»

Chủ nhật, 19/01/2025, 00:08:57 AM (GMT+7)

Hoảng hồn với vịt chết dịch được thả trôi sông

(18:55:17 PM 05/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Dịch cúm gia cầm xuất hiện tại Hà Nội, sau 4 ngày đã “xóa sổ” gần 10 nghìn con vịt của nông dân xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Sau 4 ngày vịt chết, người dân trắng tay nhưng vì sao lãnh đạo xã và cơ quan thú y lại thờ ơ không xử lý dịch cúm triệt để?

 Chuyện bịa của người dân và sự thờ ơ của “quan xã”


Ngày 2/3, phóng viên t đã về xã Phượng Dực. Chúng tôi tìm đến hai hộ có đàn vịt mắc dịch cúm là ông Nguyễn Trọng Túc và ông Nguyễn Trọng Cường ở thôn Đồng Tiến.

Quanh nhà và trại vịt của ông Túc phủ đầy một mầu trắng của vôi bột.

Ông Túc đứng lặng một lúc bên bãi thả vịt, nói như mếu: “Đàn vịt gần 9.000 con của tôi và khoảng 3.000 con của nhà chú Cường (ông Nguyễn Trọng Cường, em trai ông Túc, cùng thôn) bị dịch quét sạch. Cả hai anh em thiệt hại gần 300 triệu đồng”.

Đàn vịt này được ông Túc tiêm phòng dịch tả, còn vaccine cúm gia cầm H5N1 tìm mua không có, nên không tiêm được.

Ông Túc kể, ngày 17/2 ông phát hiện thấy vịt chết lác đác, khoảng 30 - 40 con.

“Thấy vịt chết không bình thường, tôi lên báo với ông Doãn Văn Huy – cán bộ thú y của xã. Ông Huy có xuống kiểm tra và nói chết hàng loạt do đi ngoài, nguyên nhân là do… cám có quá nhiều muối và “khuyên” gia đình phải tự lo, thích xử lý thế nào thì tùy, nhà nước không hỗ trợ gì đâu, rồi ông Huy đi về”.

Vôi bột phủ trắng cánh đồng nuôi vịt nhà anh em ông Túc, ông Cường.


Từ 18-20/2, mỗi ngày đàn vịt nhà anh Túc lại lăn ra chết cả trăm con. Bụi tre, gốc chuối được gia đình đào hố chôn vịt không xuể.

Gạt nước mắt, hai vợ chồng cùng cậu con trai cho vịt vào bao tải chất lên xe cải tiến mang ra sông Nhuệ vứt.
 
Sau bốn ngày kể từ khi ông Huy – cán bộ thú y nói gia đình phải tự xử lý, hàng nghìn con vịt nhà ông Túc chết lăn lóc, trắng bờ ao.
“Vợ tôi kìm nước mắt, hai mẹ con cả đêm khênh từng bao tải vịt đi quăng xuống sông Nhuệ” – ông Túc nghẹn ngào kể lại.
 
"Vì đã báo cho chính quyền xã những không được giúp đỡ, tôi liền phịa ra một câu chuyện khi hai vợ chồng đang mang vịt ra sông Nhuệ vứt, có hai người đi ô tô con đi qua dừng lại hỏi xã có gia đình nào có gia cầm chết không? Tôi bao gia đình tôi có hàng nghìn con vịt chết nhưng xã không xuống kiểm tra. Người đi ô tô bảo lên gặp chủ tịch xã báo cáo, nếu xã không giải quyết thì gọi cho ông ấy”.
 
Ông Túc đem câu chuyện tự nghĩ ra lên UBND tìm lên ông Việt - chủ tịch xã Phượng Dực để báo cáo, cầu mong chính quyền giúp đỡ.
 
Sau khi nghe hết câu chuyện (do ông Túc nghĩ ra), thấy vịt chết quá nhiều, cuối cùng lãnh đạo xã Phượng Dực cũng xuống kiểm tra và báo cáo với thú y huyện Phú Xuyên.
 
Hàng nghìn con vịt dịch nổi lềnh bềnh trên sông Nhuệ (đoạn chảy qua xã Phượng Dực), còn ông Nguyễn Tuấn Úc - phó chủ tịch xã Phượng Dực với vẻ mặt phấn khởi vì đã dập được dịch nhà ông Túc.


Ngày 21/2, thú y huyện Phú Xuyên đến nhà anh em ông Túc, ông Cường mang 3 con vịt đi xét nghiệm. Đến ngày 22/2 có kết quả xét nghiệm vịt nhà ông Túc, ông Cường nhiễm cúm A/H5N1 rồi chỉ đạo tiêu hủy.

“Trạm thú y huyện thông báo là đàn vịt nhà tôi và nhà chú Cường có dịch cúm gia cầm. Sau đó họ đưa tờ giấy xét nghiệm của cơ quan Trung ương cho chúng tôi. Lúc này đàn vịt nhà tôi đã chết 2/3, chỉ còn gần 2.600 con”, vợ ông Túc nói.
 
Giấu dịch
 
Ông Túc cho biết, ngày 19/2 ông có chở mấy trăm con vịt sang bán tống bán tháo ở chợ Hà Vỹ (chợ đầu mối gia cầm) được hơn 3 triệu đồng.
 
Số còn lại gia đình vùi xuống gốc chuối, bãi cát, vứt xuống sông Nhuệ. Thậm chí vịt chết nhiều quá, gia đình còn vứt cả xuống giếng khơi trong sân kho lương thực xã bị bỏ hoang.
 
Theo ông Túc, đây là những bao tải chứa vịt chết mà gia đình đã thả xuống sông Nhuệ


Ông túc ngậm ngùi cho biết thêm: “Giá mà thú y xã quan tâm khi tôi có báo cáo về việc vịt chết hàng loạt thì đã sớm phát hiện ra đàn vịt nhà tôi mắc dịch cúm. Và nếu biết là dịch cúm thì chẳng bao giờ tôi cho vào bao tải thả trôi sông Nhuệ, vì như vậy vô hình chung tôi đã để dịch lây lan rộng hơn”.

 
Theo lời ông Túc nói, phóng viên VietNamNet đã đi dọc bờ đê sông Nhuệ hướng chảy về Phủ Lý, Hà Nam để tìm hiểu đúng sai.
Theo quan sát của phóng viên, hàng chục bao tải nổi lềnh bềnh hai bên bờ sông. Gặp phóng viên tại cống thủy lợi Văn Trai, ông Nguyễn Văn Vấn (thôn Văn Trai – xã Văn Hoàng) cho biết: “Ba, bốn chục bao tải đựng vịt chết rồi đã được người dân vứt xuống vào ban đêm, hôm lấy nước sông Nhuệ cho vào ruộng cấy,hàng chục bao tải đã mắc lại miệng cống. Hàng ngày bốc lên mùi rất kinh”.
 
 
 
Hàng chục bao tải vịt mắc lại cửa cống thủy lợi Văn Trai chưa được xử lý, trong khi hai ông phó chủ tịch hai xã Phượng Dực và Văn Hoàng vẫn đang mải đá bóng "trách nhiệm" cho nhau.


Những hình ảnh ghi lại cho thấy miệng cống thủy lợi Văn Trai còn mắc lại hàng chục bao tải, có bao tải đã mục nên vịt rơi cả ra ngoài.

 
Chính quyền xã Phượng Dực và cán bộ thú y xã vẫn không hề hay biết hay cố tình che giấu số vịt mắc dịch cúm A/H5N1 mà không hề báo cáo lên cấp trên và có phương án dập dịch?
 
Quả bóng mang tên “trách nhiệm”
 
Chiều 2/3, làm việc với PV, ông Nguyễn Tuấn Úc – phó chủ tịch xã Phượng Dực hồ hởi cho biết: “Sau khi tiêu hủy gần 2600 con vịt nhà ông Túc và ông Cường. Ngày 22 và 23/2, chính quyền xã, trạm Thú y huyện cho phun tiêu độc khử trùng, tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của hai hộ trên”.
 
Ông Úc cũng “đổ lỗi” nguyên nhân đàn vịt nhà ông Túc, ông Cường chết là: “Vịt được nuôi ở chuồng trại tạm bợ, thời tiết lạnh, lại gần bên sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng, trước ngày 22/3 chưa xác định vịt chết là do dịch cúm gia cầm. Vì thế chúng tôi không công bố dịch”.
 
Khi phóng viên viện dẫn những hình ảnh ở cửa cống thủy lợi Văn Trai, ông Úc ngay lập tức cho biết: “Đấy là địa phận xã bên cạnh, xã Văn Hoàng”.
 
Trước mặt ông Úc, PV trao đổi qua điện thoại với ông Đỗ Ngọc Đằng – phó chủ tịch xã Văn Hoàng, ông Đằng cho biết: “Ở Văn Hoàng không có đâu, ở gần đấy họ vứt xuống”. Quả bóng “trách nhiệm” lại một lần nữa được chuyền lại cho lãnh đạo Phượng Dực???
 
Một xã có dịch thì khăng khăng đã dập được dịch, trong khi người dân đã “tẩu tán” 2/3 đàn vịt chết dịch gần 1 vạn con thả trôi sông mà không hề hay biết. Một xã bên cạnh khi được báo là có vịt dịch vứt trên địa bàn xã thì phó chủ tịch xã lại đủng đỉnh đẩy trách nhiệm.
 
Bà Nguyễn thị Xuyến chuẩn bị bữa cơm chiều bên cạnh gốc chuối, cánh đồng nơi mà trước đây chăn thả vịt, giờ phủ đầy một mầu trắng của vôi bột.
 


Ngoài ra, theo tìm hiểu, đoạn đường từ nhà anh em ông Túc đến UBND xã Phượng Dực chưa đầy 1km, 4 ngày trước đó (ngày 17/2) ông Túc đã báo cáo việc chết hàng loạt, và phải mất 4 ngày sau (ngày 21/2) “quan” xã Phượng Dực mới đi hết đoạn đường 1km để đến với người dân.

Lúc này đàn vịt nhà ông Túc chỉ còn 1/3, và 1/3 đàn vịt đó đã được vào sổ để tiêu hủy.
Vậy số lượng vịt mắc dịch cúm hàng nghìn con thả trôi sông Nhuệ (theo lời ông Túc) và mấy chục bao tải đang mắc lại cửa cống Văn Trai ai là người chịu trách nhiệm?
 
Ngoài việc người dân đang lâm vào cảnh trắng tay thì hàng ngày, hàng giờ dịch cúm có thể lây lan, bùng phát trên địa bàn rộng hơn ngoài xã Phượng Dực.
 
Hàng đêm, xe chở vịt vẫn rời xã Phượng Dực hướng về các thành phố lớn không hề được kiểm dịch...


Đặc biệt, theo quan sát của phóng viên, từ quốc lộ 1A đến ngã ba Tía rẽ vào tỉnh lộ 73 dẫn đến gia đình nhà ông Túc và ông Cường không có chốt kiểm dịch.

 
Một số hộ dân nuôi vịt gần đó với tổng đàn lên đến cả nghìn con vẫn đang chăn thả trên đường, bơi tung tăng trên các hồ nước sát đường không rào chắn, không nhốt.
 
Và trên tỉnh lộ 73, hàng đêm xe chở gà, vịt vẫn rời xã Phượng Dực hướng về các thành phố lớn.
Phạm Hải (Vietnamnet)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Hoảng hồn với vịt chết dịch được thả trôi sông

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI