|
Được biết, ngay sau khi dự án được cấp phép, người dân và chính quyền địa phương đã có những phản ứng hết sức gay gắt. Theo các kỹ sư thủy lợi ở huyện Kỳ Anh phân tích thì địa tầng ở đây không phù hợp để tích nước. Trước đây, tại vị trí phía dưới của Thầu Dầu - Khe Lũy cũng từng có một đập nhưng không giữ được nước. Vì đất lưỡi trâu, lưỡi bò sẽ bị thẩm thấu nhanh, không “đựng” nước. Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương, nói: “Là người địa phương, chúng tôi hiểu rõ đặc tính của vùng đất này là không thể xây dựng hồ chứa nước. Vì sinh thủy ở đây không tốt, đất không có nguồn nước mạch, khe suối, phần đất thổ nhưỡng phía dưới đều đá cuội không thể giữ nước. Xây dựng hồ lên để “phơi nắng” thì thật hoang phí!”.
|
Còn ông Thiều Đình Duy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn khẳng định: “Dự án Thầu Dầu - Khe Luỹ không có tính khả thi. Biết rõ làm sẽ không hiệu quả thì nên dừng lại, không nên cấp giấy phép vì dự án đó. Chỉ riêng quá thời hạn quy định mà không thực thi thì đủ điều kiện thu hồi”.
Ông Trần Đình Thành bức xúc: “Theo thiết kế, hồ chứa nước có diện tích 260 ha, cao trình lên tới 45 m, trong khi đó, chúng tôi có tới hơn 1.000 hộ dân với 3.000 người đang sinh sống ổn định phía hạ lưu, cách chân đập chỉ 200 m. Như vậy, cái hồ này chẳng khác “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân, đe dọa tính mạng hàng nghìn con người”.
Được biết, UBND xã Kỳ Phương cũng đã nhiều lần làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đất lòng hồ giao trả lại cho dân để tái sản xuất, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đất bị bỏ hoang, thì 100% số hộ thuộc diện tái định cư không có đất để sản xuất.