(Tin Môi Trường) - Buổi livestream kêu gọi Tắt điện 1 giờ đã đạt gần 100.000 lượt hưởng ứng trên fanpage Giờ trái đất Việt Nam và nhiều fanpage khác. Đây cũng là lần đầu tiên việc hưởng ứng Chiến dịch này được thực hiện online và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tình nguyện viên Nông Thị Hà
Độc đáo với mô hình tình nguyện viên online
Bà Lý Việt Trung, Phó tổng Biên tập Báo SGGP, Trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch Giờ trái đất 2020 cho biết, khác với cách thức tổ chức Chiến dịch Giờ trái đất các năm trước, ngay từ đầu tháng 3-2020, nhiều hoạt động
hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2020 đã được chuyển sang hoạt động online. Theo đó, các tình nguyện viên sẽ tạo ra những hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực dân cư, gia đình mình sinh sống và ghi hình chuyển về cho ban tổ chức để tổng hợp. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận hàng ngàn video clip của các tình nguyện viên gửi về và chúng tôi đã tổng hợp thành những clip chung, có tính chất điển hình để phát trên Page Giờ trái đất Việt Nam. Thông qua việc xây dựng những video clip tổng hợp trên, chúng tôi cũng mong muốn kêu gọi tình nguyện viên cũng như cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của mình.
Ghi nhận thực tế từ nội dung những video clip của các bạn tình nguyện viên trên cả nước chuyển về, những hoạt động môi trường được các bạn thực hiện tập trung vào vấn đề bảo vệ nguồn nước, thực hiện phân loại rác tại nguồn, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường sống, giảm thiểu sử dụng nhựa, xây dựng lối sống thân thiện môi trường bằng cách ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh, sản phẩm của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng… Đây cũng là những định hướng hoạt động mà ban tổ chức đã đưa ra từ đầu mùa chiến dịch.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, tuy những hoạt động bảo vệ môi trường của các bạn đơn lẻ nhưng với sự đồng lòng chung sức của nhiều người tại nhiều địa phương, khu vực khác nhau trên cả nước sẽ góp phần lan toả mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường của Chiến dịch Giờ trái đất đến khắp ngỏ ngách trên đất nước Việt Nam. Điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng môi trường sống của người dân.
Ở góc độ tình nguyện viên, bạn Nguyễn Thanh Nhiên, ngụ ở phường Liên Chiểu, TP Đà Nẵng chia sẻ, trong những năm trước, việc tham gia hoạt động
hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất Việt Nam của các bạn tại các tỉnh thành ngoài TP HCM và Hà Nội rất khó. Phần lớn đều là hoạt động tự phát của các đội nhóm yêu môi trường nên không tạo được nhiều hoạt động gây được tiếng vang cũng như có thể lan toả thông điệp yêu môi trường rộng rãi trong cộng đồng. Thế nhưng, với việc phát triển phương thức
hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất qua nền tảng online đã mở cơ hội cho tất cả các bạn có thể tham gia. Hoạt động của các bạn cũng được hỗ trợ tổ chức chặt chẽ và có định hướng rõ ràng hơn.
Tình nguyện viên Trương Quý Phát
Góp sức nhỏ xây hành động lớn
Tại buổi lễ
hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2020, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã gửi những thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường. Bà Phùng Thị Ái Vân, Trưởng Ban tổ chức Chiến dịch Giờ trái đất Việt Nam nhấn mạnh, việc
hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất Việt Nam thông qua nền tảng online đã được triển khai cách đây 3 năm. Điều này xuất phát từ thực tế số lượng tình nguyện viên tham gia
hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất ngày càng đông đảo. Những hoạt động offline không thể đáp ứng hết yêu cầu tham gia của các bạn. Mặt khác, những bạn tình nguyện viên khu vực xa xôi, tỉnh địa phương không có điều kiện tập hợp để triển khai nhiều dự án môi trường do Ban tổ chức đưa ra. Do vậy, Ban tổ chức chiến dịch đã sáng kiến và đưa ra những hoạt động
hưởng ứng chiến dịch thông qua hình thức online. Theo đó, các bạn sẽ được trao đổi, định hướng và cùng ban tổ chức xây dựng những dự án cải thiện môi trường phù hợp với địa phương, khu vực mình sinh sống. Từ đó, ban tổ chức sẽ hỗ trợ những trang thiết bị cần thiết để các bạn triển khai dự án.
Có thế thấy, chiến dịch Giờ trái đất năm nay gặp nhiều hạn chế trong việc triển khai dự án môi trường trực tiếp. Tuy nhiên, với nền tảng phát triển hình thức tình nguyện viên online đã phát triển những năm qua đã mở ra cơ hội để các tình nguyện viên phát huy khả năng, sáng tạo theo cách riêng của mình để bảo vệ môi trường. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô Thị TPHCM cho biết, để cải thiện chất lượng môi trường, vai trò của mỗi người dân trong cộng đồng rất quan trọng. Đơn cử, chỉ hành động nhỏ là phân loại trước khi thải bỏ rác của mỗi người dân, sẽ có đến 90% tổng lượng rác thải thu gom xử lý bằng phương pháp tái chế thành điện hoặc thành sản phẩm thân thiện môi trường. Khác với thực trạng rác thải hiện nay, do chưa được phân loại nên gần như 90% rác thải phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường hiện tại mà còn lâu dài.
TNV Online - Trần Thị Ngọc Hân
Ở góc độ khác, đại diện Công ty Cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức và Công ty Cổ phần Đầu tư Nước Tân Hiệp cho rằng, bảo vệ môi trường nói chung và đặc biệt bảo vệ nguồn nước nói riêng là vấn đề sống còn của mỗi người. Sẽ không có cơ quan chức năng nào có thể làm tốt vai trò bảo vệ môi trường hơn chính mỗi người dân trong cộng đồng. Trên thực tế, chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt đã bị suy giảm chất lượng trong thời gian qua. Nguyên nhân cũng được xác định là do hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân làm phát sinh lượng lớn nước thải chưa được xử lý đảm bảo an toàn trước khi thải vào hệ thống sông, kênh rạch.
Mặt khác, do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn dân cao về phía thượng lưu sông Đồng Nai, gây nguy cơ nhiễm mặn nguồn nước cấp. Do vậy, hơn lúc nào hết, việc bảo vệ môi trường cần được duy trì và lan toả mạnh mẽ để ngày càng có nhiều người dân, tình nguyện viên tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, cho dù đó là hoạt động ở quy mô nhỏ hay lớn. Điều này thật sự cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn nạn toàn cầu, hệ sinh thái suy giảm mạnh, sản lượng nguồn nước sạch ngọt đang cạn kiệt, nhiệt độ trái đất đang nóng dần lên, khối lượng băng hai đầu Nam cực và Bắc cực tan chảy nhanh và đại dương đang ngập chìm trong rác thải nhựa…