Tài nguyên - Thiên nhiên
Phá rừng trồng sắn
(10:56:47 AM 18/06/2014)
Nhiều nương sắn mọc lên trong khu vực VQG Chưmomray và KBT Thiên nhiên Ngọc Linh
Không thể thống kê hết có bao nhiêu diện tích rừng ở Tây Nguyên đã bị phá đi để trồng sắn. Chỉ riêng tại Vườn Quốc gia Chưmomray và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), tình trạng phá rừng trồng sắn đang là vấn đề đáng báo động.
VÀO VƯỜN QUỐC GIA… TRỒNG SẮN
Năm 2013, Kon Tum quy hoạch diện tích trồng sắn là 28.000 ha, thế nhưng diện tích sắn của tỉnh này năm 2013 lên đến 34.000 ha. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014, nông dân Kon Tum đã trồng được 29.000 ha sắn, con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đây trong năm nay.
Ông Phạm Đăng Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa (huyện Đăk Glei - Kon Tum), cho biết: “Nhà máy có công suất 25.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu của nhà máy là huyện Ngọc Hồi (4.300 ha) và huyện Đăk Glei (3.300 ha). Nhà máy hoạt động mỗi năm 6 tháng (từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau).
Mấy năm gần đây, Nhà máy thu mua sắn của nông dân với giá 2.050 đồng/kg (giá cam kết thấp nhất là 1.900 đồng/kg). Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, trợ cước tính theo cây số, cho vay vốn đầu tư, tạo việc làm cho bà con…”. Giá cả ổn định, thêm vào đó là sự ưu ái nhiều mặt của doanh nghiệp nên nông dân sẵn sàng chuyển đổi - thậm chí phá rừng để lấy đất trồng sắn.
Xã Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum) có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.000 ha, trong đó diện tích trồng sắn 400 ha. Nhiều năm trở lại đây, cây sắn thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/ha, do vậy mà nông dân sẵn sàng phá rừng để lấy đất trồng sắn.
Ông Phan Thanh Nam - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, cho biết: Mặc dù sắn là loại cây giúp dân thoát nghèo, nhưng việc phá rừng trồng sắn tự phát đã phá vỡ quy hoạch phát triển chung của ngành nông lâm nghiệp, gây thất thoát tài nguyên rừng, khiến đất đai bạc màu, cằn cỗi.
Tại các xã Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo - rai (huyện Sa Thầy) - nơi có vùng đệm của Vườn Quốc gia (VQG) Chưmomray, tình trạng người dân phá rừng lấy đất trồng sắn là đáng báo động. Chỉ tính riêng vài năm trở lại đây, hàng trăm ha rừng đã bị phá, thay vào đó là bạt ngàn những rẫy sắn mới được mọc lên.
Chị Y Tuyn (xã Sa Sơn), cho biết: “Ở đây, trồng lúa năng suất thấp, thường xuyên bị nước lũ cuốn trôi, trồng những loại cây khác thì không có tiền đầu tư, vậy nên không trồng sắn không biết trồng cây gì để nhanh có tiền”.
VQG Chưmomray với sự đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật có giá trị, là di sản của Đông Nam á... Tuy nhiên, nguồn lợi trước mắt mà cây sắn mang lại đã khiến bà con không ngần ngại vào VQG phá rừng trồng sắn. Nhiều diện tích vùng đệm của VQG đã nhanh chóng biến thành rẫy sắn. Ngay sát Trạm Kiểm lâm Ba Gok là rẫy sắn của bà con, sắn kéo dài, ăn sâu vào tận vùng lõi của VQG Chưmomray.
Ông Mai Nhật Văn - PGĐ Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn sinh vật của VQG Chưmomray, than thở: “Việc người dân phá rừng, lấn rừng để lấy đất trồng sắn luôn là nỗi lo lớn của chúng tôi. Mặc dù VQG và chính quyền địa phương đã rốt ráo vào cuộc xử lý, tuy nhiên tình trạng trên vẫn khó thay đổi khi mà cây sắn luôn là nguồn thu không nhỏ của người dân”.
Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Kon Tum, sắn chen nhau mọc. Bây giờ đang bước vào mùa mưa nên bà con tranh thủ xuống giống. Nơi đây, sắn mọc từ thung xa đến lũng gần, từ các khe suối men theo sườn đồi, ngút ngàn sắn...
Không chỉ VQG Chưmomray bị phá để trồng sắn mà Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (nằm trên địa bàn huyện Đăk Glei) cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tại đây, người dân không hề nương tay khi lén lút vào phát rừng, lấy đất để trồng sắn.
Ông Trần Hữu Thao - Chuyên viên Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh), cho biết: “Do diện tích đất nông nghiệp ít, nhu cầu đời sống của nhân dân ngày càng cao, trong khi cây sắn thích hợp với vùng đất này, lại đem đến thu nhập nhanh nên người dân sẵn sàng phá rừng trái phép để trồng sắn, đỉnh điểm là năm 2010. Hàng chục vụ phá rừng lấy đất trồng sắn đã được đưa ra khởi tố hình sự nhưng xem ra vẫn không ăn thua”.
BẤT LỰC?
Ông Trần Việt Cường - Phó phòng Hành chính - Kế hoạch (Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum), cho biết: “Sắn gần như là cây công nghiệp truyền thống của bà con, tạo ra giá trị sản phẩm cho thu nhập ổn định nên việc kìm hãm sự phát triển diện tích sắn vượt quy hoạch là rất khó”.
Phải chăng, sức hút từ việc kiếm tiền dễ và nhanh hơn các loại cây trồng khác đã khiến người dân bất chấp pháp luật, lén lút phá rừng để lấy đất trồng sắn?
Về công tác bảo tồn rừng trước nguy cơ bị cây sắn xâm lấn, ông Thao cho biết thêm: Hiện Khu Bảo tồn có 5 trạm Kiểm lâm địa bàn và 1 tổ Kiểm lâm cơ động, có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ xâm lấn rừng trái phép diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên việc người dân phá rừng trong Khu Bảo tồn, lấy đất trồng sắn vẫn là thách đố lớn với Khu Bảo tồn và chính quyền địa phương nơi đây.
Còn ông Nguyễn Văn Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei, cho biết: “Mấy năm gần đây, việc người dân lén lút phá rừng lấy đất trồng sắn đang trở nên khó quản lý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích rừng tự nhiên - mặc dù huyện đã có chủ trương thành lập nhiều chốt trạm bảo vệ rừng trực 24/24 vào mùa phát nương làm rẫy”.
Rõ ràng, việc nở rộ diện tích trồng sắn, đe dọa nghiêm trọng đến tài nguyên rừng đang là vấn nạn của tỉnh Kon Tum nói riêng, và các tỉnh Tây Nguyên, nói chung.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thái Bình giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
- Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh
- Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới
- Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ được đề cử thành khu Ramsar
- Hồ thủy điện Đồng Nai 4 tiếp tục bị xâm hại
- Hiện trạng rừng Việt Nam năm 2022
- COP 15 và tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học trong thập kỷ tới
- Độc đáo rừng nguyên sinh Rú Lịnh
- WWF tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong thập kỷ cơ hội của đa dạng sinh học
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.