Trao đổi - Phản biện » Pháp lý
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nói về dự án ở đèo Hải Vân
(12:14:33 PM 20/11/2014)
Bảng giới thiệu dự án được trưng trên đèo Hải Vân - Ảnh: B.N.L
Chúng tôi làm đúng
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định về địa giới hành chính thì khu vực này thuộc sự quản lý của tỉnh Thừa Thiên-Huế, không có tranh chấp với TP.Đà Nẵng. Điều này khẳng định qua các tài liệu, bản đồ lịch sử, cũng như hiện trạng về quản lý đất đai, việc bảo vệ và trồng rừng, an ninh trật tự… tại khu vực này cũng do tỉnh Thừa Thiên-Huế quản lý. Đến nay Quốc hội chưa có văn bản nào về việc điều chỉnh địa giới hành chính tại đây. Ngày 5.12.2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1771/ QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2025. Theo quy hoạch này, khu vực cấp phép đầu tư cho Công ty CP Thế Diệu hoàn toàn thuộc sự quản lý của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Ngày 19.11, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về dự án được cấp phép đầu tư tại khu vực mũi Khẻm, đèo Hải Vân. Báo cáo đã nêu 3 nội dung liên quan gồm việc phân định địa giới hành chính tại khu vực này liên quan đến 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, địa giới quy hoạch khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Thế Diệu.
Ông Cao cho biết sau khi biết UBND TP.Đà Nẵng công bố điều chỉnh lại ở quy hoạch chung của thành phố đến 2030, tầm nhìn 2050, trong quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ không nói rõ khu vực này, nhưng trong bản vẽ do Bộ Xây dựng thẩm định lại có nêu thêm một phần diện tích mũi Khẻm và hòn Sơn Chà (được ký hiệu là Sơn Trà theo Đà Nẵng). Việc này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch trên.
Về trình tự thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Thế Diệu, ông Cao nói rằng căn cứ theo Nghị định 29/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế thì Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô làm đúng. Theo ông Cao, dự án này có ý tưởng từ năm 2012 và cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10.2013. Trong khoảng thời gian đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đi khảo sát thực địa, lấy ý kiến của cơ quan quân sự, công an và biên phòng tỉnh. “Phía Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng có văn bản đồng ý cấp phép, họ chỉ yêu cầu khi thực hiện quy hoạch chi tiết cần phải hỏi ý kiến họ để khỏi chồng lấn lên các công trình quân sự. Vấn đề này UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu và Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang thực hiện” - ông Cao nói.
Sẽ chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng
“Thời điểm này chưa xảy ra sự kiện nóng trên biển Đông, cũng chẳng có văn bản nào của cấp trên về việc phân biệt nhà đầu tư. Chúng tôi đã thẩm tra, xác minh và biết được chủ đầu tư này có năng lực đầu tư tốt, đã đầu tư một số dự án về khách sạn, sân golf lớn ở Đà Nẵng, Quảng Ninh rồi.
Ông Cao cho biết sau khi có một số ý kiến trên báo chí về dự án này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành rà soát lại quy trình cấp phép, đồng thời yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế rà soát để báo cáo xin ý kiến của Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng.
“Dự án cũng mới tiến hành đo vẽ bản đồ địa chính, rà phá bom mìn nhưng chưa được cấp đất, chưa phê duyệt quy hoạch và hiện không đầu tư gì thêm. Chúng tôi đã làm đúng quy trình và đợi chỉ đạo của Thủ tướng để thực hiện. Việc thu hồi dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tổn thất cho các bên nhưng chúng tôi sẽ thực hiện nếu Thủ tướng chỉ đạo dừng” - ông Cao nói.
Theo giấy phép đầu tư, Công ty CP Thế Diệu, thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong, có trụ sở chính ở Tortola (Vương quốc Anh), do ông Lu Wang Sheng (quốc tịch Trung Quốc) làm tổng giám đốc.
Không thể chấp nhận giao đèo Hải Vân cho nhà đầu tư nước ngoài
Đó là ý kiến của trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 sau khi UBND TP.Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ, ngành chỉ đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế dừng triển khai và rút giấy phép dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine quy mô 250 triệu USD đã cấp cho Công ty CP Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong, Trung Quốc) tại khu vực Cửa Khẻm, phần đèo Hải Vân vươn ra biển.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao cho công ty này 200 ha trong thời hạn 50 năm. Từ 2013 - 2023, công ty này sẽ xây khu nghỉ mát 5 sao với 450 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ, 220 căn hộ cao cấp, 350 căn biệt thự...
UBND TP.Đà Nẵng cho rằng đây là khu vực chưa phân định ranh giới giữa địa phương và Thừa Thiên-Huế; đồng thời Cửa Khẻm có vị trí trọng yếu về an ninh - quốc phòng nên không thể giao cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 cho rằng đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1 được Chính phủ quy định, không chỉ liên quan đến an ninh của Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng mà còn cả khu vực biển Đông nên không được bố trí dự án có yếu tố nước ngoài, đối với dự án khác, địa phương lập dự án phải tham mưu các cơ quan quốc phòng, an ninh và xin ý kiến thẩm định, riêng với dự án quy mô lớn như vậy thì ngay cả cấp quân khu cũng không thể quyết định mà phải là cấp Bộ Quốc phòng tham mưu. Trong khi đó, khu vực đang phân định chưa rõ ràng thuộc địa phận Đà Nẵng (Quân khu 5) hay Thừa Thiên-Huế (Quân khu 4) mà Thừa Thiên-Huế đã tự động cho doanh nghiệp nước ngoài làm dự án, Quân khu 5 đã kiến nghị Bộ Quốc phòng dứt khoát không cho làm dự án tại đây và đang chờ đợi Bộ Quốc phòng báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết thêm: “Vấn đề Thừa Thiên-Huế nhượng lại khu vực mũi đèo Hải Vân cho công ty Hồng Kông Trung Quốc làm khu nghỉ dưỡng, vấn đề làm kinh tế cho đất nước giàu lên thì tôi hoan nghênh, nhưng đưa khu vực ấy bán cho nước ngoài thì không thể chấp nhận được”.
Theo tướng Thước, khu vực đèo Hải Vân từ đỉnh Bạch Mã kéo ra biển là khu vực chiến lược đặc biệt quan trọng không chỉ cho Quân khu 4 hay Quân khu 5, không chỉ riêng cho Đà Nẵng hay Thừa Thiên-Huế mà đó là vùng xung yếu chiến lược đặc biệt quan trọng liên quan đến sự thống nhất lãnh thổ của quốc gia.
Do đó, tướng Thước kiến nghị dứt khoát không được giao địa điểm quốc phòng - an ninh này cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi lẽ vị trí chiến lược từ đèo Hải Vân nhìn ra biển rất phức tạp không thể để đèo Hải Vân lọt vào khả năng bị khống chế.
Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN: “Chắc chắn Bộ Quốc phòng không đồng ý triển khai dự án World Shine”
Sáng 19.11, trong giờ giải lao của Quốc hội, trả lời phỏng vấn của báo chí, ĐBQH, trung tướng Bế Xuân Trường - Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, khẳng định: “Dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine nằm ở vị trí chiến lược và chắc chắn Bộ Quốc phòng sẽ không đồng ý cho triển khai”.
* Ông có ý kiến thế nào về việc triển khai dự án trên?
- Nơi đó có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong quốc phòng, an ninh. Ở những vị trí như thế, những dự án phát triển kinh tế, nhất là với những dự án có yếu tố nước ngoài, Chính phủ cũng đã có quy chế là phải có thẩm định của các cơ quan hữu quan. Do vậy, khi mà hai cơ quan quân sự, công an ở cấp cơ sở thẩm định và không đồng ý thì có lẽ là sẽ không thực hiện được dự án này. Quan điểm của Bộ Quốc phòng cũng là hết sức ủng hộ các địa phương phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhưng với những dự án ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, ở những khu vực chiến lược như vậy thì tuyệt đối không được làm.
* Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã nhận được ý kiến hay báo cáo từ địa phương về dự án này chưa? Nếu có, Bộ đã có ý kiến thế nào với địa phương?
- Chúng tôi hiện chưa nhận được báo cáo của địa phương về dự án này. Hỏi ý kiến chính thức thì chưa, nhưng nếu có hỏi thì chắc chắn chúng tôi sẽ không đồng ý. Một khu du lịch nghỉ dưỡng có yếu tố nước ngoài mà lại nằm ở vị trí chiến lược như vậy thì không thể cấp phép cho làm được.
* Có thể UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn cho làm dự án mà không hỏi ý kiến của Bộ Quốc phòng ?
- Nếu cấp nào quyết định thì cấp ấy sẽ sai. Trong trường hợp nếu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn quyết tâm làm thì chắc chắn Bộ Quốc phòng sẽ có ý kiến phản đối.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
- Vụ án làm giả báo cáo ĐTM: Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt?
- Đắk Lắk chưa báo cáo về các gói thầu liên quan đến Công ty Công Minh
- Sau gần 8 tháng, Sở Xây dựng vẫn chưa báo cáo kết quả kiểm tra Đồi Cù Đà Lạt
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lên tiếng vụ san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long
- Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước
- Thái Bình giảm diện tích khu bảo tồn không đúng luật
- Vì sao Bình Thuận chưa nộp báo cáo tác động môi trường dự án hồ Ka Pét?
- Bí thư TP.HCM nói về vụ đấu giá đất Thủ Thiêm
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?