»

Thứ bảy, 18/01/2025, 03:46:10 AM (GMT+7)

Ngày Trái đất 22/4: Bảo vệ "ngôi nhà chung" khỏi ô nhiễm Tin ảnh

(23:47:14 PM 23/04/2023)
(Tin Môi Trường) - Kể từ năm 2009, Liên hợp quốc chính thức công nhận ngày 22/4 hằng năm là Ngày Trái đất. Đây là dịp để nâng cao nhận thức và hành động của toàn nhân loại nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu.

 

Ảnh: TTXVN
 
* Tiên phong thực hiện các cam kết "xanh"
 
Chủ đề của ngày Trái đất năm 2023 là “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”. Chủ đề này nhằm truyền tải thông điệp "Để có thể vực dậy xã hội năng động, phát triển thì việc cấp thiết nhất bây giờ chính là bảo vệ Trái đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp". Đây là ngày để mỗi người “thực hiện hành động”, không chỉ vì quan tâm đến thế giới tự nhiên, mà còn vì Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại.
 
Trong Ngày Trái đất, các hoạt động bảo vệ môi trường được tăng cường ở nhiều quốc gia như tuyên truyền kêu gọi người dân chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp…
 
Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
 
Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, cũng như Kế hoạch chi tiết số 355/KH-ĐGS 28/10/2022 về giám sát chuyên đề. Một trong những mục tiêu của cuộc giám sát là nhằm kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. 
 
* Giảm thiểu chất thải
 
Rác thải là một trong năm nguồn phát thải khí nhà kính chính của Việt Nam với lượng phát thải khoảng 31.3 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020. Đến năm 2030, dự kiến lượng khí thải từ lĩnh vực này sẽ tăng lên khoảng 40 triệu tấn CO2 tương đương nếu như không có hành động nào được thực hiện theo kịch bản phát triển thông thường. Theo đánh giá, các hoạt động xử lý rác được tổ chức hiệu quả sẽ trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp thực hiện các mục tiêu giảm khí nhà kính quốc gia.
 
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm 381 lò đốt chất thải rắn, 37 dây chuyền sản xuất phân bón và 904 bãi chôn lấp. Các nguồn phát thải chính đến từ các bãi chôn lấp (50,3%) và từ việc xử lý nước thải là 43,2%.
 
Hiện nay, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội xây dựng “Báo cáo Hiện trạng chất thải nhựa Việt Nam năm 2022”. 
 
Báo cáo đang trong quá trình hoàn thiện, các số liệu điều tra ban đầu cho thấy, trung bình, thành phần chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam chiếm khoảng 12%. Tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn vào năm 2021 và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Khối lượng chất thải nhựa thất thoát ra môi trường là 0,42 triệu tấn và chỉ khoảng 0,07 triệu tấn có thể thất thoát vào môi trường nước (sông, hồ, biển…). 
 
Theo các chuyên gia môi trường, khối lượng chất thải nhựa phát sinh này là nguồn nguyên liệu đầu vào lớn cho các lĩnh vực tái chế chất thải nhựa, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thành phần chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam phần lớn là túi nilon mỏng, bao bì thực phẩm, đồ dùng nhựa một lần. Bên cạnh đó, do không phân loại tại nguồn nên bị nhiễm bẩn các chất hữu cơ, vô cơ dẫn đến khó làm sạch, nên có khả năng tái chế thấp và cần chi phí tái chế lớn.
 
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung cho biết, Báo cáo tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới với số liệu đảm bảo độ tin cậy. Từ nguồn thông tin đó cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có thể hoạch định, xây dựng các chính sách pháp luật về giảm thiểu ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra, tham gia đàm phán quốc tế về chất thải nhựa được tốt hơn. 
 
Để giữ gìn môi trường sống chung, đặc biệt là giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống con người, sự ủng hộ của mỗi người dân trong thực hiện các chính sách về giảm chất thải nhựa là vô cùng quan trọng. Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm xả rác bừa bãi vào môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, cũng như đồ nhựa dùng một lần; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình… Các cơ quan quản lý, các địa phương cần chú trọng thực hiện các quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 từ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý.
 
Bên cạnh rác thải nhựa, các nguồn thải khí nhà kính đang là tác nhân lớn gây ô nhiễm đến môi trường sống của con người. Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon, đã đưa ra các yêu cầu về kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính với các doanh nghiệp. Sau đó Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đã đưa ra danh sách các đơn vị sẽ phải thực hiện nghĩa vụ này. Thông tư 17/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 15/11/2022 cũng đã quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Theo các quy định văn bản pháp luật, các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm/lần từ năm 2024 trở đi cũng như phải thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ 2023-2025 phù hợp với điều kiện kinh doanh của cơ sở. 
 
Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 của Việt Nam, mục tiêu đặt ra là giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực chất thải xuống 29,4 tấn CO2 (63%) vào năm 2030 với sự hỗ trợ quốc tế. Để đạt được mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng trong lĩnh vực chất thải, cần có sự chung tay của cộng đồng./.
(Hoàng Nam/TTXVN)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ngày Trái đất 22/4: Bảo vệ "ngôi nhà chung" khỏi ô nhiễm

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI