»

Thứ bảy, 18/01/2025, 03:56:36 AM (GMT+7)

Đưa việc phân loại rác tại nguồn đi vào thực chất

(08:26:38 AM 16/10/2023)
(Tin Môi Trường) - Mỗi ngày, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa, chất thải khác có thể tái chế được chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ), khoảng 1.800 tấn. Tuy nhiên, Thành phố vẫn chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế do chương trình phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều vướng mắc. Các cơ quan chức năng, đơn vị hữu quan đang gấp rút tìm giải pháp để tăng cường thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân, qua đó đưa việc phân loại rác tại nguồn đi vào thực chất.

Đưa[-]việc[-]phân[-]loại[-]rác[-]tại[-]nguồn[-]đi[-]vào[-]thực[-]chất

Ảnh minh họa: IE

* Chưa đạt hiệu quả cao
 
Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2013, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản quy định về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2013. Giai đoạn năm 2016 đến nay, Thành phố mở rộng chương tình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn, trong đó thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị thay đổi cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành 3 nhóm gồm: chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
 
Theo ông Trần Nguyên Hiền, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn là một giải pháp cấp thiết nhằm thuận lợi cho cả người dân và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác, phù hợp với định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt là đốt rác phát điện và tái chế, cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là với những đô thị có mật độ dân số cao và tốc độ phát triển nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, các đơn vị xử lý có nhiều giải pháp trong xử lý, tái chế chất thải, điều này không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế và xã hội.
 
Trên thực tế, dù đã được thí điểm và triển khai từ nhiều năm qua, nhưng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả cao, do phần lớn người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác. Quan sát tại nhiều tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn Thành phố dễ dàng bắt gặp các túi rác hỗn hợp chứa chung các loại rác thải từ thực phẩm, túi ni-lông, chai nhựa, chai thủy tinh… được tập kết vào các thùng rác cỡ lớn hoặc các vật dụng như thùng xốp, bao bì để trước nhà chờ xe rác đến thu gom. Hiện nay, ngoài một số cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, siêu thị, các chuỗi nhà hàng, cafe lớn; một số khu căn hộ cao cấp… quan tâm triển khai thực hiện thì hầu hết người dân vẫn quen với việc để chung các loại rác; nhiều người khi được hỏi đến việc phân loại thì tỏ ra bất ngờ hoặc thờ ơ.
 
Chị Hà Huỳnh Hồng Thu (ngụ quận Tân Bình) cho biết, gia đình chị đã biết về quy định phân loại rác tại nguồn từ các phương tiện truyền thông nhưng do chưa được chính quyền phường, quận và tổ dân phố phổ biến cách thực hiện; cũng không thấy chính quyền nhắc nhở hay xử phạt khi không phân loại rác nên chị vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, anh Điền Trần Bảo Long (ngụ Quận 6) chia sẻ, gia đình anh luôn phân loại rác sinh hoạt trong nhà thành hai loại rác hữu cơ và rác nhựa nhưng lực lượng thu gom khi bỏ rác lên xe lại để chung tất cả các túi rác mà không phân loại, thậm chí mở túi rồi trộn chung cả hai loại với nhau nên sau vài lần như vậy, gia đình anh dừng việc phân loại rác.
 
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO), thực tế có nhiều người dân ý thức phân loại theo quy định nhưng khi thu gom các nhân viên vệ sinh môi trường lại gom chung các loại rác để vận chuyển đi xử lý khiến người dân “nản” và không thực hiện phân loại nữa. Tình trạng người dân đã phân loại rác nhưng lại trộn chung để thu gom là do chi phí chi trả cho hoạt động thu gom rác thải theo phân loại hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ. Do đó, các công ty công ích chưa thể bố trí công nhân cũng như phương tiện đủ để đảm bảo thực hiện thu gom theo phân loại.
 
Một nguyên nhân khác là do địa hình Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tuyến hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, việc thu gom rác tại những khu vực này phải phụ thuộc vào hệ thống thu gom rác dân lập với nhiều phương tiện thô sơ, chưa đạt chuẩn như xe ba gác kéo, xe lam, thùng 660 lít, xe tự chế… Các phương tiện này không được thiết kế để thu nhận rác đã phân loại nên ngay cả khi người dân tự giác thực hiện phân loại sẵn thì khi thu gom các công nhân vệ sinh cũng sẽ đổ chung các loại rác với nhau để vận chuyển đi. Điều này tác động rất lớn đến ý thức của người dân, dần dần không ai muốn phân loại rác nữa. Ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết, lực lượng thu gom rác dân lập hiện thu tới 60% lượng rác từ các hộ gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại chưa đưa được vào quản lý, vì thế không thể phối hợp với hoạt động của lực lượng thu gom rác chính quy, điều này gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý rác thải đô thị của Thành phố.
 
* Cần đồng bộ đơn vị quản lý
 
Để thực hiện tốt việc phân loại rác, ông Huỳnh Minh Nhựt cho rằng, Thành phố cần phải đồng bộ đơn vị quản lý từ khâu thu gom, vận chuyển cho đến xử lý; đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại ở các đơn vị chức năng thu gom. Lịch thu gom rác nên tính đến phương án chia ngày thu gom trong tuần theo từng loại rác để thuận tiện cho đơn vị thu gom, nhất là những đơn vị chưa trang bị phương tiện thu gom đúng chuẩn. Đơn vị thu gom được quyền từ chối thu gom rác thải nếu người dân, lực lượng rác dân lập không được phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định; tránh tình trạng tuyên truyền phân loại nhưng khi thu gom thì lại trộn chung rác, gây mất lòng tin nơi người dân. Riêng với lực lượng rác dân lập phải có sự hợp nhất hoạt động với lực lượng chính quy về lâu dài.
 
Mỗi đơn vị địa phương cần phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phân loại rác, giúp người dân nhận thức được lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn. Bên cạnh đó, công tác quản lý cần phải có yếu tố răn đe, chế tài khi không thực hiện phân loại rác bởi hiện nay Thành phố đang thực hiện kêu gọi, vận động là chính, chưa kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại chất thải rắn tại nguồn.
 
Để đảm bảo phân loại rác tại nguồn thành 3 nhóm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương làm việc với các đơn vị thu gom tại nguồn, đặc biệt là lực lượng thu gom rác dân lập và các đơn vị vận chuyển rác trúng thầu tại địa phương để rà soát lại các phương tiện vận chuyển, trạm trung chuyển... đảm bảo nguyên tắc rác sau khi phân loại phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển riêng biệt đến các cơ sở xử lý. Tùy theo tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thống kê khối lượng và thành phần rác tái chế sau phân loại phát sinh thực tế tại địa phương, thống kê các cơ sở tái chế đang hoạt động tại địa phương (loại hình tái chế và công suất) để làm cơ sở cho Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá năng lực của các cơ sở tái chế hiện nay có đáp ứng các loại rác tái chế của Thành phố hay không. Đối với rác thực phẩm, đây là nhóm chất thải dễ phân hủy phát sinh mùi và nước rỉ rác nên Sở yêu cầu địa phương ước tính khối lượng của nhóm rác này để xây dựng tần suất thu gom phù hợp.
 
Đồng hành cùng Thành phố trong tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn, trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp xã hội, đội nhóm tình nguyện vì môi trường đã ra đời như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Doanh nghiệp Xã hội Gen Xanh, Nhóm Việt Nam Tái chế, Cộng đồng Xanh Việt Nam (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh)… Hoạt động chính tập trung vào các chương trình “đổi rác lấy quà” và tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách phân loại rác.
 
Bà Đặng Thị Thơm, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Doanh nghiệp Xã hội Gen Xanh cho biết, nhiều người dân chưa nhận thức rõ được vai trò quan trọng của việc phân loại rác, do đó những chương trình thu đổi các loại rác thải nhựa, rác tái chế  để nhận quà là một phương thức hiệu quả để công ty tiếp cận nhóm người dân này. Sau khi đổi quà, các nhân viên, tình nguyện viên của công ty sẽ vận động, thuyết phục người dân tham gia một số khóa học cấp tốc về tầm quan trọng của việc phân loại rác và cách phân loại rác tại nhà, từ đó dần hình thành thói quen phân loại rác cho người dân. Công ty cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đến tận từng khu phố để tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác.
Hồng Giang
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Đưa việc phân loại rác tại nguồn đi vào thực chất

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI