(Tin Môi Trường) - Quận Thanh Khê là một trong những quận nằm ở trung tâm T.p Đà Nẵng và tiếp giáp nhiều với biển. Là một trong ba địa phương (cùng với Rạch Giá và Phú Yên) tiếp nhận 2 dự án cùng về chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa với WWF-Việt Nam (Dự án Đô thị giảm nhựa (2019-2021) với nguồn lực của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (2020 - 2023)). Giai đoạn từ 2021 đến tháng 6/2023 dự án đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Chú trọng truyền thông và giáo dục hành vi
Theo Tổ chức WWF- Việt Nam, dự án đã xác định công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm
nhựa và rác thải đại dương là một trong những trọng tâm trong các Kế hoạch. Theo đó, Thanh Khê đã xây dựng 13 pano di động kết hợp thùng rác phân loại với 03 mặt để tuyên truyền 03 nội dung phân loại: Rác sinh hoạt tại nguồn; Rác sinh hoạt nguy hại và
Giảm rác thải
nhựa để đặt tại 10 phường và Trung tâm hành chính quận Thanh Khê. Định kỳ, Đoàn Thanh niên
Quận Thanh Khê sử dụng các pano di động này để đi tuyên truyền kết hợp thu gom rác tái chế tại các khu vực dân cư.
Mô hình Pano di động kết hợp thùng rác phân loại tại Thanh khê
Không chỉ làm truyền thông, Dự án đã hướng đến nhóm các trường học (giáo viên, học sinh) thông qua các lớp tập huấn đào tạo nguồn cho 150 giáo viên và cán bộ giáo dục của Q. Thanh Khê về giảm thiểu rác thải nhựa, triển khai mô hình “Trường học không rác nhựa”. Năm học 2021-2022 đã tổ chức thực hiện thí điểm tại 03 trường trên địa bàn, và tiếp tục triển khai mở rộng thêm 03 trường trong năm học 2022-2023. Tại đây, học sinh các trường thi trưng bày các sản phẩm tái chế tại các gian hàng: các mô hình, sản phẩm tái chế, tuyên truyền phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa; Thi tiểu phẩm tuyên truyền; Thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa,...
Tập huấn, hướng dẫn phân loại và kiểm toán rác thải cho học sinh
Đối với nhóm Hội viên Hội phụ nữ, Dự án đã dành nhiều nguồn lực trong việc thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục và đào tạo nâng cao năng lực cho nhóm đối tượng này, đặc biệt tập trung vào nhóm nòng cốt của Hội (Liên hiệp phụ nữ) LHPN: Cụ thể, dự án đã tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông và vận động người dân cho 50 cán bộ cốt cán và 171 hội viên nòng cốt của các Chi hội Hội phụ nữ của 10 phường trên địa bàn quận Thanh Khê, cung cấp 300 túi lưới đi chợ cho hội viên Hội LHPN quận để giảm việc sử dụng túi ni-lông dùng 1 lần. Các hội viên Hội LHPN đã tích cực lồng ghép các kiến thức, kỹ năng được trang bị để tuyên truyền tới cộng đồng dân cư, đặc biệt là tích cực lan toả hoạt động mang túi lưới và các loại túi dùng nhiều lần để đi chợ, giảm lượng lớn túi ni-lông mới phát sinh từ các hoạt động mua sắm cho sinh hoạt gia đình.
Tập huấn kỹ năng truyền thông và phát túi lưới đi chợ cho nhóm Nòng cốt của Hội phụ nữ.
Xóa các điểm nóng trên địa bàn
Đến nay, 10/10 phường đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện phân loại Chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và triển khai nhiều mô hình và sáng kiến như: Đổi rác tài nguyên lấy quà tặng, lấy cây xanh của đoàn Thanh niên; Ngôi nhà 200 đồng của Chi đoàn trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai; Phân loại rác thải nguy hại tại các Chi đoàn khu dân cư; Mô hình thu gom pin đã qua sử dụng bằng vỏ chai nhựa; Bình hoa An sinh xã hội, Đi chợ bằng giỏ nhựa, Chợ giảm thiểu rác thải
nhựa của Hội Phụ nữ; Thùng rác môi trường; Trường học không rác thải nhựa;… Các mô hình đã được triển khai thực hiện và duy trì thường xuyên, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn, đóng góp một nguồn kinh phí không nhỏ cho việc duy trì hoạt động của mô hình và vào quỹ an sinh xã hội tại địa phương.
Đến nay, đã có hơn 27.560/36.327 hộ dân trên địa bàn quận thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tổng số kinh phí thu được từ Chất thải rắn sinh hoạt tái chế: 344.605.500 đồng.
Điểm sáng với mô hình “Điểm tập kết xanh”
Từ nhiều năm qua, lô đất trống có diện tích 3.000m2 trên đường Phan Xích Long (quận Thanh Khê) là nơi tập kết rác thải từ nhiều nơi, cỏ dại mọc cao, cảnh quan nhếch nhác không phù hợp với đô thị. Đây cũng là điểm tập kết của 10 xe rác đẩy tay loại 660 lít, khối lượng rác tập trung khoảng 5 tấn/ngày. Ngoài ra, vào buổi tối, một số đối tượng còn đổ trộm giá hạ, xà bần và rác thải có kích thước lớn tại khu vực này, dần dần hình thành một điểm nóng về môi trường. Điều này không chỉ gây ô nhiễm, khiến cho người dân sống xung quanh (phường An Khê) bức xúc mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều nỗ lực và ngân sách đã được đầu tư để dọn dẹp tại khu vực này nhưng vẫn không giải quyết được triệt để vấn đề.
Trước thực trạng trên, Dự án cùng Phòng TN&MT xây dựng phương án cụ thể để xóa điểm nóng này, hoán chuyển thành một điểm tập kết xanh, văn minh, hiện đại, không chỉ đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải mà còn thân thiện với môi trường và con người. Theo đó trong quá trình thực hiện, Dự án đã hỗ trợ địa phương san gạt, tổng dọn vệ sinh môi trường, làm sạch mặt bằng khu đất trống để UBND phường An Khê đầu tư kinh phí đồng thời vận động bà con đóng góp ngày công thực hiện việc láng nền làm khu vui chơi. Đồng thời, Dự án hỗ trợ xây dựng “Điểm tập kết xanh” bằng 4 vách tole kiên cố, vẽ tranh tuyên truyền trên các mặt vách, trồng cây xanh tạo cảnh quan và hỗ trợ lắp đặt camera để giám sát việc đổ rác không đúng nơi quy định tại khu vực này.
Mô hình sau khi hoàn thành đang tạo ra tiếng vang lớn không chỉ trên địa bàn quận Thanh Khê, mà cả trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó một trong những thành công đáng ghi nhận nhất của mô hình “điểm tập kết xanh” đó chính là việc tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng người dân sinh sống trong khu vực.
Từ mô hình này, Q. Thanh Khê đã nhân rộng mô hình ra các khu vực khác như 2 điểm ở đường Trường Chinh và 1 điểm ở đường Yên Khê 2 bằng nguồn lực của địa phương. Đối với các khu vực này, Dự án cũng đã hỗ trợ thực hiện vẽ tranh bích họa tại các điểm, giúp tạo thêm sức hút, điểm nhấn cho mô hình.
Điểm tập kết xanh tại Bàu Trảng 7
Bên cạnh đó, Dự án đã đồng hành cùng Hội LHPN mở rộng mô hình “bình hoa an sinh xã hội” để tăng cường tỷ lệ thu gom rác tái chế trong cộng đồng. Đây là mô hình do Hội LHPN quận chủ trì thực hiện từ đầu năm 2022, với mục tiêu ban đầu sẽ huy động nguồn lực để thiết lập được 110 lồng (thùng) thu gom rác tái chế. Tuy nhiên kết quả mang lại khả quan hơn khi Hội LHPN quận đã thực hiện được 240 thùng thu gom rác tái chế. Việc thực hiện mô hình đã thu hút sự tham gia và hưởng hứng trong đông đảo hội viên Hội LHPN quận cũng như bà con nhân dân.
Mô hình “Bình hoa an sinh”
Mô hình phân loại rác và tăng cường thu gom rác tài nguyên, bán gây quỹ phục vụ an sinh xã hội tại các khu dân cư là một sáng kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận với sự đồng hành hỗ trợ của Dự án và các bên liên quan khác. Theo đó, tính đến tháng 6/2023, tổng cộng 255 mô hình “Bình hoa an sinh xã hội” đã được triển khai và vận hành trên địa bàn, trong đó Dự án hỗ trợ thực hiện 30 bình. Tổng kinh phí quỹ thu được là 583 triệu đồng, giúp hỗ trợ các hoạt động an sinh cho rất nhiều lượt Hội viên HPN quận.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cùng với ý nghĩa cả về kinh tế và môi trường; Dự án tiếp tục đồng hành hỗ trợ thêm 55 mô hình “Bình hoa an sinh xã hội” trên địa bàn quận, triển khai trong quý III và IV của năm 2023.
Vận động ngư dân phân loại và mang rác về bờ
Rác thải, đặc biệt là rác thải
nhựa từ các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản đã và đang góp phần trực tiếp vào việc gây ô nhiễm môi trường sống của các sinh vật biển, làm suy thoái đa dạng sinh học, và gây nhiều tác động khó lường. Do đó, ngư dân là một trong các đối tượng quan trọng cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức tiến tới vận động thay đổi hành vi trong việc xả thải rác. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng khó chuyển dịch, cần có kế hoạch tiếp cận và vận động bài bản, cũng như sự tham gia của các đơn vị chức năng có liên quan tại địa phương như phòng TN&MT, phòng Kinh tế, Hội nông dân, và UBND các phường,…
Truyền thông, vận động Ngư dân trên địa bàn
Dự án phối hợp với Phòng Kinh tế quận đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để thúc đẩy mô hình “Ngư dân mang rác vào bờ” trên địa bàn. Theo đó, tổng cộng 350 tàu cá bao gồm 100 tàu đánh bắt xa bờ (chiều dài trên 6m) và 250 tàu đánh bắt gần bờ (thuyền thúng) trên địa bàn quận đã tham gia thực hiện ký cam kết và gắn bảng nội quy giảm thiểu rác thải
nhựa và mang rác từ biển vào bờ. Dự án hỗ trợ các vật dụng và trang bị cần thiết cho ngư dân để thực hiện việc thu gom và mang rác vào bờ như: 250 vợt vớt rác thải cầm tay và 250 túi lưới đựng rác thải; trang bị 100 túi lưới đựng rác thải; trang bị và lắp đặt 08 thùng rác (bao gồm 04 thùng rác 2 ngăn chứa rác thải tái chế và ngư cụ hỏng, và 04 thùng rác 240L) dọc sông Phú Lộc để làm điểm tập kết rác cho ngư dân.
Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ và thúc đẩy sáng kiến "Dòng sông xanh" của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường quận Thanh Khê thông qua việc hỗ trợ kinh phí nhiên liệu cho 05 tàu của Tổ để thực hiện việc định kỳ thu gom rác thải khu vực cửa sông Phú Lộc hàng tháng.
Một số hình ảnh về quá trình triển khai mô hình
Vận động sự tham gia của doanh nghiệp và tiểu thương
Xác định đây là nhóm đối tượng khó tiếp cận, chưa có nhiều sự quan tâm đối với các hoạt động liên đến các hoạt động về môi trường; Dự án đã chủ động phối hợp với các cơ quan/ban ngành liên quan của quận Thanh Khê để xây dựng Kế hoạch phối hợp để triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải
nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê (tập trung cho nhóm doanh nghiệp - kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-TNMT-KT-WWFVN ngày 05/10/2022 giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế, Phòng Văn Hoá Thông tin quận và Tổ chức WWF-Việt Nam).
Trên cơ sở kế hoạch phối hợp, Dự án đã tổ chức 01 buổi Hội thảo Tuyên truyền giảm thiểu rác thải
nhựa và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các doanh nghiệp trên địa bàn Q.Thanh Khê, yêu cầu các doanh nghiệp nòng cốt vào chương trình giảm thiểu rác thải
nhựa thông qua việc ký và thực hiện các cam kết về giảm thiểu rác thải
nhựa tại nguồn.
Song song với đó là Dự án đã phối hợp với Hội LHPN quận tổ chức các buổi truyền thông nâng cao nhận thức cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn quận về vấn đề rác thải
nhựa với mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Đồng thời, vận động các tiểu thương ký cam kết giảm sử dụng túi ni lông với 200 tiểu thương (chợ Tân An và Tam Thuận) tham gia ký cam kết. Bên cạnh đó, là các hoạt động vận động hội viên Hội LHPN đi chợ bằng túi dùng nhiều lần để giảm bớt nhu cầu sử dụng túi ni-lông tại chợ.
Dự án “Giảm rác thải
nhựa đại dương tại Việt Nam” trên địa bàn quận Thanh Khê, Đà Nẵng đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn; đặc biệt trong đó chính là sự thu hút và huy động sự chung tay hưởng ứng, đồng thuận của đông đảo cơ quan/ban ngành, đoàn thể và cộng đồng địa phương cùng tham gia. Vì vậy, địa phương phải duy trì và phát huy những môi hình đã làm được bằng việc thúc đẩy, nhân rộng,…Song song đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc thay đổi hành vi/thói quen trong việc sử dụng và phát thải rác thải nhựa. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đối với các đối tượng thuộc nhóm nòng cốt của Hội viên Hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, giáo viên và học sinh; là những nhóm đối tượng có khả năng tiếp nhận thông tin cũng như tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ và nhanh chóng trong cộng đồng.
Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ và sáng tạo trong công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải nói chung và rác thải
nhựa nói riêng trên địa bàn trong thời gian tới.
Nghiên cứu đề xuất và phối hợp với cơ quan cấp thành phố về quy định giảm - tiến tới nói không với túi ni-lông khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị và thực hiện thí điểm tại Thanh Khê trong năm 2023-2024.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, đại diện Tổ chức WWF- Việt Nam luôn kỳ vọng sẽ nỗ lực hết mình hỗ trợ Q. Thanh Khê tiếp tục xây dựng các hoạt động cụ thể để xóa các điểm nóng, phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao nhận thức cho học sinh ở các trường học. Từ mô hình điểm của Q.Thanh Khê sẽ nhân rộng khắp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trong cả nước để giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải
nhựa hiện nay.