(Tin Môi Trường) - Trong thời gian thu thập tư liệu thực hiện loạt bài này, càng thấy rõ hơn thực trạng nhiều đơn vị "bỏ rơi" dòng Đồng Nai, trong khi vai trò, chức năng lại là bảo vệ
>>Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai
>>Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai:Tan nát đôi bờ
>>Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai: Nước thải hòa nước sông
>>Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai: Chậm giải cứu là có tội!
Nhiều nhà khoa học cho rằng sở dĩ họ yêu cầu những người có trách nhiệm phải vào cuộc ngay, chậm giải cứu sông Đồng Nai là có tội, là vì trên dòng sông này, ngoài trách nhiệm của các tỉnh, thành mà con sông chảy qua thì trách nhiệm rất lớn thuộc về 2 đơn vị khác nhưng 2 đơn vị này không lên tiếng hoặc đứng ngoài. Đó là Ban Quản lý quy hoạch (QLQH) lưu vực sông Đồng Nai (thành lập năm 2001) và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) thành lập cuối năm 2008.
Im lặng và đứng ngoài
Theo điều tra của chúng tôi, kể
từ khi thành lập đến nay, 2 đơn vị trên chưa cho thấy vai trò, chức năng thực sự của mình trong QLQH và bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Bằng chứng là trên hệ thống lưu vực này đã nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi trong dư luận song vai trò xử lý của 2 tổ chức này
từ lâu đã rất mờ nhạt nếu không muốn nói là đứng ngoài cuộc.
Chuyện mờ nhạt đầu tiên phải kể đến là sự kiện Vedan. Đó là ngày 13-9-2008, Cảnh sát Môi trường phát hiện Công ty Thực phẩm Vedan lén xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải (một phụ lưu của sông Đồng Nai), gây thiệt hại môi trường, làm ảnh hưởng đến hơn 21.000 ha đất canh tác của nông dân hai bên bờ sông. Vụ việc kéo dài đến năm 2010 với nhiều ý kiến can thiệp
từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Thủ tướng Chính phủ và cuối cùng tòa án phán quyết Công ty Vedan phải đền bù 120 tỉ đồng cho nông dân. Tuy nhiên, ở vụ việc này ai cũng thấy lẽ ra Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai phải lên tiếng bảo vệ con sông nhưng tuyệt nhiên đơn vị này chẳng đưa ra một tuyên bố hay ý kiến gì. "Trong suốt thời gian diễn ra "tranh luận" giữa người dân và công ty vi phạm, chúng tôi không hề nghe và biết đến sự có mặt của Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai" - ông Nguyễn Văn Thanh, một nông dân từng bị ảnh hưởng
từ sự kiện xả thải của Vedan, kể.
Tương tự, ở vụ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị loại khỏi quy hoạch, chỉ có Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cùng các cơ quan báo - đài vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ dòng sông, còn Ủy ban sông Đồng Nai và Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai gần như không có ý kiến gì về đánh giá các tác động môi trường của dự án cũng như tác động của dự án trong quy hoạch tổng hợp quản lý sông Đồng Nai.
Đỉnh điểm của chuyện đứng ngoài những điểm nóng bức hại sông Đồng Nai của 2 đơn vị trên phải kể đến dự án lấp sông Đồng Nai của Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát vào năm 2015. Ở thời điểm này, dự án lấp sông này đã bị báo chí phanh phui với những lập luận xác thực của các nhà khoa học là: Nếu để dự án triển khai và hoàn thành sẽ gây nguy cơ thay đổi dòng chảy tự nhiên, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt… "Trong khi báo chí mạnh mẽ lên tiếng thì 2 đơn vị trên cứ im lặng và đứng ngoài cuộc, xem như đó không phải là chuyện của mình" - PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.
Trong khi nhà khoa học và giới báo chí liên tục lên tiếng để bảo vệ sông Đồng Nai ở những điểm nóng bị xâm hại thì đơn vị được lập ra để bảo vệ con sông này lại im lặng. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Chưa làm tròn trách nhiệm
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, quản lý tài nguyên nước tổng hợp bao gồm cả quản lý rủi ro, kết hợp quản lý đất và nước, dự báo, giám sát và lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm nhẹ các hệ quả nghiêm trọng lên kinh tế. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là tài nguyên nước trong lưu vực sông phải được quản lý thống nhất, không chia cắt giữa các cấp hành chính, giữa thượng nguồn và hạ nguồn; bảo đảm sự công bằng, hợp lý, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng lưu vực sông.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước thông qua các tổ chức lưu vực sông hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Lý do có thể rất nhiều song chắc chắn không thể loại trừ những hạn chế của các tổ chức quản lý lưu vực sông hiện nay. Đó là hầu hết các thành viên trong Ủy ban sông Đồng Nai và Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai đều là các lãnh đạo bộ - ngành, tỉnh - thành, chuyên về quản lý nhà nước, chỉ tham gia ủy ban với nhiệm vụ kiêm nhiệm. Trách nhiệm của các tổ chức lưu vực sông được phân cho nhiều ban - ngành như UBND, TN-MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong khi chuyên môn về tài nguyên nước của các thành viên hạn chế, số nhà khoa học về tài nguyên nước trong các tổ chức quản lý lưu vực cũng chỉ có giới hạn nên chậm bắt kịp những vấn đề cấp bách trong quản lý. Các thành viên trong các tổ chức lưu vực sông chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về nguyên tắc và thực tiễn của quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Kế đến là tính độc lập đánh giá để chủ động đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước của chủ tịch các tổ chức lưu vực sông còn rất hạn chế, chủ yếu là thừa hành các chỉ thị
từ Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như một giải pháp quản lý nước theo ngành dọc
từ trên xuống.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, việc thành lập 2 đơn vị trên là rất cần thiết, như một vai trò của "nhạc trưởng" trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng. Tuy nhiên, phải thừa nhận 2 đơn vị trên chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Chỉ vì thiếu tiền?
TS Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nhìn nhận hoạt động của Ủy ban sông Đồng Nai vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tiên, ủy ban này chỉ là tổ chức phối hợp, không có nguồn ngân sách riêng nên không có nguồn lực để điều phối việc triển khai dự án, nhiệm vụ đối với các địa phương. Vì vậy, việc thảo luận và thông qua các nghị quyết, kết luận tại các phiên họp còn thiếu những đề xuất cụ thể do các đề xuất chủ yếu liên quan đến cơ chế tài chính trong khi quyết định của ủy ban chỉ mang tính đồng thuận, không có tính ràng buộc pháp lý.
Ông Đồng cho rằng bên cạnh hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, việc triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường là yếu tố quyết định nhưng vấn đề này chưa được đầu tư thỏa đáng. Trong khi đó, các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị và môi trường cần kinh phí rất lớn (đầu tư hạ tầng hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị, nạo vét, khơi thông dòng chảy…) nên tiến độ triển khai còn chậm.
Theo ông Đồng, để nâng cao vai trò của Ủy ban sông Đồng Nai, thời gian tới, Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông. Ủy ban này cần tham gia quá trình lập, phê duyệt và triển khai các dự án phát triển có tính chất liên ngành, liên vùng hoặc có nguy cơ tác động đến nguồn nước trên các lưu vực sông và cần có nguồn lực ổn định, đáp ứng được các yêu cầu hoạt động; kiến nghị thay đổi cơ chế luân phiên chủ tịch như hiện nay. Đặc biệt, tăng cường đầu tư về nhân lực và kinh phí. Trong đó có kinh phí để tiến hành các nhiệm vụ chuyên môn, kinh phí hoạt động của các tổ chuyên gia tư vấn kỹ thuật, kinh phí dự phòng cho các hoạt động ứng phó sự cố môi trường hoặc xử lý các vụ việc đột xuất phát sinh trong thực tế trên lưu vực sông.
Chi phí xử lý nước tăng hằng năm
Bà Diệp Thị Hoàng Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - SAWACO), cho biết qua đánh giá chất lượng nước thô hằng năm, nguồn nước sông Đồng Nai mỗi năm càng xấu hơn với hàm lượng chất hữu cơ, amoni, vi sinh và kim loại nặng. Do đó, chi phí cho hóa chất keo tụ, khử ion, amoni,… hằng tháng đều vượt định mức để xử lý những loại chất trên, bảo đảm nguồn nước đầu ra đạt chất lượng tốt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện SAWACO đang sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai với lưu lượng khoảng 1.150.000 m3/ngày đêm để xử lý, cung cấp nước sạch cho người dân TP HCM.
Nhà máy Nước Thủ Đức phải tốn thêm chi phí hóa chất để xử lý các tạp chất do nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm Ảnh: SỸ ĐÔNG
Đặc biệt, bà Hà cho hay nguồn nước thô sông Đồng Nai xấu hơn vào mùa mưa, khi lượng nước thải công nghiệp, sinh hoạt
từ thượng nguồn đổ về cộng với tình trạng sạt lở nên có những ngày nước có màu đỏ nhưng vẫn phải lấy về để xử lý vì hiện chưa có nguồn nước dự phòng. Lãnh đạo SAWACO nhận định nếu buộc phải xử lý nước có chất lượng xấu bằng mọi cách thì không hợp lý về mặt kinh tế, không thể tốn 10 đồng xử lý nước mà giá bán chỉ có 1-2 đồng được.