»

Thứ năm, 21/11/2024, 10:29:18 AM (GMT+7)

Những mô hình hiệu quả bảo vệ môi trường sống tại thành phố Hồ Chí Minh

(06:12:51 AM 24/07/2023)
(Tin Môi Trường) - Bảo vệ môi trường là vấn đề luôn được chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, trong đó không thể thiếu vai trò của tuổi trẻ. Phát huy vai trò xung kích, tiên phong, thanh niên Thành phố luôn là một trong những lực lượng đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả và có sức lan tỏa nhằm giúp môi trường Thành phố ngày càng được cải thiện, không gian sống xanh hơn.

 Những[-]mô[-]hình[-]hiệu[-]quả[-]bảo[-]vệ[-]môi[-]trường[-]sống[-]tại[-]thành[-]phố[-]Hồ[-]Chí[-]Minh

Lan tỏa lối sống xanh đến mọi  người - Ảnh: GX


* Tạo thói quen xử lý rác đúng cách cho người dân
 
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Doanh nghiệp Xã hội Gen Xanh được thành lập cách đây hơn 3 năm bởi một nhóm bạn trẻ với hoạt động chính là tổ chức đổi quà lấy các loại rác thải nhựa, rác thải điện tử… từ các hộ dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để đem đi xử lý, tái chế. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, đến nay, Gen Xanh đã phát triển trở thành một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp, thực hiện thành công nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa về môi trường tại Thành phố.
 
Đặng Thị Thơm (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh), nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Gen Xanh cho biết, ý tưởng thành lập Công ty bắt đầu từ những năm học cấp 3. Khi đó, mỗi ngày, Thơm đều nhìn thấy cảnh tượng bao nylon, quần áo cũ, chai nhựa, thủy tinh... bị vứt bỏ bừa bãi trên khắp các tuyến đường, ngõ hẻm. Do đó, Thơm đã quyết tâm phải thực hiện một dự án về môi trường nhằm lan tỏa lối sống xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
 
Nghĩ là làm, Thơm đã kêu gọi bạn bè cùng thành lập một nhóm tình nguyện viên thực hiện các chiến dịch “đổi rác lấy quà” tại huyện Củ Chi, nơi Thơm sinh sống. Sau nhiều hoạt động nhỏ lẻ, Thơm bắt đầu thông qua mạng xã hội tìm kiếm thêm thành viên và cải tổ lại phương thức hoạt động của nhóm theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, nhóm nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân, hộ kinh doanh cho mượn nhà và cơ sở kinh doanh để làm điểm thu gom rác. Đến tháng 2/2020, cái tên "Gen Xanh" chính thức ra đời. Theo Thơm, “gen” được hiểu theo nghĩa gen di truyền, còn “xanh” là lối sống xanh, thân thiện môi trường. Thơm tin rằng ai cũng mang trong mình một “gen” sống xanh. Chỉ cần được khơi dậy, mọi người đều sẽ có ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường.
 
Đến tháng 5/2020, Gen Xanh triển khai chiến dịch đầu tiên với tên gọi “Rác đi, quà về”, tập trung vào việc thu gom các loại rác thải nhựa và rác thải điện tử như pin, thiết bị điện gia dụng… từ các hộ gia đình. Đi vào hoạt động giữa lúc COVID-19 bùng phát nặng nề, song Gen Xanh vẫn không ngừng phát triển các chương trình, dự án theo hai hình thức online và offline phù hợp với hoàn cảnh trong từng thời điểm. Tới tháng 11/2021, Gen Xanh chính thức trở thành doanh nghiệp xã hội nhằm mở ra thêm cơ hội hợp tác, phát triển nhiều chương trình ý nghĩa hơn nữa về môi trường.
 
Hiện tại, Gen Xanh chủ yếu vẫn tập trung vào chiến dịch “Rác đi, quà về” với các hoạt động “đổi rác lấy quà” để mang đi tái chế. Bắt đầu từ một điểm đổi rác lấy quà duy nhất tại huyện Củ Chi, đến nay, Gen Xanh đã phát triển mạng lưới các điểm thu đổi trên khắp Thành phố, đồng thời kết hợp hình thức thu gom rác tại nhà nhằm tạo thói quen phân loại và xử lý rác đúng cách cho người dân. Người dân chỉ cần phân loại sẵn các loại rác có thể tái chế để giao cho Công ty sẽ được nhận lại những phần quà như: nhu yếu phẩm hoặc các sản phẩm gia dụng làm từ nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường.
 
Bên cạnh những hoạt động thu gom, tái chế rác, Gen Xanh phát triển thêm nhiều hoạt động khác như: chương trình “Ngày hội sống xanh” tổ chức tại các địa bàn khu dân cư; các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tái chế rác cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thanh thiếu niên, không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khác. Đến nay, Gen Xanh đã thu gom và xử lý, tái chế được hàng chục tấn quần áo cũ, pin, rác thải điện tử, vỏ hộp sữa, bao nylon; tổ chức được nhiều “Ngày hội sống xanh”, các chương trình về môi trường.
 
Bạn Đặng Thị Thơm chia sẻ, việc tái chế và xử lý rác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tốt. Nếu muốn đạt hiệu quả tối ưu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân với nhiều chính sách, biện pháp hợp lý. Là một đơn vị về môi trường, Gen Xanh không ngừng phát triển các hoạt động để góp sức cùng Thành phố nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn, qua đó giúp giảm bớt gánh nặng xử lý rác của ngành Môi trường Thành phố. Sắp tới, Gen Xanh sẽ tiếp tục phát triển thêm các hoạt động gây quỹ trồng rừng và nhiều hoạt động phục hồi môi trường khác đi đôi với cải thiện ý thức của người dân.
 
* “Lột xác” cho những dòng kênh, rạch ô nhiễm
 
Lấy cảm hứng từ những đoạn video trên mạng xã hội quay lại cảnh dọn dẹp rác thải tại những con kênh ô nhiễm của nhóm tình nguyện vì môi trường Padawara đến từ Indonesia, một nhóm bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng nhau thành lập nhóm tình nguyện Sài Gòn Xanh vào tháng 12/2022 nhằm dọn dẹp sạch sẽ các khu vực bị ô nhiễm vì rác thải trên địa bàn Thành phố.
 
Anh Hồ Văn Vỹ (23 tuổi, tài xế xe công nghệ), một trong những người thành lập nhóm Sài Gòn Xanh cho biết, ban đầu nhóm chỉ có 5 thành viên, tập trung vào việc dọn dẹp trên đường và các bãi rác khô. Khi nhận thấy các dòng kênh đang bị rác thải bao phủ trầm trọng, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, Sài Gòn Xanh quyết định lên kế hoạch dọn dẹp cả các dòng kênh này.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, những video quay lại công việc làm sạch các dòng kênh được Sài Gòn Xanh chia sẻ trên các trang mạng xã hội đã nhận được sự hưởng ứng và lời đề nghị tham gia từ rất nhiều bạn trẻ yêu môi trường. Đầu năm 2023, nhóm tổ chức những buổi ra quân quy mô lớn đầu tiên với sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ. Đến thời điểm hiện tại, nhóm Sài Gòn Xanh có 5 thành viên quản trị, 12 thành viên chính thức, gần 30 thành viên thân thiết và hơn 100 thành viên theo dõi trên mạng xã hội; tất cả đều trên 18 tuổi.
 
Theo anh Hồ Văn Vỹ, quy trình hoạt động của Sài Gòn Xanh bắt đầu bằng việc nhóm cử ra một Ban khảo sát những tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm nặng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kế đến, Trưởng nhóm sẽ liên hệ với Ủy ban nhân dân phường nơi có kênh, rạch bị ô nhiễm để xin phép được hoạt động và đề nghị phường hỗ trợ khâu xử lý rác, cung cấp xe rác, dụng cụ thu gom rác cho các tình nguyện viên. Nhóm sẽ lên kế hoạch chi tiết cho việc dọn dẹp, đăng tải lịch hoạt động lên các trang mạng xã hội để chốt danh sách tình nguyện viên đăng ký và thông báo địa điểm. Sau khi thu dọn xong, các tình nguyện viên sẽ mang túi rác đến xe thu gom rác do địa phương bố trí để chuyến đến điểm tập kết rác.
 
Dù là những ngày nắng gay gắt hay những ngày mưa tầm tã, hàng chục bạn trẻ vẫn không ngại khó khăn, sẵn sàng lội xuống dòng kênh đen như mực để vớt sạch những rác thải gây tắc đường cống. Mùi hôi thối và những nguy hiểm dưới dòng nước đen ngòm không hề làm các bạn e ngại. Ngược lại, các bạn luôn vui vẻ vì hiểu công việc mình đang làm có ý nghĩa rất lớn. Những hình ảnh đẹp này đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trên mạng xã hội nên ngày càng có nhiều người đăng ký tham gia các hoạt động của nhóm.
 
Đến nay, Sài Gòn Xanh đã tổ chức hơn 100 buổi ra quân, thu gom hơn 1.000 tấn rác, làm sạch 70 - 80 con kênh trên khắp địa bàn Thành phố. Trung bình, mỗi lần ra quân có khoảng 50 tình nguyện viên tham gia, cao nhất lên đến 200 bạn. Đặc biệt, đợt kết hợp với chiến dịch Mùa Hè Xanh của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa hè năm nay, hơn 1.000 bạn trẻ đã tham gia dọn hàng chục điểm kênh, rạch ô nhiễm trên địa bàn.
 
Anh Hồ Văn Vỹ cho biết, đa số các tình nguyện viên của Sài Gòn Xanh còn trong độ tuổi đi học và thành viên Ban quản trị nhóm cũng có công việc riêng. Do đó, để tổ chức được một buổi ra quân, các thành viên phải chủ động sắp xếp giữa công việc hiện tại và hoạt động của nhóm. Tuy có chút bất tiện nhưng khi thấy được thành quả những con kênh ô nhiễm đầy rác như được “lột xác”, cả nhóm lại càng quyết tâm hơn.
 
Một khó khăn khác trong hoạt động của nhóm hiện nay là kinh phí. Theo đó, chi phí chăm lo cho mỗi bạn tình nguyện viên khoảng 1,5 triệu đồng, bao gồm chi phí ăn uống, trang phục bảo hộ và tiêm 3 loại vaccine thương hàn, uốn ván, dịch tả do tính chất công việc phải thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước và rác thải ô nhiễm nặng. Tất cả những chi phí trên đều một phần dựa vào sự ủng hộ của các nhà tài trợ là cá nhân, tổ chức biết đến nhóm qua mạng xã hội. Nếu phần tài trợ không đủ, các thành viên trong Ban quản trị nhóm sẽ tự bỏ tiền túi ra để đóng góp. Anh Vỹ hy vọng, trong tương lai, nhóm sẽ nhận được sự chung tay nhiều hơn từ xã hội để những hoạt động của nhóm được chuyên nghiệp và an toàn hơn.
 
Mặc dù còn có những khó khăn, nhóm cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và đông đảo người dân xung quanh những khu vực kênh, rạch ô nhiễm; có người cho bánh, cho nước, có người lại ra phụ giúp bê rác cùng hoặc đơn giản chỉ là gửi đến những lời động viên, lời khen cho các tình nguyện viên. Sự quan tâm, tình cảm chân thật tới từ người dân và sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ đã giúp cho nhóm Sài Gòn Xanh có thêm nhiều động lực để cố gắng hơn mỗi ngày.
 
Nói về những dự định trong tương lai của Sài Gòn Xanh, anh Vỹ cho biết, nhóm sẽ cố gắng duy trì và mở rộng hoạt động với quy mô không chỉ riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đến các địa phương khác; thực hiện thêm hoạt động trồng cây, tái chế rác… Bên cạnh công việc dọn dẹp, nhóm sẽ thực hiện thêm các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân cùng chung tay không xả rác, đưa Thành phố trở thành một đô thị xanh.
 
Chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một “cuộc chiến” dài hơi, xuyên suốt, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Mong rằng những dự án, hoạt động tình nguyện vì môi trường đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh như Gen Xanh, Sài Gòn Xanh sẽ trở thành một “làn sóng” đánh thức tinh thần bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng.
Hồng Giang
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Những mô hình hiệu quả bảo vệ môi trường sống tại thành phố Hồ Chí Minh

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc

Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc

(Tin Môi Trường) - Vào lúc 7g30 ngày 22/8/2024 tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ, Ban tang lễ và gia đình tổ chức lễ truy điệu tiễn đưa GS.TS. Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, Trưởng Ban lễ tang đọc diễn văn truy điệu: Một lịch sử tường tận, sáng ngời từ ngày người con của đồng đất An Giang ra đời, thời niên thiếu, lớn lên, trưởng thành đến ngày làm rạng rỡ quê hương, đóng góp vô cùng to lớn cho nông nghiệp, giáo dục nước nhà.

Tin Môi Trường
 Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt

Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt

(Tin Môi Trường) - Giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những công trình nghiên cứu, những giải pháp thực tiễn mang tính đột phá, và đặc biệt là những đóng góp to lớn trong việc cải thiện cuộc sống bền vững của hàng triệu nông dân.

VACNE 30 năm
 Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon

Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon

(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 World Cleanup Day 2024 - Ngày hội Dọn rác tại Hà Nội

World Cleanup Day 2024 - Ngày hội Dọn rác tại Hà Nội

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 29/09/2024, gần 200 tình nguyện viên đã tham dự sự kiện “Ngày hội Dọn rác Thế giới - World Cleanup Day 2024” tại tuyến đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI