Thứ ba, 21/01/2025, 10:54:29 AM (GMT+7)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ - Bắc Kạn vẫn bị tàn phá

(08:11:00 AM 24/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (tỉnh Bắc Kạn) được các nhà khoa học trong nước và thế giới đánh giá cao về sự phong phú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm thuộc diện phải được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là khu bảo tồn quốc gia nhưng nhiều năm nay tình trạng khai thác vàng, gỗ trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần huy động cả lực lượng quân đội, công an tham gia truy quét các đối tượng khai thác vàng, gỗ trái phép, nhưng tài nguyên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ vẫn bị tàn phá.

[-]Khu[-]Bảo[-]tồn[-]thiên[-]nhiên[-]Kim[-]Hỷ[-]-[-]Bắc[-]Kạn[-]vẫn[-]bị[-]tàn[-]phá

Ảnh: minh họa

 

* Rừng bị tàn phá

Theo chân một người chuyên cõng thớt thuê, chúng tôi đã chứng kiến nhiều điểm rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ gần đây lại bị các đối tượng khai thác rừng trái phép chặt hạ gỗ nghiến, có cây đường kính trên 1 mét, dài hơn 50 mét, vừa bị chặt hạ và đang được cắt thớt, xẻ thành gỗ hộp, gỗ thanh...

Trên con đường mòn gồ ghề, sau gần 2 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đã đến được các lũng khai thác vàng trái phép, như Lũng Quang, Nặm Đẩy, Xạ Hang, Lũng Mòn… thuộc thôn Bản Vin, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì (Bắc Kạn); khu vực thôn Bản Lềm, giáp ranh giữa xã Kim Hỷ (huyện Na Rì) với xã Vũ Muộn (huyện Bạch Thông). Chúng tôi thật sự kinh ngạc khi chứng kiến cảnh tượng hàng chục lán, trại “làm vàng” với cả ngàn người, cùng nhiều loại máy móc công suất lớn, thiết bị hiện đại như: Sên cao tốc, máy đông phong 18, máy khoan đá… để phục vụ việc khai thác vàng trái phép. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết những lán trại này đã có ở đây hơn 2 tháng. Mỗi lán là một nhóm có khoảng 7 đến 10 người, chủ yếu là người ở các xã lân cận và có cả người ở địa phương tham gia. Việc khai thác vàng ở đây chủ yếu là đào đất trong hang sâu mang ra để đãi hoặc phụt rửa bằng máy qua hệ thống thảm lọc, rồi dùng máng tay đãi lấy vàng. Một “bưởng vàng” cho biết, anh ta thuê người vào làm ở đây và trả lương tháng 3,5 - 4 triệu đồng/người, nuôi ăn, ngày làm khoảng 6 tiếng, công việc là chui vào hang đào đất cho vào bao tải rồi kéo ra. Ngày nào “trúng” thì được khoảng 2 chỉ vàng (tương đương gần 7 triệu đồng) trừ các khoản chi phí xăng dầu, nhân công, “làm luật” còn khoảng 3 triệu đồng.

Ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, không chỉ có tình trạng khai thác vàng mà các hoạt động khai thác gỗ trái phép cũng diễn ra khá “ngang nhiên”. Anh Hoàng Văn T. ở xã Lương Thượng, huyện Na Rì, cho biết: Tôi đã từng là người đi vác gỗ, vác thớt thuê cho "đầu nậu", nhìn những cây gỗ hàng trăm năm tuổi giữa Khu Bảo tồn bị triệt hạ mà thấy đau lòng. Việc khai thác gỗ ở đây cứ tưởng là nhỏ lẻ, thực tế không phải như thế, “nó” có tổ chức. Cưa hạ cây vào thời điểm nào, vận chuyển vào thời điểm nào đều có sự “chỉ đạo”. Những trường hợp bị bắt chỉ là những người không thuộc nhóm được “chỉ đạo” thôi.

Theo chân “người dẫn đường” đi qua nhiều cánh rừng thuộc thôn Nà Vẻn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, chúng tôi đã ghi được nhiều hình ảnh các gốc cây gỗ nghiến cũ có, cây mới bị chặt hạ lá vẫn còn tươi cũng có. Đường kính của các cây đều trên dưới 1 mét, phần nhiều gỗ đã được bổ ra theo “đơn đặt hàng” và vận chuyển đi. Tuy nhiên, vẫn còn những cây nghiến mà các đối tượng đang “xẻ thịt” để phân loại dở dang, gỗ dạng hộp có đường kính rộng 25cm, dày 10 - 15cm, dài khoảng 80 cm đến 1 mét; gỗ thanh vuông 10cm, dài 2mét và gỗ tròn dạng thớt có đường kính từ 40cm trở lên vẫn còn la liệt.

Theo anh Hoàng Văn T: Mỗi cục thớt có đường kính rộng 40 - 45cm, dày 20cm, vác từ rừng ra đến đường nhựa (quốc lộ 279) được trả công từ 150.000 đến 200.000 đồng; giá bán thớt là 400 nghìn đồng; gỗ khuôn cửa có chiều rộng 25cm, dày 10cm, dài 3,2m, mang ra đến đường nhựa mỗi thanh có giá 1 triệu đồng; ván thọ dài 2m, rộng 50cm, dày 5cm có giá bán 1,2 triệu đồng/tấm và còn nhiều chủng loại gỗ với mức giá khác nhau.

* Các nhà quản lý nói gì

Để bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, cơ quan chức năng đã đặt các trạm chốt ở những điểm xung yếu, có thể chặn được các đường ra - vào của các đối tượng khai thác rừng trái phép. Các trạm chốt kiểm lâm “canh giữ rừng” trực 24/24 giờ nhưng tình trạng “phá” Khu Bảo tồn vẫn diễn ra phức tạp.

Ông Hà Văn Viên, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2014, tình hình khai thác lâm sản, khoáng sản ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều vụ khai thác đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và khởi tố bị can. Những lúc nông nhàn hay giáp Tết là thời điểm “nóng” về việc khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép trong Khu Bảo tồn. Các đối tượng thường lợi dụng đường mòn, dùng xe máy để vận chuyển trái phép lâm sản, khoáng sản, trong khi đó lực lượng Kiểm lâm mỏng và địa hình chia cắt phức tạp nên khó ngăn chặn hết việc khai thác trái phép lâm sản và khoáng sản trong Khu Bảo tồn. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn thường xuyên nhắn tin đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ.

Theo người dân địa phương: Điểm tập kết gỗ của các đối tượng khai thác rừng trái phép chỉ cách chốt kiểm lâm tại thôn Nà Mỏ, xã Kim Hỷ khoảng 1 km, gỗ vận chuyển qua đó đều có giá. Chẳng hạn mỗi cục thớt là 50.000 đồng. Tùy từng chủng loại và giá trị của gỗ mà “mức luật” được tăng lên; mỗi xe ô tô chở gỗ phải làm luật từ 15 đến 20 triệu đồng/chuyến. Còn đối với làm vàng thì “bưởng vàng” phải làm luật 2 triệu đồng/đầu máy nổ. Khi có thông tin lực lượng liên ngành đi kiểm tra thì “trạm chốt” nơi nhận tiền sẽ thông báo cho các đối tượng khai thác vàng, gỗ trái phép để né tránh và đoàn kiểm tra sẽ được dẫn đến những khu vực không có khai thác để xem như khu bảo tồn vẫn được bảo vệ tốt. Việc khai thác chủ yếu là những nơi có sóng điện thoại để nhận thông tin từ bên ngoài, đề phòng trường hợp bất trắc. Dư luận người dân địa phương cho rằng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng được “lo lót” trong đó có cả công an xã, kiểm lâm viên, nên việc khai thác vàng, khai thác gỗ trái phép mới diễn ra rầm rộ như vậy.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Lực lượng liên ngành của huyện cùng với Kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm tra phát hiện xử lý các trường hợp khai thác lâm sản và khoáng sản trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cũng như trên địa bàn huyện, tuy nhiên việc khai thác nhỏ lẻ vẫn diễn ra thường xuyên. Vấn nạn này làm “đau đầu” các cơ quan chức năng trong khi đó vẫn chưa có cách để chấm dứt triệt để tình trạng khai thác trái phép này. Các đối tượng khai thác trong Khu Bảo tồn ngoài người ở địa phương còn có nơi khác đến và thường là những thành phần nghiện ngập, trộm cắp nên chúng còn cố thủ cả trong hang, trong rừng, thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ khi bị truy quyét. Về việc có hay không có chuyện "bảo kê" cho việc khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép thì huyện không khẳng định, phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ mới biết được.

Chúng tôi còn lưu giữ hàng tập báo cáo của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, của huyện Na Rì và các báo cáo lần nào cũng đều nêu nguyên nhân là: “Lực lượng kiểm lâm còn thiếu, một số yếu về chuyên môn nghiệp vụ; sự phối hợp giữa trạm chốt với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; địa hình rừng núi đá hiểm trở, nên…”. Chẳng lẽ lực lượng chức năng chỉ “vin” vào những lý do đó, để rồi hàng ngày, hàng tháng thậm chí là hàng năm, gỗ quý vẫn tiếp tục bị chặt hạ và các đối tượng khai thác vàng trái phép vẫn tiếp tục "cày nát" Khu Bảo tồn.

NT-ĐH
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ - Bắc Kạn vẫn bị tàn phá

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI