Việt Nam hưởng ứng phong trào toàn cầu “Rise for Climate - Đứng lên vì Khí hậu”
(12:45:43 PM 12/09/2018)
(Tin Môi Trường) - Cuối tuần vừa qua, hơn 250.000 người tại 95 quốc gia và 7 châu lục trên khắp thế giới đã tổ chức hơn 900 hoạt động để hưởng ứng phong trào toàn cầu “Rise for Climate - Đứng lên vì Khí hậu” (gọi tắt là RISE), có mục tiêu nhấn mạnh tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, và kêu gọi các nhà lãnh đạo có những hành động khẩn thiết hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tại Việt Nam, để hưởng ứng RISE, hàng loạt các hoạt động đầy sôi nổi và sáng tạo do CHANGE phối hợp cùng các đối tác và các bạn thủ lĩnh thanh niên trong mạng lưới đã được tổ chức.
Là một trong những tổ chức đối tác chính thức của 350.org để phát động RISE tại Việt Nam, CHANGE đã phối hợp cùng 350.org khởi động chuỗi hoạt động hưởng ứng bằng chương trình tập huấn thường niên mang tên “Trại Thủ lĩnh Khí hậu Việt Nam” (tên viết tắt: VCLC2018) dành cho 30 bạn thủ lĩnh trẻ yêu môi trường xuất sắc nhất tại Phan Thiết từ ngày 31/07 – 05/08/2018 nhằm trang bị kiến thức và những kỹ năng thực tế cho các thủ lĩnh trẻ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) tại địa phương mình và chuẩn bị tham gia ngày hành động toàn cầu RISE. VCLC 2018 là trại thủ lĩnh tiếp nối chuỗi chương trình bắt đầu từ năm 2017.
Bên cạnh đó, để truyền tải các thông điệp của RISE một cách sáng tạo và truyền cảm hứng hơn, CHANGE cũng hợp tác cùng các đơn vị bảo trợ để sản xuất video ca nhạc (MV) “Rise for Climate” với sự tham gia của các nghệ sĩ Thanh Bùi, Hoàng Bách, Bích Ngọc, Benjamin James, Quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 Ngọc Duy, Nhóm P336 Band, Bảo Thanh cùng các học viên nhí của Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul. Ngoài ra, để bài hát “Rise for Climate” được phố biển rộng rãi hơn trong cộng đồng, CHANGE cũng đã phối hợp với Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul phát động cuộc thi “Hát vì khí hậu” nhằm kêu gọi các bạn trẻ tham gia hát và quay lại video phần trình diễn của mình cho bài hát này để tham gia dự thi từ ngày 10 -23/9/2018.
“Với sự tham gia ở quy mô chưa từng có của cộng đồng toàn cầu, RISE đã tạo nên một sức ảnh hưởng lớn lên các nhà lãnh đạo thế giới, điển hình là hai Thị trưởng của hai thành phố New York và London đã vừa tuyên bố là hai thành phố này sẽ thoái vốn khỏi nhiên liệu hoá thạch, và kêu gọi các thành phố khác cũng làm như vậy. Điều thú vị tôi muốn nói ở đây, là hoạt động RISE ở các quốc gia khác nhau được tổ chức hoàn toàn khác nhau, phù hợp với vấn đề và hoàn cảnh của từng quốc gia. Và tôi rất tự hào là RISE Việt Nam với rất nhiều hoạt động đa dạng và sáng tạo nằm trong số các chiến dịch nổi bật nhất trong phong trào toàn cầu. Với sự tham gia của các nghệ sĩ, và giới trẻ, với nón lá đưa các thông điệp về BĐKH, hình ảnh của RISE Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội,” bà Hoàng Thị Minh Hồng – Giám đốc CHANGE chia sẻ.
Các bạn thủ lĩnh thanh niên sau khi tham gia chương trình “Trại Thủ lĩnh Khí hậu Việt Nam” cũng đã được truyền cảm hứng và tự đứng ra tổ chức các hoạt động hết sức thú vị dưới sự bảo trợ của CHANGE, bao gồm:
Chuỗi tọa đàm “Cơn lốc khí hậu” nhằm chia sẻ các kiến thức về BĐKH và kêu gọi mọi người cùng hành động nhằm hưởng ứng RISE ở Cần Thơ ngày 25/8, An Giang ngày 27/8 và TPHCM ngày 30/8 tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, ngày 4/9 tại Là Nhà Milk Tea And Cake và ngày 5/9 tại Đại học Khoa học Tự nhiên thu hút hơn 300 bạn trẻ đến từ nhiều trường Đại học tham gia.
Chuỗi tọa đàm “BUH TED Talk” nhằm chia sẻ các kiến thức về BĐKH và kêu gọi mọi người cùng hành động nhằm hưởng ứng RISE tại Đại học Ngân hàng, TPHCM ngày 26/8 thu hút hơn 50 bạn sinh viên.
Nhảy đồng diễn flashmob với nón lá “Đứng lên vì khí hậu – Rise For Climate” để gửi thông điệp từ VN đến các bạn bè quốc tế về RISE tại Đại học An Giang ngày 4/9, bến Ninh Kiều - Cần Thơ ngày 5/9 và Đại học Hoa Sen - TPHCM với hơn 200 bạn trẻ tham gia.
Hoạt động truyền thông kêu gọi ghép chữ RISE đã nhận được hơn 100 tấm hình ghép chữ bằng nhiều nguyên liệu khác nhau và khoảng 300 người sử dụng khung hình mang thông điệp RISE để đổi hình đại diện trên Facebook cá nhân.
“Khi lên kế hoạch các hoạt động hưởng ứng RISE, các thành viên ban tổ chức chúng tôi muốn tạo nên một điều khác biệt, một bầu không khí thân thiện để các bạn tham gia có thể thoải mái chia sẻ, trao đổi với nhau, vì phần lớn người tham gia đều là sinh viên, đã quá “chán” những tiết học gò bó. Để làm được điều đó, tất cả thành viên đã dày công lên kế hoạch chi tiết để các hoạt động được thú vị nhất,” bạn Nguyễn Thanh Hòa – Trưởng nhóm RISE tại Cần Thơ chia sẻ. “Mình rất vui khi đến cuối chương trình, các bạn tâm sự rằng tham gia RISE đã giúp các bạn học thêm được nhiều điều bổ ích về BĐKH, nhưng quan trọng hơn, nó giúp các bạn tìm thấy niềm đam mê trong việc bảo vệ môi trường, và muốn bắt tay vào làm ngay một dự án gì đó cho cộng đồng.”
“RISE có lẽ là chiến dịch lớn nhất, thử thách nhất mà mình từng tham gia. Vấn đề BĐKH thì khá mới mẻ, hình thức lại phải sáng tạo, nên phải thừa nhận BTC bọn mình đã có lúc rất lo lắng và căng thẳng, nhiều ngày liền bọn mình phải thức đến một hai giờ đêm để nghĩ ý tưởng,” bạn Tạ Thị Ánh Tuyết – Trưởng nhóm RISE tại An Giang chia sẻ. “Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị tổ chức vẫn là khoảng thời gian đáng nhớ nhất, vì chúng mình hiểu rằng, những việc chúng mình đang làm sẽ có những tác động tích cực lên môi trường của chính quê hương mình. Những lúc khó khăn nhất, cả bọn lại động viên nhau “chúng mình sẽ cứu lấy trái đất nè”, thế là bao nhiêu mệt mỏi lại tan biến. Lòng nhiệt huyết và sự cố gắng đó của mọi người đã khiến mình cảm thấy thật hạnh phúc.”
Chiến dịch RISE toàn cầu do 350.org quốc tế phát động, với sự hỗ trợ của hàng trăm tổ chức đối tác (trong đó có CHANGE), nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu Hành động vì Khí hậu (Global Climate Action Summit) diễn ra từ 12 - 14/9/2018 tại bang California của Mỹ. Được tổ chức chỉ vài ngày trước Hội nghị này, với ngày hành động chính là thứ Bảy, 08 tháng Chín, RISE là cơ hội để cộng đồng trên khắp thế giới gây sức ép lên các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị, từ đó gây sức ép lên các chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, để họ có những hành động khẩn cấp và thiết thực hơn để cứu khí hậu, điển hình là thông qua việc giảm thiểu nhiên liệu hoá thạch và hướng tới việc chuyển dịch sang 100% năng lượng tái tạo cho một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Tại San Francisco nơi diễn ra Hội nghị, hơn 30.000 người đã xuống đường, và dùng các hình thức nghệ thuật đường phố như tranh vẽ trên đường khổ lớn đưa thông điệp đại diện cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hạn hán, và ô nhiễm do nhiên liệu hoá thạch gây ra. Ở Pháp, hơn 50.000 người đã xuống đường tại Paris, trong tổng số hơn 150.000 người tổ chức các hoạt động RISE trên khắp nước Pháp, biến đây thành ngày hành động cộng đồng lớn nhất trong lịch sử nước này. Ở Nam Mỹ, các cộng đồng ở Peru đã tạo nên một hình tượng “cánh rừng di chuyển”, để nói đến tác động nghiêm trọng của BĐKH nơi đây. Tại Brazil, các cộng đồng có các hoạt động để vận động Thị trưởng thành phố Curitiba cam kết trở thành thành phố không các-bon đầu tiên của Brazil.
Tại các quốc đảo ngoài khơi Thái Bình Dương vốn bị đe doạ nghiêm trọng nhất bởi tình trạng nước biển dâng, cộng đồng đã tổ chức những sự kiện độc đáo đầy tính văn hoá truyền thống tại 15 quốc đảo, kêu gọi thế giới sử dụng NLTT để giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1.5 độ C. Tại châu Phi, hàng chục ngàn người dân và sinh viên tổ chức hàng loạt hoạt động tại Ai Cập, cộng hoà Sierra Leone, Senegal, Ghana, Congo, Nigeria, Kenya, Tanzania, Botswana, và Nam Phi, từ xuống đường tuần hành, tới các hội nghị về khí hậu khu vực, để các nhà lãnh đạo có cơ hội lắng nghe tiếng nói từ các cộng đồng bị ảnh hưởng và thảo luận các kế hoạch xây dựng các hệ thống năng lượng bền vững cho các cộng đồng này. Tại châu Á, hàng ngàn phụ nữ, nông dân, nhà hoạt động môi trường đã tuần hành ở Bangkok ngay bên ngoài toà nhà UN nơi đang diễn ra các hội nghị về BĐKH. Tại Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Nepal, các hoạt động chủ yếu xoay quanh vấn đề nhức nhối nhất của khu vực này, là ô nhiễm không khí.
Xem video về:Việt Nam hưởng ứng phong trào toàn cầu “Rise for Climate - Đứng lên vì Khí hậu”
(Tin Môi Trường) - Vào lúc 7g30 ngày 22/8/2024 tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ, Ban tang lễ và gia đình tổ chức lễ truy điệu tiễn đưa GS.TS. Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, Trưởng Ban lễ tang đọc diễn văn truy điệu: Một lịch sử tường tận, sáng ngời từ ngày người con của đồng đất An Giang ra đời, thời niên thiếu, lớn lên, trưởng thành đến ngày làm rạng rỡ quê hương, đóng góp vô cùng to lớn cho nông nghiệp, giáo dục nước nhà.
(Tin Môi Trường) - Giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những công trình nghiên cứu, những giải pháp thực tiễn mang tính đột phá, và đặc biệt là những đóng góp to lớn trong việc cải thiện cuộc sống bền vững của hàng triệu nông dân.
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 29/09/2024, gần 200 tình nguyện viên đã tham dự sự kiện “Ngày hội Dọn rác Thế giới - World Cleanup Day 2024” tại tuyến đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).