»

Thứ bảy, 23/11/2024, 11:33:01 AM (GMT+7)

Công bố Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam

(15:28:19 PM 16/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Sáng 16/8, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công bố Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam. Đây là những loại cây đặc trưng, có nguồn gốc lâu đời hoặc gặp vùng đất phù hợp cùng với sự trồng trọt, chăm sóc của người dân nhiều năm nay đã trở thành những loại đặc sản thiên nhiên giá trị.

Hạt dẻ 

 

1. Hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng)

 

Tới Cao Bằng, mọi người có thể nhận ra bà con người Nùng, Tày, Dao chăm chút cho vườn dẻ, rừng dẻ của mình với một tình yêu dịu dàng, ấm áp, kỹ lưỡng. Khoảng cuối thu, đầu đông, quả dẻ chín rụng đầy mặt đất. Rồi hạt dẻ theo chân đồng bào dân tộc ra chợ, hay lên đường về xuôi như một thứ quà độc đáo của núi rừng Cao Bằng. Quả dẻ nhiều gai xù xì như quả chôm chôm. Mỗi quả chứa 3-4 hạt.

 

Hạt dẻ Trùng Khánh thông thường mang hình tròn đều. Hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Khi mua, nên chọn  quả màu nâu đều, hạt to tròn, đó là quả được thu hái đúng độ chín. Vỏ hạt dẻ Trùng Khánh rất cứng nên muốn nó chín phải luộc kỹ. Có người còn cẩn thận khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm thì thật hấp dẫn. Người Trùng Khánh thường hay ninh hạt dẻ với chân giò lợn để đãi khách. Món này có hương vị rất đặc biệt mà không phải ai cũng có dịp được thưởng thức.

 

Cầm trên tay một nắm hạt dẻ rang Trùng Khánh nóng hôi hổi, thoảng mùi hương nồng nàn bay lên vào một đêm đài báo gió mùa đông bắc, bạn mới cảm nhận được hết cái thú của món ăn dân dã này.

 

2. Cây Hoàng Liên Sa Pa (Lào Cai)

 

Hoàng liên có tên khoa học Coptis chinensis- Franch, thuộc họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Cây mọc bụi, cao 2-3m, có nhiều cành vươn dài, vỏ thân màu xám nhạt, mỗi đốt, dưới chùm lá có gai 3 nhánh. Lá mọc thành chùm 3-4 lá, có khi tới 8 lá ở một đốt. Cuống lá ngắn, phiến lá nguyên, hình mác, mép có răng cưa, to, cứng, mặt trên màu xanh lục nhạt, mặt dưới màu trắng. Hoa màu vàng, mọc thành chùm. Quả mọng hình trái xoan, khi chín có màu tím đen, trong chứa 3 - 4 hạt đen. Cây thường mọc hoang ở vùng rừng núi Sa Pa  (Lào Cai). Thu hái thân cây và rễ cây, sau đó rửa sạch, cắt ngắn phơi hoặc sấy khô dùng làm thuốc.

 

Giá trị của cây Hoàng Liên là ở bộ rễ. Rễ Hoàng Liên mọc thành chùm nhỏ cong queo nhưng rất rắn và chắc thường chụm lại khum khum như hình chân chim và có lẽ các sợi rễ cũng ngang tầm ngón chân chim sẽ nên còn có tên hoàng liên chân chim. Rễ Hoàng Liên màu nâu đen, ngoài vỏ sần sùi, trong ruột chắc nịch màu vàng tươi và rất đắng.

 

Trong nhân dân, Hoàng Liên được dùng làm thuốc chữa lỵ, đau răng, ăn uống không tiêu (dùng dưới dạng thuốc sắc, hoặc tán bột uống)... Theo nghiên cứu, thành phần berberin trong thân và rễ cây Hoàng Liên có vai trò kháng khuẩn, kháng virus rất mạnh. Hiện cây thuốc này đang được nhân rộng để dùng làm nguyên liệu chiết xuất berberin điều trị hiệu quả nhiễm khuẩn đường ruột, lỵ... an toàn lại rẻ tiền.

 

3. Chè Tân Cương (Thái Nguyên)

 

Chè Thái Nguyên ngon nhất là chè xanh Tân Cương, búp đều, nhỏ, hình móc câu. Người dân Thái Nguyên mệnh danh Tân Cương là cái nôi của đất chè Thái. Lưu truyền rằng, cây chè Thái, đặc biệt là vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) được ông Đội Năm (tên thật là Võ Văn Thiệt) di thực về vùng này khoảng năm 1920-1922. Vườn chè cổ vẫn còn, nay đã khoảng gần 100 năm. Hiện Tân Cương có khoảng 400ha chè đặc sản. Chè Tân Cương được đánh giá ngon bởi có hương vị tự nhiên, màu nước xanh vàng, vị chát dịu, vị ngọt hậu lắng sâu trong vị giác người thưởng thức.

 

Các nhà khoa học, qua kiểm tra hàng trăm kết quả thí nghiệm về đất, nước, khí hậu đã kết luận: Ngoài các yếu tố về trồng trọt, tập quán canh tác thì bức xạ nhiệt là yếu tố quyết định tới chất lượng chè. Theo phân tích, lượng bức xạ hữu hiệu ở Tân Cương  là 61,2 Kcal/cm2/năm, ở các vùng khác là 122,4 Kcal/cm2/năm, thấp hơn so với các vùng chè khác nên cho chè Tân Cương có chất lượng đặc biệt. Vì vậy, chè Tân Cương đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Pháp, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Séc…

 

4. Cây hồi (Lạng Sơn)

 

Hồi (Illicium verum Hook.F) là một trong những cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Lạng Sơn. Tinh dầu hồi là sản phẩm được chưng cất từ lá, quả và hạt, nhưng chủ yếu từ quả. Đây là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Dầu hồi được sử dụng để sản xuất Tamiflu là thuốc đặc trị các bệnh cúm, nhất là cúm A/H1N1, H5N1, H3N2; chế biến các loại thuốc xoa bóp, nội tiết, tiêu hóa. Ngoài ra, còn để chế biến các đồ mỹ phẩm cao cấp, làm gia vị, bã quả hồi dùng để chế biến thuốc trừ sâu, làm men.

 

Cây hồi phân bố trong một vùng sinh thái hẹp của thế giới, chỉ trồng được ở một phần diện tích của tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc và một phần diện tích của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh của Việt Nam. Hồi ở Lạng Sơn có chất lượng tinh dầu tốt nhất thế giới và nổi tiếng với tên gọi “Hồi xứ Lạng”. Lạng Sơn đã trồng được 33.400 ha rừng hồi, chiếm 71% tổng diện tích rừng hồi của cả nước. Sản lượng quả hồi (hoa hồi) khô đạt trên 6.500 tấn trong năm 2010, đem lại giá trị xuất khẩu khoảng 600 - 650 tỷ đồng/năm, đây là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Lạng Sơn.

 

5. Măng trúc Yên Tử (Quảng Ninh)

 

Măng trúc Yên Tử thon nhỏ nhưng rất chắc. Sau khi lấy măng về, người ta có thể thái thành lát nhỏ hoặc cắt ra từng khúc ngắn độ 2 đốt ngón tay, sau đó bổ dọc, rửa sạch rồi cho vào xào chín với thịt dê hoặc thịt bê. Gia vị cho món ăn này là vài cọng cần tây, hành tươi và một chút hạt tiêu. Rất nhiều loại măng có thể chế biến được món ăn này nhưng không thể ngon, ngọt bằng măng trúc Yên Tử.

 

Điểm đặc biệt là sau khi nấu chín, loại măng này hầu như không còn mùi hăng của măng tươi, không có vị đắng như nhiều loại măng khác. Cũng với loại măng này,  người ta còn có thể để nguyên cả bẹ, nhúng vào nước sôi rồi cho vào nướng trên than hoa, đến khi bẹ măng cháy xém là được. Bóc bẹ, mùi thơm của măng sẽ tỏa ra, chấm với muối vừng, ăn ngon không thể quên.

 

Măng trúc không phải mùa nào cũng có mà chỉ có vào mùa lễ hội Yên Tử. Vào dịp trẩy hội, du khách lại được thưởng thức món măng trúc vừa bùi, vừa thơm. Măng trúc có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng, xào với thịt dê hoặc muối với ớt tươi.

 

6. Quế Trà Bồng (Quảng Ngãi)

 

Từ bao đời nay, cây quế luôn gắn liền với đời sống của người dân huyện Trà Bồng. Quế đã gắn bó với họ như máu thịt, dù trải qua bao nỗi thăng trầm, cây quế không phụ lòng người. Nếu như trước đây, người ta biết đến cây quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao và mùi hương đặc biệt, sau khi thu hoạch vỏ để chiết xuất tinh dầu, thân cây chỉ để làm củi. Hiện nay quế Trà Bồng còn được biết đến với các sản phẩm khác như đồ mỹ nghệ, nhang quế…

 

Nhờ phát triển thêm các mặt hàng khác từ cây quế mà vỏ quế, gỗ quế và lá quế đều được thu gom mua bán. Điều này một phần giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho các hộ trồng quế, đồng thời có thêm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm từ quế.

 

Huyện Trà Bồng xác định cây quế là cây làm giàu cho người dân nơi đây, vì thế diện tích trồng quế sẽ được tiếp tục mở rộng chứ không dừng lại ở 4.500 ha như hiện nay. Đặc biệt việc duy trì giống quế Trà Bồng và phát triển mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ quế là một cách để khẳng định thương hiệu quế Trà Bồng.

 

7. Sâm Ngọc Linh (Kon Tum)

 

Sâm Ngọc Linh, quà tặng thiên nhiên của vùng núi Ngọc Linh. Ẩn khuất dưới tán rừng già Ngọc Linh, sâm mọc từng đám nơi ẩm ướt ở độ cao từ 1.500 đến 2.100m. Nhiệt độ thích hợp cho sâm phát triển nằm trong khoảng 20-25 0C. Phân bón sâm là mùn của các lá, cây rừng đã hoại mục.

 

Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chứng minh: sâm Ngọc Linh của Việt Nam là loại dược liệu có nhiều tác dụng đặc biệt, kể cả phòng chống ung thư và một số tác dụng khác mà ngay cả loài sâm Triều Tiên cũng không có được. Theo các nghiên cứu khoa học, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống trầm cảm, kích thích hệ  miễn dịch, chống lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, tăng thị lực, sức đề kháng, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp...

 

Theo công bố của Viện Dược liệu, công dụng của sâm Ngọc Linh gồm có: bổ, cầm máu, mau lành vết thương, chữa đau bụng, phù thũng, sốt rét, chống stress vật lý, chống stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxy hóa, chống lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, giúp người bệnh ăn ngon ngủ tốt lên cân, tăng thị lực, cải thiện các hoạt động trí tuệ và thể lực, gia tăng sức đề kháng, cải thiện suy nhược thần kinh và sinh dục, nâng cao huyết áp ở người huyết áp thấp, kháng các độc tố gây hại tế bào, kéo dài sức sống của tế bào và làm tăng các tế bào mới, kháng khuẩn tiểu đường...

 

8. Trà Bảo Lộc (Lâm Đồng)

 

Sau năm 1930, trà bắt đầu làm quen với đất B’Lao (Bảo Lộc) từ các đồn điền của người Pháp như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierre... rồi tới sự ra đời của các trang trại, rẫy, vườn trà của các hộ gia đình. Với thuận lợi là cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh là vùng đất Bazan màu mỡ thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế như trà, cà phê, dâu tằm, nên từ trên 80 năm qua đã mở ra một thế giới riêng cho những người làm trà tại đây; để hôm nay, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở Bảo Lộc.

 

Tại đây, hiện có gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ. Trà Bảo Lộc không chỉ là sản phẩm nội tiêu mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Hiện Bảo Lộc có hơn 8.400ha trà, mỗi năm hơn 65.000 tấn trà búp tươi, cung cấp cho thị trường khoảng 25.000 tấn trà thành phẩm.

 

Trà là loại cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc mà lại có sức sống vô cùng mãnh liệt. Cứ 10 ngày 1 lần, người ta hái và 10 ngày sau, những đọt non mơn mởn lại mọc lên. Trà Bảo Lộc được chuyển đi các tỉnh, có những vùng nước lợ mà người ta không thể uống nước được nếu không có trà. Đây là thứ nước uống giải khát lành mạnh cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của trà.

 

9. Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng)

 

Được mệnh danh là vương quốc của các loài hoa, Đà Lạt ấp ủ trong mình hương sắc của đất trời rồi ban tặng cho con người. Đà Lạt có hàng trăm, hàng ngàn loài hoa, hoa nào cũng đẹp, cũng mang dáng dấp riêng. Đặc trưng và tiêu biểu nhất là hoa anh đào, mimosa, phượng tím, ngoài ra phải kể đến hoa lan, cẩm tú cầu, dã quỳ...

 

Năm 2009, diện tích trồng hoa của Lâm Đồng đạt 3.200ha gieo trồng, sản  lượng hoa đạt trên 1 tỷ cành. Chủng loại hoa ngày càng đa dạng phong phú hơn, có nhiều loại hoa chất lượng cao mang tính đặc trưng chỉ duy nhất trồng được và có hiệu quả cao ở Đà Lạt - Lâm Đồng như: Lily, Cát tường, địa lan cymbidium… được thị trường trong nước tiêu thụ mạnh và có giá trị xuất khẩu cao, trong đó thành phố Đà Lạt chiếm gần 40% diện tích và trên 70% sản lượng cả tỉnh.

 

Khí hậu, đất đai của Đà Lạt và các huyện phụ cận rất thích hợp cho sự phát triển ngành trồng hoa, thích hợp cho nhiều loại hoa có nguồn gốc ôn đới, bán ôn đới sinh trưởng quanh năm. Là một trong những vùng sinh thái có nguồn gen cây hoa quý, phong phú để phát triển các loại hoa mới bằng lai tạo và tuyển chọn.

 

10. Rau Đà Lạt (Lâm Đồng)

 

Đà Lạt hiện là vùng chuyên canh rau củ lớn nhất cả nước. Theo các chuyên gia, việc cấp chứng chỉ và dán tem nhãn xuất xứ hàng hóa rau Đà Lạt góp phần quan trọng vào việc khẳng định thương hiệu rau Đà Lạt, nâng cao hiệu quả kinh tế lâu dài cho vùng chuyên canh rau này. Nhãn hiệu độc quyền xuất xứ hàng hóa rau Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp tháng 10.2009.

 

Để có thương hiệu “Rau Đà Lạt”, trước tiên phải kể đến việc triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng từ năm 2005. Từ chương trình này, Đà Lạt và vùng phụ cận đã hình thành được vùng chuyên canh rau đúng nghĩa với diện tích gieo trồng trên 40.000ha và sản lượng rau cung cấp hằng năm đạt 1,2 triệu tấn. Theo đó, chủng loại giống rau cũng không ngừng được đưa vào sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường, cả nội địa và xuất khẩu. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, vùng rau Đà Lạt và vùng phụ cận có 120 chủng loại rau thuộc nhóm ăn lá, hoa, củ và ăn quả đang được canh tác phổ biến trong dân. Có lẽ nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên mà rau quả Đà Lạt (như: cải bắp, cải thảo, bó xôi, súp lơ, atisô, cần tây, đậu Hà Lan, cà rốt, khoai tây, su su, cải ngọt...) lúc nào cũng tươi ngon, ngọt và mượt mà hơn hẳn những nơi khác.

(TMT- Nguồn ảnh: Vietkings)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Công bố Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe

Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe

(Tin Môi Trường) - Sáng 12/8, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố; do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), điểm đo tại Thư viện tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên có chất lượng không khí ở mức 270, rất có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.

Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI