(Tin Môi Trường) - Rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải biển. Rác thải nhựa rất nhiều nằm lại dưới đáy đại dương và sẽ tồn tại nhiều thế kỷ, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.
Ô nhiễm rác thải nhựa
đại dương trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới nên để giải quyết cần có sự chung tay, nỗ lực chung của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. TTXVN giới thiệu chùm 4 bài viết về “Rác thải nhựa
đại dương -
Vấn đề cấp bách toàn cầu”
Bài 1- Thách thức lớn cho các quốc gia ven biển
Rác thải nhựa là nguồn ô nhiễm lớn ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe và sự thịnh vượng của con người. Rác nhựa biển có nguồn gốc tới 80% từ đất liền, còn lại là nguồn thải đại dương. Đây cũng là thách thức lớn cho các quốc gia ven biển có nguồn lợi kinh tế từ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
* Tổn thất lớn
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần.
Trên toàn cầu, có khoảng 5 nghìn tỷ túi ni lông được sử dụng hàng năm, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước nhựa được mua và 90% chai nước có chứa các hạt nhựa. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính, trong vòng 10-15 năm tới, tổng sản xuất nhựa toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi.
Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Nhựa là một phần không tách rời của nền kinh tế, chi phí thấp, công năng và độ bền vượt trội; được sử dụng trong tất cả các ngành, chủ yếu trong các ngành bao bì, đóng gói với 40%, xây dựng 20%, ô tô 9%, điện và điện tử 6%, nông nghiệp 3%. Tổng sản lượng nhựa tăng từ 1,5 triệu tấn/năm những năm 1950 lên hơn 380 triệu tấn/năm hiện nay. Quản lý nhựa trên toàn cầu vẫn ở mức kém khi chỉ có 9% được tái chế, 12% được đốt và gần 70% chôn lấp hoặc thải bỏ.
Bà Jacinthe Seguin, Bộ Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Canada nhấn mạnh: Rác thải nhựa gây lãng phí nguyên liệu và mất mát năng lượng do chi phí 80-120 tỷ USD/năm giá trị nguyên liệu đóng gói bao bì gằng nhựa/nilon; 6% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu dùng để tạo ra sản phẩm nhựa và sẽ tăng lên 20% vào năm 2050. Hơn 150 triệu tấn nhựa đang tồn tại trong đại dương. Mỗi năm có 8 triệu chất thải nhựa từ đất liền đổ ra đại dương. Nếu không hành động, tổng lượng nhựa đổ vào các
đại dương sẽ có thể tăng gấp đôi vào năm 2025.
Tổn thất trị giá hơn 13 triệu USD/năm đối với các hệ sinh thái biển, hơn 600 loài sinh vật biển đã bị ảnh hưởng, 15% các loài đang bị đe dọa; tác động đến du lịch, thủy hải sản, vận tải, sinh kế và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Rác thải nhựa
đại dương là thách thức toàn cầu, tuy vậy những quốc gia ven biển là “cửa ngõ” đổ rác ra biển nên cần có chiến lược quản lý, giảm lượng rác thải nhựa ra
đại dương là cấp bách. Riêng ở châu Á, ô nhiễm nhựa là một vấn đề lớn bởi thực tế, 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc chỉ từ 6 nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo Giáo sư Carmen Ablan Lagman, Đại học De La Salle, Philippines, Biển Đông chiếm 1/3 lượng cá trên thế giới, có đa dạng sinh học lớn với 365 loài cá trong khi khu vực biển ở châu Mỹ chỉ có khoảng 60 loài nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng, không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do đánh bắt và ô nhiễm.
Rất nhiều quốc gia trong khu vực khai thác các nguồn tài nguyên chủ yếu thông qua đánh bắt. Ngư dân Philippines chịu ác lực lớn từ đánh bắt do giảm lượng cá, ô nhiễm lớn, nhất là do vi nhựa. Hóa mỹ phẩm phát thải vi nhựa lớn, chất thải nhựa phân hủy thành vi nhựa, chất ô nhiễm hữu có khó phân hủy nhưng khi phân hủy lại tạo ra nguồn ô nhiễm ngược lại ảnh hưởng tới sức khỏe con người qua các con đường khác nhau. Các nước ASEAN cần đồng tâm, kết hợp các chính sách quốc gia để can thiệp đến các ngành công nghiệp chính tạo ra chất thải nhựa tạo như sản xuất lốp xe, chất tẩy rửa…
* Sáng kiến và cam kết
Hội nghị bàn tròn về “Định hướng hình thành quan hệ đối tác hành động khu vực ASEAN về rác thải nhựa” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 đã khẳng định ô nhiễm rác thải nhựa là mối quan tâm lớn của khu vực ASEAN nói riêng và cả thế giới nói chung. Trước nguy cơ này, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã có các sáng kiến và cam kết giải quyết vấn đề rác thải biển và nhựa.
Hiến chương về nhựa
đại dương được xây dựng khi Canada đảm nhận nhiệm vụ vai trò Chủ tịch G7 (các bộ trưởng tài chính của bảy nước kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới) và được Thủ tướng Justin Trudeau giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo G7 tại Charlevoix tháng 6/2018. Hiến chương đã được Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Liên minh châu Âu phê chuẩn. Ngoài các nước tham gia ký kết ban đầu, Jamaica, Mexico, Nauru, Palau, Cabo Verde, Hà Lan, Na Uy, Kenya, Cộng hòa quần đảo Marshall và 20 công ty bao gồm Unilever, Ikea, Nestle and Volvo… đã phê chuẩn hiến chương và cam kết hành động để xây dựng một thế giới không rác thải nhựa. Hiến chương rác thải nhựa của Canada sẽ là nền tảng để các nước khác hướng tới thực hiện.
Hiến chương là một cam kết nhằm triển khai hành động đối với tất cả các loại nhựa gồm bao bì đóng gói, nhựa dùng một lần và lâu dài trong toàn bộ vòng đời sản phẩm nhằm mục tiêu giảm chất thải nhựa và rác nhựa đại dương. Các mục tiêu chính làm việc với doanh nghiệp để tới năm 2030 có 100% nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc khi những giải pháp thay thế không tồn tại, thì có thể phục hồi được; tăng lượng tái chế thêm ít nhát 50% trong các sản phẩm nhựa phù hợp; có thể tái chế và tái sử dụng ít nhất 55% bao bì nhựa và tới năm 2040, phục hồi được 100% tất cả các loại nhựa. Cam kết hành động trên toàn bộ 5 trụ cột gồm thiết kế, sản xuất bền vững, thị trường cho sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng; thu gom, quản lý và các hệ thống khác, cơ sở hạ tầng; lối sống bền vững và giáo dục nâng cao nhận thức; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và công nghệ mới; hành động tại khu vực ven biển và các đường bờ biển.
Các hành động quốc tế bao gồm quảng bá về Hiến chương tới các quốc gia và các tổ chức khác; tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ G7 và G20. Các bộ trưởng môi trường G7 nhất trí với chương trình thách thức đổi mới G7 để giải quyết rác thải nhựa
đại dương nhằm kích thích đổi mới, nâng cao nhận thức và thúc đẩy cải tiến trong quản lý nhựa; thúc đẩy hành động tại các diễn đàn quốc tế khác; cùng với nhóm công tác chuyên gia đặc biệt không kỳ hạn của Liên hợp quốc về rác biển và vi nhựa.
Ông Gilang Kembara, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Indonesia) cho biết, Indonesia đưa ra nhiều cam kết cắt giảm phát thải nhựa đến năm 2025 nhưng vẫn còn băn khoăn giữa việc thay đổi từ cấp trên xuống hay từ cấp dưới lên. Hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali là một trong những nơi ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất Indonesia. Năm 2018, chính quyền cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần và dần tiến tới cắt giảm tất cả các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Chính quyền các cấp tỉnh khác cũng đang ủng hộ chính sách này từ Bali để thay đổi tư duy của dân chúng.
Liên hợp quốc đã phát động “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người. Kế hoạch hành động chung Liên hợp quốc đã được xây dựng và do Nhóm công tác chống rác thải nhựa thực hiện.
Tháng 4/2018, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã khởi xướng một sáng kiến vận động chính sách với nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Đến nay đã có tổng số 58 tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tham gia ký Qui tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa và cam kết giảm thiểu sử dụng các đồ nhựa dùng một lần tại công sở...