(Tin Môi Trường) - Cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với hàng không quốc tế (CORSIA) của ICAO là một trong những nghiên cứu của Cục Hàng không Việt Nam về CORSIA. TMT giới thiệu cùng bạn đọc tóm tắt nghiên cứu
Vào ngày 6 tháng 10 năm 2016, phiên họp thứ 39 của Hội đồng
ICAO đã kết thúc với việc thông qua một kế hoạch toàn cầu dựa trên các biện pháp thị trường để giải quyết lượng phát thải CO2 từ hàng không quốc tế. Quyết định lịch sử này là lần đầu tiên một ngành công nghiệp đơn lẻ đã thống nhất được một biện pháp toàn cầu dựa trên thị trường trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ngành hàng không lần đầu tiên đề xuất biện pháp này năm 2009 và đã hỗ trợ quá trình triển khai của
ICAO kể từ đó.
Sự nhất trí gần đây của
ICAO cho thấy ngành công nghiệp hàng không quyết tâm duy trì các cam kết về biến đổi khí hậu và góp phần đáp ứng các mục tiêu
quốc tế về
giảm phát thải khí nhà kính. Thật vậy, trong năm 2009, ngành hàng không đặt ra ba mục tiêu toàn cầu để giải quyết tác động của khí hậu:
Thứ nhất: Cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu trung bình hàng năm là 1,5% từ năm 2009 đến 2020. Ngành đang trên đà đạt được mục tiêu ngắn hạn này.
Thứ hai: Ổn định lượng phát thải CO2 ròng ở mức năm 2020 không tăng phát thải các-bon. Biện pháp toàn cầu dựa vào thị trường là một trong những yếu tố giúp ngành hàng không đáp ứng mục tiêu trung hạn không tăng phát thải các-bon từ năm 2020, bằng cách bổ sung công nghệ, nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường, các biện pháp khai thác và cơ sở hạ tầng.
Thứ ba: Đến năm 2050,
giảm lượng khí thải CO2 của hàng không xuống còn một nửa so với năm 2005. Mục tiêu đầy tham vọng này sẽ chỉ có thể đạt được với việc tiếp tục đầu tư vào các công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho việc triển khai nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường.
Những mục tiêu
giảm CO2 này là tham vọng, nhưng có thể đạt được, và chiến lược mà ngành hàng không đã thực hiện đang mang lại kết quả. Khả năng đạt được mục tiêu không tăng phát thải các-bon gần đây đã được đảm bảo bởi sự đồng thuận triển khai Chương trình bù đắp và
giảm phát thải các-bon cho hàng không
quốc tế (CORSIA) của
ICAO vào tháng 10 năm 2016.
Ngành hàng không cam kết cải tiến công nghệ, khai thác và cơ sở hạ tầng để tiếp tục
giảm lượng khí thải các-bon của ngành. Việc bù đắp không nhằm thay thế những nỗ lực này. CORSIA có thể giúp ngành đạt được các mục tiêu khí hậu trong ngắn hạn và trung hạn bằng cách bổ sung các sáng kiến
giảm phát thải trong ngành.
Mục tiêu thứ ba của hàng không là thách thức lâu dài cho ngành. Không tăng trưởng các-bon từ 2020 là một biện pháp duy trì, chứ không phải là một giải pháp toàn diện. Giảm phát thải tổng thể xuống một nửa không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng công việc đã được tiến hành để đặt nền móng cho quá trình
giảm phát thải. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua phát triển và đổi mới công nghệ, lĩnh vực thế mạnh của ngành hàng không, và với sự đầu tư và hỗ trợ phù hợp của các chính phủ.
CORSIA được thiết lập bởi Nghị quyết Đại hội đồng
ICAO A39-3 là cơ chế bù đắp toàn cầu. Theo CORSIA, các Nhà khai thác tàu bay sẽ được yêu cầu mua và hủy "các đơn vị phát thải" để bù đắp sự gia tăng lượng khí thải CO2 được đề cập trong chương trình.
Thuật ngữ "nhà khai thác tàu bay" được
ICAO sử dụng để loại trừ các hoạt động trực thăng khỏi phạm vi áp dụng của CORSIA. Ngoại trừ các chuyến bay nhân đạo, y tế và cứu hỏa. Tất cả các hoạt động dân dụng của máy bay đều được CORSIA điều chỉnh, bao gồm cả chuyến bay theo lịch và không theo lịch, chuyến bay chở khách và hàng hóa, huấn luyện và kỹ thuật, cũng như hàng không chung và cá nhân.
CORSIA đặt mục tiêu giải quyết bất kỳ sự gia tăng hàng năm trong tổng lượng khí thải CO2 từ hoạt động hàng không dân dụng
quốc tế so với mức năm 2020. Với mục đích của CORSIA, các chuyến bay
quốc tế được định nghĩa là các chuyến bay khởi hành tại một quốc gia thành viên
ICAO và đến một quốc gia thành viên
ICAO khác. Mức cơ sở sẽ không phải là mức phát thải vào năm 2020, mà là mức phát thải trung bình của năm 2019 và 2020. Sử dụng mức trung bình sẽ hạn chế tác động của bất kỳ biến động bất thường nào trong lưu lượng hàng không vào năm 2020.
Chương trình cũng cung cấp một số miễn trừ kỹ thuật. Tuân thủ nghị quyết A39-3, lượng phát thải được miễn sẽ không được gán cho bất kỳ Nhà khai thác tàu bay nào và do đó không phải chịu bất kỳ yêu cầu bù đắp nào. Lời mở đầu của Nghị quyết nhấn mạnh rằng các biện pháp dựa vào thị trường không trùng lặp và phát thải CO2 từ hàng không
quốc tế chỉ được tính một lần. CORSIA là MBM áp dụng cho lượng khí thải CO2 từ hàng không quốc tế.
Trong bối cảnh giải quyết các mối lo ngại về biến đổi khí hậu, bù đắp là một hành động của một công ty hoặc cá nhân để bù đắp cho lượng khí phát thải của họ bằng cách tài trợ
giảm phát thải ở nơi khác. Trong khi bù đắp các-bon không yêu cầu các công ty
giảm phát thải của họ, nó cung cấp một lựa chọn hiệu quả về môi trường cho các lĩnh vực mà tiềm năng để tiếp tục
giảm phát thải bị hạn chế hoặc chi phí
giảm phát thải quá cao.
Bù đắp và thị trường các-bon đã là một thành phần cơ bản của chính sách
giảm khí phát thải toàn cầu, khu vực và quốc gia. Những chính sách này đã thực hiện trong nhiều thập kỷ vì các mục đích tuân thủ và
giảm phát thải tự nguyện, và tiếp tục là một cơ chế hiệu quả để củng cố hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Có thể sử dụng nhiều cách để
giảm lượng CO2 như bù đắp các-bon, phần lớn lượng bù đắp này mang lại các lợi ích xã hội, môi trường và/hoặc ngành kinh tế khác có liên quan đến phát triển bền vững. Bù đắp như vậy có thể được lấy từ các loại hoạt động dự án khác nhau (ví dụ: các dự án năng lượng tái tạo) và có thể được mua thông qua các nhà cung cấp bù đắp chuyên dụng hoặc môi giới các-bon.
Các giai đoạn áp dụng, đối tượng áp dụng
Các giai đoạn áp dụng của CORSIA của ICAO -Nguồn: ICAO
Để giải quyết các mối quan tâm của các quốc gia đang phát triển và có tính đến các hoàn cảnh đặc biệt và khả năng tương ứng của các quốc gia, CORSIA sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc triển khai theo từng giai đoạn chỉ liên quan đến các yêu cầu bù đắp. Tất cả các Nhà khai thác tàu bay phát thải hơn 10.000tấn CO2 mỗi năm
đối với các chuyến bay
quốc tế sẽ phải báo cáo lượng phát thải cho tất cả các chuyến bay
quốc tế từ ngày 1/1/2019, bao gồm cả các chuyến bay đến/từ các quốc gia được miễn trừ.
Giai đoạn thí điểm (2021-2023) và giai đoạn đầu tiên (2024-2026): Từ năm 2021 đến 2026, các yêu cầu bù đắp sẽ chỉ áp dụng cho các chuyến bay
quốc tế giữa các quốc gia tình nguyện tham gia thí điểm và/hoặc giai đoạn đầu tiên (quốc gia A, E và D trong ví dụ này).
Bất kỳ Nhà khai thác tàu bay nào khai thác giữa các quốc gia tình nguyện (⬌ dòng màu xanh) sẽ phải đáp ứng các yêu cầu bù đắp, ngay cả khi có trụ sở tại quốc gia được miễn trừ.
Tất cả các chuyến bay
quốc tế khác đến và đi từ các quốc gia không tình nguyện (B, F và C) sẽ được miễn các yêu cầu bù đắp (⬌ dòng màu xám).
Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 từ tất cả các chuyến bay quốc tế, bao gồm cả các chuyến bay được miễn yêu cầu bù đắp, sẽ phải được theo dõi, thẩm định và báo cáo hàng năm.
(i)Giai đoạn 2
Từ năm 2027, các yêu cầu bù đắp sẽ áp dụng cho tất cả các chuyến bay
quốc tế (bao gồm cả những quốc gia không tình nguyện tham gia các giai đoạn thí điểm và giai đoạn đầu: B và F), trừ các chuyến bay đến hoặc từ các quốc gia đáp ứng ít nhất một trong hai tiêu chí sau (C):
-Các nước kém phát triển, quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước đang phát triển không có đất liền; hoặc
-Các quốc gia đại diện cho một phần nhỏ các hoạt động hàng không
quốc tế (theo RTK): bao gồm các quốc gia chiếm ít hơn 0,5% tổng RTK từ hàng không
quốc tế vào năm 2018.
(ii)Tham gia tự nguyện
Các quốc gia được miễn trừ có thể quyết định tham gia chương trình vào đầu mỗi năm. Yêu cầu duy nhất là họ trao đổi quyết định của họ với
ICAO trước ngày 30/6 của năm trước.
Các quốc gia quyết định tham gia CORSIA trên cơ sở tự nguyện có thể ngừng tham gia tự nguyện từ chương trình từ ngày 01 tháng 01 của bất kỳ năm nào, miễn là họ thông báo cho
ICAO chậm nhất là ngày 30 tháng 6 của năm trước.
Đến ngày 28/6/2018, 72 quốc gia đã tình nguyện tham gia CORSIA. Danh sách các quốc gia tình nguyện tham gia liệt kê trong Phụ lục 2.
(iii)Các lãnh thổ hải ngoại
Đối với CORSIA, các sân bay ở các vùng lãnh thổ hải ngoại được coi là thuộc Quốc gia thành viên
ICAO tương ứng. Đây cũng là trường hợp cho các lãnh thổ hải ngoại có thể, trong một số tổ chức, được đồng hóa với các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ. Ví dụ: các chuyến bay đến/từ Polynesia thuộc Pháp sẽ được coi như các chuyến bay đến/từ lục địa Pháp.
Theo CORSIA, mỗi chặng bay của một chuyến bay với điểm dừng trung gian được coi là chuyến bay riêng biệt và việc áp dụng CORSIA sẽ được xác định cho từng chặng bay riêng lẻ. Ví dụ, nếu một Nhà khai thác tàu bay khai thác tuyến bay từ New York tới Bangkok với một điểm dừng ở London, hoạt động bay giữa New York và London sẽ được xem xét độc lập với hoạt động giữa London và Bangkok.
Sự tham gia của một số nước từ giai đoạn thử nghiệm (pilot phase) - Những điểm nhìn tham chiếu cho Việt Nam.
Đến 29/06/2018, 72 quốc gia đã bày tỏ ý định tham gia trong giai đoạn tự nguyện, đại điện cho khoảng 75.95% hoạt động hàng không quốc tế, bao gồm các nước có hoạt động hàng không
quốc tế lớn như các nước G7 (Ca-na-đa, Mỹ, Nhật, Ý, Đức, Anh, Pháp), Úc. Các nước khu vực đông nam Á dự kiến tình nguyện tham gia gồm: In-đô-nê-xia, Xing-ga-po, Ma-lai-xia, Thái Lan (Phụ lục 2).
Tuy nhiên, những nước có hoạt động hàng không
quốc tế lớn như Brazil, Chile, Nam Phi, Nga, Trung Quốc và Ấn độ hiện chưa bày tỏ ý định tham gia trong giai đoạn tự nguyện.
Lợi ích của các thành viên tham gia CORSIA:
Ngoài tầm quan trọng chính mà các quốc gia tập trung thực hiện là bảo vệ môi trường và đặc biệt quan trọng là các hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, 3 lý do chính để tham gia CORSIA là:
Một là, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực toàn cầu. CORSIA là một chương trình toàn cầu của ngành hàng không
quốc tế toàn cầu. Càng nhiều quốc qua tham gia CORSIA, chương trình càng kiểm soát được nhiều khí phát thải (tính toàn vẹn môi trường đạt được cao hơn). Mỗi quốc gia tham dự trong CORSIA sẽ mang chúng ta gần hơn với mục tiêu mong ước toàn cầu của
ICAO là không tăng trưởng các-bon từ năm 2020. Thậm chí, nếu 1 quốc gia không có Nhà khai thác tàu bay đăng ký (do vậy sẽ không có chi phí tuân thủ CORSIA), khi tham gia vào chương trình sẽ thêm vào các đường bay do các nhà khai thác tàu bay nước ngoài khai thác giữa quốc gia đó và các quốc gia tham gia, do vậy sẽ tăng phạm vi kiểm soát phát thải của chương trình. Quốc gia quan tâm đến du lịch sinh thái cũng sẽ hưởng lợi do việc kết nối giao thông “hàng không xanh”.
Hai là, các quốc gia tình nguyện tham gia giai đoạn thử nghiệm của CORSIA (từ 2021 đến 2023) và yêu cầu hỗ trợ sẽ được ưu tiên để xây dựng năng lực và trợ giúp, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện CORSIA dưới tiêu chí “không quốc gia nào lùi lại phía sau”. Xây dựng dựa trên cơ sở xây dựng năng lực và các sáng kiến trợ giúp, điều này có thể tạo thêm sự hiệp lực cho việc cải thiện các vấn đề môi trường trong quốc gia này.
Ba là, nghị quyết A39-3 của Hội đồng
ICAO yêu cầu hội đồng thúc đẩy việc sử dụng các đơn vị phát thải có lợi cho các nước đang phát triển. Các thành viên trong CORSIA sẽ làm tăng nhu cầu
đối với các đơn vị phát thải do các nhà khai thác tàu bay mua, do đó tăng các ưu đãi đầu tư vào các dự án
giảm phát thải của quốc gia thành viên.
Một số nhận xét về CORSIA.
Hiện nay, trên thế giới đã có Liên minh châu Âu thực hiện chương trình kiểm soát và mua bán phát thải (EU ETS) áp dụng
đối với tất cả các chuyến bay giữa các quốc gia ngoài châu Âu với các quốc gia châu Âu và các chuyến bay trong châu Âu. Tuy nhiên, với sự hình thành của CORSIA, EU đã có những hành động hỗ trợ như tạm dừng ETS
đối với tất cả các chuyến bay tới/từ EU. Ngoài ra, một số nước lớn cũng đã từng manh nha triển khai các chương trình tương tự tại nước mình.
CORSIA là cơ chế toàn cầu về các giải pháp kiểm soát,
giảm phát thải, do đó được sự ủng hộ rộng rãi về mặt nguyên tắc của hầu hết các nước trên thế giới. Sự ra đời của CORSIA sẽ tránh được việc áp dụng các chương trình riêng lẻ của các quốc gia hoặc khu vực
đối với hoạt động hàng không quốc tế, và do đó cũng công bằng hơn
đối với các nước.
Các biện pháp bù đắp phát thải của CORSIA dựa trên các quy luật của thị trường toàn cầu (GMBM), theo nguyên tắc là Nhà khai thác tàu bay phải bù đắp lượng phát thải của mình bằng cách mua lại những đơn vị phát thải trên thị trường. Các đơn vị phát thải sẽ được cấp cho các dự án mới có tác động tốt với môi trường (trồng rừng,…), tái tạo năng lượng (điện mặt trời, điện gió, …), các biện pháp
giảm ô nhiễm môi trường (năng lượng sinh học, năng lượng sạch,…). Vì vậy, CORSIA mượn bàn tay vô hình của thị trường để điều chỉnh
giảm phát thải, và nguồn tài chính từ chi phí bù đắp phát thải của các Nhà khai thác tàu bay sẽ đến được các dự án làm lợi cho môi trường - những người làm công việc này hiệu quả hơn các hãng hàng không, không phân biệt quốc gia, tổ chức.
Do CORSIA đang được triển khai hoàn toàn mới và trên thế giới chưa từng có tiền lệ nên các yêu cầu của chương trình còn tiếp tục được hoàn thiện, có thể thay đổi, cập nhật; việc cụ thể hóa các yêu cầu để triển khai thực hiện còn chưa đầy đủ. CORSIA cũng có hạn chế là do cần sự đồng thuận của đa số các quốc gia nên việc đưa ra những quyết sách cần nhiều thời gian và đôi khi khó khăn, bế tắc do bất đồng quan điểm khi các nước bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình.
Ví dụ:
đối với vai trò của
ICAO trong việc quyết định đơn vị phát thải đủ điều kiện để được công nhận theo CORSIA, một nhóm các quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc, đã bày tỏ sự nghi ngại về việc trao quyền phê chuẩn các đơn vị phát thải đủ điều kiện cho Hội đồng ICAO. Cụ thể, các quốc gia đó không đồng ý rằng
ICAO được phép đánh giá tính hợp lệ của các đơn vị phát thải được tạo ra thông qua các cơ chế được thành lập theo Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Hiệp định Paris. Mục tiêu của họ là đảm bảo rằng các đơn vị phát thải được lưu trữ trong phạm vi quyền hạn tương ứng của họ sẽ đủ điều kiện theo CORSIA. Các quốc gia khác, đặc biệt là trong EU, đang dựa vào Nghị quyết của Hội đồng năm 2016 yêu cầu cụ thể các đơn vị phát thải UNFCCC phải đủ điều kiện để sử dụng theo CORSIA, tuân theo điều kiện phù hợp với các quyết định của Hội đồng ICAO.
Tiến trình và động lực hỗ trợ CORSIA bị ảnh hưởng bởi các quyết định của một số chính phủ sử dụng giá các-bon để biện minh cho việc áp đặt các khoản thu về vận tải hàng không. Cần có những nỗ lực toàn cầu để đảm bảo sẽ không phát sinh bất kỳ khoản thu mới nào và loại bỏ bất kỳ công cụ định giá các-bon phạm vi quốc gia và khu vực hiện có áp dụng cho hàng không
quốc tế khi CORSIA có hiệu lực.
(Còn tiếp)