Tài nguyên - Thiên nhiên
Nên giao trực tiếp thay vì “khoán”
(10:21:13 AM 22/05/2013)Do vậy, để hóa giải mâu thuẫn đất rừng giữa người dân và các lâm trường đồng thời giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam cần có một cuộc “cách mạng” về đất rừng, tương tự như đất nông nghiệp.
“Bình mới - rượu cũ”
Theo ông Tú, năm 2003, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 28 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, quan điểm và mục tiêu chỉ đạo tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và rừng; đổi mới mô hình sản xuất để tránh sự phụ thuộc vào Nhà nước; mong muốn nông lâm trường quốc doanh có những đóng góp thiết thực hơn vào phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Áp dụng "khoán 10" cho đất rừng. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, sau 10 năm đổi mới, kết quả cho thấy quá trình này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, trong khi một phần lớn đất rừng đang bị “cạo trọc.”
Lý giải cho thực trạng trên, ông Tú cho rằng nguyên nhân chủ yếu là quá trình sắp xếp, sửa đổi mới chỉ được thực hiện theo hình thức “bình mới rượu cũ.” Hơn thế, việc đổi mới này thực chất chỉ tập trung “phần ngọn” là đổi tên lâm trường quốc doanh sang Công ty hoặc Ban quản lý rừng, còn phương thức hoạt động ở nhiều đơn vị vẫn đang bế tắc, bởi các nông lâm trường quốc doanh chưa tiến hành rà soát đất đai trên thực tế để giao lại cho địa phương.
Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng công tác quản lý đất rừng hiện vẫn còn bất cập, nhiều nơi chính quyền địa phương còn “bất lực” để tình trạng xâm lấn, “cạo trọc” đất rừng kéo dài, trong khi các công ty lâm trường thì đang có phần “đuối sức” trong quản lý.
Cũng theo giáo sư Đặng Hùng Võ, trên thực tế, các lâm trường quốc doanh hoạt động như một tổ chức mang tính trung gian. Thông thường, họ nhận quản lý đất rồi lại giao, khoán đất rừng cho hộ gia đình, nông trường viên, hay đồng bào dân tộc tại các địa phương chăm sóc, để nộp một phần lợi ích cho lâm trường.
“Rõ ràng, đây là cách làm bất hợp lý, trong khi nhiều diện tích đất rừng vẫn bị thả nổi, thất thoát,” giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nhiều diện tích rừng sau khi rà soát, thu hồi của các công ty lâm trường, tới nay vẫn chưa giao lại cho dân do chất lượng xấu, hay xa khu dân cư nên người dân không muốn nhận, chính quyền địa phương cũng không có kinh phí để thực hiện việc giao đất rừng.
“Đáng chú ý, phần lớn diện tích đất rừng được giao cho lâm trường thông thường chỉ được khoanh vẽ trên bản đồ mà không có điều tra kiểm chứng tại thực địa, trong khi một số hộ gia đình đã canh tác từ trước đó. Điều này dẫn đến mâu thuẫn về các quyền đối với đất đai, giữa các cơ quan, cá nhân, tổ chức với nhau,” giáo sư Đặng Hùng Võ nói.
Đưa ra bức tranh thực tế về tình trạng xâm lẫn đất rừng tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Phư, Phó Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc, cho biết mâu thuẫn đất rừng giữa công ty lâm trường và người dân là vấn đề rất phức tạp, không chỉ mới xảy ra mà đã kéo dài từ nhiều năm trước.
“Thực tế trên địa bàn, ở đâu có công ty lâm trường là nơi đó xảy ra mâu thuẫn với người dân. Về mặt pháp lý, đất rừng do lâm trường quản lý được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, họ có quyền sử dụng quỹ đất này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, một phần diện tích này lại nằm trên địa bàn người dân sinh sống và có nguồn gốc đất rõ ràng nên đã xảy ra tranh chấp,” ông Phư lý giải.
“Khoán 10” cho đất rừng?
Để giải quyết các mâu thuẫn đất rừng hiện nay giữa các hộ dân và lâm trường, ông Phư cho rằng công ty lâm trường nên trả lại một phần đất cho dân, để họ có điều kiện phát triển sinh kế, cũng như không gây lãng phí tài nguyên đất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Quang Tú cho rằng cần có một cuộc “cách mạng” về đất rừng, tương tự như đất nông nghiệp thay vì giao cho hợp tác xã thì giao cho người dân, hộ gia đình quản lý.
“Trên thực tế, cách làm này đã đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu đói đến nay xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vì vậy, theo tôi, Nhà nước nên giao trực tiếp đất rừng sản xuất cho người dân, chứ không phải là hình thức ‘khoán’ mà các nông lâm trường quốc doanh vẫn thường thực hiện,” ông Tú khuyến nghị.
Bổ sung ý kiến trên, ông Tô Xuân Phúc, Trưởng đại diện tổ chức Forest Trends tại Việt Nam cho rằng nên bóc tách các phần diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho chính quyền địa phương, để làm cơ sở giao cho các hộ dân đảm bảo đủ diện tích đất canh tác.
“Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích cộng đồng phát triển cơ chế nhằm hạn chế những giao dịch về đất đai dẫn đến người dân bị mất đất (ví dụ: giao đất cho nhóm hộ gia đình, cộng đồng), cũng như tạo quỹ đất dự phòng cần thiết cho cộng đồng,” ông Phúc nói.
Mặt khác, ông Phúc cũng đề xuất khi đã thực hiện các bước trên, đối với phần quỹ đất còn lại của lâm trường, tổ chức tiến hành thực hiện cho thuê đất trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các nhóm đối tượng, nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh rừng.
“Song song với đó, các thông tin có liên quan đến thay đổi sử dụng đất và tài nguyên rừng cần phải được công khai, minh bạch. Riêng đối với người dân tại chỗ cần ưu tiên đối với nguồn tài nguyên đất, rừng trước khi thực hiện việc giao, khoán cho các đối tượng bên ngoài cộng đồng,” ông Phúc khuyến nghị.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng một trong những giải pháp ưu tiên để góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng chính là thu hồi một phần diện tích rừng tự nhiên từ lâm trường để giao lại cho cộng đồng, nhóm hộ trong từng trường hợp cụ thể. Tuy vây, quá trình giao đất cũng cần kết hợp mô hình hợp tác xã để bảo vệ nguồn đất không bị thất thoát./.
“Bên cạnh đó, các công ty lâm trường nên ‘mở cửa rừng’ cho người dân tộc thiểu số được vào khai thác dưới tán rừng một cách hiệu quả, để hướng tới giảm sức ép về mâu thuẫn đất rừng đồng thời tạo nguồn sinh kế cho họ về lâu dài,” Giáo sư Đặng Hùng Võ khuyến nghị.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thái Bình giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
- Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh
- Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới
- Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ được đề cử thành khu Ramsar
- Hồ thủy điện Đồng Nai 4 tiếp tục bị xâm hại
- Hiện trạng rừng Việt Nam năm 2022
- COP 15 và tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học trong thập kỷ tới
- Độc đáo rừng nguyên sinh Rú Lịnh
- WWF tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong thập kỷ cơ hội của đa dạng sinh học
Bài viết mới:
- Hòa Bình:Công nhận Cây Di sản vào Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc (25/11/2024)
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.