»

Thứ bảy, 18/01/2025, 18:38:11 PM (GMT+7)

Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai:Tan nát đôi bờ

(12:44:32 PM 28/08/2018)
(Tin Môi Trường) - Đôi bờ sông Đồng Nai từ thượng nguồn xuống hạ lưu hiện có thể dùng hai từ để miêu tả, đó là: Tan nát

>>Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai

 

Đánh giá trên được chúng tôi rút ra trong chuyến thuê thuyền đi ghi nhận thực tế hồi giữa tháng 8 này. Những hình ảnh đôi bờ con sông vốn hiền hòa trở thành những vực thẳm hay vườn tược của người dân như chực đổ hết xuống sông mà không thôi bức xúc. Đôi bờ con sông bị phá nát rành rành ra đấy, vậy mà chính quyền luôn nói rằng họ "vô can", họ đã "chỉ đạo rất quyết liệt".

 
Của nả trôi hết xuống sông
 
Trong chuyến đi trên, gặp người dân ở thượng nguồn (thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), hạ lưu (thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), chúng tôi nghe đầy những lời ta thán, bởi ở đâu bờ sông cũng bị băm nát. Riêng ở Đồng Nai, những nhánh sông, kênh, rạch của sông Đồng Nai cũng đang ra sức kêu cứu trước việc đào bới vô tội vạ của những mảnh giấy phép khai thác cát vô hồn.
 
"Dòng sông cuồn cuộn dâng khi trời mưa và thủy điện xả lũ, khi nước rút trơ ra những mảng vườn tược bị khoét sâu hàm ếch. Người dân ở hai bên bờ giờ đây không còn tự hào vì được hưởng cảnh thơ mộng, gió mát mà quanh năm lo chống chọi với sạt lở, giữ nhà cửa, vườn tược. Nhiều đoạn, đất vườn bị ngoạm vào hàng trăm mét, bờ sông biến thành vực dựng đứng rồi chú ơi. Nhìn mà tiếc mà xót cho dân đôi bờ" - người lái thuyền đưa chúng tôi đi nói trong tiếc nuối.
 
Tiếng[-]kêu[-]tuyệt[-]vọng[-]từ[-]sông[-]Đồng[-]Nai:Tan[-]nát[-]đôi[-]bờ
Sạt lở nghiêm trọng trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
 
Đúng như lời ông lái thuyền, khi thuyền đến đoạn sông Đồng Nai chảy qua thị xã Tân Uyên, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt vườn cây ăn trái, hoa màu của người dân bị kéo tuột xuống sông; nhiều căn nhà bị "hà bá" nuốt chỉ còn lại… một nửa. Nhà ít tiền thì đóng cây tràm. Những gia đình có điều kiện phải bỏ hàng trăm triệu đồng xây kè, trồng cây để giữ đất. "Nhưng cuộc chiến giữ sông, giữ đất chưa có hồi kết…" - chị Hoa, một hộ dân đang đánh vật với tình trạng sạt lở sông Đồng Nai ở thị xã Tân Uyên, chua chát nói.
 
Hình ảnh chúng tôi ghi lại được ở TP Biên Hòa cũng không kém phần thê thảm. Ở phường Bửu Hòa, nhiều người dân dở khóc dở mếu vì nhà cửa, hoa màu bị đẩy xuống sông. Trên cù lao Phố, nhiều vùng đất xưa là bãi bồi, giờ đã ra… chính giữa dòng. Ở xã Tân Hạnh, cả một góc chợ của xã bị biến mất khiến tiểu thương phải bỏ của chạy lấy người. Riêng tại phường Tân Vạn, khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, bà Hoa liền lao lại nói như mếu: "Miếng vườn nuôi sống gia đình tôi giờ đã chảy tuột xuống sông rồi chú ơi. Phải chỉ thiên tai cũng ráng chịu, đằng này rõ ràng là do nhân tai. Vậy mà cũng chẳng biết kêu ai. Thật khổ với nạn khai thác cát!".
 
Từ chuyến đi trên, tìm lại những kết luận của các cuộc khảo sát của cơ quan chuyên ngành thì thấy đoàn nào cũng kết luận sạt lở nghiêm trọng là do sông biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng của thủy điện xả lũ, của nạn nạo vét tràn lan và sự tung hoành của "cát tặc".

Đổ cho nạo vét
 
Chúng tôi rà soát lại thì thấy những năm qua, tình trạng cấp phép cho các dự án nạo vét trên sông Đồng Nai có thể nói là ồ ạt. Chưa kể TP HCM, Lâm Đồng, Bình Phước, tại Đồng Nai đã có đến 13 dự án được cấp phép. Trong đó, có hơn một nửa là của Bộ Giao thông Vận tải.
 
Liên quan đến việc khai thác cát bừa bãi, hồi cuối năm 2017, thâm nhập những đại công trường hút cát ở nơi giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, chúng tôi từng tận mắt chứng kiến hàng loạt tàu, xáng cạp ồ ạt ngoạm cát ở hai bờ, ngang nhiên ngoạm vào vườn nhà dân. Thậm chí, những kẻ hút cát ngang nhiên làm xói lở hết vườn nhà dân sau đó chấp nhận bồi thường - một hình thức "mua" trá hình - bằng vài đồng còm cõi. Người dân ở đây khóc ròng vì mất đất, có nơi đã xảy ra những cuộc chiến bằng gạch đá, hung khí thật sự, khiến kẻ sứt đầu, người mẻ trán. Ngay cả Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng bị xâm phạm nghiêm trọng khiến lãnh đạo vườn phải than trời, nhờ can thiệp.
 
Tiếng[-]kêu[-]tuyệt[-]vọng[-]từ[-]sông[-]Đồng[-]Nai:Tan[-]nát[-]đôi[-]bờ
Nhân danh nạo vét, đơn vị này đã cố tình “ngoạm” luôn vào bờ sông Đồng Nai (đoạn giáp ranh Đồng Nai và Lâm Đồng) để tận thu cát, tạo thành những vực sâu hoắm
 
Còn trên sông Thị Vải, có thời điểm 2-3 dự án của Bộ Giao thông Vận tải cùng lúc hoạt động ồ ạt. Đội hình tàu hút cùng dàn hàng ngang, dọc hoạt động náo loạn những khúc sông. Vùng sông vốn nằm xa bờ, cách cả những cánh rừng ngập mặn, nên rất khó kiểm soát. Đi ghe từ bờ tiếp cận những vùng dự án này cũng phải mất hàng chục phút nên việc nạo vét có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến bờ. Tuy nhiên, một số dự án thì được cấp phép nạo vét cả những kênh rạch, thậm chí có con rạch… cụt. Những hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông đã bị lao đao vì việc nạo vét, khai thác không theo quy định, ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Có thời điểm, chính quyền địa phương đã nhận đến hàng trăm lá đơn khiếu nại của người dân ở huyện Nhơn Trạch và TP Biên Hòa phản ánh những bất cập liên quan nạo vét, tận thu khoáng sản. "Một đơn vị nạo vét hút cát cả hai bên bờ gây sạt lở và ô nhiễm nghiêm trọng khiến các hồ nuôi tôm của tôi bị bỏ hoang, gây thiệt hại cho tôi gần 2 tỉ đồng…" - ông Nguyễn Văn Lực, ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, kể.
 
Sau một thời gian dài tình trạng các đơn vị nạo vét lập lờ khai thác bất chấp khối lượng cho phép trên sông vì cơ quan chức năng nại là "khó giám sát", cùng với nạn "cát tặc" ăn theo khiến người dân mất đất, mất tài sản phản đối mạnh mẽ thì các dự án từ thượng nguồn cho đến hạ lưu phải tạm ngưng để thực hiện rà soát. Kết quả, hàng loạt dự án khai thác cát bị khai tử nhưng vẫn có 5 dự án (trong đó 3 dự án của Bộ Giao thông Vận tải, 2 của tỉnh Đồng Nai) đang xin và đang được các cơ quan chức năng xem xét cấp phép hoạt động trở lại.
 
Theo thông tin chúng tôi nắm được thì 5 đơn vị trên xin nạo vét từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai; từ sông Đồng Tranh đến sông Gò Gia; một đoạn thuộc rạch Ông, đoạn rạch Cái Lăng và đoạn thuộc sông Thị Vải... đây là những nhánh sông, rạch trên hệ thống sông Đồng Nai. Về vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết nếu cấp phép trở lại thì sẽ làm chặt, làm căng để tránh vi phạm khai thác bừa bãi và tận thu. "Phải giám sát chặt chẽ hơn, nếu vi phạm sẽ rút giấy phép ngay…" - trong một cuộc họp, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, người dân thì lại hết sức nghi ngờ, bởi họ đã nghe quá nhiều những lời khẳng định của tỉnh Đồng Nai sẽ xử nghiêm những đơn vị khai thác cát đã làm ảnh hưởng dòng chảy hay vườn tược nhà dân, rốt cuộc là dòng sông Đồng Nai hiện đã như bức tranh loang lổ. Đơn vị khai thác cát gây ra biết bao hậu quả nhưng gánh chịu vẫn là người dân, còn chính quyền và họ vẫn vô can. 
 
"Cát tặc" vẫn tung hoành
 
Tình trạng hút cát lậu trên sông Đồng Nai vẫn diễn ra phức tạp do nhiều thành phần từ các vùng lân cận như Tân Uyên, Dĩ An (tỉnh Bình Dương), quận 9 (TP HCM) kéo đến.
 
Trong đó, sông Đồng Nai (thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) tình trạng "cát tặc" tàn phá diễn ra rất nghiêm trọng với các con rạch Láng, rạch Bà Vánh, rạch Cá Đối (xã Long Tân) bị xới tan tác. Kế đến là đoạn thuộc xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), "cát tặc" hằng đêm hoành hành khiến người dân mất ăn mất ngủ. Đặc biệt, đoạn chảy qua TP Biên Hòa, "cát tặc" vẫn đang hoành hành suốt đêm.
 
Tiếng[-]kêu[-]tuyệt[-]vọng[-]từ[-]sông[-]Đồng[-]Nai:Tan[-]nát[-]đôi[-]bờ
“Cát tặc” thường bỏ lại phương tiện rồi lao xuống sông bỏ trốn nên việc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát lậu rất khó
 
Thế nhưng, theo cơ quan chức năng, việc xử lý "cát tặc" là rất khó khăn bởi khó có thể bắt được kẻ "đầu vụ". Cụ thể, đêm 31-7, lực lượng chức năng đi tuần trên sông Đồng Nai, đến đoạn thuộc phường Tân Vạn, TP Biên Hòa thì phát hiện 5 đối tượng cùng 1 chiếc ghe lớn đang hút trộm cát từ dưới sông. Khi công an xuất hiện, các đối tượng đã bỏ lại tang vật, lao xuống sông, lợi dụng bóng đêm tẩu thoát. Trước đó, lúc rạng sáng 27-7, trên đoạn sông thuộc xã Long Hưng (TP Biên Hòa), công an đã ập tới, bắt quả tang và thu giữ 3 ghe công suất lớn cùng cả trăm khối cát vừa bị múc trộm từ lòng sông nhưng chỉ kịp giữ lại một người và "cát tặc" này lại khai chỉ là người được thuê đến chở cát.
Xuân Hoàng (báo NLĐ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai:Tan nát đôi bờ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI