Thứ bảy, 18/01/2025, 07:49:26 AM (GMT+7)

Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới

(08:16:55 AM 28/08/2023)
(Tin Môi Trường) - Nằm ở phía đông nam TP.HCM, với hệ thống sông rạch chằng chịt có tổng diện tích mặt nước hơn 20.000ha và 34.813ha rừng phòng hộ, Cần Giờ không chỉ được biết đến là "lá phổi xanh" của TP mà còn là vùng ngập, bán ngập có hệ sinh thái đa dạng phong phú…

 Cần[-]Giờ[-]sắp[-]trở[-]thành[-]khu[-]Ramsar[-]thế[-]giới

Rừng ngập mặn Cần Giờ ở TP.HCM được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam 
 
Với những đặc điểm trên, rừng phòng hộ Cần Giờ đang được đề xuất trở thành khu Ramsar của thế giới (các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar).
 
Đa dạng sinh học, nhiều loài quý hiếm
 
Theo hồ sơ đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar của UBND TP.HCM, hiện có bốn tiêu chí đã đáp ứng bộ tiêu chí chung. Trong các tiêu chí đã đạt được cho thấy rừng phòng hộ Cần Giờ có mức độ đa dạng sinh học cao, khu vực có nhiều loài động - thực vật quý hiếm được thế giới công nhận.
 
Qua tổng hợp kết quả công trình nghiên cứu về thành phần thực vật của rừng ngập mặn Cần Giờ, ghi nhận có 35 loại thực vật ngập mặn trong khi rừng ngập mặn Việt Nam hiện có 37 loài.
 
Do đó, rừng Cần Giờ là nơi gần như có đầy đủ các thành phần loài thực vật ngập mặn thực thụ trong cả nước. Rừng ngập mặn Cần Giờ là một hệ sinh thái hỗn giao tự nhiên bao gồm hầu hết các loài cây rừng ngập mặn "thực thụ" và loài "gia nhập". Điều này giúp tạo nên sự đa dạng sinh học và di sản các hệ thống tự nhiên cho tương lai.
 
Với tiêu chí là nơi nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp hoặc sắp nguy cấp, các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thì hiện trong 316 loài thực vật được ghi nhận ở Cần Giờ đã có 108 loài được đánh giá mức độ nguy cấp.
 
Một số loài ngập mặn thực thụ được xếp ở cấp độ sẽ nguy cấp, sắp bị đe dọa, nguy cấp như gỗ nước, chà là biển, sú, bần ổi, cóc đỏ, chiếc bàng và chùm lé, chân danh Trung Quốc và gội mum.
 
Về động vật, có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam như tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, vích, cá sấu hoa cà.
 
Với tiêu chí là nơi thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thức ăn, nơi dừng chân từ 20.000 cá thể chim nước trở lên thì hiện nay, trong khu phòng hộ huyện Cần Giờ khu quy hoạch sân chim Vàm Sát, thuộc xã Lý Nhơn, ước lượng có từ 20.000 cá thể chim nước trở lên về đây cư trú hằng năm.
 
Với tiêu chí là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở thì rừng ngập mặn Cần Giờ cũng là cái nôi tự nhiên cho rất nhiều loài tôm, cá.
 
Qua đánh giá, nghiên cứu, tuy các loài tôm, cá ít sống trọn vòng đời ở rừng ngập mặn nhưng hầu hết chúng đều đến rồi đi theo dòng thủy triều hoặc trải qua một phần của vòng đời ở các vùng cửa sông tại rừng ngập mặn. Chúng lấy rừng ngập mặn là nơi sinh sống, cung cấp thức ăn, sinh sản…
 
Cần[-]Giờ[-]sắp[-]trở[-]thành[-]khu[-]Ramsar[-]thế[-]giới
Rừng Cần Giờ TP.HCM được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam 
 
Sẽ có thêm điều kiện tiên tiến để quản lý
 
Hơn 20 năm gắn bó với rừng Cần Giờ, ông Huỳnh Đức Hoàn - trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - cho biết theo Công ước về Ramsar thì chỉ cần đạt 1/9 tiêu chí đã có thể được công nhận là khu Ramsar và hiện số tiêu chí mà Cần Giờ đạt được có phần nhiều hơn so với các khu vực khác.
 
Trong đó nổi bật với các tiêu chí về tồn tại các loại sinh cảnh đặc biệt, các loài động thực vật quý hiếm. Ngoài ra, nơi đây còn là vùng di cư của các loài chim quý hiếm đã được xác nhận.
 
Không chỉ vậy, mùa hè hằng năm Cần Giờ đều có một lượng cá heo đi vào vùng đất nội địa. Hiện nay, nhiều chuyên gia và nhà khoa học cũng đang nghiên cứu giải pháp bảo tồn quần thể này.
 
Về quy trình đề cử, ông Hoàn chia sẻ việc TP đề cử vừa qua chỉ là bước đi đầu tiên. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với đề cử thì địa phương sẽ rà soát lại lần nữa thực trạng chi tiết rồi mới trình cho Tổ chức Công ước Ramsar thế giới.
 
Bốn tiêu chí nằm ở những khu vực cụ thể nào của rừng phòng hộ Cần Giờ cần đánh giá và xác định lại mới chọn được vùng sẽ thành khu Ramsar. Bên cạnh đó, còn nhiều việc phải làm để có những đánh giá tổng quan thêm về thuận lợi, khó khăn trong việc bảo tồn vùng đất ngập nước.
 
Nói về những "lợi thế" khi trở thành khu Ramsar, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ nhìn nhận sẽ có thêm nhiều điều kiện tiên tiến để quản lý, bảo tồn, xây dựng thêm chính sách để phát triển sinh thái, khai thác phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.
 
Cần lưu ý đến xây dựng hạ tầng, các dự án lớn
 
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhìn nhận Cần Giờ là địa phương có rừng ngập mặn đẹp nhất của cả nước và đủ tiêu chuẩn trở thành khu Ramsar. Ông Long đặc biệt ấn tượng với quần thể cá heo (còn gọi cá nược Minh Hải) xuất hiện tại nơi đây (mới nhất tại khu vực cửa sông Lòng Tàu vào cuối năm 2020).
 
Dù đồng tình với đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar, nhưng vị chuyên gia này cũng lưu ý TP cần tính toán về câu chuyện phát triển hạ tầng, đô thị ở địa phương nếu muốn hình thành khu Ramsar.
 
"Nếu định hướng rừng phòng hộ Cần Giờ là một khu Ramsar trên thế giới thì TP cần phải lưu ý và tính toán kỹ hơn về việc phát triển hạ tầng, những dự án lớn tại đây bởi nó sẽ phải đối mặt những quy định nghiêm ngặt về tài nguyên, môi trường, bảo tồn rừng", ông Long nhấn mạnh.
 
Trả lời câu hỏi việc TP.HCM vừa có đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đã có quy hoạch vị trí cụ thể, việc này có ảnh hưởng tới khu vực dự tính thành khu Ramsar hay không?
 
Ông Huỳnh Đức Hoàn nhận định việc hình thành khu Ramsar sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung theo định hướng của địa phương và TP.HCM đang hướng tới.
 
Bên cạnh đó TP cũng đã có nghiên cứu, ước tính và tiên lượng được sự tác động lẫn nhau giữa việc hình thành cảng trung chuyển và khu Ramsar thông qua các đánh giá tác động môi trường.
 
Trong quá trình thi công, TP sẽ có những giải pháp hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường. Ngoài ra khu Ramsar hình thành cũng có xu hướng phát triển về phía Tiền Giang và Long An. Trong khi đó cảng trung chuyển quốc tế lại nằm ngoài phía biển (cù lao Phú Lợi).
 
Cần[-]Giờ[-]sắp[-]trở[-]thành[-]khu[-]Ramsar[-]thế[-]giới
Đồ họa: TUẤN ANH
 
Khu Ramsar là gì?
 
Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý, thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được ký năm 1971 tại thành phố Ramsar (Iran).
 
Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar.
 
Ông Trương Tiến Triển - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho hay việc lập, triển khai kế hoạch đề cử vùng đất ngập nước ven biển huyện Cần Giờ trở thành khu Ramsar là một trong những nội dung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của nghị quyết số 12 của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, chương trình hành động số 29 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện nghị quyết trên.
 
Hiện các khu Ramsar góp phần thu hút sự chú ý của quốc tế trong việc bảo tồn đất ngập nước, đồng thời tăng cường nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô giá của các vùng đất ngập nước. Từ đó tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
 
Việc công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ là khu Ramsar sẽ góp phần tạo uy tín, nâng vị thế cho TP.HCM. Qua đó mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về quản lý có hiệu quả đất ngập nước, tăng khả năng hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn xây dựng kế hoạch quản lý sử dụng khôn khéo đất ngập nước.
 
Điều này cũng góp phần nâng cao đời sống cộng đồng dân cư; tiếp cận sự hỗ trợ của quốc tế thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn đất ngập nước. Đào tạo huấn luyện nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ - công chức trong các lĩnh vực có liên quan.
 
9 tiêu chí để công nhận khu Ramsar
 
1. Chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên có trong vùng địa lý sinh học đặc biệt.
 
2. Nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp hoặc sắp nguy cấp, hoặc các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
 
3. Nuôi dưỡng quần thể các loài động, thực vật có tầm quan trọng đối với việc duy trì tính đa dạng sinh học của một khu vực địa lý đặc biệt.
 
4. Đóng vai trò hỗ trợ các loài động, thực vật đang trong giai đoạn quyết định trong vòng đời hoặc cung cấp nơi trú ẩn cho các loài này khi chúng gặp những điều kiện nguy hiểm.
 
5. Thường xuyên hỗ trợ (cung cấp thức ăn, nơi dừng chân) từ 20.000 cá thể chim nước trở lên.
 
6. Nơi cư trú thường xuyên của hơn 1% số lượng quần thể của một loài hoặc phân loài chim nước.
 
7. Nuôi dưỡng một phần lớn các loài, phân loài hoặc các họ cá bản địa, các giai đoạn của lịch sử sự sống, các mối tương tác giữa các loài hoặc các quần thể mà có tính đại diện cho các lợi ích và hoặc giá trị của đất ngập nước và do đó đóng góp vào sự đa dạng sinh học toàn cầu.
 
8. Cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng hoặc đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở tại khu đất ngập nước hay ở nơi khác tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.
 
9. Thường xuyên hỗ trợ (nơi ở, thức ăn) cho 1% số lượng một loài hoặc phân loài động vật, phi gia cầm sống phụ thuộc vào khu đất ngập nước.
 
TTO
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI