Tài nguyên nổi tiếng nhất của huyện miền núi này là thiếc và đá trắng, trong đó đá trắng còn được coi là “vàng trắng” với trữ lượng lớn. Vì thế, từ hàng chục năm nay, 150 doanh nghiệp đã đến đây để khai thác khoáng sản với 108 điểm mỏ và để lại cho người dân địa phương cảnh đói nghèo và môi trường bị tàn phá nghiêm trọng.
Theo Phòng Lao động Thương binh Xã hội Quỳ Hợp, những công trường này tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động với mức lương 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, hầu hết những người làm công trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều đến từ địa phương khác, còn người dân địa phương rất ít.
Lý do là môi trường làm việc tại các mỏ đá quá nguy hiểm và người dân địa phương không dám làm. Còn làm thuê cho các chủ mỏ khai thác quặng thì cực nhọc mà đồng lương cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Vì thế, dù ngồi ngay trên các “mỏ vàng”, nhưng hiện hơn một nửa trong số 20 xã của huyện là xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Theo chuẩn mới năm 2011 thì Quỳ Hợp còn 8.600 hộ trong diện nghèo. Đặc biệt những xã nghèo nhất của huyện lại nằm ngay trên những “mỏ vàng”.
Hệ lụy của việc cấp phép khai thác khoáng sản ồ ạt ở Quỳ Hợp còn khiến hàng nghìn hộ dân phải sống trong cảnh thiếu đất canh tác và ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngay cả trong mùa mưa, nhiều xã vẫn khát nước sạch khi các dòng sông, suối bị ô nhiễm nặng nề do khai thác khoáng sản.
Dọc bên con đường dẫn vào bản Còn, xã Châu Quang là con suối nước đỏ quạch.
Bà Lương Thị Kỳ, cư dân bản Còn nói: trước đây nước suối trong vắt, là nguồn cấp nước cho dân bản nhưng nay không dùng được nữa vì đã bị đầu độc bởi những chủ mỏ thiếc dùng hóa chất để khai thác, đãi rửa khiến nguồn nước bị nhiễm độc. Trâu bò trong bản uống phải nước này cũng lăn ra chết. Cánh đồng mấy hecta từ gần chục năm nay cũng phải bỏ hoang, biến thành cánh đồng chết vì nước thải độc chảy ra không thể trồng được cây gì.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luyện, Chủ tịch UBND xã Châu Quang thì xã có 17 doanh nghiệp đến khai thác, chế biến khoáng sản, làm cho đồi núi bị băm nát, 3/4 diện tích đất sản xuất của xã bị ô nhiễm nguồn nước phải bỏ hoang. 20 bản của xã bị ô nhiễm trầm trọng, nặng nhất là bản Còn, bản Cà…
Hơn 600 hộ dân ở các bản này đang quá khốn khổ khi nguồn nước sinh hoạt, đất đai trồng hoa màu bị ô nhiễm, thậm chí cả nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. Dân đã nghèo vì thế lại nghèo khổ thêm.
Cùng cảnh ngộ, nạn khai thác quặng thiếc, đá tràn lan cả có phép lẫn không phép ở các xã bên cạnh như Châu Hồng, Châu Tiến, Liên Hợp, Châu Cường, Liên Thành đã biến dòng sông Dinh, suối Cà, suối Nậm Tôn thành những con sông, con suối quanh năm nước đỏ lòm.
“Mấy năm nay, có rất nhiều đoàn kiểm tra của huyện, tỉnh vào kiểm tra tình trạng ô nhiễm rồi, nhưng họ đến rồi đi. Vào mùa mưa, doanh nghiệp họ cứ chờ mưa xuống là ngang nhiên thải nước thải ra môi trường, lúc đó chẳng ai kiểm tra kiểm soát gì cả. Sông, suối cứ thế mà chết dần và người dân chúng tôi khổ vẫn cứ ngày càng thêm khổ”, chủ tịch UBND xã Châu Quang nói.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Nghệ An đình chỉ 241 điểm mỏ khai thác do vi phạm các quy định về khai khoáng. Trong đó có 54 điểm mỏ khai thác đá tại Quỳ Hợp cũng bị đình chỉ do giấy phép chỉ cấp phép khai thác đá xây dựng nhưng doanh nghiệp lại lợi dụng để khai thác đá trắng xuất khẩu, kết quả là người dân Quỳ Hợp khổ vẫn hoàn khổ.
Khánh Hoan (Thanh Niên)