Môi trường » Chất thải
Tái chế nhựa từ rác y tế !
(09:42:33 AM 29/08/2011)
Quy trình tái chế rác thải y tế thành hạt nhựa ở cơ sở Toàn Thịnh ở P.Vĩnh Phú, TX Thuận An, Bình Dương: bơm kim tiêm được phân ra nhiều loại, dùng dao chặt kim tiêm ra khỏi ống tiêm, bỏ vào máy xay và thành phẩm là hạt nhựa sữa nô - Ảnh: trích từ video clip (Minh Trung - Đức Phú) |
Ngày đầu tiên vào làm việc tại cơ sở tái chế đồ nhựa Toàn Thịnh ở P.Vĩnh Phú, TX Thuận An, Bình Dương, mới sáng sớm, một chiếc xe tải 15 tấn chở đầy nhựa phế thải đã trờ tới. Một công nhân tên Bá vác một bao tải chứa đầy ống tiêm hỏi bà chủ: “Chuyến này đánh được mấy bao ống vậy chị? Hạt phải trộn nhựa ống mới sáng”.
Nói rồi ông ta xốc bao ống tiêm lên, đổ hàng trăm ống tiêm vào một chiếc thùng nhựa màu vàng bên cạnh dàn máy xay. Đó là công việc mỗi ngày mà ông Bá vẫn thường làm tại cơ sở này.
Thu gom cả bơm kim tiêm... chích ma túy Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cơ sở hạt nhựa trên thu gom bơm kim tiêm, dây truyền dịch từ những vựa thu gom phế liệu ở Q.9, Q.Thủ Đức (TP.HCM)... Hằng ngày các vựa phế liệu này thu gom bơm tiêm từ những người lượm, mua ve chai. Bà Hương, chủ cơ sở phế liệu trên đường Đình Phong Phú, P.Tăng Nhơn Phú, Q.9, nói: “Loại này (ống tiêm - PV) mà xay ra thì hạt nhựa đẹp khỏi chê”. Chiều 16-8, chúng tôi gặp bà Ly, thu gom ve chai, đang bán ống tiêm cho một cơ sở phế liệu nằm gần khu vực Suối Tiên (Q.9). Chiếc xe đạp của bà treo một túi nilông đựng toàn bơm kim tiêm và lọ thuốc. Bà Ly cho biết: “Mấy thứ này tui lượm của mấy thằng chích hút ma túy ở dọc đường. Mỗi ngày tui gom cũng được hơn một ký”. |
Vô tư thu gom rác y tế
10g sáng, bà Phương, chủ cơ sở, khẩn trương “lệnh” cho bốn công nhân mới vào nghề xáp lại: “Mấy đứa nhanh tay phân loại ống tiêm, bình nước biển theo màu nhựa đục, trong... rồi chất vào góc kho giùm chị”.
Cánh cổng sắt bên hông cơ sở chỉ mở vài phút mỗi khi nhập “hàng” vào kho, sau đó được khóa trái cách ly với bên ngoài. Địa điểm phân loại ống tiêm nằm giữa những bao tải ve chai cao ngập đầu người được xếp chồng lên nhau.
Trưa 16-8, chúng tôi được giao nhiệm vụ khuân vác những bao tải đủ loại nhựa phế liệu, trong đó có bơm kim tiêm, dây truyền dịch, bình nước biển... chất cạnh dàn máy để chờ xay.
Trong kho xay hạt nhựa chúng tôi thấy nhiều ống tiêm còn dính đầy máu rơi vương vãi khắp nơi. Khoảng 10 công nhân quần áo lấm lem không đeo găng tay, khẩu trang... hì hục đổ trộn những bao tải ống kim tiêm, bình nước biển, dây truyền dịch với những đống nhựa phế thải khác để xay chung.
Chúng tôi vào một góc khuất trong kho, mở một bao tải nhựa xếp trong cùng và phát hiện lẫn trong những chai nhựa là hàng trăm ống kim tiêm đủ chủng loại. Mở năm bao tải khác cũng có tình trạng trộn lẫn chai nhựa với ống tiêm chỉ còn phần pittông (cây bơm) và vỏ nhựa trong hình trụ, khá nhiều ống trong bao còn dính máu khô...
Để tránh nhận biết hạt nhựa có nguồn gốc từ bơm tiêm, trước khi xay bơm tiêm, bà Phương bảo chúng tôi trộn ống tiêm chung với các bao tải chứa nhựa phế liệu để xay. Ống tiêm được phân ra thành hai loại, loại nhựa trắng trong được trộn lẫn với các chai nhựa màu xay nhuyễn tạo thành loại nhựa sữa nô (nhựa PP - nhựa loại 1).
Một công nhân đang xay những bao nhựa trộn kim tiêm cho biết: “Ống tiêm là loại nhựa có chất lượng tốt nên rải mỗi bao nhựa một ít sẽ làm hạt nhựa có màu đẹp hơn. Nhựa này được bà chủ bán với giá cao hơn”.
Một cơ sở tái chế bơm tiêm, dây truyền dịch... có quy mô lớn hơn là cơ sở sản xuất hạt nhựa Thái Bình ở gần đó do ông Được làm chủ. Ngay giữa cơ sở là nơi tái chế bơm tiêm, bình nước biển... Một công nhân tên Linh thoăn thoắt dùng dao phay chặt bỏ những mũi kim tiêm khỏi ống tiêm.
Chỉ trong vài giờ, ông Linh đã phân loại được bốn thau ống tiêm. Để rửa sạch những vết máu mủ còn dính trên bơm kim tiêm, ông Linh múc nước giội xối xả vào mớ bơm kim tiêm, nước hòa tan lẫn máu chảy lênh láng trên nền ximăng. “Làm vậy mới sạch vết máu. Cả ngày phải chặt loại này, ớn lắm” - ông Linh kể.
Ông Linh tiến lại những thùng nhựa nằm trong góc xưởng hốt một thau kim tiêm, nói: “Còn cả ngàn bơm kim tiêm phải chặt, rửa mất hai ngày mới hết”. Khác với cơ sở bà Phương, tại đây một chiếc bơm kim tiêm được công nhân của ông Được tách ra thành ba loại nhựa. Phần ống tròn nhựa trong bên ngoài được chọn xay làm nhựa sữa nô, phần pittông nhựa đục được xay làm nhựa thùng tuyển (nhựa loại 2), vòng cao su đen của bơm tiêm được bỏ chung xay làm các loại nhựa màu.
Anh Minh, ngụ P.Thuận Giao, TX Thuận An, công nhân của cơ sở ông Được, cho biết: “Cứ mỗi chuyến xe chở khoảng 7-8 bao tải nhựa thì có tới 3-4 bao chứa đầy bơm kim tiêm, được mua ở các tiệm phế liệu với giá 10.000 đồng/kg”.
Cùng là công nhân tại đây, chị Phương Thanh, cũng ngụ P.Thuận Giao, bức xúc: “Những ngày đầu chủ cơ sở cho tôi phân các loại nhựa bình thường như bàn ghế, đồ chơi trẻ em, chai nước... Vài ngày sau ông ta bảo tôi phân loại nhựa từ đống kim tiêm còn dính đầy máu, vẫn còn mùi tanh nồng nặc”. Một số công nhân ở đây đã bị kim tiêm đâm vào tay phải chích ngừa.
Ống tiêm... thành hạt nhựa
Sáng 17-8, bà Phương nói với chúng tôi: “Hôm nay đưa hàng vào để xay nhựa sữa nô, khách vừa điện giục giao hàng rồi”. Chúng tôi vác cả chục bao tải nhựa phế thải có chứa ống tiêm chưa xử lý tiệt trùng đổ thẳng vào họng máy xay. Tiếng máy xay nổ xình xịch, họng máy ngấu nghiến tất cả những chai lọ được đổ vào.
Công nhân tên Cương nhanh tay đổ những chiếc ống tiêm loại 50cc, 20cc... được trộn lẫn với nhựa thường đẩy ào ào xuống họng máy. 5-6 bao tải được các công nhân của cơ sở xay liên tiếp. Số lượng ống tiêm trong bao tải bỏ vào mỗi lúc một nhiều hơn. Trời nóng gắt, ông Cương liền cởi chiếc áo ướt đẫm mồ hôi rồi hì hục xay cho xong số bao tải nhựa trộn ống tiêm y tế mà bà chủ giao cho chúng tôi.
Ống tiêm rơi ra từ trong bao tải nằm vương vãi trên sàn máy. Ông Cương dùng chân lùa lại một góc rồi nhặt bỏ vào chậu nhựa. Ông dặn: “Khi nào máy xay sắp xong, nhặt mấy ống tiêm bỏ vào họng máy xay luôn”. Chỉ vài giây, hàng trăm ống tiêm được máy nuốt trọn tuồn ra những hạt nhựa trắng.
Những hạt nhựa theo dòng nước chảy xuống hai cái bể chứa bên dưới sàn. Tại đây, ba công nhân không đeo găng tay lom khom vớt những miếng nhựa nổi lềnh bềnh trong thùng nước đục ngầu bốc mùi khó chịu. Hạt nhựa được rửa hai lần rồi đóng bao tải để cho ráo nước. Chỉ hơn một giờ, chúng tôi cùng các công nhân của cơ sở đã xay xong 10 bao tải hạt nhựa các loại từ nhựa phế phẩm trộn lẫn ống tiêm. Mỗi bao tải nặng khoảng 40kg.
Hệ thống nước thải của cơ sở sau khi dùng để rửa nhựa phế phẩm, ống tiêm không qua khâu xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Thông với máy xay hạt nhựa là hai bể chứa nước thải đục ngầu, mỗi khi nước đầy lại được các công nhân mở chốt cho chảy trực tiếp theo đường cống đến một hố ga nằm chìm dưới nền, nối với một đường ống xả nước thải ra một cái ao thông với sông Sài Gòn.
Ngay trong buổi chiều, những hạt nhựa mới xay được đóng bao để các công nhân nam vác lên chiếc xe tải chở đến cơ sở sản xuất hạt nhựa Tân Phước Thịnh trên tỉnh lộ 10, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Chiều 18-8, giới thiệu với khách hàng mua hạt nhựa, ông chủ cơ sở Tân Phước Thịnh thọc thanh inox vào trong bao tải hạt nhựa sữa nô và lôi ra một nắm hạt nhựa nói: “Nhựa này dùng để ép màu (làm ép chậu, bao bì màu...), giá 22.000 đồng/kg. Một số khách muốn loại nhựa này để thổi chai lọ, ống hút, ly, bình đựng nước, muỗng, chén... thì trước khi thổi, hạt nhựa cần qua công đoạn tạo hạt nhuyễn, đều hạt hơn và giá nhựa sữa nô loại hạt là 23.000 đồng/kg”.
Ông chủ cơ sở này chỉ một loạt sản phẩm nhựa đã được tái chế như: muỗng nhựa múc sữa chua, chai nhựa đựng nước, ống hút, chén đựng thức ăn nhanh... trên kệ, tiếp thị: “Các loại hạt nhựa này sau khi thổi xong đẹp thế đấy, rất bền, thị trường rất chuộng”.
Thạc sĩ Nguyễn Khoa Hạ Mai (chuyên viên phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM):
Bơm kim tiêm, dây truyền dịch là chất thải nguy hại, lây nhiễm
Chất thải y tế có chứa các yếu tố gây nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường, có khả năng dễ lây nhiễm, gây ngộ độc... nếu không được tiêu hủy an toàn hoặc sử dụng tái chế không đúng quy định.
Theo quy định của Bộ Y tế tại QĐ 43/207/QĐ-BYT, các loại bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch... thuộc nhóm chất thải lây nhiễm A nguy hại tới sức khỏe con người và bắt buộc phải xử lý chất độc hại trước khi tái chế.
Việc tái chế theo quy trình nói trên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân sản xuất, người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác thải mà còn gây độc hại cho môi trường. |
Theo ĐỨC THANH - ĐỨC PHÚ - MINH TRUNG/ Tuổi Trẻ
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
- Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch Xanh
- Phú Yên: Thí điểm phân loại rác và xử lý rác sau phân loại
- Đưa việc phân loại rác tại nguồn đi vào thực chất
- Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
- Bình Định: Dự kiến đổ 3,7 triệu m3 bùn cát xuống biển Quy Nhơn
- Chống rác thải nhựa: Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành
- Phát hiện hơn 42 tấn chất thải nguy hại từ xí nghiệp của bóng đèn Điện Quang
- Chung tay kiểm soát rác thải nhựa ra biển
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe
(Tin Môi Trường) - Sáng 12/8, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố; do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), điểm đo tại Thư viện tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên có chất lượng không khí ở mức 270, rất có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.
Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt
(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.
Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…