Sự việc trên diễn ra sau nhiều cuộc họp, đối thoại bất thành giữa chính quyền địa phương với những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án nạo vét luồng lạch sông Trường Giang (đoạn nối cảng Kỳ Hà với cảng Tam Hiệp).
Do không đồng tình, nên khi đơn vị thi công quyết định ra quân nạo vét trở lại, người dân phản đối kịch liệt. Ngay từ sáng sớm, nhiều người đã kéo nhau ra phía bờ sông Trường Giang đoạn qua xóm Câu, thôn Đông Tuần (xã Tam Hải) để phản đối.
Đến khoảng 8 giờ sáng cùng ngày (3.6), tại khu vực này, có đến trên trăm người dân kéo đến tiếp tục hò hét, đánh trống tạo nên cảnh tượng náo loạn.
Ông Võ Văn Thân (82 tuổi), một người dân sống sát bờ sông cho biết: “Tôi sống tại khu vực này từ năm 1976 nhưng chưa bao giờ thấy xuất hiện hiện tượng sạt lở. Nhưng từ khi tiến hành nạo vét, đất đai hai bên bờ cứ thế sạt xuống sông khiến người dân chúng tôi hết sức bất an. Bà con chúng tôi phải bảo vệ con sông này an toàn để sinh sống. Chứ nếu đến khi sạt lở rồi đền bù thì đã muộn…”.
Ông Ngô Xê (44 tuổi) cho biết thêm cách đây 7 tháng, tại một cuộc họp, phía chính quyền địa phương có hứa sẽ xây dựng bờ kè tại khu vực thôn Đông Tuần mới tiến hành nạo vét. Nhưng trong khi vẫn chưa có gì đảm bảo việc xây kè sẽ được thực hiện thì đơn vị thi công đã bắt đầu công việc.
Trong khi đó, bà Bạch Thị Mười (42 tuổi) cho biết nguyện vọng của người dân là đình chỉ công việc nạo vét luồng lạch sông Trường Giang để giải tỏa, bồi thường thỏa đáng hoặc kè kiên cố bờ sông để người dân an cư lạc nghiệp.
“Khi đó các anh muốn làm rộng, sâu (nạo vét sông rộng, sâu - PV) gì thì tùy các anh. Còn bây giờ dân chúng tôi vẫn chưa thỏa đáng…”, bà Mười nói.
Trước bức xúc của người dân, trong buổi sáng ra quân, 3 sà làn của đơn vị thi công chỉ làm việc trong khoảng gần 2 giờ đồng hồ do một số người dân đã dùng thuyền nhỏ tiến gần sà lan, sau đó họ đã trèo lên khoang để ngăn cản.
Đến khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, cả 3 sà lan đều ngừng hoạt động. Tuy nhiên, 1 chiếc sà lan khác được điều động đến khu vực này để nạo vét. Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, tình hình trật tự đã được vãn hồi. Tuy nhiên người dân vẫn chưa bỏ ý định cản trở công trình nạo vét.
|
Ông Bùi Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết địa phương đang ra sức vận động và tuyên truyền để người dân không tiếp tục “chống đối”.
Đây không phải là lần đầu người dân sống xung quanh khu vực nạo vét luồng cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp (Khu kinh tế mở Chu Lai) ngăn cản thi công. Triển khai từ tháng 6.2009 thì đến tháng 2.2010, dự án nạo vét này gặp phải sự phản ứng quyết liệt của hàng chục hộ dân xã Tam Hải.
Tiếp đó, tháng 8.2011, người dân bao vây công trường, cơ quan chức năng đã phải điều lực lượng đến để hỗ trợ. Mới đây, 11 hộ dân thôn Đông Tuần (xã Tam Hải) tiếp tục cản trở vì cho rằng việc nạo vét có nguy cơ gây sụt lún, nứt nhà cửa.
Trước khi nạo vét vào hôm nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đối thoại với 11 hộ dân. Sau cuộc họp này vẫn còn lại 6 hộ dân không thống nhất.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, cho biết đa số người dân đều đồng thuận. Hiện chỉ còn 6 hộ dân tại xóm Câu chưa đồng thuận vì lý do: Khi nạo vét sẽ bị sạt lở nhà cửa.
“Một phần là do công tác tuyên truyền vẫn chưa đến nơi đến chốn nên người dân chưa hiểu. Phần nữa là do trước đây, liên quan đến một số về vấn đề an sinh xã hội, phía chính quyền địa phương chưa làm người dân thỏa mãn nên họ tiếp tục bức xúc”, ông Toàn nói.
“Chính quyền cam kết nếu việc nạo vét có ảnh hưởng đến nhà dân thì chính quyền không thể bỏ dân được… Thế nhưng một số hộ dân vẫn không đồng thuận… Đợt này mà không làm được nữa thì dừng dự án và bàn giao cho Trung ương. Tức là, cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp chỉ phát triển đến đó thôi…”, ông Toàn cho biết thêm.
Được biết, hiện công tác nạo vét đã hoàn thành 90% công việc, còn 10% với khoảng 60.000 m3 đất cát.