(Tin Môi Trường) - Dân gian có câu nói “tiền nào của nấy”, điều này có vẻ đúng đối với nhiều hiện tượng trong đời sống nhưng lại là điểm mâu thuẫn lớn ở bãi rác Đa Phước, đó là sử dụng công nghệ chôn lấp bình thường nhưng đơn giá xử lý rác lại không hề rẻ.
>>Bất cập đầu tư xử lý rác tại Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều ưu ái khó hiểu
>>Bất cập đầu tư xử lý rác tại Thành phố Hồ Chí Minh:Bất thường khoản tiền 9 triệu USD
"Núi" rác Đa Phước phình to hơn cách đây hai năm, chiếm phần lớn diện tích bãi; trong khi đó, người dân sống ở khu nam Sài Gòn tiếp tục ngửi mùi hôi từ hướng bãi rác này. Ảnh: IE
Bất cập giá xử lý rác
Mặc dù chưa có quan điểm thống nhất của cơ quan tham mưu về đơn giá xử lý rác nhưng UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Công ty VWS) triển khai dự án Đa Phước với đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn, mức điều chỉnh trượt giá tăng hàng năm không quá 3%.
Cụ thể, tại Công văn ngày 1/8/2005 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đơn giá xử lý rác của các dự án xử lý chất thải khác triển khai trên địa bàn như Khu xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) là 13,92 USD/tấn, dự án Viet Star là 5 USD/tấn. Trong Công văn ngày 13/5/2005 góp ý về dự án bãi rác Đa Phước, Sở Tài chính thành phố cho rằng, đơn giá xử lý của Công ty VWS thay vì 16,4 USD/tấn cần hạ xuống còn 10,025 USD/tấn. Công văn ngày 31/9/2009 của Sở Tài chính thành phố xác nhận, đơn giá xử lý rác tại chôn lấp rác Gò Cát (xã Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh) là 9,8 USD/tấn còn tại bãi Phước Hiệp 1 cũng chỉ mới đến 11,82 USD/tấn.
Văn bản ngày 12/7/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: góp ý cho dự án Đa Phước, Bộ Tài chính cho rằng, mức phí 16,4 USD/tấn là chưa thuyết phục, cần tách biệt với dự án xây cầu. Theo Kết luận số 03/KL-TTTP ngày 20/1/2016 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở xác định giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi ký hợp đồng với Công ty VWS căn cứ vào tổng mức
đầu tư thực tế của doanh nghiệp này nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở xác định chi phí
đầu tư thực tế của Công ty VWS. Sau mấy năm hoạt động, đơn giá xử lý rác của Công ty VWS không dừng lại ở con số 16,4 USD mà liên tục tăng. Cụ thể, bản kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, đơn giá xử lý của Công ty VWS từ ngày 1/1/2013 – 31/10/2013 là 19,009 USD/tấn, từ ngày 1/11/2013 – 31/10/2014 tăng lên thành 19,579 USD/tấn, từ ngày 31/10/2014 – 31/12/2014 tiếp tục điều chỉnh lên 20,166 USD/tấn.
Trong các lần trình Thủ tướng Chính phủ về dự án Đa Phước, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm chi phí xử lý rác 16,4 USD/tấn quá cao. Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cùng công nghệ chôn lấp nhưng dự án Đa Phước và Phước Hiệp lại xây dựng giá và điều chỉnh giá khác nhau. Trong đó, giá xử lý rác của Công ty VWS tại Đa Phước cao hơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị (đầu tư bãi rác Phước Hiệp) đến 67.384 đồng/tấn.
Báo cáo bổ sung số 809/BC-TTCP ngày 28/5/2018 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Bộ Tài chính cho rằng, đơn giá này là chưa có căn cứ pháp lý, không có căn cứ thực tế, không được cơ quan tài chính thẩm định, vi phạm Thông tư số 05/2002/TT-BXD ngày 30/12/2002 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí thực hiện các dịch vụ công ích đô thị cũng như Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30/1/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng ngân sách Nhà nước. Hệ quả là 16,4 USD/tấn rác là chi phí đã được trừ chi phí ứng trước 9 triệu USD cho 24 triệu tấn rác của 22 năm theo hợp đồng đã được ký kết.
Trong khi đó, chi phí xử lý rác được thanh toán theo tiến độ thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng của Công ty VWS là thực hiện chưa đúng Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước.
Quan điểm nêu trên của Bộ Tài chính đã được Thanh tra Chính phủ thống nhất, đồng thời phù hợp với nhận xét của Kiểm toán Nhà nước tại văn bản số 156/KTNN -TH ngày 24/7/2009. Còn tại Báo cáo số 246/BC-TTCP ngày 27/2/2017, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc định giá và ký kết hợp đồng bằng USD và thanh toán theo tỷ giá bán ngoại tệ về bản chất là đô la hóa quan hệ kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam, vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối.
Ảnh: IE
Công nghệ chôn lấp
Trong văn bản giải trình ngày 22/3/2005, ông David Dương, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty VWS cho rằng, công nghệ mà ông đưa sang Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam bằng những công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất của Hoa Kỳ, góp phần mang lại luồng gió mới cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Những công nghệ đó, theo ông David Dương là công nghệ phân loại rác lần thứ 2, sản xuất phân compost theo phương pháp đánh luống và ủ khí, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh…
Trái với lập luận kể trên, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, từ Trung ương đến Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ rõ chỉ là công nghệ chôn lấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, quy mô dự có có thể tiếp nhận 2.500 – 3.000 tấn rác/ngày trong đó phân loại tái sinh khoảng 500 tấn/ngày (chiếm 17 – 20%), chế biến phân compost khoảng 100 tấn/ngày (3-4%) còn lại là chôn lấp (75 – 80%). Công nghệ của dự án Đa Phước chủ yếu là chôn lấp, khu vực địa điểm lại trũng, vấn đề xử lý nước rỉ rác trong quá trình chôn lấp chưa được đề cập thỏa đáng trong hồ sơ dự án. Do đó để tiết kiệm diện tích sử dụng đất và bảo vệ môi trường, cần có giải pháp tăng tỷ trọng trong xử lý rác, giảm chôn lấp. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghệ mà Công ty VWS đề cập chưa được thử nghiệm và đánh giá kết quả, thiết bị không nêu mới cũ, chủng loại cụ thể.
Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, mặc dù hợp đồng giữa Công ty VWS với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt sau đó tiến hành phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ đưa đi chôn lấp nhưng thực tế Công ty VWS không thực hiện phân loại, tái chế phân compost, tái sử dụng plastic mà chôn lấp toàn bộ. Riêng năm 2013, Công ty VWS đã tiếp nhận, xử lý chôn lấp 1,1 triệu tấn, năm 2014 gần 1,2 triệu tấn.
Báo cáo số 246/BC-TTCP ngày 27/2/2017 của Thanh tra Chính phủ có nêu, bãi rác Đa Phước là dự án áp dụng công nghệ chôn lấp vệ sinh truyền thống và sản xuất phân compost, không phải là công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước. Công nghệ này bộc lộ những hạn chế như phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. Vào ngày 5/6/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt Công ty VWS với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong diễn biến liên quan, đáng chú ý là việc ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo đóng cửa bãi rác số 3 Khu xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi), đưa vào hoạt động dự phòng và dồn toàn bộ 2.000 tấn/ngày tại bãi chôn lấp này về cho khu Đa Phước.
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND thành phố cho tiếp tục bãi chôn lấp số 3 hoạt động với công suất 2.000 tấn/ngày, nếu đóng bãi thì thành phố sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ đồng bao gồm 600 tỷ đồng đã
đầu tư dang dở không sử dụng được và 400 tỷ đồng dự kiến bồi thường cho chủ đầu tư, chưa kể mỗi năm tốn thêm hơn 20 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng, duy tu khi bãi chuyển qua hoạt động dự phòng.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ cuối tháng 11/2014 đến tháng 3/2015, mỗi ngày 2.000 tấn rác từ bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp đã chuyển về cho bãi rác Đa Phước, qua đó nâng công suất cho Công ty VWS từ 3.000 tấn/ngày lên 5.000 tấn/ngày. Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng, có khả năng xảy ra hiện tượng độc quyền xử lý rác còn dư luận lo ngại vấn đề an ninh rác, một khi bãi rác Đa Phước không đáp ứng được công suất sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ về lún sụt, cháy nổ, ô nhiễm, đình công...
Theo Báo cáo số 246/BC-TTCP ngày 27/2/2017 của Thanh tra Chính phủ, việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 khu xử lý chất thải Phước Hiệp là chưa đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 6/1/2015 (bãi rác Phước Hiệp được tồn tại để xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh - PV). Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, xem xét, xử lý các vấn đề tồn tại để sớm đưa bãi rác Phước Hiệp hoạt động trở lại.