»

Thứ năm, 21/11/2024, 10:20:59 AM (GMT+7)

Cần hạn chế đốn hạ cây xanh khi xây dựng các công trình

(08:17:05 AM 28/04/2024)
(Tin Môi Trường) - Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã báo cáo Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan về gói thầu di dời, đốn hạ cây xanh làm tuyến metro số 2.

 Cần[-]hạn[-]chế[-]đốn[-]hạ[-]cây[-]xanh[-]khi[-]xây[-]dựng[-]các[-]công[-]trình

Hàng cây dầu đầu đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM nằm trong diện bị đốn hạ để làm tuyến metro số 2 - Ảnh: CHÂU TUẤN
 
Theo đó, số lượng cây xanh bị ảnh hưởng là 453 cây. Trong đó, 404 cây xanh phải đốn hạ, số còn lại được bứng dưỡng đến nơi khác để chăm sóc.
 
Cây lâu năm, đa dạng chủng loại
 
Trong bối cảnh mảng xanh của TP.HCM rất thấp nhưng thời gian qua không ít cây xanh đã bị đốn hạ, nhường chỗ cho các công trình hạ tầng.
 
Vì vậy thông tin phần lớn cây xanh nằm trong ranh dự án metro số 2 phải đốn hạ khiến nhiều người quan tâm. Không ít người đặt câu hỏi liệu phương án đó đã tối ưu, xem xét hạn chế chặt hạ cây xanh ở mức thấp nhất có thể hoặc bứng dưỡng sau đó trồng những nơi khác?
 
Theo ghi nhận của phóng viên, những cây xanh thuộc phạm vi bị ảnh hưởng làm mặt bằng tuyến metro số 2 nên phải di dời, đốn hạ nằm dọc đường Lê Lai, Phạm Hồng Thái, Sương Nguyệt Ánh, vòng xoay Dân Chủ, Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh (từ hướng quận 1 về quận 12). Hiện trạng những cây này đa số còn tươi tốt, cao trung bình từ 3-12m.
 
Một số cây ở khu vực quận 1 có chiều cao vượt trội hơn, khoảng từ 10-30m, đường kính thân 50-170cm, tán cây phủ kín, tạo bóng mát cho người đi đường.
 
Còn số lượng cây xanh từ vòng xoay Dân Chủ về hướng quận 12 có phần thưa thớt hơn, đồng thời chiều cao trong khoảng 10m. Loại cây chủ yếu (thuộc phạm vi ảnh hưởng) là sao đen, lim sẹt, bằng lăng, sọ khỉ, dầu, viết...
 
Ông Nguyễn Văn Việt (ngụ quận 1) chia sẻ: "Ở quận 1 có những hàng cây chục tuổi đến trăm tuổi gắn bó với người dân nơi đây cùng rất nhiều kỷ niệm.
 
Nếu lỡ những cây này nằm trong diện phải đốn hạ thì rất tiếc. Hy vọng cơ quan chức năng có biện pháp giảm tối đa việc đốn hạ, di dời cây xanh. Đặc biệt những cây xưa nay đã tạo bóng mát cho người đi đường, nhà dân".
 
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư tuyến metro số 2), trong giai đoạn đầu tiên (di dời tái lập công trình), một số cây xanh buộc phải đốn hạ và di dời nằm trong phạm vi phui đào làm hệ thống hạ tầng kỹ thuật di dời mới.
 
Các cây xanh nằm trên vỉa hè hiện hữu (không ảnh hưởng đến việc thi công) thì tạm giữ lại để tạo bóng mát trong thời gian chờ xây dựng nhà ga ngầm và sẽ có phương án bảo vệ trong quá trình thi công.
 
Giai đoạn sau đó (trước khi xây các nhà ga), toàn bộ cây xanh trong khu vực ranh đất thu hồi sẽ bị đốn hạ hoặc di dời, các cây xanh không thuộc ranh thu hồi đất sẽ có phương án bảo vệ.
 
Đơn vị thi công gói thầu trên là liên danh Công ty TNHH thương mại xây dựng Thảo Nguyên Xanh, Công ty cổ phần giải pháp tư vấn xây dựng Không Gian Xanh. Gói thầu này có trị giá gần 1,4 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến xong trong tháng 7-2024.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Vịnh - giám đốc Ban quản lý dự án 2 (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) - thông tin theo phương án mới nhất được Sở Xây dựng phê duyệt, tổng số cây xanh di dời và đốn hạ trong giai đoạn đầu là 25 cây.
 
Tuy nhiên ban đang tiếp tục nghiên cứu yêu cầu nhà thầu di dời cây xanh có thể đưa toàn bộ 25 cây xanh này về khu vực depot Tham Lương dự án tuyến metro số 2 (quy mô 22,31ha) tại quận 12 để nuôi dưỡng.
 
"Giai đoạn sau sẽ di dời và đốn hạ 428 cây. Trong đó, 48 cây được di dời và 380 cây đốn hạ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng ga thực tế (dự kiến vào năm 2026), ban sẽ phối hợp nhà thầu chuyên ngành rà soát cập nhật cụ thể lại số lượng cây xanh di dời, cây xanh phải đốn hạ để phù hợp thực tế, trên cơ sở ưu tiên phương án cập nhật di dời cây xanh về trồng, bứng dưỡng. Từ đó giảm số lượng cây xanh cần đốn hạ", ông Vịnh cho hay.
 
Cần[-]hạn[-]chế[-]đốn[-]hạ[-]cây[-]xanh[-]khi[-]xây[-]dựng[-]các[-]công[-]trình
Hàng cây dầu đầu đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM nằm trong diện bị đốn hạ để làm tuyến metro số 2 - Ảnh: CHÂU TUẤN
 
Vì sao đốn hạ nhiều hơn bứng dưỡng?
 
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng giải thích thêm: việc xử lý cây xanh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án metro số 2 tuân thủ theo quy định hiện hành về hướng dẫn xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng công trình.
 
Theo đó có hai hình thức xử lý chính bao gồm: di dời bứng dưỡng và đốn hạ nhưng phải đảm bảo tỉ lệ sống cao sau khi di dời, đảm bảo an toàn lúc thi công và tiết kiệm chi phí.
 
Sở dĩ trong báo cáo cho thấy lượng cây bứng dưỡng không nhiều vì qua thực tiễn việc bứng dưỡng để trồng lại có tỉ lệ sống rất thấp. Nguyên nhân trước khi bứng phải cắt tán, nên khả năng phục hồi cành tán là rất kém, khả năng chết rất cao.
 
Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng cũng rất cao và không hiệu quả về mọi mặt. Bứng cây có kích thước lớn phải khoanh bầu, cắt nhiều rễ lớn nên khi trồng lại phải được gia cố, giằng chống bằng dây cáp, cọc.
 
Nhưng sau đó khả năng phát triển lại hệ rễ là rất kém nên không thể tháo cáp, cọc chống trong quá trình duy trì tại vị trí trồng. Việc gia cố, giằng chống gây bất lợi cho sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến cảnh quan chung của nơi được bố trí trồng lại.
 
Ngoài ra cây có kích thước lớn khi bứng, di dời buộc phải cắt phần lớn rễ. Do bị cắt các rễ lớn nên khả năng tái tạo rễ như cũ là không thể.
 
Vì vậy không thể trồng lại trên đường phố vì nguy cơ ngã đổ là rất cao. Chủ đầu tư cũng cho biết thêm việc thiết kế tái bố trí cây xanh, mảng xanh trong phạm vi ảnh hưởng của dự án metro số 2 sẽ được làm trong dự án "giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM" một cách khoa học, đồng bộ và sẽ phát triển, đẹp hơn hiện nay.
 
Cần[-]hạn[-]chế[-]đốn[-]hạ[-]cây[-]xanh[-]khi[-]xây[-]dựng[-]các[-]công[-]trình
Cây xanh sau khi được di dời sẽ chuyển đến các vườn ươm để nuôi dưỡng, tưới nước hằng ngày - Ảnh: LÊ PHAN
 
Không giữ lại được mới phải đốn hạ
 
Có ý kiến về vấn đề trên, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định việc di dời, đốn hạ cây xanh khi làm những công trình trong TP là bất khả kháng, là sự lựa chọn cuối cùng và không ai muốn điều đó xảy ra.
 
Ông Chính ví dụ như tuyến đường Tôn Đức Thắng có cầu Ba Son đi qua phải đốn hạ nhiều cây xanh để thi công. Dù biết cây xanh là tài sản rất quý nhưng không có cách nào khác cả.
 
"Những cây xanh lâu năm là tài sản rất quý của đô thị. Người làm quy hoạch khi dự kiến một công trình đi qua đâu cũng đã tính toán chọn tuyến hợp lý nhất. Họ tính hết mọi việc về hướng đi thế nào cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho dự án.
 
Nếu hàng cây nào bị vướng và cần phải di dời, đốn hạ đều được tính toán rất kỹ thiệt hơn. Làm một công trình chúng ta phải ưu tiên về mặt kỹ thuật và hiệu quả kinh tế. Do đó khi có kế hoạch di dời cây xanh thì đó là cách làm cuối cùng, người dân cũng nên hiểu và chia sẻ", ông Chính nói.
 
Theo ông Chính, việc quy hoạch vẫn luôn ưu tiên không đốn hạ mà di dời cây xanh để chăm sóc, trồng bổ sung vào những vị trí khác. Cây xanh là một trong những tài sản rất quý của đô thị, đặc biệt là những cây xanh lâu năm.
 
Trong hoàn cảnh không giữ lại được mới phải đốn hạ, di dời. Đối với dự án metro số 2, chủ đầu tư khi đã xong tuyến cần nghiên cứu các vị trí nào có thể trồng cây xanh được thì trồng cây mới vào hoặc di chuyển cây cũ qua lại. Việc này chủ đầu tư phải có trách nhiệm.
 
Chủ đầu tư cam kết bù cây xanh ra sao?
 
Cần[-]hạn[-]chế[-]đốn[-]hạ[-]cây[-]xanh[-]khi[-]xây[-]dựng[-]các[-]công[-]trình
Hàng cây dầu ở đầu đường Sương Nguyệt Anh (giáp đường Cách Mạng Tháng 8) cũng nằm trong diện phải đốn hạ để làm tuyến metro số 2 - Ảnh: CHÂU TUẤN
 
Việc phải di dời và đốn hạ cây xanh được các cơ quan chức năng đánh giá là bất khả kháng do nằm trong phạm vi, mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cho biết luôn hạn chế việc đốn hạ, nếu có thì sẽ bù đắp và trồng lại cây, mảng xanh khác sau khi dự án hoàn thành.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết việc di dời cây xanh là điều phải làm để có mặt bằng xây dựng các dự án như nút giao An Phú (TP Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình)...
 
Đối với một dự án trọng điểm như xây dựng nút giao An Phú, có đến 1.519 cây xanh được bứng khỏi khu vực (đa số là cây vừa và nhỏ, trong đó đốn hạ 258 cây loại già và có tiềm ẩn sâu bệnh, khó chăm sóc).
 
Những hàng cây xanh này đa số ở giữa đường Mai Chí Thọ nằm trong phạm vi đất dự trữ giao thông. Việc di dời cây xanh hiện tại để trả lại mặt bằng cho giao thông.
 
Những cây di dời sẽ được đưa về vườn ươm chăm sóc và đưa trồng các nơi khác (tùy theo nhu cầu). Dự án nút giao An Phú cũng có thiết kế mảng xanh, cây cảnh và cây bóng mát. Vì vậy, những cây xanh bứng dưỡng này có thể được tận dụng trồng lại ở các vị trí phù hợp với cảnh quan theo thiết kế mới.
 
"Tất nhiên, thiết kế mảng xanh mới sẽ có những cây tận dụng được, có những cây không. Bởi vì không phù hợp với cảnh quan chung của nút giao sẽ xây mới hoàn toàn, nhưng trên cơ sở sẽ tăng cường tối đa mảng xanh ngoài phạm vi lòng đường dành cho giao thông như các dự án giao thông khác trong thành phố.
 
Đây là nguyên tắc chung của các dự án mà Ban Giao thông phụ trách cũng như nhiều dự án giao thông quan trọng khác tại TP.HCM", vị đại diện cho hay và nói thêm, đối với dự án metro số 2 cũng được làm tương tự, số cây trong diện di dời, bứng dưỡng sẽ được chuyển đến một số nơi chỉ định để chăm sóc (như vườn ươm cây xanh, công viên - PV). Còn cây xanh đốn hạ sẽ thu hồi gỗ, bán đấu giá.
 
Theo ông Vũ Văn Vịnh - giám đốc Ban quản lý dự án 2, việc tái tạo mảng xanh và trồng lại ở ga tuyến metro số 2 hiện đã được bố trí trong dự án CTF/quỹ công nghệ sạch do ADB tài trợ và được Ban Quản lý dự án công trình giao thông làm chủ đầu tư.
 
Cụ thể, sẽ tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại các nhà ga tuyến metro số 2, cũng như tăng khả năng tiếp cận của người dân cho dự án metro số 2 khi đưa vào vận hành (cải tạo vỉa hè, trạm dừng xe buýt, bãi đậu xe, cầu và hầm bộ hành...). Theo kế hoạch hiện nay, dự án metro số 2 sẽ vận hành khai thác vào năm 2030.
 
Trước nay, tại các dự án xây dựng công trình giao thông ở TP.HCM cũng buộc phải di dời hoặc đốn hạ cây xanh.
Các nước nghiêm ngặt bảo vệ cây xanh khi xây dựng công trình hạ tầng
 
Singapore là quốc gia ý thức mạnh mẽ về vai trò của không gian xanh trong đô thị và đến nay đảo quốc sư tử vẫn đang xây dựng danh tiếng của mình với định hướng trở thành "thành phố thiên nhiên" theo Kế hoạch Singapore xanh vào năm 2030.
 
Là một quốc gia trẻ với nhiều cơ sở hạ tầng đang xây dựng, Chính phủ Singapore đã ban hành những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ mảng xanh trong thành phố. Vườn lan quốc gia thuộc Vườn bách thảo Singapore cho biết cây cối phải được đặt trong khu vực bảo tồn trước khi khởi công xây dựng bất kỳ công trình nào xung quanh.
 
Khu vực bảo tồn phải có diện tích gấp đôi độ rộng của bộ rễ. Do đó giới chức Singapore khuyên chủ đầu tư nên thuê các chuyên gia môi trường để có thể đưa ra phương pháp bảo tồn tối ưu từ quá trình bắt đầu khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành dự án.
 
Chủ đầu tư phải thiết lập hàng rào bảo vệ cây trước thời điểm thi công. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp không được phép đổ, đào hoặc lưu trữ các mảnh vụn hoặc vật liệu xây dựng trong khu vực này.
 
Ngoài ra, một số quy định khác tại Singapore yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm cung cấp đủ lượng nước, cũng như bảo tồn bộ rễ và thân cây trong suốt quá trình xây dựng. Nếu có bất cứ vấn đề gì phải lập tức báo lên cơ quan phụ trách chuyên môn để xử lý kịp thời.
 
Còn ở đặc khu Hong Kong cũng đưa ra quy định cho các chủ doanh nghiệp về việc xử lý cây xanh từ quá trình khởi công xây dựng đến khi hoàn thành dự án. Cục Phát triển Hong Kong yêu cầu tất cả cây trong khu vực phải được tiến hành kiểm tra và đánh giá một cách kỹ lưỡng và quyết định xem cây nào có thể giữ lại và cây nào nên chặt bỏ, từ đó xây dựng chu trình bảo tồn hợp lý nhất.
 
Chủ đầu tư phải phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định xem cây có khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường hay không, đồng thời phải chắc chắn về diện tích đất đủ để xây dựng khu vực bảo tồn.
 
Đại diện Cục Phát triển Hong Kong nhận định yếu tố then chốt khi bảo tồn cây trong quá trình xây dựng là giảm thiểu đốn hạ cây xanh ở mức thấp nhất có thể vì hiện nay có rất ít phương pháp phục hồi thiệt hại gây ra bởi các tổn thương từ quá trình thi công.
(Nguồn:CHÂU TUẤN - LÊ PHAN - KHÁNH QUỲNH/ TTO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cần hạn chế đốn hạ cây xanh khi xây dựng các công trình

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe

Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe

(Tin Môi Trường) - Sáng 12/8, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố; do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), điểm đo tại Thư viện tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên có chất lượng không khí ở mức 270, rất có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.

Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch Xanh

Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch Xanh

(Tin Môi Trường) - Theo ước tính, mỗi năm nước ta có hàng trăm triệu lượt khách trong và ngoài nước đi du lịch ở khăp các địa phương. Cùng với xu thế hiện đại, ngành Du lịch Việt Nam là một trong những ngành thường xuyên gây thêm mối nguy ô nhiễm cho môi trường nói chung và đại dương nói riêng, trong đó có rác thải nhựa. một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước. Thực tế cho thấy, rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch có hướng tăng dần theo từng năm và đang gây áp lực cho môi trường, phát sinh bệnh tật, ô nhiễm nguồn nước,…

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI