(Tin Môi Trường) - Trong khuôn khổ GEF6, chiều 26/6, tại sự kiện bên lề “Rác thải biển” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với GEF tổ chức, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”
Chủ trì Hội nghị bên lề “Rác thải biển” có Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF - bà Naoko Ishii; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - ông Erik Solheim; Trưởng phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương - ông Peter Thomson.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; các thành viên GEF và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số Bộ, Ngành, tỉnh thành liên quan và gần 500 đại biểu GEF tham dự.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề xuất sáng kiến của Việt Nam về “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”
Sự kiện bên lề “Quản lý rác thải biển” nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của
khu vực và quốc tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng và
đề xuất các giải pháp, biện pháp giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa đại dương đến tài nguyên, môi trường biển và sức khỏe của con người.
Biển và đại dương là nguồn sống vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của Trái đất, trên 90% không gian sinh tồn của các loài sinh vật trên hành tinh. Đại dương tạo ra hơn 50% lượng oxy chúng ta hít thở hàng ngày, đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh cũng như là nguồn năng lượng sạch cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa, từ các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra trên đất liền và trên biển. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển.Việt Nam đừng số 4/20 quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải nhựa đại dương với sản lượng trung bình là 0.5 tấn/mỗi năm.
Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết:
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/5/2018, Thủ tướng Chính phủ
Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa đại dương, khẳng định
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến với các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa
“Việt Nam mong muốn thông qua sự kiện này sẽ thúc đẩy sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ
Việt Nam về việc hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác
khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương; đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết và trách nhiệm của các nước, cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung vì một đại dương khỏe mạnh.
Việt Nam sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao để đóng góp chung vào những nỗ lực đó.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6,
Việt Nam đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì
khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”. Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược.
“Việt Nam muốn tạo ra một cơ chế về quản lý rác thải nhựa ở cấp
khu vực để nâng cao nhận thực của người dân; thiết lập một mô hình mang tính thực tế giữa các quốc gia tham gia.
Việt Nam rất mong muốn các quốc gia đưa ra những chia sẻ, góp ý để hoàn thiện những sáng kiến trong giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”- Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo
Việt Nam cho biết.
Hoan nghênh những nỗ lực của
Việt Nam trong việc giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, ông Erik Solheim, Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng: Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta đã có những bước tiến nhằm hiện thực những chiến lược liên quan đến rác thải nhựa phấn đấu đạt mục tiêu vào năm 2022 không còn rác thải nhựa đại dương.
“Ở đây chúng ta có những bài học kinh nghiệm từ những việc làm cụ thể như hạn chế sử dụng những sản phẩm ống nhựa, sản phẩm dùng một lần, xây dựng hệ thống tái chế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần thực hiện được ba trụ cột chính phủ - công dân – đổi mới sáng tạo trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thì sẽ tạo thành một sức mạnh vô địch cùng cùng nhau cứu hành tinh của chúng ta.”- ông Erik Solheim đề xuất.
Ông Peter Thomson, Phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương khẳng định:Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3000km đang phải đối diện với các thách thức như hệ sinh thái bờ biển suy giảm, nước biển tăng, rác thải …Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm đến những vấn đề này tại
Việt Nam trong thời gian tới.
“Biến đổi khí hậu, nước biển dâng có sự liên quan chặt chẽ đến nhau và những gì diễn ra trên đất liền cũng tác động đến biển. Do vậy, chính phủ
Việt Nam cần ban hành các chính sách nghiêm ngặt quy định bảo vệ môi trường đối với các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… để nâng cao nhận thức người dân có trách nhiệm với đại dương, tiến tới thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch, làm sạch bờ biển”- Ông Peter Thomson, Phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương đề xuất.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Lê Công Thành cảm ơn và đánh giá cao các đại biểu đến từ nhiều quốc gia đã tích cực tham gia và thảo luận những vấn đề liên quan đến chủ đề quản lý rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là sự ủng hộ của các quý vị đối với Sáng kiến của
Việt Nam về việc thiết lập mối quan hệ đối tác giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương
khu vực biển Đông Á.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm quốc tế và
khu vực hết sức hữu ích về quản lý rác thải nhựa đại dương; đặc biệt là nguy cơ rất cao sự gia tăng ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đối với
khu vực các biển Đông Á, các tác động tiềm tàng của rác thải nhựa, nhất là tác động của vi nhựa tới các hệ sinh thái biển và sức khỏe của con người.
Thứ trưởng Lê Công Thành tóm lược những nội dung cụ thể như sau: Một là, chúng ta cần thúc đẩy việc tạo lập môi trường thuận lợi ở cấp độ quốc tế và tại mỗi quốc gia để các bên tham gia tích cực, có hiệu quả vào các nỗ lực quốc tế trong giảm thiểu rác thải nhựa ra biển và đại dương. Việc duy trì một đại dương xanh, sạch, không có rác thải nhựa cho tất cả chúng ta chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các quốc gia ven biển tiến hành các giải pháp đồng bộ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển cùng với sự đồng hành của Quỹ Môi trường toàn cầu.
Hai là, vấn đề quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa ở
khu vực các biển Đông Á là hết sức cấp bách. Chúng ta cần phối hợp cùng nhau thiết lập quan hệ đối tác vì
khu vực biển Đông Á không có rác thải nhựa nhằm đưa ra một kế hoạch hành động chung cho cả khu vực, từng bước giảm thiểu rác thải nhựa ra biển và đại dương, bao gồm các hoạt động: từ việc ban hành và thực thi cơ chế, chính sách, tăng cường công tác quản lý hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng nhựa đến việc đẩy mạnh chia sẻ thông tin, dữ liệu, nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi tập quán, thói quen và ứng xử với rác thải nhựa.
Ba là, sáng kiến
Việt Nam trình bày hôm nay
đề xuất dự án
khu vực thiết lập mối quan hệ đối tác các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương với các mục tiêu rất tổng thể, bao trùm nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường phối hợp
khu vực trong giảm rác thải nhựa cho
khu vực các biển Đông Á; tạo động lực cho việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng tái chế và tái sử dụng nhựa; thiết lập cơ sở tri thức về rác thải nhựa ở biển và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa. Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực, bao gồm việc xây dựng, phê duyệt và thực thi chiến lược và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa ở
khu vực các biển Đông Á; hợp tác nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở
khu vực các biển Đông Á và các tác động của rác thải nhựa tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển, sức khỏe con người; hợp tác, chuyển giao công nghệ để làm sạch biển; hợp tác trong ngăn ngừa rác thải nhựa ở biển từ nguồn và cuối cùng là thiết lập một Trung tâm quốc tế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các nghiên cứu trong xây dựng cơ chế, chính sách, đánh giá tác động của rác thải nhựa ở biển tới môi trường, các hệ sinh thái biển, các ngành kinh tế biển cũng như xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu và tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tri thức giữa các quốc gia thành viên
khu vực các biển Đông Á.
“Tôi chân thành cảm ơn các quý vị ủng hộ những nội dung sáng kiến trên của
Việt Nam nhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu vì một đại dương không có rác thải nhựa. Những kết quả của hội nghị ngày hôm nay sẽ là đầu vào quan trọng cho Hội nghị bàn tròn cấp cao về rác thải nhựa đại dương ngày mai cũng như đóng góp chung vào Kế hoạch hành động của Quỹ Môi trường toàn cầu trong thời gian tới, kế hoạch của các tổ chức quốc tế và mỗi quốc gia liên quan đến việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương…” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.