Sự cố trên đã buộc 6 thành viên trên ISS chui ngay vào thuyền cứu sinh, chính là 2 phi thuyền con thoi Soyuz được dùng để thoát khỏi trạm trong lúc nguy hiểm. “Chúng tôi nghĩ rằng xác suất mảnh vỡ trên bắn trúng ISS là vào khoảng 1/360”, AFP dẫn lời Lark Howorth, trưởng nhóm của NASA chuyên theo dõi đường di chuyển của rác vũ trụ.
Tuy nhiên, sau 4 phút căng thẳng, nhóm phi hành gia thở phào nhẹ nhõm vì không phải giật cần gạt nối thuyền cứu sinh và trạm để bay về trái đất. Mảnh vỡ đã di chuyển cách ISS khoảng vài trăm mét. Đây là lần thứ 2 trong vòng 10 năm phi hành đoàn trên vũ trụ buộc phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên. Lần thứ nhất xảy ra vào ngày 12.3.2009, khi một mảnh động cơ vệ tinh cũ di chuyển gần trạm.
Hiện có khoảng 16.000 vật thể có đường kính lớn hơn 10 cm nằm trong hệ thống theo dõi của Mỹ, theo tuyên bố của NASA. Bên cạnh đó, có đến 500.000 mảnh từ 1 - 10 cm, trong khi số mảnh vụn nhỏ hơn 1 cm “có thể vượt hơn con số hàng chục triệu”, theo ghi nhận trên website của NASA. Rác trên quỹ đạo thường xuất phát từ các vệ tinh cũ, hoặc phần trên cùng của tên lửa đẩy vệ tinh. Khi các mảnh vỡ va vào nhau, chúng lại sản sinh hàng đống rác nhỏ khác. Với vận tốc nhanh khủng khiếp, chỉ cần một vật có kích thước khoảng 10 cm là cũng đủ gây họa cho ISS, chẳng hạn như tàn phá vệ tinh trị giá 10 triệu USD.
Trung tâm Nghiên cứu không gian quốc gia Pháp (CNES) cho hay từng ghi nhận 4 vụ va chạm giữa các vật thể trên quỹ đạo từ năm 1990. Vào năm 1991, vệ tinh Cosmos 1991 của Nga đã bị một mảnh vỡ từ vệ tinh Nga khác là Cosmos 926 tấn công. Tuy nhiên, phải đến năm 2005 các chuyên gia mới phát hiện được vụ đụng độ trên. Đến năm 1996, một mảnh từ tên lửa.
Ariane, được phóng từ năm 1986, đã va vào và làm hỏng vệ tinh do thám của Pháp là Cerise. Sau đó, vào năm 2005, phần trên của tên lửa đẩy Thor của Mỹ va phải phần mảnh vỡ từ tên lửa CZ-4 của Trung Quốc. Vụ đáng ghi nhận nhất là vào năm 2009, khi một vệ tinh quân sự của Nga là Cosmos 2251 đâm vào vệ tinh viễn thông Iridium của Mỹ, phun ra một đám mây bụi.
Ở quỹ đạo thấp của trái đất, nơi ISS đang hoạt động, những vụ va chạm mảnh vỡ xảy ra ở vận tốc 10 km/giây, hoặc 36.000 km/giờ, theo CNES. Một hạt nhôm đường kính 1 mm có thể mang theo lực va chạm cỡ một quả bóng chày được đánh với vận tốc 450 km/giờ. Vào tháng 6.1983, kính chắn gió của phi thuyền Challenger phải bị thay sau khi bị hạt bụi nhỏ cỡ 0,3 mm bắn vào với vận tốc 4 km/giây. Tuy nhiên, ở quỹ đạo thấp, rác chỉ gây lo ngại trong thời gian ngắn, vì nếu ở độ cao dưới 600 km, những mảnh vụn sẽ rớt trở lại trái đất trong vài năm, và thường chúng bị bầu khí quyển đốt trụi. Ở độ cao trên 800 km, chúng sẽ bị tiêu hủy trong vòng vài thập niên, nhưng nếu trên 1.000 km, chúng sẽ chu du xung quanh hành tinh xanh ít nhất 100 năm hoặc hơn.
Hiện các cường quốc không gian như Mỹ, Nga đang tìm cách tăng cường theo dõi hành trình của rác, như không quân Mỹ phóng thêm vệ tinh hồi năm 2010. Và khi phát hiện có mảnh nào gần ISS, hoặc đe dọa các vệ tinh quan trọng, họ sẽ báo với phi hành đoàn thực hiện biện pháp phòng vệ, như lần mới đây trong tuần này.
Hạo Nhiên