Chẳng hạn như, trong khi các cơ quan có trách nhiệm liên quan như Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3 đánh giá, công tác cứu hộ đã được triển khai tốt thì có ý kiến lại cho rằng, sự phối hợp, triển khai của lực lượng cứu hộ là rất chậm trễ. Trong khi có rất nhiều lực lượng tham gia cứu hộ nhưng vai trò “tổng chỉ huy” theo luật định mờ nhạt. Hẳn nhiên, đến giờ này, sau hơn 10 ngày xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng có liên quan đã biết rất rõ “lỗ hổng” nằm ở đâu và ai là người phải chịu trách nhiệm...
Nhưng không hiểu sao cũng có nhận định cho rằng, sự chậm trễ, rối loạn trong công tác cứu hộ trong vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, dẫn tới hậu quả thảm khốc là do thiếu các quy định của luật pháp - một nguyên nhân chắc chắn sẽ khiến không có cá nhân cụ thể nào phải chịu trách nhiệm. Tại phiên thảo luận sửa đổi luật Giao thông đường thủy nội địa tại Thường vụ QH hôm 12.8, có ý kiến cho rằng: Hiện chưa rõ cơ chế pháp lý về trách nhiệm các bên liên quan trong công tác cứu hộ, cứu nạn giao thông đường thủy.
Những ý kiến này rất dễ khiến dư luận hiểu sai về bản chất câu chuyện. Vì rằng, điều 67, bộ luật Hàng hải năm 2005 quy định rõ nhiệm vụ của Giám đốc Cảng vụ hàng hải là: Tổ chức tìm kiếm, cứu người gặp nạn trong vùng nước cảng biển; huy động người và các phương tiện cần thiết để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn hoặc xử lý sự cố ô nhiễm môi trường. Còn Quyết định 103/2007/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển cũng quy định rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan và Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam là đơn vị chủ trì, phối hợp.
Do vậy, không thể nói là do thiếu quy định hoặc còn “lỗ hổng” mà dẫn đến công tác cứu hộ cứu nạn chưa như mong muốn. Cái thiếu hay “lỗ hổng” cần phải làm rõ ở đây là trách nhiệm, thái độ của người được giao nhiệm vụ. Một lần nữa phải nhắc lại, đọc, hiểu và thực thi quy phạm pháp luật là một thuộc tính của công chức nhà nước.