(Tin Môi Trường) - Sông Đồng Nai có hẳn một ủy ban được lập ra để bảo vệ nhưng xem ra những tiếng kêu cứu từ dòng sông này không được giải quyết thỏa đáng
Không kể đại dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát, từ đầu năm đến nay, phóng viên đã phát hiện 3 vụ lấp, lấn sông Đồng Nai với quy mô không hề nhỏ. Buồn thay, ở mỗi vụ sai phạm chính quyền địa phương đều khẳng định mình không biết. Trong khi, người dân cung cấp thông tin cho phóng viên lại nói phản ánh, kêu cứu nhiều nhưng chẳng ai chịu lắng nghe. Chuyện dân cứ kêu cứu cho dòng sông, chính quyền cứ khẳng định "nghe phóng viên nói mới hay" đã khiến dòng sông Đồng Nai tự nhiên, hoang dã ngày nào đang đối mặt với rất nhiều vấn nạn nghiêm trọng.
Công nhiên lấp, lấn
Cứ thuê thuyền chạy dọc sông Đồng Nai (đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai), ai cũng dễ dàng nhìn thấy những vấn đề bức bối mà dòng sông này đang gánh nhận. Cái dễ thấy, "nóng" nhất và thời sự nhất có lẽ là tình trạng lấp, lấn sông. Không chỉ là dự án của chính quyền địa phương mà còn là việc các công trình, dự án của tư nhân lập lờ, chiếm dụng.
Vụ lấp, lấn tràn ra sông mới nhất được phát hiện diễn ra ở gần bên cầu An Hảo - được cho là một trong những điểm nhấn của Biên Hòa - thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa. Tại đây, chiều rộng đất đá đổ tràn ra sông theo chúng tôi ước lượng đoạn ít nhất khoảng 2 m, đoạn nhiều nhất ra xa khoảng 5-7 m. Chiều dài lấp lấn dọc bờ sông đến khoảng 50 m. Nhìn
từ trên cầu, việc lấp lấn sông có thể thấy rất rõ. Tuy lượng đất đá đổ tràn xuống sông lần này chưa có vẻ ngang nhiên chắn dòng như những nơi khác nhưng cũng có thể thấy việc lấp lấn tràn ra sông. Phía sau khu đất, đã hình thành hạ tầng kiểu một quán nhậu hoặc quán cà phê. Chủ khu đất bước đầu xác định là một người dân tên T., tuy nhiên dư luận tại địa phương đã râm ran nơi này do một cán bộ đứng đằng sau để mở cơ sở kinh doanh (!?). Được người dân báo tin về vụ việc, sau khi xác minh, chúng tôi đã báo ngay cho chính quyền địa phương, tuy nhiên, dù UBND xã chỉ cách vài trăm mét nhưng lãnh đạo xã này cũng chỉ cho biết là "cũng mới biết vụ việc qua phóng viên cung cấp" và nói sẽ tiến hành cho kiểm tra, xử lý!
Đất, đá lấp tràn ra sông tạo mặt bằng lớn gần chân cầu Bửu Hòa, được xác định thực hiện sai nhưng việc xử lý vẫn là kiểm điểm và để đó
Quan ngại hơn là vụ việc đổ đất đá ngang nhiên, tràn lan trên sông cũng ngay trên địa bàn này phía bờ thuộc xã Hiệp Hòa. Việc đổ đất đá đã tạo thành một mặt bằng rộng hàng trăm mét vuông gần chân cầu Bửu Hòa, do một số cán bộ lãnh đạo địa phương "cho phép", mượn danh gia cố trụ cầu. Đến hiện tại, đã xác định hồ sơ dự án gia cố trụ cầu chưa được thực hiện, việc đổ đất đá như trên chỉ là việc làm… chui. Theo điều tra của chúng tôi, "mặt bằng" trên sông này còn tiếp giáp khu đất của một đại gia bất động sản tên L., mới mua đất tại khu vực này.
Thời gian trước đó, vụ việc một cán bộ ngành thuế tên D. cho đổ đất, đá tràn lan trên sông ở khu vực thuộc huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) để làm bến thủy nội địa, cũng đã được phát hiện. UBND huyện Vĩnh Cửu sau đó xác định tại thời điểm đó, hàng ngàn khối đất đá đã được đổ tràn xuống sông.
Vậy phải chăng người dân chỉ báo tin cho phóng viên chứ không hề báo cho chính quyền? Trả lời câu hỏi này, giữa tháng 8, trở lại hiện trường các vụ lấp, lấn sông ở xã Hiệp Hòa, gặp người dân, ai cũng cho rằng do "trên" làm không nghiêm nên dưới cũng làm bừa và khẳng định đã kêu cứu cho Đồng Nai đến chính quyền sở tại! Bởi, chỉ cách vị trí hai điểm đang diễn ra việc lấp, lấn trên một đoạn là đại dự án lấp, lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát, thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, hiện vẫn "đắp chiếu"
từ nhiều năm nay
từ lệnh của Chính phủ. "Dự án này hiện vẫn nằm yên như "chuyện đã rồi" và người dân chúng tôi cho rằng điều đó đã tạo nên một tiền lệ xấu, khiến nhiều kẻ "ăn theo". Có ai phải múc lên đâu, chỉ sông là lãnh đủ…" - ông Nguyễn Bảy, 85 tuổi, cư ngụ xã Hiệp Hòa, bức xúc.
Vị trí lấp, lấn sông gần cầu An Hảo ai nhìn cũng thấy chỉ chính quyền sở tại là… không hay
Hại sông, không lòi trách nhiệm
Liên quan vụ việc lấp, lấn sông "vô lối" tại khu vực chân cầu Bửu Hòa, sau khi có thông tin phản ánh liên tục, lãnh đạo địa phương tìm cách im lặng và né tránh, để rồi chuyện xử lý sai phạm được thực hiện khá nhẹ nhàng. Bằng chứng là sau nhiều cuộc họp, vừa qua, UBND TP Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo là chỉ "kiểm điểm các đơn vị, cá nhân liên quan và yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tiến hành khảo sát xem xét khắc phục hiện trạng (!).
Quá trình thu thập hồ sơ, chúng tôi xác định, khu vực để xảy ra lấp, lấn tràn lan vốn đang có chủ trương xây bờ kè gia cố dọc sông. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chưa có nên nhiều năm nay dự án trên vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, khu vực trụ cầu bị xói mòn được cho là cần gia cố gấp, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận dùng đá ngầm thanh thải
từ một dự án để trám vào. UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND TP Biên Hòa lập phương án bảo đảm các quy định về an toàn giao thông đường thủy, môi trường và hành lang bảo vệ tài nguyên nước. Song, việc đổ đất, đá đã được làm một cách tự phát, tràn lan trên sông và đã tạo thành một mặt bằng (chứ không phải gia cố khu vực trụ cầu) không tuân thủ yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai.
Kết quả xử lý ban đầu vụ việc, Văn bản số 980 ngày 7-8-2018 của UBND TP Biên Hòa thông báo kết luận của ông Nguyễn Tấn Long, Phó Chủ tịch UBND TP, về rà soát lại các vấn đề liên quan gia cố bờ sông khu vực chân cầu Bửu Hòa, nêu: Giao Phòng Nội vụ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ kiểm điểm các đơn vị, cá nhân liên quan; Phòng Quản lý đô thị khẩn trương hợp tác với các đơn vị chuyên môn có năng lực đánh giá dòng chảy, đưa ra biện pháp xử lý (nếu cần) với lượng đất, đá đã đổ xuống.
Như vậy, một trong những vụ lấp, lấn sông đã được xác định là sai nguyên tắc. Trước đó, vụ đổ tràn lan trên sông tại huyện Vĩnh Cửu để làm dự án cũng được khắc phục. Dù vậy, nhiều người dân cho rằng vấn đề trách nhiệm và khắc phục chưa được xử lý triệt để là quá nhẹ so với sai phạm của chính quyền sở tại. Đối với việc lấp, lấn ở gần cầu Bửu Hòa, quá trình khắc phục, ông Triệu Trung Tính, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa và ông Doãn Văn Đồng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, thừa nhận phải "xem lại vấn đề thi công", tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Biên Hòa khi chúng tôi liên hệ đề cập thì đều… lãng tránh.
"Vì sao các vụ xâm phạm lòng sông chủ yếu xảy ra ở khu vực TP Biên Hòa? Phải chăng giá trị sinh lợi cao nên ai cũng nhăm nhe lấn chiếm? Chính quyền TP Biên Hòa cũng như tỉnh Đồng Nai không thể làm ngơ được nữa, phải xem và siết chặt kỷ cương chứ không thể cứ kiểm điểm rồi để nguyên hiện trạng dòng sông bị lấn như trêu ngươi dư luận" - ông Nguyễn Văn T., ngụ xã Hiệp Hòa, cán bộ về hưu, người phát hiện và báo cho chúng tôi nhiều thông tin các vụ lấp lấn sông, nói.
Hàng triệu cư dân bị ảnh hưởng
Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM với chiều dài 586 km và lưu vực 38.600 km².
Với lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với sự hình thành các vùng đất phì nhiêu vùng Đông Nam Bộ, các đô thị đang phát triển, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân ven hai bên bờ, trên suốt chiều dài gần 600 km. Thế nhưng, chưa bao giờ sông Đồng Nai bị xâm hại nghiêm trọng như bây giờ! Sự khốc liệt này không còn là cảnh báo và cần có sự vào cuộc mạnh mẽ
từ chính quyền các địa phương nêu trên và hơn cả là sự vào cuộc của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
"Ăn cắp" của sông thì phải trả lại cho sông!
Theo lão nông Nguyễn Bảy, đại dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát và 2 vụ lấp, lấn sông vừa nêu, nếu chính quyền
từ tỉnh đến huyện cứ thế để đó không chịu múc đi trả lại mặt sông thì sẽ còn có nhiều vụ lấp, lấn sông nữa xảy ra.
Khi bị phanh phui thì dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát đã thành bán đảo trên dòng Đồng Nai
"Lẽ thường "ăn cắp" là phải bị bắt và phải trả lại tài sản cho khổ chủ ngay, đằng này chuyện lấn sông cứ ề à khắc phục, ề à xử lý thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự khuất tất" - ông Bảy bức xúc nói.