 hải lý. Giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt sâu vào vùng biển Việt Nam 80 hải lý tính từ mép ngoài đường 200 hải lý. Như vậy giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đang nằm hoàn toàn trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Thêm nữa, trong quần đảo Hoàng Sa thì đảo Tri tôn chỉ là một bãi ngầm, mà theo điều 121 của Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển 1982 thì đảo Tri Tôn không thể có vùng biển vượt quá 12 hải lý. Khu vực giàn khoan Hải Dương - 981 đang hoạt động không thể nằm trong vùng biển của Trung Quốc. Họ đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng kinh tế của Việt Nam.
Ông Lê Hải Bình: Xin khẳng định lại một lần nữa là giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam.
Báo điện tử Infonet: Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lào Cai có nói: Một số công dân muốn nhập cảnh vào Trung Quốc đã bị phía Trung Quốc bắt ký vào bản đồ công nhận Hoàng Sa của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đã biết vụ việc này chưa? Sẽ có biện pháp gì để hướng dẫn công dân Việt Nam?
Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi chưa nhận được thông tin như phóng viên đề cập. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lưu ý, nếu có vấn đề này sẽ xử lý theo quy định của luật pháp quốc tế.
Phóng viên Reuters: Việt Nam đã chuẩn bị tất cả các biện pháp về pháp lý để bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan lớn nhất của họ vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, xin hỏi khi nào chúng ta mới dùng đến biện pháp pháp lý?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Cá nhân tôi là một luật gia, tôi luôn luôn hỏi mình khi nào là thời điểm để sử dụng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ đợi quyết định của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Ảnh: Lê Quân
Báo Tuổi Trẻ: Gần nay báo Ngày nay của Trung Quốc có đăng tải bài bình luận quan hệ Nga - Trung, trong đó đề cập đến Việt Nam. Cá nhân tôi đánh giá quan điểm của bài báo này không khách quan, ý kiến của Bộ Ngoại giao về bài báo này như thế nào?
Ông Lê Hải Bình: Về bài báo đăng trên báo Ngày nay của Trung Quốc, tôi khẳng định đây là bài báo thể hiện yếu tố cá nhân sai trái, xuyên tạc sự thật. Tôi cảm thấy tiếc vì tờ báo uy tín cho đăng tải 1 bài báo như vậy. Đó chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả bài báo này, chứ không phải là quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga.
Báo Tuổi trẻ: Trong những ngày qua có thông tin Trung Quốc đưa công nhân rút về nước. Sử dụng thông tin này, Trung Quốc muốn bóp méo tình hình an ninh trật tự hiện nay ở Việt Nam không được đảm bảo. Xin ông đưa ra bình luận về thông tin này?
Ông Lê Hải Bình: Vừa qua, những vụ việc gây rối xảy ra là sự việc đáng tiếc. Bằng nhiều biện pháp, dưới sư chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan chức năng ở các địa phương đã vào cuộc, tình hình trật tự xã hội, sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Chính phủ Việt Nam khẳng định đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng, quyền lợi hợp pháp của người dân và đơn vị nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng trong các vụ gây rối vừa qua đánh giá cao nỗ lực khắc phục sự cố của Việt Nam và tin tưởng Việt Nam trong thời gian tới.
Phó đại sứ Australia: Cho đến nay giàn khoan HD - 981 của Trung Quốc hoạt động được 3 tuần rồi, phía Việt Nam có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sắp khoan thăm dò ở vùng biển đó chưa? Tôi muốn hỏi rõ hơn thỏa thuận gần đây giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc về nội dung không dùng vũ lực giải quyết tranh chấp?
Ông Đỗ Văn Hậu: Để trả lời câu hỏi liệu phía Trung Quốc đã khoan hay chưa thì theo quy trình, việc định vị và công tác chuẩn bị khoan bình thường thì thời gian đã đủ. Tuy nhiên phía Việt Nam không tiếp cận được giàn khoan nên chưa có thông tin chính thức về điều này.
Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc gặp gần đây của đại diện cấp cao Bộ Ngoại giao 2 nước, phía Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút dàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam rồi tiến hành trao đổi để ổn định tình hình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc khước từ thiện chí và đưa ra nhiều luận điệu sai trái. Tại cuôc gặp này, cả 2 bên đều tán thành quan điểm không sử dụng vũ lưc để giải quyết tranh chấp.
Báo Thanh Niên: Trong tuyên bố chính thức của Trung Quốc thì đến nay họ đã 3 lần đưa ra 3 tuyên bố khác nhau về vị trí giàn khoan Hải Dương - 981. Lần thứ nhất, họ đưa ra là vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 thuộc vùng lãnh hải Trung Quốc. Lần khác họ nói là đây là vùng biển thuộc đảo Tây Sa. Lần thứ 3 họ nói là thuộc vùng biển thuộc đảo Tri Tôn. Vậy tuyên bố chính thức của họ là như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Việt Nam đã từng được nghe nhiều lần Trung Quốc giải thích yêu sách khác nhau về thềm lục địa. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ yêu sách của mình trên vùng biển này.
Đài truyền hình Việt Nam: Gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra cáo buộc Việt Nam sử dụng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển đâm va và gây hấn với Trung Quốc. Ý kiến của Bộ Ngoại giao về cáo buộc này?
Đại tá Ngô Ngọc Thu: Trong cuộc họp báo gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phía Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam khiêu khích sử dụng tàu tiến hành đâm va vào các tàu Trung Quốc, trong khi chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền. Đây là thông tin sai lệch, vu cáo, chúng tôi bác bỏ thông tin này. Cao điểm trong ngày 20.5, theo thống kê Trung Quốc sử dụng 137 lượt tàu thuyền, trong đó có 4 tàu chiến và tốp máy bay ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật của chúng ta. Phía Trung Quốc sử dụng súng phun nước công suất lớn, sử dụng máy phát gây sóng âm tần ảnh hưởng xung quanh trong vùng 100m, sử dụng đèn pha công suất lớn gây tác động, liên tục đâm va vào tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển. Trong khi đó phía Việt Nam chỉ sử dụng loa tuyên truyền và biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút dàn khoan. Thực tế hình ảnh chúng tôi cung cấp cho thấy tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu Việt Nam.
Báo điện tử VnExpress: Hiện Việt Nam vẫn kiên trì biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Hoàng Sa. Trong thời gian tới, nếu Trung Quốc không có động thái tích cực, Việt Nam có động thái mạnh mẽ gì không?
Ông Trần Duy Hải: Như Thủ tướng đã khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa bằng mọi biện pháp hòa bình. Trong trường hợp Việt Nam là nạn nhân thì chúng ta phải tự vệ, luôn sẵn sàng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền.
Gửi ý kiến bạn đọc về: Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
- Vụ án làm giả báo cáo ĐTM: Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt?
- Đắk Lắk chưa báo cáo về các gói thầu liên quan đến Công ty Công Minh
- Sau gần 8 tháng, Sở Xây dựng vẫn chưa báo cáo kết quả kiểm tra Đồi Cù Đà Lạt
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lên tiếng vụ san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long
- Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước
- Thái Bình giảm diện tích khu bảo tồn không đúng luật
- Vì sao Bình Thuận chưa nộp báo cáo tác động môi trường dự án hồ Ka Pét?
- Bí thư TP.HCM nói về vụ đấu giá đất Thủ Thiêm
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?